Chuyện về người có uy tín ở bản Mông nơi biên giới
Từ trung tâm xã Sơn Thuỷ (Quan Sơn), theo con đường ngoằn ngoèo ven sườn núi chừng hơn 20km là đến bản Mùa Xuân. Đây là bản người dân tộc Mông.
Anh Thao Văn Dia (người đi đầu) tham gia tuần tra cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo.
Năm 1992, người Mông từ xã Pù Nhi, huyện Mường Lát di cư về đây sinh sống. Người có uy tín ở bản Mùa Xuân - anh Thao Văn Dia kể: Khi theo gia đình về đây anh chưa đầy 10 tuổi, không nhớ ai đã đặt tên cho bản, nhưng bà con trong bản và anh rất ưng cái bụng vì sau bao năm tháng quây tụ, đoàn kết gắn bó, cần cù lao động, vượt qua khó khăn, đến nay bản đã phát triển khởi sắc, bình yên, đúng như cái tên Mùa Xuân.
Chiếc xe máy của Đại uý Hà Văn Ban, cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Na Mèo đèo tôi bon trên con đường bê tông về bản Mùa Xuân. Đi trong màu xanh bạt ngàn của rừng luồng, rừng vầu là màu vàng trải dài của ruộng bậc thang, ngan ngát mùi hương nếp nương đang vào mùa gặt. Sắc màu bình yên ấy là cả quá trình gắn bó, đi lên từ gian khó, nhọc nhằn của đồng bào Mông. Để có được màu no ấm ấy, biết bao công sức của bà con, trong đó phải kể đến vai trò của những cán bộ Biên phòng cắm bản và những người luôn gương mẫu, tiên phong đi đầu như người có uy tín của bản Mùa Xuân - Thao Văn Dia.
Trong ký ức của Thao Văn Dia, chưa bao giờ quên những ngày tuổi thơ nghèo khó. Sinh ra trên quê hương Mường Lát, dù đất rừng bao la, thừa thãi, nhưng không nuôi nổi hàng trăm hộ dân. Trồng cây lúa ít hạt, cây ngô không cho bắp. Đôi chân cậu bé chưa tròn 10 tuổi đã theo gia đình và hơn 60 hộ dân cắt rừng tìm về Sơn Thủy, Quan Sơn sinh sống. Đất đồi núi ở đây yên bình, nhưng những ngày đầu lập bản vẫn chưa làm cho người Mông ấm bụng.
Hoàn cảnh gia đình lúc bấy giờ rất khó khăn, nhưng may mắn nhờ sự vận động của địa phương và cán bộ Biên phòng, anh Dia được gia đình cho đi học bán trú tại trường cách nhà 16km. Đó là cả quãng thời gian dài, vất vả trên con đường tiếp thu tri thức của Thao Văn Dia. Đầu tuần gùi gạo xuống trường, cuối tuần đi bộ cắt rừng về với bố mẹ. Với nghị lực của mình, anh đã vượt qua.
Học hết lớp 12 Dia về tham gia lao động phụ giúp gia đình, lên rừng kiếm củi, ra ruộng trồng ngô, mang sức trai khai phá đồi hoang trồng sắn. Chàng trai chân đất ấy đạp băng đá sỏi để bảo vệ màu xanh cánh rừng được Nhà nước giao.
Vừa cần cù, chịu khó, anh Dia còn biết thương đồng bào mình, bảo ban hướng dẫn đến nơi đến chốn. Một người trẻ yêu lao động, lại biết thương yêu đùm bọc bà con. Người Mông ở Mùa Xuân suốt ngày trong rừng, trên nương mà chẳng giàu lên được. Họ bắt đầu tin và học theo cách làm của chàng trai trẻ.
Năm 2003, khi vừa tròn 20 tuổi, Dia được kết nạp Đảng. Và suốt 19 năm liền (2003-2022), anh luôn được bà con tín nhiệm bầu vào các vị trí từ phó bản, trưởng bản, bí thư chi bộ. Đảm nhiệm trọng trách trọng trách nào, anh cũng quyết tâm đem sức lực phục vụ quê hương.
Nhớ lại những tháng ngày tham gia công tác ở bản, anh Dia kể: Hơn 100 hộ dân trong bản, giữa một vùng rừng núi hoang sơ, đường giao thông khó khăn, trình độ văn hóa của bà con còn thấp, biết làm gì để bà con phát triển kinh tế? 100% số hộ trong bản thuộc diện nghèo. Một số hủ tục từ bao đời còn đeo đẳng. Trong khi đó, có tà đạo ngấm ngầm, luồn lách tìm đến lừa phỉnh, “ru ngủ” người dân, làm một bộ phận đồng bào thờ ơ với các phong trào chung, ngoảnh mặt lại với các chính sách, những dự án phát triển kinh tế ở địa phương.
Được sự động viên, hỗ trợ của cán bộ Biên phòng và lãnh đạo địa phương, anh đến từng nhà giải thích, vận động bà con. Nói đúng, hợp lòng người thì ai cũng nghe. Rồi anh trực tiếp cùng bà con lên nương, ra ruộng, chỉ bảo từng việc cụ thể. Anh Dia thăm hỏi, dành ưu tiên những ưu đãi của Nhà nước cho gia đình khó khăn hơn.
Mùa Xuân là bản có đoạn biên giới từ cột mốc 322 đến cột mốc 323 giáp với huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Dia nắm rõ từng đường mòn, thuộc từng gốc cây. Xác định việc bảo vệ biên cương không chỉ là trách nhiệm, mà còn là quyền lợi, niềm tự hào của mỗi người dân, anh luôn tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Anh cùng cán bộ Biên phòng cắm bản, người có uy tín, Đoàn thanh niên trong bản đến nhà nhắc nhở, khuyên mọi người chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương; tích cực tham gia bảo vệ rừng, bảo vệ đường biên, cột mốc. Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường trên đường biên, cột mốc thì kịp thời báo cáo ngay với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo.
Làm việc gì cũng phải được lòng dân, phải biết vì lợi ích của đồng bào mình. Anh mang tiếng nói của người Mông lên xã đề đạt nguyện vọng chính đáng. Anh có ý kiến không hỗ trợ cho người nghèo bằng tiền mặt mà thay bằng hạt giống, cây củ quả, con giống... Anh tiên phong thay đổi thói quen canh tác, Nhân dân trong bản từ việc quen gieo lúa nương, nghe theo lời anh đã trồng lúa nước 2 vụ. Thấy Dia làm hiệu quả, nhà nọ nhà kia đua nhau chăn nuôi, trồng cấy. Anh cho biết, tổng diện tích lúa nước của bản bây giờ đã hơn 6ha; đàn trâu có 101 con; đàn bò có 251 con, hơn 100 con lợn và gần 2.000 con gia cầm. Cái bụng người Mông đỡ dần cảnh thiếu đói, bà con trong bản tấm tắc khen anh.
Anh Thao Văn Dia (thứ 4, từ trái sang) tham gia tuyên truyền cho bà con Nhân dân ở khu vực biên giới.
Để giữ gìn bản sắc văn hóa người Mông, Thao Văn Dia thường xuyên tuyên truyền cho Nhân dân trong bản thực hiện nếp sống mới, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc như giữ gìn trang phục dân tộc, múa khèn, múa ô, các trò chơi, trò diễn như chọi cù, ném còn...
Anh vận động người dân từng bước xóa bỏ thói quen sinh hoạt và phong tục, tập quán lạc hậu, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nhất là việc nặng nề khi tổ chức tang lễ. Đến nay, 100% người ở bản khi “về trời” đã được cho vào quan tài, tang lễ được tổ chức gọn nhẹ, không để dài ngày, không giết trâu, bò lãng phí như trước đây.
Vợ chồng anh Dia chỉ sinh 2 con thôi. Các con anh đều ngoan, hiếu thảo. Một lao động tại địa phương, một trong quân đội.
Người Mùa Xuân hay nói đùa, bản mình cũng có “siêu thị” đấy. Đó là cửa hàng bán tạp hóa của vợ chồng Dia. Quán nhà anh ở đầu bản, thứ gì cũng có, phục vụ bà con ngay tại nhà, từ cá, mắm, muối đến bánh kẹo, rượu bia...
Nói về Thao Văn Dia, Thiếu tá Mai Chí Thức, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Na Mèo cho biết, đây là người có trách nhiệm với công việc, hiền lành, chịu khó, gần gũi với đồng bào. Anh có nhiều đóng góp trong việc tham gia cùng BĐBP bảo vệ vững chắc đường biên, mốc quốc giới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế, xây dựng làng bản; là gương sáng trong học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ.
Những cố gắng, nỗ lực của Thao Văn Dia đã được các cấp, các ngành ghi nhận. Từ năm 2020 đến nay, anh vinh dự được nhận Bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá, Bằng khen của của Ủy ban MTTQ tỉnh, nhiều giấy khen của Huyện uỷ, UBND huyện Quan Sơn vì đã có thành tích xuất sắc trong phòng trào thi đua yêu nước, trong xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc...
Tháng 10/2023 anh là đại biểu chính thức tham dự Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến trong đồng bào dân tộc thiểu số huyện Quan Sơn giai đoạn 2021-2023.
“Giờ hoàn cảnh gia đình neo người, công việc gia đình bận mình xin nghỉ công tác ban quản lý bản. Nhưng dù có làm việc gì thì mình cũng luôn phải có trách nhiệm để góp sức xây dựng quê hương, bản làng phát triển, giữ vững đường biên, cột mốc”, Thao Văn Dia chia sẻ với tôi khi chia tay.
Quốc Toản (CTV)
- 2024-11-18 11:41:00
Hơn 10.000 hồ sơ cấp căn cước cho phạm nhân đang chấp hành án
- 2024-11-18 11:19:00
Bộ CHQS tỉnh hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới
- 2024-06-26 11:17:00
Ước mong cây cầu vượt sông Mã
Hội thi “Nhận thức kết hợp tuyên truyền về môi trường” năm 2024
Chảy mãi mạch nguồn Nậm Má, Nậm Xăm (Kỳ 2): Những chiến công thầm lặng
Nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng, chống bạo lực thể chất đối với trẻ em
Quy định chặt chẽ về điều kiện đầu tư xây dựng căn hộ chung cư mini theo Luật Nhà ở năm 2023
Chủ tịch nước quyết định tặng quà dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ
Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định về giấy thông hành
Vĩnh Lộc: Tập huấn công tác phòng chống thiên tai và diễn tập xử lý tình huống năm 2024
Sức hút từ phố đi bộ đầu tiên tại TP Thanh Hóa
Gập ghềnh đường đến bản Mông