Cảnh giác xuyên tạc, chống phá tự do tín ngưỡng và đoàn kết tôn giáo của thế lực thù địch
Xuyên tạc tự do tín ngưỡng và đoàn kết tôn giáo là mục tiêu chưa bao giờ ngưng của các thế lực thù địch. Trong đó, đáng chú ý nhằm xuyên tạc Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo, các thế lực thù địch đã ráo riết sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn, nhất là tập trung thông qua internet, mạng xã hội để thực hiện hoạt động chống phá.
Vừa qua, lợi dụng cách thức đi bộ tự tu của ông Thích Minh Tuệ (tên thật là Lê Anh Tú, 43 tuổi, quê ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài cùng các phần tử chống đối trong nước đã lấy hình ảnh để lồng ghép, tạo dựng, đưa thông tin sai sự thật về cá nhân ông Minh Tuệ. Việc “tự tu” theo cách thức khổ hạnh là quyền tự do của mỗi cá nhân. Thế nhưng, điều đáng nói ở đây là khi hình ảnh ông Thích Minh Tuệ lan truyền rộng khắp trên không gian mạng cũng là lúc bùng nổ làn sóng “truyền thông bẩn” của các thế lực thù địch, phản động tuyên truyền, chống phá chính sách đoàn kết tôn giáo của dân tộc. Chúng đã sử dụng vô số video clip cắt ghép, đăng tải các thông tin phiến diện, tiêu cực nhằm phỉ báng, làm xói mòn lòng tin, chia rẽ cộng đồng phật tử và hạ uy tín của Phật giáo. Đồng thời, xuyên tạc tự do tín ngưỡng, chính sách tôn giáo của nước ta nhằm mục đích gây chia rẽ giữa các tôn giáo, chống phá chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta.
Ngoài ra, từ hình ảnh lan truyền của ông Thích Minh Tuệ cũng đã thu hút nhiều người tham gia đi theo gây ảnh hưởng đến giao thông, trật tự, trong đó đã có một số người gặp vấn đề về sức khỏe, có người đã bị tử vong. Cụ thể, ngày 30/5, một người đàn ông trong đoàn đi theo là Lương Thanh Sơn, trú tại quận 1, TP Hồ Chí Minh bị sốc nhiệt, suy đa tạng, xuất huyết tiêu hóa dẫn tới tử vong.
Trước những sự việc nêu trên, cơ quan chức năng đã gặp gỡ, trao đổi với ông Thích Minh Tuệ về việc Nhà nước nhất quán chủ trương tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người và luôn quan tâm, tạo điều kiện để ông Thích Minh Tuệ được đi bộ theo ý nguyện, song cần phải bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân và sự ổn định xã hội. Ông Thích Minh Tuệ đã nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ của công dân, tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực.
Theo thống kê, ước tính đến năm 2023, nước ta đã có trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo, chiếm khoảng 27% dân số. Và Việt Nam là đất nước luôn coi trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mỗi người dân; nỗ lực bảo đảm các tôn giáo được hoạt động bình thường trong khuôn khổ pháp luật. Các cá nhân có quyền theo hoặc không theo tôn giáo; không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng; hoạt động của các tổ chức tôn giáo được bảo hộ bằng pháp luật. Đồng thời, pháp luật Việt Nam cũng quy định không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.
Quay ngược thời gian, sau khi nước nhà được độc lập, ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương, để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: Tự do tín ngưỡng và lương giáo đoàn kết”.
Để thực hiện chính sách tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra 3 nguyên tắc, đó là: Lấy lợi ích quốc gia dân tộc gắn với phương châm “Dân tộc trên hết - Tổ quốc trên hết” và “Tất cả do con người, tất cả vì con người”. Không chạm đến đức tin của tôn giáo nói chung và của từng tôn giáo nói riêng. Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân. Đây đều là những nguyên tắc cơ bản để đoàn kết thống nhất đồng bào tôn giáo vào khối đại đoàn kết chung của dân tộc.
Từ những nguyên tắc và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác tôn giáo, Đảng ta đã tiếp tục kế thừa, phát triển và vận dụng sáng tạo phù hợp với tình hình thực tiễn. Theo đó, ngày 16/10/1990, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về “Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển là: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”. Song song với đó, Đảng ta cũng đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách tôn giáo đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao những đóng góp của tôn giáo cho cách mạng, nhưng cũng kiên quyết chống việc lợi dụng tôn giáo, lợi dụng lòng tin của tín đồ để phá hoại sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Bởi vậy, trước các thông tin bịa đặt, xuyên tạc về tự do tín ngưỡng và đoàn kết tôn giáo, cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác và nâng cao nhận thức để phòng ngừa trước các âm mưu, thủ đoạn, hoạt động lợi dụng các tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch. Không tham gia vào các hoạt động mê tín dị đoan hoặc tiếp tay, cổ vũ, tuyên truyền các tà đạo.
Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt là Luật An ninh mạng, không truy cập vào các trang thông tin phản động. Tích cực tham gia tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân; tuyên truyền cho người thân trong gia đình, bạn bè nhận thức đúng về bản chất của các tín ngưỡng, tôn giáo. Phát huy trách nhiệm, tích cực đấu tranh, phê phán bản chất phản khoa học, phản văn hóa, phản xã hội, các quan điểm sai trái, vạch mặt âm mưu, thủ đoạn, hoạt động của các đối tượng xấu và các thế lực thù địch lợi dụng tự do tôn giáo để gây mất an ninh, trật tự, chống phá Đảng, Nhà nước.
Lê Phượng
- 2024-09-10 14:34:00
Khẳng định vai trò cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương
- 2024-09-09 15:51:00
Trách nhiệm người đứng đầu - “chìa khóa” thành công
- 2024-07-03 10:10:00
Hậu Lộc tăng cường đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực
Lan tỏa cuộc thi trực tuyến tìm hiểu lịch sử, truyền thống MTTQ Việt Nam
Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực qua hoạt động thanh tra
Điều động, luân chuyển cán bộ gắn với giải quyết vấn đề nổi cộm tại cơ sở
Dân vận khéo củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân
Dấu ấn phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu” ở thị xã Nghi Sơn
Cẩm Thủy quan tâm phát triển tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp nước ngoài
Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, xây dựng Hòa Lộc phát triển bền vững, giàu mạnh
Muốn dân vận tốt phải “trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân” (Bài cuối): Dân vận - “chìa khóa” trong giải quyết các vấn đề bức xúc, kéo dài
Muốn dân vận tốt phải “trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân” (Bài 2): Nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo