Chăn nuôi an toàn sinh học - giải pháp hữu hiệu phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm
Trong bối cảnh chăn nuôi tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH) được xem là giải pháp hữu hiệu để phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Chăn nuôi ATSH còn mang lại “lợi ích kép” cho người chăn nuôi bởi vừa tiết kiệm chi phí lại góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học là một trong những giải pháp thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học.
Sau khi tỉnh Thanh Hóa công bố hết bệnh dịch tả lợn châu Phi, gia đình ông Bùi Đức Thành, thị trấn Tân Phong (Quảng Xương) đã quyết định tái đàn. Với kinh nghiệm nhiều năm chăn nuôi lợn, ông Thành cho biết chăn nuôi ATSH là biện pháp mang lại hiệu quả rõ rệt. Vì vậy, để chuẩn bị đưa lứa lợn mới vào nuôi, ông đã thực hiện vệ sinh, sát trùng, để trống chuồng. Sau đó, lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, đầy đủ giấy kiểm dịch của nơi xuất, nuôi nhốt riêng và có chế độ chăm sóc, phòng bệnh hợp lý.
"Trang trại của gia đình tôi chỉ có 2 nhân công ra vào thường xuyên và phải thực hiện sát khuẩn để tránh tình trạng lây lan dịch bệnh từ bên ngoài vào trang trại; kiểm soát chặt chẽ khu vực chăn nuôi từ các khâu diệt côn trùng, sát trùng khu vực chăn nuôi. Để xử lý chất thải, tôi đã sử dụng đệm lót sinh học để chuồng trại không còn mùi hôi, tiết kiệm công vệ sinh chuồng trại, loại bỏ các loại vi sinh vật, vi khuẩn gây bệnh... Chất thải chăn nuôi được tập trung đúng nơi quy định, xử lý sinh học để tạo thành các loại phân hữu cơ bón cây. Đồng thời, trong quá trình nuôi, tôi đã phối trộn men sinh học với thức ăn giúp lợn tăng sức đề kháng” - ông Thành chia sẻ về chăn nuôi ATSH.
Đối với gia cầm, mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng ATSH của gia đình ông Lê Sỹ Quyền là một điển hình trên địa bàn xã Xuân Du (Như Thanh). Do trang trại có quy mô nuôi lớn nên ở các lối ra vào trang trại, ông Quyền đều đào hố sát trùng để nhân công thực hiện vệ sinh. Bên cạnh đó, khi xây dựng chuồng, ông đã chú trọng xây nhiều ô chuồng để thực hiện nuôi nhốt riêng gia cầm ở mỗi độ tuổi khác nhau. Trong quá trình nuôi, thức ăn cho gia cầm phải đảm bảo đầy đủ dưỡng chất, được sản xuất từ các cơ sở sản xuất thức ăn uy tín trên thị trường, không sử dụng thức ăn bán trôi nổi hoặc mua thức ăn từ các cơ sở không rõ nguồn gốc; bổ sung thêm chất khoáng, vitamin, các chất điện giải. Định kỳ hằng tuần phải vệ sinh tiêu độc toàn khu vực trại, phát quang, khơi thông cống rãnh, rắc vôi bột, phun xịt thuốc sát trùng. Đồng thời, chỉ nuôi nhốt gia cầm ở mật độ thấp, thực hiện chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học để hạn chế mùi hôi, bảo vệ môi trường. Áp dụng phương thức chăn nuôi “cùng vào cùng ra” theo thứ tự từng dãy, từng chuồng, từng ô. Sau mỗi đợt nuôi phải làm vệ sinh, phun tiêu độc, khử trùng chuồng, dụng cụ chăn nuôi và để trống chuồng ít nhất 7 ngày trước khi đưa đàn mới đến.
Hiện nay, trong bối cảnh dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp, thì chăn nuôi ATSH là giải pháp hữu hiệu nhất giúp người chăn nuôi chủ động khống chế hiệu quả dịch bệnh, hạn chế rủi ro. Chăn nuôi theo hướng ATSH không đòi hỏi khắt khe như tiêu chuẩn VietGAP, nhưng người dân phải đảm bảo yêu cầu có tính đồng bộ; nhất là công tác bảo vệ môi trường, chuồng nuôi cách xa khu dân cư, thường xuyên, định kỳ tiêu độc, khử trùng dụng cụ chăn nuôi và khu vực chăn nuôi. Bên cạnh đó, chất thải chăn nuôi phải được thu gom và xử lý bằng các biện pháp thích hợp; cung cấp đầy đủ thức ăn chất lượng tốt, nước uống sạch cho vật nuôi; chuồng nuôi đảm bảo đúng quy cách, mật độ nuôi hợp lý và vật nuôi được tiêm phòng định kỳ. Khi có gia súc, gia cầm chết, người dân phải báo ngay cho chính quyền địa phương, cán bộ thú y để xử lý kịp thời; không bán chạy gia súc, gia cầm ốm, không vứt xác bừa bãi. Mặt khác, các địa phương cần tăng cường kiểm tra hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ và sản phẩm gia súc, gia cầm; nhất là trong những tháng cuối năm. Thực hiện nghiêm túc công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi.
Nhờ chứng minh được hiệu quả về kinh tế và phòng, chống dịch bệnh nên phương pháp chăn nuôi theo hướng ATSH ngày càng được nhiều hộ chăn nuôi áp dụng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, có khoảng hơn 90.000 hộ đang thực hiện chăn nuôi theo hướng ATSH. Tuy nhiên, chi phí áp dụng chăn nuôi theo hướng ATSH cao hơn so với chăn nuôi truyền thống khoảng 10%, vì vậy, các hộ chăn nuôi theo hướng gia trại có quy mô nhỏ còn chưa chú trọng áp dụng. Thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiệu quả của việc chăn nuôi theo hướng ATSH. Đồng thời, tăng cường tập huấn, chuyển giao kỹ thuật phục vụ chăn nuôi ATSH cho người sản xuất, khuyến cáo người chăn nuôi xây dựng hệ thống xả thải, áp dụng chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học... Bên cạnh đó, chú trọng phát triển chăn nuôi theo chuỗi an toàn, bền vững, hạn chế rủi ro trong quá trình sản xuất.
Bài và ảnh: Lê Ngọc
{name} - {time}
-
2024-11-22 08:25:00
Cát tự nhiên thiếu nhưng cát nhân tạo thay thế vẫn “ế”
-
2024-11-22 08:18:00
Bản tin Tài chính 22/11: Chưa dứt chuỗi tăng, vàng nhẫn chạm mốc cao nhất trong 3 tuần qua
-
2023-12-02 14:39:00
Ngọc Lặc phát triển chăn nuôi gắn với phòng, chống dịch bệnh
Bá Thước: Chọn đúng khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội (Bài 1): Xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ
Triển vọng từ mô hình nuôi ba ba, ốc nhồi tại Hà Trung
Thu ngân sách nhà nước lĩnh vực hải quan ước đạt trên 15 nghìn tỷ đồng
Nâng tầm giá trị tre, luồng trên đất Lang Chánh
Nỗ lực đảm bảo nguồn thu ngân sách từ tiền sử dụng đất
Hậu Lộc thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp
Ngày Mua sắm Trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2023
Chung kết Cuộc thi “Vườn đẹp, trang trại kiểu mẫu" năm 2023
Giá xăng RON95-III và dầu diesel giảm nhẹ