Cuộc chiến với “giặc lửa” của những người giữ rừng
Sâu thẳm trong những cánh rừng già thuộc dãy Pù Luông hùng vĩ, ngày đêm những kiểm lâm viên của Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Luông vẫn âm thầm len lỏi từng góc rừng, con suối, ngọn đồi để tuần tra, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến rừng.
Tổ công tác nghỉ ngơi trên đường tuần tra.
Tuần rừng những ngày cao điểm nắng nóng
Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, chúng tôi lên Khu BTTN Pù Luông, ở bản Pà Pan, xã Thành Sơn (Bá Thước) chơi, tiện thể thăm một vài người bạn đang công tác ở đây. Những ngày này, thời tiết đang cao điểm đợt nắng nóng, nhiệt độ tại khu vực phía Tây của tỉnh tăng cao. Cấp dự báo cháy rừng luôn ở mức nguy hiểm và rất nguy hiểm. Để bảo vệ nghiêm ngặt Khu BTTN Pù Luông, lực lượng kiểm lâm tại các trạm quản lý, bảo vệ rừng chủ động phân công cán bộ, chiến sĩ bám rừng, bám bản, tăng tần suất các chuyến tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng.
Vượt hành trình hơn 130km, chúng tôi có mặt tại Trạm Kiểm lâm làng Mười (xã Lũng Cao), ở độ cao 1.000m so với mặt nước biển. Sáng, trời còn hơi sương nhưng trạm đã nhộn nhịp. Người cuộn chăn màn, người chuẩn bị nấu cơm nếp ăn sáng và mang đi rừng... Trạm trưởng Vũ Văn Hà bảo: “Hôm nay anh em đi tuần rừng nên phải chuẩn bị từ sớm để lên đường mới kịp thời gian”.
Bỏ vào ba lô nắm cơm nếp bọc trong lá chuối, một vài vật dụng cá nhân và chiếc điện thoại di động, anh Hà giục các đồng sự lên đường. Anh Hà khoe: “Giờ đi rừng nhẹ nhàng hơn trước rất nhiều. Thay vì mang đủ thứ, như: bản đồ giấy, máy định vị, la bàn... thì chỉ cần mang điện thoại di động. Trong đó đã được tích hợp các ứng dụng, phần mềm chuyên dụng trong lâm nghiệp, như: phần mềm địa lý QGIS, thông tin bản đồ MapInfo, máy định vị GPS, SmartMobile... giúp phát hiện, cảnh báo sớm các thay đổi bất thường, cập nhật chính xác những biến động về rừng và đất lâm nghiệp. Mình đi rừng lúc mấy giờ, đi những đâu, mấy giờ về... máy báo về hệ thống, lãnh đạo nắm hết”.
Trạm Kiểm lâm làng Mười được giao phụ trách bốn tiểu khu: 256, 257, 260 và 261 với tổng diện tích lên đến 2.321ha rừng. Chuyến đi nhằm nắm bắt tình hình, diễn biến rừng tại các tiểu khu; kiểm tra hệ thống mốc; ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng, khai thác, săn bắt động vật rừng trái phép. Theo lời anh Hà, trạm có 3 người, so với diện tích rừng quản lý, bảo vệ thì nhân sự rất mỏng. Anh em phải thay phiên nhau bám trạm, bám địa bàn, bám bản, bám rừng để ngày đêm gác lửa, canh rừng. “Trạm xây dựng kế hoạch, phương án phân công địa bàn, các bản vùng đệm, các tuyến đường, tuyến khe trong rừng cho từng kiểm lâm phụ trách. Thông thường, mỗi thành viên ít nhất phải trực cháy 10 lần/tháng, chưa kể những lần tuần tra theo tin báo, theo hiện tượng khác thường. Vì vậy, mọi tình hình, diễn biến trên vùng rừng quản lý, các kiểm lâm viên đều nắm rõ để tham mưu kịp thời cho lãnh đạo”, anh Hà giải thích.
Các kiểm lâm viên lập lán ngủ trong rừng để canh lửa.
Ra khỏi trạm, tổ công tác theo con đường xuyên hun hút dưới tán rừng trồng. Đi hết khoảnh rừng keo tràm đã khép tán thì gặp một con suối cạn. Lốc máy ngập nước, tỏa khói trắng nghi ngút. Sau đó là con đường mòn nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo với những con dốc cao, mặt đường nhiều ổ gà, sống trâu... nên chiếc xe máy cứ nhảy chồm chồm như lên đồng. Đến Tiểu khu 260, các thành viên phải xuống đi bộ xuyên qua rừng hỗn giao, len lỏi trong vô số dây leo chằng chịt. “Đặc sản của rừng là vắt, muỗi, rắn, rết..., đi một lúc lại phải nhìn xuống xem có con nào đang “kiếm ăn” trên người mình không”, anh Hà cười tươi khi đưa tay phủi mạnh 2 ống quần và vạt áo.
Canh rừng, gác lửa bất kể ngày đêm
Gần trưa ai cũng thấm mệt nên bước chân nặng hơn, mồ hôi thi nhau tràn xuống mặt làm mắt cay xè. Tổ công tác dừng chân bên vách đá để uống nước, đồng thời xác định vị trí, phương hướng di chuyển. Càng vào sâu, số lần nghỉ ngơi lại càng nhiều vì đuối sức. Sau hơn 5 giờ đồng hồ, các anh cũng đến được tiểu khu cuối cùng, ai nấy đều ướt sũng người.
Bữa trưa trong rừng của các kiểm lâm.
Theo lời anh Hà, rừng Pù Luông ít cháy nhưng đã cháy thì rất khó kiểm soát. Bởi, địa hình núi đá, lửa thường âm ỉ dưới đất và trong lòng núi rất khó phát hiện và xử lý. Chưa kể, nước dập lửa cũng là vấn đề lớn. Có những đám cháy, anh em phải thay nhau cõng từng can nước từ dưới suối lên để dập lửa. “Dập lửa xong, anh em chúng tôi phải lần mò từng gốc cây, hốc đá để tìm lửa. Tối dựng lán ngay cạnh điểm cháy để canh lửa, vì rất có thể lửa vẫn cháy âm ỉ trong lòng đất, hang đá. Khi thật sự chắc chắn, chúng tôi mới rút. Thời gian có thể 1 ngày, 2 ngày hoặc lâu hơn”, anh Hà chia sẻ.
Vì thế, trước mùa nắng nóng, trạm đã xây dựng kế hoạch quản lý, bảo vệ rừng và phòng, chống, chữa cháy rừng. Trong đó, trạm xác định các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy xảy ra tại 2/4 tiểu khu, đặc biệt Tiểu khu 261. Đồng thời, đấu mối chỉ đạo các tổ bảo vệ rừng cộng đồng thôn, bản lập danh sách phân công cụ thể các thành viên trực 24/24 giờ vào những ngày nắng nóng có nguy cơ cháy cao.
Ngoài việc đẩy mạnh công tác bám bản, bám rừng, tăng cường tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng tại gốc; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và tổ chức ký cam kết thực hiện tốt công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng đến từng cơ sở, tổ chức và hộ gia đình; tổ chức hội nghị vùng đệm tuyên truyền, giáo dục pháp luật về rừng... Trạm Kiểm lâm làng Mười còn chuẩn bị vật tư, trang thiết bị, phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ đội nhận khoán bảo vệ rừng tại các bản sẵn sàng nhân lực tham gia chữa cháy rừng khi sự cố xảy ra, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ, 5 sẵn sàng” theo phương án phòng cháy, chữa cháy rừng của đơn vị và cấp trên đề ra; thiết lập hệ thống thông tin liên lạc, phối hợp với trung tâm phát thanh của xã, bưu điện văn hóa xã để các thông tin được thông suốt, phục vụ tốt việc chỉ huy, cứu, chữa cháy kịp thời.
Được biết, Khu BTTN Pù Luông nằm trên địa giới hành chính của 2 huyện Bá Thước và Quan Hóa, với tổng diện tích 16.999,81ha. Nơi đây có hệ sinh thái núi đá vôi thấp duy nhất ở miền Bắc nước ta, với những cánh rừng nguyên sinh hàng nghìn năm tuổi. Thảm thực vật tại Khu BTTN Pù Luông chủ yếu là loại rừng kín nhiệt đới thường xanh theo mùa, có hệ động, thực vật phong phú, đa dạng về số lượng và chủng loại với 908 loài động vật, trong đó 47 loài có tên trong Sách đỏ đang có nguy cơ tuyệt chủng, cần được bảo tồn; 257 loài IUCN (2022), như: báo gấm, beo lửa, hươu sao, gấu ngựa, sơn dương, lợn rừng, gà lôi, voọc mông trắng, cu ly, rắn hổ chúa... Ngoài ra, ở đây còn là “thủ phủ” của hàng trăm loài bướm, lưỡng cư, động vật thân mềm khác, như: 13 loài chim, 6 loài cá, 2 loài bò sát, 17 loài côn trùng... Đặc biệt, Khu BTTN Pù Luông có tới 1.579 loài thực vật, trong đó có 58 loài quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới, 106 loài IUCN (2022), như: thông Pà Cò, nghiến, lan hài, kim tuyến đá vôi, vù hương, trai lý, đỉnh tùng, rẻ tùng sọc trắng, re gừng, chò chỉ... Hiện nay, xung quanh Khu BTTN Pù Luông có trên 18.000 người sinh sống ở vùng đệm, vùng lõi. Đời sống của người dân ở đây còn nhiều khó khăn, thu nhập còn phụ thuộc vào nguồn lợi khai thác từ rừng. Điều này đã gây áp lực lớn đến công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng.
Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của các kiểm lâm viên trên đỉnh Pù Luông.
Trước thực trạng trên, ngay từ đầu năm 2024 Khu BTTN Pù Luông đã xây dựng phương án bảo vệ rừng và phòng, chống, chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, phân công cán bộ kiểm lâm trực tiếp quản lý các tiểu khu rừng đặc dụng phối hợp với Hạt Kiểm lâm Bá Thước, chính quyền địa phương, lực lượng dân quân, tự vệ và các tổ bảo vệ rừng các thôn, bản kiểm tra an ninh rừng theo định kỳ. Bên cạnh đó, đã phối hợp với các địa phương tổ chức 50 buổi tuyên truyền pháp luật cho cộng đồng về bảo vệ rừng và phòng, chống, chữa cháy rừng, với 3.539 lượt người tham gia; lập danh sách và đưa vào theo dõi quản lý 105 đối tượng tình nghi về khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trên địa bàn; tổ chức giao khoán bảo vệ rừng cho 39 cộng đồng vùng đệm, thành lập 39 tổ đội bảo vệ rừng, với 136 thành viên. Phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bá Thước, các xã vùng đệm tiến hành rà soát 451,1ha rừng thuộc diện tích 39 hộ gia đình thuộc xã Lũng Cao đang canh tác lâm nghiệp trên đất rừng đặc dụng do Khu BTTN Pù Luông quản lý; tổ chức rà soát, xác định tọa độ vị trí 124 điểm cắm bổ sung mốc cấp I trên ranh giới Khu BTTN Pù Luông thuộc địa bàn hành chính các xã Lũng Cao và Thành Sơn.
Do làm tốt công tác bảo vệ rừng và phòng, chống, chữa cháy rừng nên những năm gần đây, an ninh rừng ở Khu BTTN Pù Luông luôn ổn định và đảm bảo, riêng Trạm Kiểm lâm làng Mười 6 năm liên tiếp chưa để xảy ra tình trạng cháy rừng, góp phần nâng cao công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Bài và ảnh: Tăng Thúy
{name} - {time}
-
2024-12-15 11:29:00
Hướng dẫn cách giữ ấm cơ thể trong những ngày rét đậm
-
2024-12-15 10:43:00
Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua một hội thi
-
2024-07-15 15:38:00
Ấm áp “Bữa cơm công đoàn”
Lặng thầm đi tìm mộ liệt sĩ
Quan tâm xây dựng nhà ở cho người nghèo, gia đình chính sách
Các hoạt động kỷ niệm 74 năm ngày truyền thống lực lượng TNXP Việt Nam
Hàng loạt sân bay trên cả nước bị ảnh hưởng do áp thấp nhiệt đới
Mong mỏi “hồi sinh”
Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch tả lợn châu Phi
Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Thiết thực mô hình chợ phiên đêm ở huyện vùng biên Quan Hóa
BHXH huyện Thạch Thành đảm bảo tốt nhất việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH mới cho người thụ hưởng