(Baothanhhoa.vn) - Chợ cửa khẩu Na Mèo, xã Na Mèo (Quan Sơn) không chỉ là nơi giao thương mua, bán, trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu, thể hiện tình đoàn kết hữu nghị của bà con hai dân tộc anh em Việt - Lào.

Chợ biên viễn...

Chợ cửa khẩu Na Mèo, xã Na Mèo (Quan Sơn) không chỉ là nơi giao thương mua, bán, trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu, thể hiện tình đoàn kết hữu nghị của bà con hai dân tộc anh em Việt - Lào.

Chợ biên viễn...

Hoạt động mua bán của người Việt - Lào tại chợ.

Chợ phiên có người Việt, người Lào

Bình minh nơi Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, trong bảng lảng sương mờ, đâu đó những vần thơ của tác giả Chế Lan Viên lại ngân lên trong tâm thức tôi như một sự mách bảo, tìm đến: “Muốn thấy mùa xuân đất nước vùng cao thì tìm đến chợ/ Tiếng khèn và vó ngựa dắt ta đi/ Chợ, nơi xưa kia lang đạo vua quan về cướp bóc/ Nay là ngày hội, cuộc vui người đến tìm người”... Chợ cửa khẩu Na Mèo nơi tập trung đông đúc bà con các dân tộc người Mông, Thái. Điều đặc biệt ở phiên chợ này, còn có sự tham gia của rất nhiều bà con các bản giáp biên, của huyện Viêng Xay (Lào). Chợ cửa khẩu Na Mèo vì thế còn được gọi với cái tên “chợ phiên quốc tế”. Chợ chỉ được tổ chức một ngày duy nhất vào thứ bảy hằng tuần, nên lượng người đến chợ luôn đông đúc và nhộn nhịp.

Đường đến chợ đông vui với các mẹ, các chị trong các trang phục thổ cẩm dân tộc truyền thống, sặc sỡ sắc màu. Người gùi, người thồ chở hàng hóa, thực phẩm bằng xe máy. Mọi người hồ hởi, chuyện trò rôm rả. Dẫu trong cuộc chuyện trò, có những ông, bà người Mông không sõi tiếng phổ thông, nhưng trên gương mặt họ thì luôn thường trực những nụ cười đáp trả. Mua Thị Lênh - cô gái đến từ bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy, 20 tuổi như một đóa hoa rừng đẹp giữa những tốp người trẩy chợ. Lênh có nước da trắng, có má lúm đồng tiền, có cái duyên thầm mà nhiều người đàn ông phải để ý. Tháng nào Lênh cũng đôi ba lần ghé chợ, vừa là để phụ mẹ bán mớ rau, củ quả, vừa là để “tìm bạn tình”. Lênh nói, rồi giấu vội nụ cười sau vạt áo, e thẹn. Vào đến chợ, Lênh nhiệt tình dẫn tôi đi tham quan không gian chợ phiên. Đây là khu trao đổi hàng hóa, là nơi mua bán thực phẩm, nông sản, quần áo; là nơi hẹn hò của các đôi tình nhân.

Nói như Lênh, chợ cửa khẩu Na Mèo không chỉ là địa điểm mua bán, giao thương trao đổi hàng hóa mà còn là nơi giao lưu văn hóa, ẩm thực, thu hút du khách khi đến cửa khẩu. Là sợi dây gắn kết tình hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc Việt – Lào. Đi chợ, ngoài tiêu tiền Việt thì còn có tiền Lào. Không chỉ mua bán bằng tiền mặt, bà con còn trao đổi hàng hóa. Ví như, các mặt hàng nông sản của bà con người Lào sẽ được trao đổi với những hàng hóa tiêu dùng có cùng giá trị. Qua phiên dịch của Lênh, tôi có hỏi một phụ nữ tên Mayssa, ở huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Việc Mayssa sang ta bán hàng, thủ tục thông quan có khó không? Mayssa nói, được các cán bộ biên phòng tạo điều kiện nên rất nhanh gọn, chỉ mươi phút là xong. Trên tấm bạt nhỏ, chị Mayssa bày bán những sản vật của gia đình làm ra, của quê hương chị như, vài chai mật ong rừng, mớ cá suối, chuột đồng... Chị cho biết, tiền bán hàng chị sẽ mua đồ gia dụng về phục vụ gia đình.

Dọc những dãy chợ, các mặt hàng được bày trực tiếp trên những tấm bạt nhỏ trải xuống nền đất. Lối giữa là dòng người đông kín đi lại tham quan mua bán như chúng tôi. Những mặt hàng người Lào mang sang bán phần lớn là nông sản bản địa. Trong khi, hàng hóa của các thương lái người Việt đa phần là đồ gia dụng và nhu yếu phẩm. Bon chen mua được ít ớt, hạt mắc khén của một tiểu thương người Lào, anh Phùng Văn Hà, ở xã Vạn Xuân (Thường Xuân) vui ra mặt. Anh Hà nói, phải nhờ đến một bạn sinh viên ở xã Na Mèo, biết nói tiếng Lào dịch cho để mua hộ. Anh Hà cùng đoàn đi du lịch cộng đồng tại bản Ngàm, xã Sơn Điện rồi ngược chợ phiên Na Mèo. Đánh giá về những trải nghiệm ở chợ phiên vùng cao, anh Hà rất ấn tượng với những đặc sắc về văn hóa chợ nơi đây. Ở chợ, anh được đổi tiền Việt sang tiền Lào bằng hình thức mua bán. Được gặp, giao tiếp, cười nói với bà con người Lào anh em. Đặc biệt, anh còn được mua bán những sản vật của nước bạn làm ra, được thưởng thức những món ăn vùng cao mà ở miền xuôi không có được.

Kết thúc buổi chợ phiên, Lênh - cô gái tình cờ gặp rồi kết thân trong chuyến trẩy chợ có mời tôi món thắng cố nơi đây. Dù đã từng ăn ở nhiều chợ phiên khác nhau nhưng mỗi nơi, trong mỗi hoàn cảnh khác nhau luôn cho tôi những cảm xúc đặc biệt. Thắng cố gây ấn tượng với mùi hương ngai ngái của ruột non động vật, thoạt nhìn nhiều người sẽ e dè, không dám ăn, nhưng khi ăn được rồi thì khó có thể nào quên cái dư vị đọng lại nơi cuống họng.

Trăn trở...

Sau chuyến trải nghiệm ở chợ cửa khẩu Na Mèo, bên cạnh những ấn tượng nơi đây, còn đó niềm trăn trở về hạ tầng không gian chợ. Dường như chợ cửa khẩu Na Mèo đang được đầu tư dang dở? Lý giải cho những thắc mắc đó, ông Phạm Đức Lương, Bí thư Đảng ủy xã Na Mèo xác nhận: Kể từ năm 2004 sau khi Cửa khẩu Na Mèo được nâng cấp thành Cửa khẩu quốc tế Na Mèo thì hoạt động giao thương buôn bán, trao đổi hàng hóa của đồng bào các dân tộc vùng biên giới diễn ra sôi động hơn. Trung bình mỗi năm có khoảng từ 8.000 đến 10.000 lượt người xuất nhập cảnh qua lại, trao đổi hàng hóa, hợp tác làm ăn và giao lưu tình cảm.

Chợ biên viễn...

Chợ cửa khẩu Na Mèo.

Để khai thác tiềm năng, giá trị chợ cửa khẩu Na Mèo, UBND huyện Quan Sơn đã chú trọng công tác quy hoạch mở rộng không gian chợ Na Mèo và đẩy mạnh bằng nhiều hình thức để phát triển thương mại, dịch vụ ở khu vực gần cửa khẩu. Huy động các nguồn lực để đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, hạ tầng thương mại, phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế... Năm 2018, UBND huyện Quan Sơn đã đồng ý cho Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Sơn Vũ (có địa chỉ ở TP Thanh Hóa) thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo chợ cửa khẩu Na Mèo trên nền diện tích hơn 750m2; quy mô 39 ki-ốt được xây 2 tầng xung quanh và công trình phụ trợ... Tuy nhiên, sau thời gian đầu triển khai, đơn vị mới chỉ xây dựng các dãy ki-ốt bán hàng phía bên ngoài để cho thuê, kinh doanh, gần như các hạng mục phía bên trong chợ vẫn chưa được triển khai xây dựng, dẫn đến lãng phí tài nguyên đất và ảnh hưởng xấu đến hoạt động giao thương buôn bán khu vực biên giới.

Còn ông Phạm Bá Chiến, Trưởng Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Quan Sơn khẳng định: “Thời gian qua, huyện đã liên tục đốc thúc phía nhà thầu triển khai hoàn thành dự án theo thiết kế đã được duyệt. Thời điểm cuối năm 2023, đơn vị đã cho khởi động lại dự án, tuy nhiên sau kỳ nghỉ tết, đến nay vẫn chưa triển khai lại. Phòng sẽ tiếp tục tham mưu UBND huyện ban hành văn bản đốc thúc nhà thầu”.

Bài và ảnh: Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]