(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ luôn được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh chú trọng thực hiện. Bởi đây được coi là yếu tố “mở đường”, thúc đẩy các hoạt động du lịch phát triển và tăng sức hấp dẫn đối với du khách.

Chất lượng dịch vụ: Yếu tố thúc đẩy du lịch phát triển

Thời gian qua, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ luôn được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh chú trọng thực hiện. Bởi đây được coi là yếu tố “mở đường”, thúc đẩy các hoạt động du lịch phát triển và tăng sức hấp dẫn đối với du khách.

Chất lượng dịch vụ: Yếu tố thúc đẩy du lịch phát triểnCác homestay ở khu du lịch bản Mạ (Thường Xuân), được đầu tư xây dựng để phục vụ du khách.

Xét về tốc độ hoàn thiện hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh những năm gần đây, thì thị xã Nghi Sơn có lẽ là cái tên được “xướng” đầu tiên. Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, thị xã đã ưu tiên các nguồn lực cho phát triển du lịch. Trong đó, chú trọng vào việc thu hút các nhà đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở lưu trú, khách sạn; hệ thống các nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống có quy mô lớn; hệ thống các khu vui chơi giải trí đồng bộ, hiện đại, chất lượng để phục vụ nhiều đối tượng du khách. Theo thống kê, toàn thị xã có 108 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 1 khách sạn xây dựng theo tiêu chuẩn 4 sao, 6 khách sạn 3 sao, 23 khách sạn từ 1 - 2 sao và có 78 nhà nghỉ đảm bảo nhu cầu phục vụ khách du lịch. Nhiều cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thị xã đã đổi mới phương thức kinh doanh cho phù hợp với tình hình thực tế, như: kết hợp hài hòa giữa dịch vụ ăn, nghỉ, các loại hình dịch vụ bổ sung khác (cho thuê hội trường, hát karaoke...). Từ đó, đã thu hút được lượng lớn khách du lịch nghỉ ngơi, lưu trú, tiêu biểu phải kể đến một số khách sạn như, Khách sạn Xanh Hà ACB, Khách sạn Ngọc Linh, Khách sạn Đại Dương, Hải Hòa Garden Hotel...

Ngoài ra, thị xã đã ưu tiên tập trung đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng các khu, điểm du lịch trong đó tập trung tại khu du lịch biển Hải Hòa, chú trọng đầu tư hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh, hệ thống cấp, thoát nước tại khu du lịch. Hàng năm, UBND thị xã cũng đã chỉ đạo các xã, phường tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an ninh, an toàn và chất lượng dịch vụ du lịch, giữ vững hình ảnh du lịch Nghi Sơn hấp dẫn, an toàn, thân thiện... Cũng nhờ việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cùng với việc nâng cao chất lượng dịch vụ nên những năm qua lượng du khách tìm đến Nghi Sơn để tham quan, lưu trú ngày càng tăng.

Tại huyện Thường Xuân, ông Lê Hữu Giáp, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: Những năm gần đây “ngành công nghiệp không khói” của huyện đã có những bước phát triển vượt bậc. Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường du lịch, huyện đã không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm thu hút du khách. Trong những năm qua huyện đã thu hút đầu tư được nhiều dự án phục vụ phát triển du lịch như, dự án Nông trại Golden Cow tại xã Lương Sơn; dự án công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam nằm trên một phần địa phận xã Thọ Thanh; dự án đầu tư khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, dưỡng lão, giải trí tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên.

Ngoài ra, một số dự án hạ tầng quy mô nhỏ từ chương trình phát triển du lịch đã được triển khai thực hiện, như: Đầu tư hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại khu, điểm du lịch như, khu vực thác Thiên Thủy, bản Mạ, bến thuyền Hồ Cửa Đạt, đền Cửa Đạt với tổng số vốn hơn 2 tỷ đồng (được hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh là chủ yếu); hệ thống đường điện, xây dựng đường giao thông đến các điểm du lịch... Cùng với đó, một số dự án cơ sở hạ tầng du lịch tại các khu, điểm du lịch trong huyện đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng như: Đường từ bản Mạ vào thác Sao Va; đường vào đền thờ Cầm Bá Thước; dự án cải thiện môi trường, đầu tư hệ thống thu gom rác thải tại thôn Vịn (xã Bát Mọt); dự án cải thiện môi trường, đầu tư hệ thống thu gom rác thải tại thôn Tiến Sơn 1 (thị trấn Thường Xuân)...

Đến thời điểm hiện tại, Thanh Hóa là một trong những trung tâm du lịch của cả nước có hệ thống khách sạn, cơ sở lưu trú, cùng các loại hình dịch vụ đi kèm được các hãng lữ hành đánh giá cao. Hiện nay, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch của tỉnh ngày càng đa dạng hơn về loại hình như, khách sạn, nhà nghỉ, biệt thự, homestay... Đặc biệt, loại hình dịch vụ lưu trú du lịch tại nhà dân (homestay) ở các khu, điểm du lịch cộng đồng miền núi đang được các nhà đầu tư quan tâm, điều này đã làm thay đổi diện mạo của loại hình cơ sở lưu trú và ngày càng đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch trong nước và quốc tế. Theo ước tính, toàn tỉnh có khoảng gần 1.300 khách sạn, nhà nghỉ với 47.300 phòng; 194 hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú tại nhà dân homestay với sức chứa khoảng 11.000 người...

Cùng với đó, hiện nay toàn tỉnh cũng đã thu hút được 81 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 146 nghìn tỷ đồng. Trong đó phải kể đến một số dự án quy mô lớn, chất lượng cao của các tập đoàn lớn tại Việt Nam như: Khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng tại xã Quảng Yên (Quảng Xương) của Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời; khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại tại xã Quảng Nham, (Quảng Xương) của Công ty Cổ phần ORG; dự án Flamingo Linh Trường Khu B, xã Hoằng Trường, (Hoằng Hóa) của Công ty Cổ phần Flamingo Holding Group...

Có thể nói, với việc đa số các nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú được đầu tư mới có quy mô và trang thiết bị hiện đại, dịch vụ bổ trợ phong phú, không chỉ cho thấy năng lực đón tiếp, phục vụ du khách của du lịch Thanh Hóa, mà còn góp phần đổi mới hình ảnh du lịch Thanh Hóa theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]