Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030
Đó là chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024, được Bộ Y tế triển khai. Chủ đề này nhằm nhấn mạnh sự cần thiết trong việc đảm bảo tất cả mọi người, không phân biệt giới tính, tuổi tác hay điều kiện sống, đều có quyền tiếp cận các dịch vụ y tế.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc tư vấn điều trị ARV cho bệnh nhân.
Tại Thanh Hóa, hoạt động phòng chống HIV/AIDS tiếp tục đẩy mạnh, số người mắc mới HIV và số người tử vong liên quan đến HIV/AIDS đều giảm. Năm 2024, lũy tích trên địa bàn tỉnh có 9.235 ca HIV, trong đó số còn sống và quản lý được là 4.704 (4.085 người Thanh Hóa và 619 người tỉnh ngoài ở trại giam), hơn 3.000 người nhiễm HIV đã tử vong. 100% huyện, thị xã, thành phố; 97% (542/559) xã/phường báo cáo phát hiện người nhiễm HIV. Trong năm đã thực hiện xét nghiệm sàng lọc HIV cho 51.930 khách hàng có nguy cơ cao, phát hiện 102 ca HIV dương tính là người tỉnh Thanh Hóa; điều trị ARV cho 4.151 bệnh nhân tại 36 cơ sở điều trị; điều trị thay thế bằng Methadone cho 1.529 bệnh nhân tại 28 cơ sở điều trị và 11 điểm cấp phát thuốc; điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) cho 1.688 khách hàng tại 8 phòng khám công lập và tư nhân.
Trong năm 2024, Thanh Hóa mở rộng 2 cơ sở điều trị ARV tại Trung tâm Y tế huyện Ngọc Lặc và Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Lộc, nâng tổng số cơ sở điều trị ARV từ 34 cơ sở lên 36 cơ sở. Đồng thời, mở rộng thêm 1 cơ sở điều trị PrEP tại Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn, nâng tổng số lên 8 cơ sở toàn tỉnh. Các kết quả năm 2024 cơ bản đạt được theo chỉ tiêu của năm. Hoạt động giám sát, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, hoạt động can thiệp trên nhóm nghiện chích ma túy đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, các hoạt động như can thiệp ở nhóm khách hàng PrEP, bệnh nhân Methadone và tiếp cận đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) giảm so với cùng kỳ năm 2023. Một trong những tồn tại, đó là đối tượng MSM vẫn là nhóm bị kỳ thị và tự kỳ thị cao khó tiếp cận trong khi không có kinh phí cho hoạt động truyền thông quảng bá, bệnh nhân điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone (MMT) mới tham gia điều trị thấp bằng 1/3 số bệnh nhân ra khỏi chương trình và một lượng khách hàng PrEP dừng điều trị vì họ không còn tham gia vào các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cần phải dự phòng nữa...
Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS và Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024: “Đảm bảo nhân quyền trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe”; “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024, đề nghị các sở, ban, ngành, Ủy ban MTTQ tỉnh, Hội LHPN, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm các huyện, thị, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai Tháng hành động năm 2024 phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương. Kế hoạch nhằm mục tiêu tăng cường sự quan tâm của các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách cùng toàn xã hội đến công tác phòng, chống HIV/AIDS tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS: dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện HIV, điều trị sớm HIV/AIDS và đảm bảo việc tham gia bảo hiểm y tế của người nhiễm HIV hướng tới tăng tiếp cận dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV, tạo điều kiện để người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS...
Thạc sĩ Lê Trường Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Ngành y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng; nâng cao sự hiểu biết của người dân về dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Trong đó, sẽ tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS, đảm bảo việc tham gia bảo hiểm y tế của người nhiễm HIV; cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng chống HIV/AIDS cho người dân. Đồng thời đẩy mạnh truyền thông để giảm kỳ thị và phân biệt đối xử của cộng đồng đối với người nhiễm HIV; tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động phòng chống HIV/AIDS.
Phấn đấu năm 2025, có 5.200 người nghiện chích ma túy tiếp cận với chương trình bơm kim tiêm sạch; 2.000 người được điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV (PrEP) ít nhất 1 lần; 2.500 nam có quan hệ tình dục đồng giới được tiếp cận chương trình bao cao su, chất bôi trơn; 2.000 người nghiện các chất dạng thuốc phiện được tiếp cận điều trị thay thế thuốc Methadone; 100% số huyện triển khai giám sát phát hiện HIV và giám sát phát hiện trường hợp nhiễm HIV theo đúng hướng dẫn quốc gia về xét nghiệm huyết thanh học HIV theo quy định của Bộ Y tế. Cùng với đó là triển khai giám sát trọng điểm trên nhóm nghiện chích ma túy; tổ chức xét nghiệm sàng lọc HIV cho 78.000 người có hành vi nguy cơ cao; phấn đấu 95% người được điều trị ARV có tải lượng vi-rút dưới ngưỡng ức chế; 95% người được điều trị ARV được tiếp cận với dịch vụ y tế thanh toán qua bảo hiểm y tế (trừ bệnh nhân ARV trong các trại giam, tạm giam và Trung tâm 06); 100% số phụ nữ mang thai nhiễm HIV và con của họ được điều trị dự phòng lây nhiễm HIV bằng thuốc ARV.
Bài và ảnh: Tô Hà
{name} - {time}
-
2025-01-05 19:42:00
Bộ Y tế thông tin về các trường hợp mắc bệnh do virus gây viêm phổi trên người tại Trung Quốc
-
2025-01-05 09:33:00
Kiểm soát chặt các nguy cơ bùng phát dịch cuối năm
-
2024-11-29 22:43:00
Bệnh viện Trung ương Huế lập kỷ lục rút ngắn thời gian ghép tim xuyên Việt
Các bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng, đảm bảo khám, cấp cứu trong mưa lũ, thiên tai
Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi tăng cường giám sát cúm gia cầm
Hướng dẫn nội dung hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược
Bộ Y tế: Số ca mắc sởi cao hơn 111 lần so với cùng kỳ năm 2023
Quốc hội thông qua Luật bảo hiểm y tế sửa đổi với 8 điểm mới
Sự suy giảm ca mắc và tử vong chưa đủ để xóa sổ AIDS trên toàn cầu
Bộ Y tế: Các ổ dịch bệnh bạch hầu nhỏ vẫn trong tầm kiểm soát
Bộ Y tế ban hành hướng dẫn mới về thanh toán tiền khám bệnh bảo hiểm y tế
Dinh dưỡng đủ đầy cho mẹ và bé