Đảm bảo an toàn thực phẩm tại các khu du lịch cộng đồng
Tại các khu, điểm du lịch sinh thái cộng đồng trên địa bàn tỉnh, phần lớn nhân lực là người dân bản địa, các món ăn làm nên thương hiệu của điểm đến cũng xuất phát từ những món ăn truyền thống. Do đó, nhằm góp phần xây dựng thương hiệu du lịch sinh thái cộng đồng xứ Thanh an toàn, hấp dẫn, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) tại các điểm đến được các cấp, ngành và cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống đặc biệt quan tâm.
Du khách thưởng thức ẩm thực tại Khu Du lịch sinh thái cộng đồng bản Mạ (Thường Xuân).
Khu Du lịch sinh thái cộng đồng bản Mạ, khu phố Thanh Xuân, thị trấn Thường Xuân (huyện Thường Xuân) là điểm đến mới, song nơi đây được đông đảo khách du lịch đánh giá là điểm đến xanh - sạch - đẹp, người dân thân thiện, mến khách. Một trong những “điểm cộng” mà đông đảo du khách dành cho điểm đến này chính là đồ ăn tươi ngon, với nhiều món hấp dẫn như: canh uôi, thịt trâu gác bếp, thịt lợn bản, cá suối nướng, gà đồi... được tẩm ướp gia vị rất cầu kỳ và cẩn thận.
Được biết, những món ăn làm nên hương vị đặc trưng của bản Mạ được đồng bào dân tộc Thái nơi đây truyền từ đời này sang đời khác. Cho đến nay, để đảm bảo phục vụ du khách, đáp ứng yêu cầu của hoạt động du lịch, 100% chủ cơ sở và nhân lực phục vụ tại đây đều được tập huấn, trang bị kiến thức về kỹ thuật chế biến món ăn và tập huấn kiến thức ATTP. Chủ cơ sở lưu trú homestay Lê Quốc Cường cho biết: “Trong các dịp nghỉ lễ hoặc dịp cuối tuần, cơ sở chúng tôi có thể phục vụ tối đa 50 khách lưu trú và 150 khách ăn uống. Với lượng khách lớn, chúng tôi đặc biệt chú trọng công tác đảm bảo ATTP. Gần đây nhất, để phục vụ các đoàn khách đến dự Liên hoan văn nghệ dân gian - Phiên chợ vùng cao và Lễ hội văn hóa “Hương sắc vùng cao”, chúng tôi đã có sự chuẩn bị nguồn thực phẩm chu đáo, chủ yếu là của người dân địa phương cung cấp, các nguồn thực phẩm khác được kiểm soát chất lượng chặt chẽ và lưu mẫu. Chúng tôi xác định, món ăn không chỉ ngon mà hơn cả là vấn đề ATTP, vừa đảm bảo sức khỏe cho du khách, vừa xây dựng thương hiệu, giá trị cho chính cơ sở và điểm đến”.
Được biết, hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại bản Mạ nói riêng, các điểm đến trên địa bàn huyện Thường Xuân nói chung trong những năm gần đây tiếp tục có bước phát triển. Giai đoạn 2021-2023, trên địa bàn huyện ước đón trên 162 nghìn lượt khách; tổng thu ước đạt 30,24 tỷ đồng. Hiện toàn huyện có 16 cơ sở lưu trú đủ điều kiện đón khách. Theo đó, để đảm bảo ATTP, huyện Thường Xuân đã ban hành kế hoạch, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm. Bên cạnh đó, thành lập các đoàn kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quản lý theo kế hoạch kiểm tra liên ngành ATTP, đảm bảo không chồng chéo, trùng lắp với các đoàn thanh tra, kiểm tra của tỉnh. Đồng thời, huyện phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về ATTP trong chỉ đạo, điều hành và nâng cao nhận thức, kiến thức, thực hành đúng về ATTP cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Còn tại Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước) hiện có gần 80 cơ sở lưu trú, có thể đón tối đa 1.500 khách/ngày, đêm. Ngay từ đầu năm 2023, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương có khu, điểm du lịch xây dựng phương án đảm bảo ATTP. Đồng thời, thành lập các chốt kiểm soát thực phẩm. Đến nay, huyện đã thành lập 15 chốt/trạm kiểm soát thực phẩm, 205 tổ giám sát cộng đồng thôn/phố, thanh tra 347 cơ sở và xử lý 109 cơ sở vi phạm, cấp 172 giấy xác nhận nguồn gốc xuất xứ, vận động 2.204 cơ sở ký cam kết đảm bảo ATTP. Bên cạnh đó, hướng dẫn các chủ nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, homestay thực hiện tốt các quy định về ATTP như khám sức khỏe, cập nhật kiến thức ATTP...
Những tháng cuối năm được xem là mùa cao điểm đón khách quốc tế của Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông. Theo đó, công tác đảm bảo ATTP được các nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, homestay đặc biệt chú trọng. Ông Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho biết: Trong thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn về kỹ thuật chế biến món ăn cho các cơ sở, hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống tại Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông. Cùng với đó, huyện cũng đã phối hợp với Trường Trung cấp Thương mại Du lịch Thanh Hóa tổ chức các lớp dạy nghề, đảm bảo thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Ngoài ra, huyện chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, kết nối sản xuất - tiêu thụ các sản phẩm nông sản đặc sản, thực phẩm an toàn của địa phương đến các hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện.
Với sự quan tâm của các cấp, sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương và sự cố gắng, nỗ lực của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các khu, điểm du lịch sinh thái cộng đồng trên địa bàn tỉnh được đông đảo du khách đánh giá an toàn, thân thiện, hấp dẫn. Đây là kết quả đáng mừng để các cơ sở, hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống tiếp tục phát huy, xây dựng điểm đến thực sự an toàn, văn minh, hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.
Bài và ảnh: Hoài Anh
- 2024-11-02 14:27:00
Cư dân miền biển thờ Tứ vị Thánh nương
- 2024-10-30 16:34:00
Kết nối du lịch Thanh Hóa với các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên
- 2023-11-15 17:34:00
Đưa các tỉnh Tây Bắc trở thành thị trường quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn của du lịch Thanh Hóa
Trình diễn ẩm thực, đặc sản xứ Thanh bên lề Hội nghị liên kết phát triển du lịch tỉnh Thanh Hoá với các tỉnh Tây Bắc
Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến về phát triển du lịch nhanh, bền vững
Tour Măng Đen 3 ngày 2 đêm thưởng ngoạn sắc hoa dã quỳ
Du lịch mùa thu - đông hút khách đến xứ Thanh
Văn hóa bản địa - “Thỏi nam châm” hút du khách
Tạo đột phá phát triển du lịch những tháng cuối năm
Sản phẩm OCOP du lịch: Tiềm năng lớn, nhưng khó phát triển
Tăng cường quản lý hoạt động của các kiot thông tin du lịch
Mở ra cơ hội xây dựng tour du lịch chất lượng cao Thanh Hoá - Quảng Ninh