(Baothanhhoa.vn) - Tu sửa mái vòm phía Tây và loại bỏ tác nhân gây hại cổng Nam Thành Nhà Hồ cần cẩn trọng, hạn chế tối đa tác động đến tính nguyên vẹn của di sản. Đại đa số ý kiến của các nhà khoa học, nghiên cứu, nhà quản lý đưa ra tại cuộc lấy ý kiến tham vấn do Trung tâm Bảo tồn Di sản thế giới Thành Nhà Hồ tổ chức ngày 9-3-2019 đều thống nhất như vậy. Bên cạnh đó, khi nâng phiến đá bị tụt, vỡ nặng khoảng 270kg về vị trí cũ không được làm ảnh hưởng đến kết cấu của mái vòm; quá trình loại bỏ tác nhân gây hại cần phải giữ được màu thời gian của di sản.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cẩn trọng khi tu sửa mái vòm Thành Nhà Hồ

Cẩn trọng khi tu sửa mái vòm Thành Nhà Hồ

Các nhà khoa học kiểm tra kết quả thử nghiệm loại bỏ địa y trên các phiến đá lấy từ khu vực Thành Nhà Hồ.

Tu sửa mái vòm phía Tây và loại bỏ tác nhân gây hại cổng Nam Thành Nhà Hồ cần cẩn trọng, hạn chế tối đa tác động đến tính nguyên vẹn của di sản. Đại đa số ý kiến của các nhà khoa học, nghiên cứu, nhà quản lý đưa ra tại cuộc lấy ý kiến tham vấn do Trung tâm Bảo tồn Di sản thế giới Thành Nhà Hồ tổ chức ngày 9-3-2019 đều thống nhất như vậy. Bên cạnh đó, khi nâng phiến đá bị tụt, vỡ nặng khoảng 270kg về vị trí cũ không được làm ảnh hưởng đến kết cấu của mái vòm; quá trình loại bỏ tác nhân gây hại cần phải giữ được màu thời gian của di sản.

Tác động ăn mòn của muối

Tại khu vực cửa Nam Thành Nhà Hồ hiện đang chịu tác động của tự nhiên, môi trường. Theo năm tháng, khu vực này đang chịu sự xâm hại của mưa, nắng, rêu, ẩm, địa y và đặc biệt tác động ăn mòn của muối. Qua phân tích, nghiên cứu, muối được hình thành từ nước bốc hơi lên, nước chảy vào khe đá, gây hiện tượng ăn mòn đá. Ông Vũ Nam Sơn, chuyên gia quốc tế giàu kinh nghiệm về bảo tồn các công trình kiến trúc đá sau khi khảo sát, nghiên cứu tại di sản Thành Nhà Hồ nhận định: “Điều này đặc biệt nguy hại, tác động lớn đến viên đá bị tụt, vỡ ở cổng Tây cửa Nam Thành Nhà Hồ. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng và có nguy cơ khiến viên đá bị tụt khỏi vòm cuốn, ảnh hưởng đến kết cấu vòm, nguy hiểm đối với du khách tham quan”.

Thực tế, hiện trạng tụt, vỡ khối đá nói trên đã xảy ra nhiều năm. Theo khảo sát, đánh giá của chuyên gia bảo tồn thì hiện tượng tụt, vỡ của viên đá vẫn đang tiếp tục diễn ra. Khối đá bị tụt, vỡ nằm sát bên phải khối đá khóa đỉnh vòm, nó có ý nghĩa rất quan trọng đối với tính bền vững của cả mái vòm. Đá bị vỡ theo chiều ngang, chia thành hai phần tách rời nhau, phần dưới tụt 7cm so với các phiến đá bên cạnh. Phần đá bị tụt, vỡ có kích thước 120cm x 40cm x 30cm, trọng lượng ước tính 270kg. Nguyên nhân của hiện tượng tụt, vỡ là do khí hậu, nước mưa, hơi ẩm đã vận chuyển muối đến khe nứt rồi tích tụ tại đây. Muối ở dạng tinh thể, khi hút ẩm sẽ tăng thể tích làm phiến đá bị rời ra thành hai phần.

Sự vận chuyển của muối hoà tan trong đá, đi theo hướng từ trong ra ngoài, nếu với một lượng rất ít sẽ tạo thành lớp vỏ rắn chắc vừa có tác dụng bảo vệ và tạo thành các sắc thái phong phú của bề mặt đá. Nhưng ở điều kiện bình thường, muối hòa tan được vận chuyển ra ngoài bề mặt đá với tốc độ nhanh hơn, sau đó nước bốc hơi, muối sẽ kết tinh lại tạo thành lớp vỏ muối dày từ 0,3mm đến 20mm với các màu sắc vàng, nâu, trắng... ảnh hưởng đến thẩm mỹ của công trình. Hơn thế, khi sức gió ở trong vòm cổng hút mạnh hơn, làm tăng tốc độ bay hơi nước của dung dịch muối hòa tan trên bề mặt nhanh hơn bình thường, dẫn đến hiện tượng các phân tử muối dừng ở những khe nứt tự nhiên của đá và kết tinh lại làm tăng thể tích các khe nứt, gây hiện tượng bong vỡ bề mặt đá.

Bên cạnh muối, rêu hút các chất khoáng trong đá, phát triển rất nhanh trên bề mặt, cả bên trong và bên ngoài vòm cổng. Độ phủ của rêu lên đến 60% diện tích bề mặt cổng thành, chúng thường có màu xanh lá cây hoặc màu đen, gây ảnh hưởng đến tính mỹ quan của di sản. Ngoài ra, địa y sống cộng sinh bởi nấm và tảo. Rễ địa y hút khoáng chất trong đá cung cấp cho tảo quang hợp. Sản phẩm phụ trong quá trình trao đổi chất này mang tính axit làm mủn bề mặt đá. Cũng phải nói thêm, qua hàng trăm năm lịch sử, tường thành xuất hiện một số cây thực vật mọc trên các mạch đá. Rễ của cây hút dưỡng chất để phát triển. Trong quá trình trao đổi chất, rễ cây tiết ra nhiều axit làm hư hại đá. Sự tăng trưởng của bộ rễ làm lớn dần các khe mạch của đá dẫn đến sự biến dạng kiến trúc tường đá.

Chuyên gia Vũ Nam Sơn nói: “Qua nghiên cứu, tôi thấy tường thành nhà Hồ được xây dựng theo phương pháp khô. Song, thực tế có vôi ở các đường ghép mạch đá nhưng rất ít. Có thể do những vị trí này bị hở nên người đời sau trét lại, không phải yếu tố nguyên bản. Phương pháp xây khô có xuất hiện ở châu Âu nhưng rất hiếm gặp. Điều này thêm lần nữa khẳng định giá trị đặc biệt của di sản do triều Hồ kiến tạo, cần được tu sửa, bảo vệ nghiêm ngặt”.

Đảm bảo tối đa tính nguyên trạng

Có rất nhiều chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý từ cục di sản văn hóa, viện khảo cổ, viện địa chất... tham dự buổi tham vấn, họ đưa ra nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết đối với việc tu sửa mái vòm phía Tây cổng Nam cũng như việc loại bỏ tác nhân gây hại tại Thành Nhà Hồ. Chuyên gia Vũ Nam Sơn cho rằng: Qua “nội soi” trong vết nứt của khối đá có rất nhiều rác, đá nhỏ và những vết rạn mini. Sau khi bàn bạc, đưa ra phương án tổng thể sẽ làm sạch bên trong kẽ nứt, tiếp đó dùng kích để nâng khối đá bị rời ra đạt đến độ chính xác tối đa. Để đảm bảo tính bền vững lâu dài sẽ treo viên đá này lên, chèn thêm chì vào mạch và dùng khoan khoan trực tiếp vào khối đá, đóng đinh vít cố định. Về việc loại bỏ tác nhân gây hại cổng thành phía Nam, nếu làm thủ công không được thì áp dụng phương pháp phun cát.

Quan điểm của TS Đinh Văn Thuận - viện địa chất lại cho rằng, muốn bảo vệ tòa thành được bền vững lâu dài cần nghiên cứu đưa ra giải pháp chống thấm tuyệt đối trên bề mặt tường thành, đặc biệt ở vị trí kiến trúc mái vòm. “Chỉ cần một vị trí bị phá vỡ thì cả kiến trúc vòm sẽ bị ảnh hưởng”- TS Thuận nói. PGS.TS Tống Trung Tín, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhấn mạnh: Cần làm sao để cấu kết lại thật chắc chắn đối với khối đá nhưng phải đảm bảo mỹ quan, an toàn cho du khách và không được tác động đến di sản. Vấn đề tẩy, rửa, diệt địa y, rêu... cũng phải xem xét cẩn trọng. PGS.TS Tống Trung Tín khẳng định: “Bên cạnh giá trị toàn vẹn của di sản, đôi khi rêu mốc cũng cấu thành nên nét cổ kính, xác định dấu ấn thời gian. Nếu tẩy rửa cho tường thành đạt đến mức độ như mới thì dấu thời gian sẽ mất đi. Vì vậy cần nghiên cứu những tác nhân đó có làm đổ, sập, nguy hại đến tường thành không? Việc này cần thử nghiệm, đánh giá, đây là di sản cực kỳ nhạy cảm”. Hầu hết ý kiến của các nhà khoa học đều cho rằng, việc làm vệ sinh bề mặt tường thành là cần thiết nhưng nếu tẩy hết màu thời gian thì phải xem xét lại.

Nói về việc tu sửa mái vòm, loại bỏ tác nhân gây hại ở Thành Nhà Hồ, ông Trần Đình Thành, Phó cục trưởng Cục di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Bộ thống nhất hai phương án là làm vệ sinh tường thành và đưa khối đá lên. Đối với di sản, màu thời gian cần giữ lại, giữ trong quá trình làm vệ sinh. Phần đen, rêu mốc cần loại bỏ theo phương pháp thủ công và mức độ làm sạch tới đâu thì dựa vào những phiến đá của tường thành sẽ rõ. Việc làm vệ sinh cũng cần lựa chọn phương án bảo quản lâu dài, ít tốn kém nhất. Đối với khối đá bị tụt, tách rời, ông Thành nói: “Phương án treo cũng là một đề xuất nhưng khi khoan đá sẽ gây rung, xuất hiện lỗ khoan. Do đó, nên nâng khối đá lên, dùng vật liệu chèn, ít tác động nhất mà mang lại hiệu quả cao nhất”.

TS Hà Văn Cẩn, Viện khảo cổ học đồng quan điểm với ông Trần Đình Thành: “Nếu khoan treo khối đá, có thể ảnh hưởng tới cả cấu trúc của mái vòm. Do vậy, khối đá cần được nâng lên, ép sát khớp với mạch tách rời. Sử dụng biện phép chèn để duy trì kết cấu”. Phát biểu kết thúc cuộc tham vấn, TS Đỗ Quang Trọng, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ tiếp thu tất cả những ý kiến đóng góp tâm huyết và rất quan trọng trong việc bảo tồn di sản của các nhà khoa học, nhà quản lý. “Trên cơ sở đó, Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ sẽ lựa chọn phương án tu sửa, loại bỏ tác nhân gây hại đối với di sản làm sao để hạn chế tối đa việc tác động đến di sản, không làm ảnh hưởng đến màu thời gian” - TS Đỗ Quang Trọng khẳng định.

Nguyễn Anh Tuấn


Nguyễn Anh Tuấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]