(Baothanhhoa.vn) - “Lên chùa bẻ một cành sen ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng...” - lời hát da diết, thân thương của bài dân ca “Đi cấy” thân thuộc với mỗi người dân Việt Nam từ thuở lọt lòng, nhất là với những ai sinh ra và lớn lên ở Đông Khê (Đông Sơn). Bởi, đây là quê hương của những làn điệu dân ca, dân vũ (DCDV) Đông Anh. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, DCDV Đông Anh đã có thời bị lãng quên và chính những nghệ nhân dân gian đã dày công khôi phục, bảo tồn, mang di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia này trở lại với cuộc sống cộng đồng.

“Cuội chót” nặng lòng với dân ca, dân vũ Đông Anh

“Lên chùa bẻ một cành sen ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng...” - lời hát da diết, thân thương của bài dân ca “Đi cấy” thân thuộc với mỗi người dân Việt Nam từ thuở lọt lòng, nhất là với những ai sinh ra và lớn lên ở Đông Khê (Đông Sơn). Bởi, đây là quê hương của những làn điệu dân ca, dân vũ (DCDV) Đông Anh. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, DCDV Đông Anh đã có thời bị lãng quên và chính những nghệ nhân dân gian đã dày công khôi phục, bảo tồn, mang di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia này trở lại với cuộc sống cộng đồng.

“Cuội chót” nặng lòng với dân ca, dân vũ Đông AnhNghệ nhân Ưu tú Lê Bá Tuất cùng đội văn nghệ trong một lần biểu diễn trò Múa đèn. Ảnh: Phan Thị

Năm 2002 là dấu mốc quan trọng với người dân Đông Khê nói chung và với các nghệ nhân DCDV Đông Anh nói riêng. Khi đó, Viện Âm nhạc Việt Nam triển khai dự án “Khôi phục văn hóa phi vật thể”, trong đó phối hợp cùng Nhân dân và chính quyền Đông Khê tổ chức khôi phục các trò diễn thuộc “Ngũ trò Viên Khê”.

Nhớ lại thời điểm đó, ông Lê Bá Tuất, Nghệ nhân Ưu tú DCDV Đông Anh (thôn Viên Khê 1, xã Đông Khê) vẫn còn vẹn nguyên niềm xúc động: “Chúng tôi rơi nước mắt khi được chính quyền thông báo tin này. Đặc biệt, với những người đã từng sống ở thời vàng son của “Ngũ trò Viên Khê” là con trò, diễn viên “đình đám” một thời của làng, xem trò diễn là hoạt động văn hóa đặc trưng, là niềm tự hào của làng”.

Ký ức của ông Tuất cứ trôi dần về thời xa xưa, cái thời khi ông còn là một chàng thiếu niên đứng lén sau bức rèm sân khấu mà say sưa nhìn con trò biểu diễn. Với những chàng trai trẻ làng Đông Khê thời bấy giờ, được góp mặt trong trò diễn là ước mơ của họ lúc trưởng thành. Bởi để trở thành con trò hay người đánh trống trò không hề đơn giản. Với con trò, ngoài hình thức ưa nhìn thì con gái phải là những người chưa chồng, con trai chưa vợ, tuổi từ 12 đến 16, nhà không có chuyện buồn. Còn người đánh trống trò với vai trò cầm cân “trống sao trò vậy”, phải nhớ lời ca, thuộc các tích trò. Đội văn nghệ của làng ngoài việc phục vụ giải trí cho Nhân dân thì còn thay mặt làng tham gia lễ hội nghè Sâm. Đây là lễ hội lớn nhất của làng, được tổ chức 3 năm 1 lần. Tham gia lễ hội, mỗi làng có 1 trò diễn tiêu biểu, các con trò được làng chọn lựa kỹ lưỡng, tập luyện chỉn chu nhằm vượt qua cuộc thi cụm, để có thể trình diễn tại nghè Sâm. Được biểu diễn tại nghè Sâm là mang vinh dự về cho làng, là một diễn viên tài năng, được dân làng xem trọng.

Kể lại thời kỳ “vàng son” của DCDV Đông Anh, ông Tuất luôn cười hạnh phúc. Ông cao hứng đánh trống, rồi cất giọng hát đoạn Tiên cuội tỏ tình trong trò “Tiên cuội”: “Ô Kiều, ô thước bắc sang/ Chức Ngưu kia cũng một đoàn vầy vui”. Đây là một trong những trò tiêu biểu của “Ngũ trò Viên Khê”, con trò gồm Cuội và 12 tiên nữ. Nội dung là câu chuyện tình yêu của Cuội và nàng tiên nữ đẹp nhất, với nội dung ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương, đất nước. Thuở đó, ông Tuất là chú “cuội” được dân làng yêu thích nhờ hình thức điển trai cùng lối diễn tự nhiên. “Mỗi lần cuội lên sân khấu đều nhận được sự vỗ tay từ khán giả. Có những hôm nhận được tiền “thướng”, “trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”, chúng tôi vui mừng vô cùng khi được khán giả công nhận”, ông Tuất tâm sự.

Tuy nhiên, vai diễn tâm đắc nhất cũng là nỗi day dứt khôn nguôi của ông Tuất những năm về sau. Bởi cũng như bao loại hình nghệ thuật dân gian khác, DCDV Đông Anh rơi vào thời kỳ mai một, bị lãng quên. Nghè Sâm mất đi, lễ hội không còn, con trò cũng tan rã, thế hệ sau không chỉ biết đến DCDV Đông Anh qua lời kể của người đi trước, ông Tuất còn được gọi là “cuội chót”, tức chú cuội cuối cùng.

Chính vì lẽ đó, khi người của Viện Âm nhạc Việt Nam về làng triển khai việc phục dựng, ông Tuất như “bắt được vàng”, đề xuất cho họ lưu trú tại nhà mình. Thời gian về sau, ông tạm gác mọi công việc gia đình, cung cấp tất cả những hiểu biết của mình về DCDV Đông Anh cho các nhà nghiên cứu; đồng thời, hỗ trợ tích cực, cùng với họ trên con đường tìm tư liệu “sống” phục dựng hệ thống các trò diễn. “Không khí làng lúc đó vui như trẩy hội, mỗi thôn được giao phục dựng từ 1 - 2 trò, các cụ cao niên trong làng, con trò xưa giúp đỡ đội văn nghệ làng không quản ngày đêm. Tuy hoàn cảnh lúc đó thiếu thốn, kinh tế nhà nào cũng khó khăn, không có đạo cụ, trang phục, sân khấu trình diễn... nhưng mọi người đều rất nhiệt tình và tâm huyết, ai cũng mong muốn một di sản văn hóa phi vật thể được “sống” lại, bởi đó là trách nhiệm của thế hệ chúng tôi”, ông Tuất cho biết.

Với những trò ít phổ biến, thời gian thất truyền lâu như trò Thiếp, Sim, thành thử việc khôi phục giống như “mò kim đáy biển”. Ông Tuất cùng với các nhà nghiên cứu đi đến hết tất cả các cụ cao niên còn lại của làng và vùng lân cận, những nguyên cán bộ văn hóa, con trò có thâm niên để hỏi thông tin, hình ảnh của trò. Lần theo từng chút trí nhớ, từng lời hát điệu múa còn sót lại, ông Tuất ghi chép cẩn thận, rồi cùng mọi người chắp nối, hoàn thiện từng chút một. Mỗi lần phục dựng lại mời các cụ đến “thẩm” xem đã đúng nguyên tác chưa. Cứ như vậy, từng trò một được hoàn thiện dưới sự nhiệt tình, tâm huyết của những nghệ nhân dân gian như ông Tuất và nhà nghiên cứu. “Có những cụ sau khi được mời đến để thẩm định đã khóc và nói “cám ơn mọi người đã cho tôi sống lại một thời của tuổi trẻ”. Đó cũng là lúc chúng tôi biết trò diễn được khôi phục thành công”, ông Tuất cho biết. Để rồi từ đó, hệ thống 13 trò diễn DCDV Đông Anh như Múa đèn, Tiên cuội, Nữ quan, Trống mõ, Bắt cọp, Thiếp, Ngô, Hà Lan, Thủy, Thủy phường... dần được khôi phục và phát triển cho đến ngày nay.

Hiện tại, biệt danh “cuội chót” của ông Tuất đã không còn, những chú cuội có sức sống, trẻ trung đã và đang tiếp nối trò Tiên cuội. Đến nay, ở Đông Khê, nhất là ở làng Viên Khê ai cũng có thể thuộc từ 1 - 2 trò, đã có nhiều em học sinh là “con trò” giỏi. Vào dịp lễ hội của làng, hay ngày đại đoàn kết toàn dân thì làng Viên Khê ai cũng là con trò. Đây là niềm vui của những nghệ nhân dân gian như ông Tuất khi nhìn thấy “gia tài” văn hóa cha ông truyền lại được tiếp nối và phát huy từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Phan Thị



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]