Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng và sự vận dụng trong giảng dạy môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam thuộc chương trình trung cấp lý luận chính trị
Nghiên cứu, nhận thức đúng đắn Cương lĩnh, đường lối của Đảng, trong đó có Cương lĩnh chính trị đầu tiên là trách nhiệm của mọi cán bộ, đảng viên nhằm tạo nên sự thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, trong hệ thống chính trị để cùng quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo được thông qua trong Hội nghị thành lập Đảng.
Ngày 3/2/1930 là sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu bước ngoặt to lớn của cách mạng nước ta với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Kể từ khi ra đời đến nay, trong suốt quá trình xây dựng, phát triển và lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đặc biệt coi trọng việc xây dựng, thực hiện các Cương lĩnh chính trị. Mỗi Cương lĩnh của Đảng được ban hành, thực hiện trong một hoàn cảnh lịch sử cụ thể và đều trở thành nền tảng tư tưởng, lý luận, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng và cách mạng Việt Nam; trở thành ngọn cờ dẫn đường, chỉ lối cho toàn Đảng, toàn dân đấu tranh, lao động, sáng tạo, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành những thắng lợi vĩ đại. Trong đó, Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng là một trong những bản Cương lĩnh đã được thực tiễn cách mạng Việt Nam trong 94 năm qua chứng minh tính đúng đắn và giá trị to lớn.
Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng chính là những văn kiện Chánh cương vắn tắt, sách lược vắn tắt do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được thông qua trong Hội nghị thành lập Đảng. Nội dung được đề cập trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã phản ánh một cách súc tích những vấn đề cơ bản có tính quy luật của cách mạng Việt Nam. Cụ thể:
Thứ nhất, về đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, Cương lĩnh xác định cách mạng Việt Nam nằm trong phạm trù cách mạng vô sản, độc lập dân tộc là bước đi đầu tiên, là điều kiện tiên quyết để đi đến xã hội cộng sản: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[1]. Đây chính là sự vận dụng lý luận cách mạng không ngừng của chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện một nước thuộc địa, phong kiến; là định hướng quan trọng để trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng đã từng bước cụ thể hóa thành những nhiệm vụ, mục tiêu phù hợp với từng thời kỳ cách mạng.
Thứ hai, về nhiệm vụ, mục tiêu của cách mạng Việt Nam, Cương lĩnh nêu rõ: Về phương diện chính trị là đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến; Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập; dựng ra Chính phủ công nông binh; Tổ chức ra quân đội công nông. Về phương diện xã hội là dân chúng được tự do tổ chức; nam nữ bình quyền; phổ thông giáo dục theo công nông hóa. Về phương diện kinh tế là thủ tiêu hết các thứ quốc trái; thâu hết sản nghiệp lớn (như công nghiệp, vận tải, ngân hàng, v.v.) của tư bản đế quốc chủ nghĩa Pháp để giao cho Chính phủ công nông binh quản lý; thâu hết ruộng đất của đế quốc chủ nghĩa làm của công chia cho dân cày nghèo; bỏ sưu thuế cho dân cày nghèo; mở mang công nghiệp và nông nghiệp; thi hành luật ngày làm 8 giờ. Đây chính là cơ sở rất quan trọng để Đảng xác định về lực lượng cách mạng và thực hiện các phương pháp, sách lược trong đấu tranh để đưa cách mạng đi đến thành công kể cả trong đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ ba, về lực lượng cách mạng, Cương lĩnh xác định: Đảng “phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng”; “Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo”; “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông (...) để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp”, “Đối với (...) phú nông, trung, tiểu địa chủ, tư sản (...) thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm chí họ đứng trung lập”[2]. Điều này có nghĩa, Cương lĩnh đã xác định lực lượng cách mạng gồm toàn bộ những người Việt Nam yêu nước, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó, công nông là gốc của cách mạng. Đây chính là định hướng quan trọng để Đảng thực hiện xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong suốt quá trình Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Thứ tư, về vấn đề đoàn kết quốc tế, Cương lĩnh xác định cách mạng Việt Nam là bộ phận của cách mạng thế giới, vì vậy, “Trong khi tuyên truyền cái khẩu hiệu nước An Nam độc lập, phải đồng tuyên truyền và thực hành liên lạc với bị áp bức dân tộc và vô sản giai cấp thế giới, nhất là vô sản giai cấp Pháp”[3]. Quan điểm này đã được Đảng hiện thực hóa trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam và tạo nên những thành công của Đảng trong thực hiện kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Thứ năm, về phương pháp cách mạng, trên cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin về bạo lực cách mạng và cũng xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, thực dân Pháp luôn dùng bạo lực phản cách mạng để đàn áp nhân dân, Cương lĩnh đã xác định phương pháp cách mạng Việt Nam là phải sử dụng phương pháp cách mạng bạo lực, chứ không đi vào con đường cải lương, thỏa hiệp. Đây cũng chính là cơ sở cho đường lối quân sự với phương pháp cách mạng đúng đắn của Đảng ta trong lãnh đạo cách mạng.
Thứ sáu, về vai trò lãnh đạo của Đảng, Cương lĩnh xác định lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam là Đảng Cộng sản Việt Nam, “đội tiên phong của vô sản giai cấp”. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng. Nội dung này vừa khẳng định vai trò và bản chất giai cấp của Đảng, vừa là sự định hướng quan trọng cho công tác xây dựng Đảng.
Nhìn chung, những nội dung cơ bản được thể hiện trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng là sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của một nước thuộc địa, phong kiến và đã được thực tiễn cách mạng Việt Nam qua 94 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam chứng minh rất rõ tính đúng đắn, sáng tạo và giá trị to lớn. Những nội dung, quan điểm đúng đắn, sáng tạo đó đã được Đảng tiếp tục vận dụng, phát triển trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), trong đường lối, chủ trương của Đảng hiện nay. Vì vậy, nghiên cứu, nhận thức đúng đắn Cương lĩnh, đường lối của Đảng, trong đó có Cương lĩnh chính trị đầu tiên là trách nhiệm của mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhằm tạo nên sự thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, trong hệ thống chính trị để cùng quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Cương lĩnh chính trị đầu tiên đã đề ra.
Đối với giảng viên giảng dạy lý luận chính trị - những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng của Đảng, thì càng phải tập trung nghiên cứu sâu sắc để từ đó tuyền truyền đến học viên – những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ở các địa phương, đơn vị, đồng thời có những cơ sở khoa học vững chắc trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Trong các môn học thuộc chương trình trung cấp lý luận chính trị, thì môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là môn học nhằm cung cấp cho người học những kiến thức về lịch sử quá trình hình thành, phát triển của Đảng và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam; những bài học kinh nghiệm trong quá trình Đảng lãnh đạo cách mạng để từ đó giúp người học củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao ý chí, hành động cách mạng trong thực hiện mục tiêu cách mạng do Đảng đề ra và vận dụng những bài học kinh nghiệm vào thực tiễn ở địa phương, đơn vị. Vì vậy, nghiên cứu những nội dung trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên và vận dụng trong giảng dạy môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, để nghiên cứu và vận dụng tốt nội dung, giá trị của Cương lĩnh chính trị đầu tiên trong giảng dạy, thì đỏi hỏi trước hết giảng viên cần phải nghiên cứu, nắm vững lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là những quan điểm về cách mạng vô sản; về mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và giai cấp; về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; về lực lượng và phương pháp cách mạng;... Đồng thời, phải nghiên cứu trong tổng thể các Cương lĩnh khác và đường lối, chủ trương của Đảng trong các thời kỳ để vừa thấy rõ được cơ sở khoa học những nội dung được đề cập trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, thấy được sự nhất quán trong quan điểm của Đảng về con đường phát triển của cách mạng Việt Nam, nhưng cũng thấy được sự linh hoạt, sáng tạo của Đảng trong vận dụng, bổ sung, phát triển, hiện thực hóa những định hướng của Cương lĩnh chính trị đầu tiên về các vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam trong quá trình Đảng lãnh đạo cách mạng trong các thời kỳ.
Trong giảng dạy, tùy vào từng bài học và nội dung cụ thể, giảng viên phải lồng ghép, đưa các nội dung của Cương lĩnh chính trị đầu tiên vào bài giảng để tuyên truyền, giúp cho học viên nắm rõ cơ sở khoa học, những định hướng quan trọng của Cương lĩnh chính trị đầu tiên về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam và sự vận dụng, phát triển của Đảng trong hoạch định Cương lĩnh, đường lối ở các thời kỳ Đảng lãnh đạo cách mạng, từ đó, học viên liên hệ với trách nhiệm của bản thân, củng cố niềm tin vào con đường mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; nâng cao ý chí và hành động trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng ở ngay chính địa phương, đơn vị mình; kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Theo đó, khi phân tích về quá trình vận động thành lập Đảng, giảng viên phải phân tích làm cho người học thấy được, trong bối cảnh khi phong trào yêu nước Việt Nam đang lâm vào khủng hoảng về đường lối và tổ chức lãnh thì việc Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập và thông qua được Cương lĩnh chính trị đầu tiên đã chấm dứt sự khủng hoảng bế tắc về đường lối và tổ chức lãnh đạo cách mạng, góp phần định hướng tư tưởng, giúp cho những người yêu nước Việt Nam thấy được con đường đi đúng của cách mạng nước ta là phải đi theo con đường của cách mạng vô sản, gắn giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp, giải phóng con người, đồng thời cũng giúp cho giai cấp công nhân Việt Nam thấy được vai trò, sứ mệnh lịch sử của họ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người.
Trong phân tích về vai trò lãnh đạo của Đảng qua các thời kỳ cách mạng, làm rõ những thành tựu và bài học kinh nghiệm của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, giảng viên cũng phải phân tích để người học thấy được những quan điểm về những vấn đề cơ bản có tính quy luật của cách mạng Việt Nam được nêu trong Cương lĩnh tiếp tục được Đảng quán triệt trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng và đã được chứng minh tính đúng đắn bằng chính những thắng lợi, những thành tựu to lớn của cách mạng Việt Nam. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến quan điểm về mục tiêu cách mạng đã được Đảng vận dụng, quán triệt xuyên suốt chặng đường 94 năm qua. Dù trong quá trình lãnh đạo cách mạng, có những thời điểm, cách mạng phải đối mặt muôn vàn khó khăn, thử thách, nhất là sau khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, Đông Âu bị sụp đổ, các thế lực thù địch đã ráo riết tấn công chống phá cách mạng Việt Nam, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, nhưng, Đảng vẫn luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đây chính là sự quán triệt sâu sắc quan điểm được nêu trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên là luôn đặt vấn đề độc lập dân tộc với vấn đề giải phóng giai cấp, giải phóng con người và giải phóng toàn xã hội.
Bên cạnh đó, giảng viên cũng phân tích, dẫn chứng để học viên thấy được, quan điểm về lực lượng cách mạng, về đoàn kết quốc tế cũng chính là nền tảng lý luận quan trọng để Đảng thực hiện chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc và thực hiện kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Hoặc quan điểm về vai trò lãnh đạo của Đảng cũng là cơ sở lý luận quan trọng để Đảng thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong suốt quá trình xây dựng, phát triển và lãnh đạo cách mạng Việt Nam,...Để từ đó, giúp cho học viên thấy rõ về giá trị to lớn của Cương lĩnh chính trị đầu tiên, đồng thời có cơ sở khoa học để củng cố niềm tin vào con đường cách mạng Việt Nam, tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng và kiên quyết đấu tranh với những quan điểm xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Mặc dù ra đời cách đây đã 94 năm, nhưng đến nay Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng vẫn giữ nguyên giá trị, là ngọn cờ dẫn lối cho cách mạng Việt Nam tiến bước trên con đường mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân đã lựa chọn là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, việc tiếp tục quán triệt để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nắm rõ về Cương lĩnh chính trị đầu tiên là hết sức cần thiết. Với chức năng, nhiệm vụ của trường chính trị và đặc thù các môn học lý luận chính trị, trong đó có môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, thì việc giảng viên phải nghiên cứu, vận dụng trong giảng dạy để truyền tải nội dung, giá trị của Cương lĩnh chính trị đầu tiên đến học viên là hết sức cần thiết và đòi hỏi giảng viên phải có sự linh hoạt, sáng tạo để mang lại hiệu quả cao, góp phần thực hiện tốt công tác giáo dục lý luận chính trị của Đảng.
ThS, GVC. Lê Hải Yến (Trưởng Chính trị tỉnh Thanh Hóa)
-----------
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.2, tr.2
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.2, tr.4
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.2, tr.4-5
{name} - {time}
-
2025-01-15 15:24:00
Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
-
2025-01-15 10:07:00
Tăng cường công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo
-
2024-02-02 20:11:00
Như Xuân: Nhiều hoạt động ý nghĩa chào mừng Kỷ niệm Ngày thành lập Đảng 3/2
“Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” - từ chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng vào việc phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên hiện nay
[Video] Công bố và trao giải Búa Liềm vàng lần thứ VIII - năm 2023
Phường Phú Sơn dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân ngày thành lập Đảng
Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng
Quan tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp
Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên
Phát huy vai trò nêu gương ở Đảng bộ xã Phú Lộc
Thanh Hóa quan tâm phát triển đô thị
Nga Sơn: Nhiều cách làm hay trong công tác “Dân vận khéo”