Về làng Như Áng
Thuộc vùng đất Mường cổ Dựng Tú xưa, làng Như Áng, xã Kiên Thọ (Ngọc Lặc) là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc anh em, trong đó người Mường chiếm số đông với nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống được lưu giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ. Nơi đây, còn được biết đến là quê của vua Lê Thái tổ.
Nhà văn hóa làng Như Áng được dựng kiểu nhà sàn truyền thống. Ảnh: Khánh Lộc
Theo sử liệu, cụ Tằng tổ (cụ nội) vua Lê Thái tổ là Lê Hối vốn người làng Như Áng. Một ngày cụ Lê Hối đi chơi ở Lam Sơn, thấy có đàn chim bay lượn dưới núi Lam như vẻ đông người tụ họp, cho rằng đây là nơi đất tốt, liền dời nhà đến đất Lam Sơn. Được ba năm thành sản nghiệp, con cháu ngày một đông, tôi tớ ngày một nhiều, bấy giờ làm chủ một miền.
Như vậy, trước khi dời nhà đến đất Lam Sơn, làng Như Áng, huyện Lương Giang, phủ Thanh Hóa (nay là thôn Thọ Phú, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc) đã là nơi sinh sống của họ Lê từ cụ Lê Hối trở về trước.
Làng Như Áng nói riêng, xã Kiên Thọ nói chung nằm trong không gian của vùng đất cổ xưa. “Từ thuở bình minh của lịch sử dân tộc, đây đã là nơi dừng chân của người Việt cổ... Người đến sau nối tiếp người đến trước, các dân tộc, dòng họ, gia đình cùng quần cư bên nhau, sát cánh chống chọi với thiên nhiên, khai phá đất đai, phát triển sản xuất và xây dựng quê hương... Những gia phả, thần phả, những câu chuyện dân gian huyền thoại được hình thành và lưu truyền trong Nhân dân đã khắc họa nên quá trình phát triển” (sách Lịch sử Đảng bộ xã Kiên Thọ).
Về Như Áng, tôi ghé thăm ngôi đền nhỏ được người dân địa phương gọi tên Lê Hoàng Điện. “Không ai biết đền Lê Hoàng Điện có từ bao giờ, trải qua biến thiên thời gian, đền phần nhiều đã bị hủy hoại. Nhiều năm trước, trên nền móng cũ, người dân trong làng đã dựng lên ngôi đền nhỏ. Đền Lê Hoàng Điện là nơi người dân Như Áng hương khói phụng thờ các vị thủy tổ của dòng họ Lê”, ông Lê Hữu Mừng, Bí thư Chi bộ thôn Thọ Phú, cho biết.
Bà Lê Thị Thu, người trông coi tại đền Lê Hoàng Điện, chia sẻ: “Đền Lê Hoàng Điện tuy không rộng lớn, bề thế song được người dân trong làng hết sức coi trọng. Ngoài các ngày lễ, tết. Đặc biệt, vào ngày mùng 7 tháng Giêng hằng năm, dân làng Như Áng cùng nhau tập trung về đền tổ chức dâng hương tưởng nhớ tiền nhân”.
Từ Như Áng sang Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh chỉ một quãng ngắn, người dân Như Áng thường ngày vẫn dạo bộ sang Lam Kinh vãn cảnh, dâng hương. Điều đặc biệt, hồ Như Áng trong khu di tích Lam Kinh thuộc địa phận làng Như Áng.
“Kết quả khai quật khảo cổ học cho biết, xưa kia hồ Như Áng là một vùng trũng, nằm giữa các quả đồi, có nhiều khe suối chảy qua để vào suối chính mà ngày nay vẫn gọi là “Hón Hướng” (chảy ra sông Chu), lợi dụng địa hình tự nhiên, nhà Lê đã tiến hành đắp đập ngăn nước để tạo thành hồ. Hồ nằm ở làng Như Áng nên có tên gọi là hồ Như Áng... Năm 2004, hồ Như Áng, đập nhà Lê, hồ Tây được nhà nước đầu tư kinh phí nạo vét lòng hồ, khơi thông dòng chảy... tạo thêm cảnh quan thiên nhiên đặc sắc cho quần thể khu di tích” (sách Di tích lịch sử Lam Kinh).
Là vùng đất Mường cổ có con người đến sinh sống từ khá sớm, cùng với nỗ lực mưu sinh, người dân Như Áng không ngừng vun đắp cho mình đời sống văn hóa tinh thần, đặc biệt là việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường. Theo chân ông Lê Hữu Mừng, tôi đến nhà sàn truyền thống - không gian văn hóa cộng đồng của người dân Như Áng.
Nhà sàn là một trong những giá trị vật chất - phản ánh kinh nghiệm của quá trình cư trú người Mường đã được nhắc đến trong Mo sử thi “Đẻ đất đẻ nước”. Nhà sàn không chỉ mang giá trị vật chất hiện hữu, thể hiện sự “tiếp nối”, cải biến, sáng tạo trong kiến trúc nhằm thích ứng với tự nhiên; đồng thời còn là không gian tinh thần chứa đựng những giá trị nhân sinh, nơi diễn ra các phong tục, tập quán lâu đời của người Mường. Đáng tiếc, vì nhiều nguyên do, cho đến nay số lượng nhà sàn ở Như Áng còn lại không nhiều.
“Với mong muốn khôi phục lại không gian, bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng, đầu những năm 2000, người dân Thọ Phú (Như Áng) đã chung tay đóng góp kinh phí để dựng nhà sàn - nhà văn hóa thôn. Đến năm 2018, nhằm đáp ứng yêu cầu hội họp, sinh hoạt văn hóa, vui chơi của người dân, nhà văn hóa thôn được tháo dời chuyển sang vị trí khác rộng rãi hơn. Cùng với kinh phí các cấp, ngành hỗ trợ, mỗi gia đình ở Như Áng đã đồng thuận đóng góp kinh phí 1 triệu đồng/hộ để nhà văn hóa, khu thể thao của thôn được xây dựng khang trang. Cho đến thời điểm hiện tại, Thọ Phú tự hào là một trong những thôn có nhà văn hóa, khu thể thao, vui chơi rộng rãi, khang trang bậc nhất huyện Ngọc Lặc”, ông Lê Hữu Mừng chia sẻ.
Trong không gian văn hóa cộng đồng, người dân Như Áng cũng không quên giữ gìn, trao truyền các giá trị văn hóa tinh thần. Là cây bông với trò diễn Pồn Pôông, những điệu xường, rồi các trò chơi dân gian như ném còn, đánh đu... được duy trì tổ chức vào các ngày lễ, tết, hội họp. Bà Bùi Thị Kiến - bậc cao niên giỏi hát xường ở Như Áng tâm tình: “Xường ví như “dân ca” của người Mường vậy. Là người Mường, từ thuở còn nằm nôi đã thấm đẫm trong những lời xường của bà, của mẹ vì thế mà biết hát xường từ lúc nào không hay. Tôi mong rằng, thông qua những sinh hoạt văn hóa tại thôn làng, những giá trị văn hóa đặc sắc của người Mường sẽ tiếp tục được lưu truyền, phát huy”.
“Làng Như Áng - thôn Thọ Phú là một trong những làng Mường cổ “đất rộng, người đông”. Tính đến năm 2023, làng có 535 hộ với trên 2.100 nhân khẩu, trong đó người Mường chiếm khoảng 60%. Với truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, dân làng siêng năng, cần cù, không ngừng nỗ lực vươn lên cuộc sống, Thọ Phú là thôn có tỷ lệ hộ nghèo còn khá thấp, đời sống người dân tương đối đồng đều”, bà Nguyễn Thị Thiện, Phó Chủ tịch xã Kiên Thọ cho biết.
Khánh Lộc
{name} - {time}
-
2024-12-13 09:21:00
Trên đất làng cổ Quần Thanh
-
2024-12-06 14:06:00
Thái bảo Thọ Quận công Cao Tư
-
2023-12-22 09:33:00
Tự hào làng Trịnh Điện
Ngôi đình trên vùng đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa Bồng Trung
Dấu tích Hội thề Lũng Nhai trên đất Ngọc Phụng
“Cuội chót” nặng lòng với dân ca, dân vũ Đông Anh
Những người trẻ tâm huyết với lịch sử, văn hóa truyền thống
Vùng đất Kẻ Nưa xưa và nay
Hà Tông Huân, bậc tôn sư
Trên đất Quang Tiền
Nâng tầm “thương hiệu” sản phẩm nghề rèn Tiến Lộc
Nữ giảng viên được tuyên dương “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”