COP29: Bất đồng xung quanh 300 tỷ USD mỗi năm cho các nước nghèo chống biến đổi khí hậu
Thế giới vừa nhất trí về một thỏa thuận khí hậu mới tại COP29 ở Baku, Azerbaijan. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các nước phát triển cam kết cung cấp 300 tỷ USD mỗi năm cho các nước nghèo để ứng phó với những tác động ngày càng tồi tệ của khủng hoảng khí hậu. Tuy nhiên, con số 300 tỷ USD bị nhiều nước đang phát triển chỉ trích là không đủ.
Mukhtar Babayev, chủ tịch COP29 (giữa) trong phiên họp toàn thể bế mạc Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc COP29 vào sáng 24/11 tại Baku, Azerbaijan. Ảnh: AP.
Thỏa thuận này được thông qua sau hơn 2 tuần đàm phán căng thẳng, có thời điểm chia rẽ sâu sắc và rơi vào hỗn loạn vì bất đồng chính trị và vấn đề nhiên liệu hóa thạch. Có thời điểm, các cuộc đàm phán đứng trước nguy cơ đổ vỡ, khi các nhóm đại diện cho các quốc đảo nhỏ dễ bị tổn thương và các quốc gia kém phát triển nhất đã bỏ cuộc đàm phán. Nhưng vào lúc 2h40 sáng 24/11 (giờ Azerbaijan), hơn 30 giờ sau thời hạn dự kiến, cuối cùng thỏa thuận đã đạt được với sự đồng thuận của gần 200 quốc gia.
Theo đó, 300 tỷ USD sẽ được chuyển đến các quốc gia nghèo đói và dễ bị tổn thương mỗi năm để giúp họ đối phó với tình trạng thời tiết khắc nghiệt ngày càng tàn khốc và chuyển đổi nền kinh tế sang năng lượng sạch.
Tuy nhiên, số tiền cam kết còn kém xa so với con số 1,3 nghìn tỷ USD mà các nhà kinh tế cho là cần thiết để giúp các nước đang phát triển ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu mà họ là người ít gây ra nhất.
Trong bài phát biểu ngay sau khi thoả thuận được thông qua, đại diện Ấn Độ Chandni Raina đã chỉ trích con số 300 tỷ USD là “quá ít ỏi” và gọi thỏa thuận này không thể giải quyết được thách thức to lớn mà nhân loại đang phải đối mặt.
Tina Stege, đặc phái viên về khí hậu của Quần đảo Marshall chỉ trích nặng nề các cuộc đàm phán vì cho thấy “bản chất tồi tệ nhất của chủ nghĩa cơ hội chính trị”. Bà cho biết trong một tuyên bố rằng các lợi ích từ nhiên liệu hóa thạch đã ngăn chặn tiến trình và làm suy yếu các mục tiêu đa phương mà thế giới đã và đang nỗ lực xây dựng.
COP29 tập trung nhiều vào tài chính, khí hậu nhưng cũng có những vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị.
Các nước phát triển, vốn phải chịu trách nhiệm chính cho biến đổi khí hậu, vào năm 2009 đã đồng ý cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển đến năm 2020. Lời cam kết đó, vốn đã được coi là không đủ, chỉ được hoàn thành vào năm 2022, tức là 2 năm sau thời hạn dự kiến.
Hình ảnh phiên họp toàn thể bế mạc tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP29. Ảnh: AP.
Thỏa thuận mới tại COP29 yêu cầu các quốc gia giàu có, bao gồm Hoa Kỳ và các quốc gia châu Âu, cung cấp 300 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2035, bao gồm cả nguồn tài chính công và tư.
Trong khi thỏa thuận cũng đề cập đến tham vọng lớn hơn là tăng quy mô lên 1,3 nghìn tỷ USD, các nước đang phát triển muốn các nước giàu cam kết đảm nhận phần đóng góp lớn hơn và tiền sẽ dưới hình thức tài trợ thay vì cho vay, điều mà họ lo ngại sẽ khiến mắc nợ nhiều hơn. Nhóm các nước đang phát triển G77 đã kêu gọi số tiền 500 tỷ USD. Nhưng các quốc gia phát triển đã bác bỏ vì cho rằng không thực tế trong bối cảnh kinh tế hiện tại.
Một động thái khác thúc đẩy các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ả Rập Xê Út đóng góp vào gói tài trợ khí hậu, nhưng thỏa thuận này chỉ “khuyến khích” các nước đang phát triển đóng góp tự nguyện và không áp đặt bất kỳ nghĩa vụ nào cho họ.
Li Shuo, giám đốc Trung tâm Khí hậu Trung Quốc tại Viện Chính sách Xã hội Châu Á gọi thỏa thuận này là “một thỏa hiệp sai lầm” phản ánh “địa chính trị khó khăn mà thế giới đang phải đối mặt”.
Hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào năm mà thế giới phải hứng chịu những hiện tượng thời tiết cực đoan chết người, bao gồm các cơn bão liên tiếp, lũ lụt thảm khốc, bão tàn phá và hạn hán nghiêm trọng ở miền nam châu Phi.
Tính cấp thiết của việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu chưa bao giờ rõ ràng hơn thế.
Sự kiện diễn ra tại Azerbaijan, một quốc gia dầu mỏ với nhiều lợi ích về nhiên liệu hóa thạch. Theo phân tích của liên minh các nhóm có tên Kick Big Polluters Out, hơn 1.700 nhà vận động hành lang hoặc người trong ngành nhiên liệu hóa thạch đã đăng ký tham dự các cuộc đàm phán, đông hơn đại biểu đến từ các quốc gia.
Ảnh: REUTERS.
Cái bóng của cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ cũng phủ bóng lên COP29. Trump đã gọi khủng hoảng khí hậu là trò lừa bịp, tuyên bố sẽ rút Hoa Kỳ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, làm dấy lên mối lo ngại về tương lai của hành động khí hậu đa quốc gia.
Ả Rập Xê Út, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, từng phản đối các hành động đầy tham vọng tại các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu trước đây, còn mạnh dạn hơn ở Baku khi công khai bác bỏ mọi đề cập đến dầu mỏ, than đá và khí đốt trong thỏa thuận.
“Đây lại là một COP mờ ám, nhuốm màu dầu mỏ”, Friederike Otto, một nhà khoa học về khí hậu tại Imperial College London, cho biết. “Mối quan tâm của công chúng đối với COP lần này rất thấp và sự hoài nghi đã đạt đến mức cao nhất mọi thời đại”, bà nói.
Nhiều nhà hoạt động về khí hậu đã chỉ trích nặng nề hội nghị thượng đỉnh và kết quả của nó.
“Đây là cuộc đàm phán về khí hậu kinh hoàng nhất trong nhiều năm qua do sự thiếu thiện chí của các nước phát triển”, Tasneem Essop, giám đốc điều hành Climate Action Network, cho biết.
Kết quả này “mang lại hy vọng sai lầm cho những người đang gánh chịu hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu”, Harjeet Singh, thành viên của Sáng kiến Hiệp ước Nhiên liệu hóa thạch cho biết. “Chúng ta phải kiên trì đấu tranh, yêu cầu tăng đáng kể nguồn tài chính và buộc các nước phát triển phải chịu trách nhiệm”, ông nói thêm.
Theo đánh giá, COP29 đã đi thẳng vào trọng tâm về trách nhiệm tài chính của các nước công nghiệp - những quốc gia sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ra phần lớn lượng khí thải nhà kính - để bồi thường cho những nước khác về thiệt hại ngày càng trầm trọng do biến đổi khí hậu. Nhưng COP29 cũng làm lộ rõ sự chia rẽ giữa các chính phủ giàu có bị hạn chế bởi ngân sách trong nước và các quốc gia đang phát triển đang phải gánh chịu chi phí do bão, lũ lụt và hạn hán.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, thế giới hiện đang trên đà nóng thêm 3,1 độ C vào cuối thế kỷ này, trong khi lượng khí thải nhà kính toàn cầu và việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang tiếp tục tăng.
TD
{name} - {time}
-
2024-12-09 07:03:00
Những đòn đánh của Israel “tình cờ” giúp lật đổ Tổng thống Syria Assad?
-
2024-12-08 22:04:00
Hai cuộc chiến thay đổi vận mệnh Syria
-
2024-11-24 11:40:00
“Lằn ranh đỏ” mong manh
Chiến thắng của Donald Trump khiến các nhà lãnh đạo thế giới bối rối
Nga tấn công Ukraine bằng MIRV: Sự thay đổi rõ ràng so với học thuyết răn đe Chiến tranh Lạnh
Nga thay đổi học thuyết hạt nhân: Đòn “nắn gân” có sức nặng
COP29: Các quốc gia giàu có cam kết không xây mới nhà máy điện than
Liệu có một Thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraina trong những ngày sắp tới?
Trung Quốc kêu gọi xây dựng nền kinh tế thế giới hợp tác, bền vững và đổi mới
Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công Nga: Trump thừa hưởng mức độ rủi ro của cuộc chiến
Tấn công tên lửa tầm xa vào Nga có thể là quá muộn đối với Ukraine
“Giải phẫu” chiến thắng của Donald Trump