Cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh có không quá 14 sở
Thay mặt Ban Chỉ đạo về Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký văn bản định hướng, gợi ý một số nội dung về sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh.
(Ảnh minh họa: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)
Việc sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh theo định hướng, gợi ý tại văn bản này và yêu cầu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực tại địa phương, bảo đảm tổng số sở thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh không quá 14 sở. Riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có không quá 15 sở.
Hợp nhất 10 sở thành 5 sở
Đối với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, duy trì các sở (có sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong), gồm: Sở Tư pháp; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (hoặc Sở Văn hóa, Thể thao đối với các địa phương duy trì Sở Du lịch); Thanh tra tỉnh; Văn phòng Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh.
Ban Chỉ đạo định hướng, gợi ý hợp nhất đối với một số sở, ngành tương đồng với sắp xếp các bộ ở Trung ương.
Cụ thể, hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính, tên gọi của Sở sau hợp nhất dự kiến là Sở Kinh tế-Tài chính. Sở Kinh tế-Tài chính tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 2 Sở trước khi hợp nhất.
Hợp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng, tên gọi của Sở sau hợp nhất dự kiến là Sở Xây dựng và Giao thông. Sở này tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 2 Sở trước khi hợp nhất.
Hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tên gọi của Sở sau hợp nhất dự kiến là Sở Nông nghiệp và Môi trường. Về chức năng, nhiệm vụ, Sở Nông nghiệp và Môi trường tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 2 Sở trước khi hợp nhất.
Hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ, tên gọi sau hợp nhất dự kiến là Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông. Chức năng, nhiệm vụ của Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 2 Sở trước khi hợp nhất.
Hợp nhất Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ, tên gọi sau hợp nhất dự kiến là Sở Nội vụ và Lao động. Sở Nội vụ và Lao động thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về lĩnh vực Nội vụ và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ về lao động, tiền lương; việc làm; người có công; an toàn, vệ sinh lao động; bảo hiểm xã hội; bình đẳng giới.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo cũng định hướng, gợi ý cơ cấu, sắp xếp, chuyển nhiệm vụ đối với 3 sở tương ứng với sắp xếp các bộ ở Trung ương.
Cụ thể, Sở Y tế tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội; trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội; quản lý sử dụng Quỹ Bảo trợ trẻ em theo quy định từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chuyển sang và tiếp nhận nhiệm vụ theo dõi, quản lý sức khỏe cán bộ của tỉnh (sau khi kết thúc hoạt động của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe tỉnh).
Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chuyển sang.
Sở Công Thương tiếp nhận nguyên trạng Cục Quản lý thị trường địa phương từ Bộ Công Thương và tổ chức lại thành Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương.
Sắp xếp các sở đặc thù
Ban Chỉ đạo cũng định hướng, gợi ý cơ cấu, sắp xếp đối với các sở đặc thù: Ngoại vụ; Du lịch; Quy hoạch và Kiến trúc (đối với Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội), An toàn thực phẩm (được thành lập tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù) và Ban Dân tộc.
Sở Ngoại vụ thực hiện sắp xếp phù hợp với tình hình, đặc điểm của cơ quan tại địa phương như sau: Đối với các địa phương đang có Sở Ngoại vụ thì căn cứ tình hình, đặc điểm của địa phương chủ động quyết định phương án sáp nhập vào Văn phòng Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh hoặc duy trì thì củng cố, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bên trong của Sở này, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Đối với các địa phương đã sáp nhập Sở Ngoại vụ vào Văn phòng Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh thì tiếp tục thực hiện như hiện nay.
Sở Quy hoạch và Kiến trúc thực hiện sáp nhập vào Sở Xây dựng và Giao thông. Trường hợp có yêu cầu đặc thù về quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có thể xem xét, quyết định việc duy trì Sở Giao thông vận tải và thực hiện phương án sáp nhập Sở Quy hoạch và Kiến trúc vào Sở Xây dựng, bảo đảm phù hợp với tình hình, đặc điểm tại hai địa phương này.
Với Ban Dân tộc, trên cơ sở định hướng, gợi ý của Ban Chỉ đạo Trung ương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, Ban Chỉ đạo của Chính phủ đề nghị các địa phương căn cứ tình hình, đặc điểm của cơ quan tại địa phương thực hiện sắp xếp như sau:
Đối với các địa phương đang có Ban Dân tộc, thực hiện sắp xếp tương đồng với Ủy ban Dân tộc-Tôn giáo (ở Trung ương) theo hướng đổi tên thành Ban Dân tộc-Tôn giáo; tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về tôn giáo từ Sở Nội vụ; nhiệm vụ giảm nghèo từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội.
Đối với các địa phương không thành lập Ban Dân tộc (kể cả trường hợp đáp ứng đủ tiêu chí) thì chủ động quyết định chuyển chức năng tham mưu về công tác dân tộc từ Văn phòng Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh về Sở Nội vụ-Lao động (sau hợp nhất) để thống nhất đầu mối tham mưu quản lý nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo và thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo.
Các địa phương đang có Sở Du lịch thì căn cứ tình hình, đặc điểm của địa phương chủ động quyết định phương án hợp nhất với Sở Văn hóa, Thể thao thành Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc duy trì thì củng cố, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bên trong của Sở này, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Liên quan đến Sở An toàn thực phẩm, theo định hướng của Ban Chỉ đạo, trường hợp không duy trì thì chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm về Sở Y tế; các nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm chuyên ngành về các Sở: Y tế; Công Thương; Nông nghiệp và Môi trường./.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2025-01-19 17:49:00
Khai trương khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái có mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng tại huyện Thọ Xuân
-
2025-01-19 15:21:00
Trao 200 suất quà cho đoàn viên, người lao động huyện Thiệu Hóa
-
2024-12-19 14:29:00
Năm 2025 thị xã Nghi Sơn phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 19% trở lên
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phạm Thị Thanh Thủy thăm, chúc mừng Lễ Giáng sinh
Gặp mặt cán bộ Quân đội, Công an nghỉ hưu, Anh hùng LLVT Nhân dân nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương điều tra vụ án đốt quán cà phê ở đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội)
Như Thanh có 24/28 chỉ tiêu hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch
Hôm nay có gì? - Sự kiện nổi bật ngày 19/12/2024
Thủ tướng chỉ thị tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm
Xây dựng lực lượng vũ trang Thanh Hóa vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới
PODCAST 6AM: Điểm tin nổi bật sáng ngày 19/12
Mời bạn đọc báo Thanh Hóa số ra ngày 19/12/2024