Người giữ gìn văn hóa dân tộc Thổ
Ở thị trấn Yên Cát (Như Xuân), người ta gọi ông Lê Văn Cứu là “nhà văn hóa”, bởi những đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào Thổ tại địa phương.
Ông Lê Văn Cứu tâm huyết sưu tầm các hiện vật cũng như tìm hiểu phong tục, tập quán, đời sống, văn hóa của đồng bào dân tộc Thổ. Ảnh: Kiều Huyền
Từ đầu thế kỷ XX, các học giả Đông Dương là những người đầu tiên để lại những ghi chép về người Thổ ở Như Xuân. Họ xếp người Thổ vào nhóm người Mường, và gọi tên những người này dưới cái tên nhóm Nhà Làng (biểu ngữ như người nhà quê).
Trước Cách mạng Tháng Tám, người Thổ ở Như Xuân không có tên gọi riêng, họ được người Thái sống bên cạnh gọi là “Mọi”, người Mường gọi là người “Như Lăng”, “Lãng Lăng”, hay “đạo sọng” (nghĩa là Kinh ở trên rừng), và người Kinh gọi người Thổ là “nhà gác”, “người Mường”.
Có thể khẳng định các tài liệu thành văn ghi chép về nguồn gốc lịch sử người Thổ ở Như Xuân là khá ít, ngay cả gia phả các dòng họ, nguồn tài liệu có thể trông cậy được cũng không ghi chép đầy đủ. Họ chỉ ghi chép sơ bộ một vài đời ở trong vùng cư trú hiện nay của họ, không thấy nói đến nguồn gốc. Trong đó đáng chú ý nhất là gia phả của dòng họ Lê thờ ông tổ Lê Phúc Thành. Dưới thời của ông, vùng Yên Lễ (nay là khu phố 1, thị trấn Yên Cát) được ông tiến hành khai phá, và chiêu mộ về nhiều người. Ai vào làm dân trên đất ông khai phá đều phải cải họ thành họ Lê. Đó là nguồn gốc của nhiều người khác tộc như Kinh, Mường... “Thổ hóa”, trở thành người Thổ.
Sống trên mảnh đất “trung tâm” của người Thổ ở Như Xuân, ông Lê Văn Cứu tự thấy mình có trách nhiệm với việc bảo tồn và giữ gìn văn hóa Thổ. “Từ khoảng năm 1995 - 1996, tôi thực hiện việc sưu tầm, biên soạn, nghiên cứu phong tục, tập quán người Thổ và ghi chép theo hình thức thơ lục bát” - ông Cứu chia sẻ.
Bắt đầu từ trong chính gia đình mình, ông đã ý thức việc “mưa dầm thấm sâu”. Ông gom nhặt và sắp xếp riêng một khu vực trưng bày hiện vật đặc trưng cho văn hóa của dân tộc Thổ như: trang phục, kèn môi, trống, chiêng, công cụ lao động... “Con cháu nhìn thấy những hiện vật ấy hằng ngày, ít nhất chúng cũng hỏi xem đó là cái gì, được sử dụng trong những việc nào, rồi từ đó ăn sâu bám rễ như một thói quen, chúng sẽ không quên được ông cha mình đã làm gì. Tôi suy nghĩ như vậy đó”, ông Cứu cho biết thêm.
Chắt chiu sưu tầm từng ngày, ông đã trở thành một “kho tư liệu sống” của người dân tộc Thổ. Người cần tìm hiểu văn hóa Thổ khi đến mảnh đất này đều muốn gặp ông. Nhân dân trong vùng, mỗi dịp lễ, tết, cưới hỏi lại tìm đến ông để hỏi rõ, hỏi thêm về phong tục truyền thống. Với uy tín của mình, ông Cứu không chỉ chia sẻ với bà con những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc; tầm quan trọng của việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, ông còn động viên, khuyến khích mọi người giữ gìn trang phục truyền thống, nói tiếng Thổ, tập đánh trống, chiêng, thổi kèn môi... Nhờ đó, đến nay những bản sắc đặc trưng của dân tộc Thổ vẫn được lưu giữ.
Giới thiệu với chúng tôi về cuốn sổ ghi chép dưới dạng thơ lục bát tìm hiểu về phong tục, tập quán, dân ca dân tộc Thổ (song ngữ tiếng Thổ - tiếng Việt). Ông mong muốn từ cuốn sổ này ông sẽ giúp mọi người dễ đọc, dễ nhớ, dễ hiểu hơn khi muốn tìm hiểu về văn hóa Thổ. Ông nói: “Ngày nay, do tốc độ đô thị hóa, sự du nhập mạnh mẽ của các yếu tố văn hóa ngoại lai, dù vô thức hay có ý thức, văn hóa truyền thống đều bị tác động, biến đổi và hòa tan. Nói đến Chậm đò ho, người ta vẫn xem là một hình thức biểu diễn dân ca và múa. Tuy nhiên, ban đầu Chậm đò ho là 1 trong 5 bài hát ru của người Thổ. Đó là tiếng hát được đu đưa theo nhịp tiếng đạp chân của người mẹ nằm võng”.
Tâm huyết với những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Thổ, ông Lê Văn Cứu lại càng lo lắng về sự thay đổi. Đặc biệt là nghề dệt truyền thống gần như đã không còn, trang phục cũng không có ai mặc, ngoài lên sân khấu biểu diễn. “Tôi nghĩ rằng, ít nhất phụ nữ Thổ, mỗi người phải có một bộ váy truyền thống trong nhà để những kỳ lễ, tết, hay ngày vui... mang ra mặc. Người Thổ không có chữ viết riêng. Cái còn lại duy nhất và cần phải giữ gìn đó là tiếng nói. Thực tế hiện nay, nhiều người dù nghe được nhưng không biết nói tiếng Thổ, thậm chí nhiều người không biết nói, và cũng không hiểu người khác nó gì”.
Trăn trở với điều đó, từ cuối năm 2020, ông đã có ý định thành lập Câu lạc bộ Người Thổ, nói tiếng Thổ, yêu vốn cổ. Với mục đích để mỗi người con dân tộc Thổ hiểu thêm về phong tục, tập quán, đời sống sinh hoạt của tổ tiên, ông bà xưa. Từ đó, “gạn đục khơi trong”, kế thừa và phát huy những tinh hoa, loại bỏ hủ tục trong mỗi gia đình. Ý định là thế, và ông đề xuất một số người làm chủ nhiệm nhưng không ai dám làm, trong khi ông lại đã già, tai nghe kém. Đến đầu năm 2023, fanpage Người Thổ, nói tiếng Thổ, yêu vốn cổ chính thức được ông lập nên. Thành viên tham gia là người Thổ, trong đó ưu tiên những người biết nói tiếng Thổ.
Để minh chứng cho chúng tôi về sự gần gũi của tiếng Thổ với tiếng Mường và tiếng Kinh Nghệ An, ông cho biết: "Có nhiều từ của người Thổ y hệt tiếng Kinh - Nghệ An. Ví dụ từ “thấy”, Nghệ An và người Thổ ở đây đều nói là “chộ”. Tuy nhiên rất nhiều từ thì nói khác nhau. Như từ “con gà”, Nghệ An gọi là “Ga”, người Mường gọi là “Ca” thì người Thổ ở đây là “Kha”...
“Ngay cả tôi, có nhiều từ trước đây mình không biết, nhưng khi tham gia fanpage này, tôi đã có cơ hội tăng thêm vốn tiếng Thổ của mình”, ông Cứu cho biết. Cũng vì sự lan truyền và mong muốn giữ gìn tiếng Thổ mà số lượng người tham gia ngày càng tăng hơn. Trang fanpage này đến nay đã thu hút hàng nghìn người theo dõi, chia sẻ và trao đổi về các nội dung liên quan đến văn hóa của đồng bào Thổ, trong đó có tiếng nói.
“Không chỉ là những người bạn trên mạng internet, chúng tôi đã tổ chức 2 cuộc họp mặt thành viên. Năm đầu tiên mới tập hợp được 30 người, nhưng đến năm thứ 2 đã là hơn 100 người. Quy mô nhỏ thôi nhưng đủ để chúng tôi vững tin rằng tiếng Thổ sẽ không mất đi, người Thổ sẽ tìm đến nhau để giữ gìn tiếng nói và văn hóa của mình”.
Sinh năm 1940, đến nay ông Lê Văn Cứu đã 84 tuổi, sức đã yếu nhiều nhưng nhiêt huyết của ông thì vẫn như ngày nào. Khẳng định những đóng góp của ông Lê Văn Cứu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Yên Cát Lê Hữu Nguyên, cho biết: "Người dân ở thị trấn Yên Cát vẫn thường gọi ông là “nhà văn hóa”. Không chỉ dành thời gian sưu tầm các vật dụng sinh hoạt hằng ngày của đồng bào dân tộc Thổ, ông Lê Văn Cứu còn làm thơ, phiên dịch từ tiếng Thổ sang tiếng phổ thông, và đặc biệt, ông đã truyền dạy cho con cháu những làn điệu hát ru, khơi gợi cho con cháu giữ gìn nghề thêu dệt trang phục truyền thống người Thổ. Hiện nay, chúng tôi đang chỉnh trang chuẩn bị tổ chức lễ hội Đình Thi năm 2024, lễ hội đặc sắc, tiêu biểu và duy nhất hiện còn lưu giữ của đồng bào dân tộc Thổ ở Như Xuân, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc và lưu giữ vào kho tàng văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung và xứ Thanh nói riêng".
KIỀU HUYỀN
*** Bài viết có sử dụng tư liệu trong sách Địa chí huyện Như Xuân (NXB Thanh Hóa, 2019).
{name} - {time}
-
2024-12-06 14:06:00
Thái bảo Thọ Quận công Cao Tư
-
2024-11-29 09:59:00
Nguyễn Thượng Hiền: Từ trí thức Nho học đến chí sĩ yêu nước
-
2024-01-12 09:32:00
Những “cây cao bóng cả” của nghệ thuật hát bội
Chủ tịch Tập đoàn DVA tặng quà tết cho người nghèo huyện Ngọc Lặc
Những người giữ nghề tò he ở xứ Thanh
Dấu tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trên vùng đất Châu Lang
Về làng Như Áng
Tự hào làng Trịnh Điện
Ngôi đình trên vùng đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa Bồng Trung
Dấu tích Hội thề Lũng Nhai trên đất Ngọc Phụng
“Cuội chót” nặng lòng với dân ca, dân vũ Đông Anh
Những người trẻ tâm huyết với lịch sử, văn hóa truyền thống