(Baothanhhoa.vn) - Sau thời gian dài nghỉ tết, thị trường lao động nhộn nhịp trở lại do nhiều doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh cần tuyển dụng thêm lao động. Đây chính là cơ hội để người lao động tìm việc làm phù hợp.

Cơ hội việc làm cho lao động thất nghiệp

Sau thời gian dài nghỉ tết, thị trường lao động nhộn nhịp trở lại do nhiều doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh cần tuyển dụng thêm lao động. Đây chính là cơ hội để người lao động tìm việc làm phù hợp.

Cơ hội việc làm cho lao động thất nghiệp

Người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm để giao dịch tìm việc làm.

Doanh nghiệp “trải thảm” đón lao động

Theo cập nhật, khảo sát tình hình biến động lao động và nhu cầu tuyển dụng lao động của các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa (gọi tắt là Trung tâm), sau tết là thời điểm doanh nghiệp có nhiều biến động về lao động nhất trong năm. Đây là thời điểm người lao động muốn chuyển đổi việc làm, tìm công việc mới phù hợp hơn để tìm kiếm động lực về thu nhập, mục tiêu và môi trường làm việc.

Trong 2 tháng đầu năm, Trung tâm tiếp nhận thông báo nhu cầu tuyển dụng lao động của 34 doanh nghiệp, với số lao động cần tuyển là 8.325 người, tập trung chủ yếu các ngành may mặc, giày da, nhựa, bao bì. Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn như: Công ty TNHH Giày Venus Việt Nam 2.000 lao động, Công ty TNHH Sq Toys Vina 1.400 lao động, Công ty TNHH May Thiên Nam - Chi nhánh Thanh Hóa 1.000 lao động, Công ty TNHH May Vạn Hà 800 lao động...

Bởi có nhu cầu tuyển dụng cùng thời điểm nên tính cạnh tranh lao động cao, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra ưu đãi nhằm thu hút nhân lực. Ví như, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Hoàng Sơn (Nông Cống) có nhu cầu tuyển thêm 300 lao động lĩnh vực may mặc. Công ty đã đăng thông báo tuyển dụng trên facebook, zalo, treo băng zôn trước cổng công ty... Đồng thời, “hút” lao động bằng việc khuyến khích công nhân trực tiếp làm tại công ty giới thiệu người thân, bạn bè vào làm. Nếu ai giới thiệu được 1 người mới vào công ty làm việc thì được thưởng 500 nghìn đồng. Với người lao động mới vào làm, tháng đầu tiên được thưởng 2 triệu đồng ngoài lương, tháng thứ 2 thưởng 1 triệu, tháng thứ 3 thưởng 500 nghìn đồng. Theo bà Lê Thị Hiền, phụ trách nhân sự Công ty May Hoàng Sơn, dù đã đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ, song công ty vẫn gặp khó trong khâu tuyển dụng.

Cần tuyển 2.000 lao động phục vụ sản xuất, kinh doanh những tháng đầu năm và dài hơi, Công ty TNHH Giầy Welllina Việt Nam, đóng trên địa bàn huyện Yên Định đã đăng thông báo tuyển dụng tại công ty. Phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền rộng rãi trên hệ thống loa truyền thanh... Yêu cầu của công ty chỉ cần người lao động có sức khỏe tốt, lý lịch rõ ràng, có tay nghề càng tốt. Ngoài bảo đảm quyền lợi của người lao động theo quy định của Nhà nước, công ty còn đưa ra chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Với những người đã từng làm việc tại công ty được giữ nguyên thâm niên, lương cơ bản. Môi trường làm việc thoải mái, thân thiện. Người lao động được tham gia nhiều hoạt động vui chơi giải trí sau giờ làm.

Cũng có nhu cầu tuyển 260 lao động tại nhiều vị trí khác nhau, Nhà máy Gạch men cao cấp Vicenza ở Khu Công nghiệp Lễ Môn đã đưa ra các chế độ, chính sách đãi ngộ khá hấp dẫn. Nếu người lao động phỏng vấn đạt sẽ bố trí việc đi làm luôn. Mức lương cho vị trí kỹ sư cơ khí, kỹ sư điện tự động hóa từ 11 triệu đồng đến 14 triệu đồng/tháng. Công nhân cơ điện từ 9 triệu đồng đến 11 triệu đồng/tháng. Công nhân vận hành từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng/tháng. Ngoài lương cơ bản, người lao động được ký hợp đồng dài hạn, tham gia đầy đủ các chế độ bảo hiểm theo quy định; hỗ trợ ăn ca, phụ cấp chuyên cần, chế độ sinh nhật, phụ cấp thâm niên, trang cấp bảo hộ lao động... Để sớm “lấp đầy” được nhân sự, công ty đẩy mạnh truyền thông tuyển dụng trên các nền tảng mạng xã hội; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa để tuyển dụng.

Mở “cánh cửa” việc làm cho người lao động

Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, toàn tỉnh có khoảng 25.000 người dân, người lao động trong và ngoài nước về quê ăn tết, trong đó có nhiều lao động làm việc tại các tỉnh, thành khác có nhu cầu tìm việc mới tại quê nhà. Cùng với đó là số lao động muốn chuyển đổi công việc đã đến Trung tâm làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời tìm kiếm thông tin việc làm mới. Chỉ tính trong 3 ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ tết, đã có trên 4.000 người lao động đến giao dịch. Với nhu cầu tuyển dụng rất cao của các doanh nghiệp, đây chính là cơ hội tốt để người lao động tìm cho mình một việc làm phù hợp.

Sau 5 năm rời quê vào Bình Dương làm công nhân tại một công ty giày da tại thành phố Dĩ An, chị Trần Thị Thảo ở huyện Triệu Sơn quyết định trở về quê. Để sớm ổn định cuộc sống, ngay sau tết chị đến Trung tâm làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp và đăng ký tìm việc. Tại đây, chị nhanh chóng được kết nối với doanh nghiệp và được hẹn ngày phỏng vấn để tuyển dụng. Chị Thảo cho biết: "Ở Bình Dương, thu nhập những năm qua giảm sút. Tiền chi phí ăn ở, sinh hoạt đắt đỏ, chưa kể mỗi lần về quê tốn kém cả chục triệu đồng. Bố mẹ lại tuổi cao, hay đau ốm nên tôi về quê tìm việc làm để tiện bề chăm sóc. Dù thu nhập có thấp hơn nhưng lại giảm được một số chi phí nên cơ bản như nhau".

Cũng “bỏ phố về quê” sau một thời gian dài đối mặt với bộn bề khó khăn về công việc, thu nhập giữa thành phố lớn, vợ chồng anh Lê Ngọc Nam, Nguyễn Thị Hà ở huyện Quảng Xương đã trở về với mong muốn thay đổi thực tại. Để tìm cho mình cơ hội việc làm ở quê, anh chị đến Trung tâm để giao dịch. Sau khi được tư vấn, giới thiệu ngành nghề, chỗ làm trống... anh Nam chọn ứng tuyển vào Nhà máy Gạch men cao cấp Vicenza. Còn chị Hà, dù có kinh nghiệm trong nghề may, song chị vẫn chọn công việc khác cho thu nhập cao hơn, mục tiêu và môi trường làm việc tốt hơn...

Theo ông Lê Ngọc Hảo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa, dự báo triển vọng thị trường lao động trong thời gian tới sẽ có nhiều biến động, đặc biệt là nhóm việc làm liên quan đến dịch vụ nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống, lưu trú. Nhu cầu này tăng mạnh trong quý II/2024, với số lượng lao động thời vụ cần tuyển lên đến 50.000 đến 60.000 người. Nhằm hỗ trợ tốt nhất cho người lao động trong công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, Trung tâm đã tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, như: Tăng cường các hình thức tư vấn, kết nối việc làm trực tiếp và trực tuyến. Tăng cường sự phối kết hợp giữa các phòng nghiệp vụ. Cung cấp thông tin trên các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội do Trung tâm quản lý, vận hành. Tổ chức các sàn giao dịch việc làm và các hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm lưu động tại các địa phương để người lao động dễ dàng hơn trong tiếp cận thông tin việc làm trống, giảm thiểu chi phí tài chính, thời gian đi liên hệ tìm kiếm việc làm.

Mặt khác, Trung tâm thực hiện thu thập cơ sở dữ liệu việc tìm người - người tìm việc để có dữ liệu về việc làm trống, dữ liệu về người lao động đang có nhu cầu tìm việc làm, học nghề. Từ dữ liệu thu thập được, Trung tâm tiến hành phân tích, đánh giá, nhận định về thực trạng nguồn lao động của tỉnh để xây dựng bản tin cập nhật về thị trường lao động; dự báo triển vọng về thị trường lao động trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn... Từ đó có phương án, hình thức hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp và người lao động kết nối với nhau, giúp người lao động dễ dàng tiếp cận thông tin thị trường lao động, có nhiều lựa chọn công việc, việc làm; doanh nghiệp tuyển dụng được lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Bài và ảnh: Mai Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]