Cẩm Thủy dành nguồn lực đầu tư để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển
Nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, huyện Cẩm Thủy đã dành nhiều nguồn lực cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các ngành, lĩnh vực như giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, dịch vụ thương mại, du lịch... Nhờ đó, bộ mặt nông thôn của huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.
Sản xuất miến dong tại xã Cẩm Bình mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Để triển khai một cách hiệu quả, huyện Cẩm Thủy đã ưu tiên dành nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, đồng thời huy động các nguồn lực hợp pháp khác để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống, nhất là phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối từ vùng kinh tế phát triển tới vùng khó khăn; kết nối với các điểm du lịch, trong đó thực hiện việc rà soát và xác định rõ đối tượng, địa bàn cụ thể, những công trình thực sự cần thiết, cấp bách, có tính liên kết vùng để tạo động lực thúc đẩy phát triển, bảo đảm đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, kéo dài và phù hợp chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Cụ thể, đối với hệ thống đường giao thông liên xã, huyện ưu tiên đầu tư các tuyến đường kết nối các xã Cẩm Bình - Cẩm Thạch - Cẩm Liên - Cẩm Thành; tuyến đường Hồ Chí Minh tránh phía Đông - Nam thị trấn Phong Sơn; xây dựng các cây cầu dân sinh tại các xã Cẩm Yên, Cẩm Phú, Cẩm Tú; kè chống sạt lở sông Mã đoạn qua xã Cẩm Vân; đập Pen Chim, xã Cẩm Thành... Đối với hệ thống trường học đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa nhà, lớp học; xây mới bếp ăn; sửa chữa, cải tạo nhà nội trú Trường Dân tộc Nội trú huyện; đầu tư xây dựng bổ sung, sửa chữa một số hạng mục tại Trường THCS Cẩm Châu; quy hoạch mở rộng Khu Du lịch suối cá Cẩm Lương; quy hoạch làng nghề du lịch trình diễn nghề dệt thổ cẩm tại các xã Cẩm Thạch, Cẩm Lương; nghề làm miến dong tại xã Cẩm Bình; hình thành tuyến du lịch khép kín trong huyện như Cửa Hà - suối cá Cẩm Lương - làng Dùng - chùa Rồng - chùa Chặng, gắn với tuyến du lịch của tỉnh như TP Sầm Sơn - Thành Nhà Hồ - suối cá Cẩm Lương - Lam Kinh...
Ngoài ra, huyện Cẩm Thủy cũng chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo vùng chuyên canh tập trung, có quy mô phù hợp; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn các mô hình kinh tế nông nghiệp phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao, hướng đến phát triển bền vững, như: mô hình trồng cây nghệ vàng tại các xã Cẩm Ngọc và Cẩm Quý, cho doanh thu hơn 220 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng cây gấc thương phẩm diện tích 5,5 ha tại các xã Cẩm Vân, Cẩm Phú, Cẩm Châu, Cẩm Lương, doanh thu khoảng 180 triệu đồng/ha/năm; mô hình trang trại chăn nuôi gà theo chuỗi liên kết...
Cùng với việc phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả, huyện Cẩm Thủy còn chuyển đổi những diện tích cây trồng hàng năm không hiệu quả sang cây trồng khác cho giá trị kinh tế cao hơn. Điển hình là huyện đã khuyến khích người dân bỏ các giống lúa lai Trung Quốc, lúa thuần chất lượng thấp để thay thế bằng các giống Thiên Ưu 8, Lam Sơn 8, DQ11... phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, sinh trưởng nhanh. Đến nay, huyện đã xây dựng được 260 ha vùng thâm canh cây lúa năng suất, chất lượng cao trên địa bàn các xã Cẩm Vân, Cẩm Tú, Cẩm Bình, Cẩm Thạch, thị trấn Phong Sơn... nâng tổng diện tích vùng thâm canh lúa toàn huyện lên hơn 500 ha. Bên cạnh đó, huyện cũng thực hiện chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng mía, ngô, rau màu khác với diện tích 120 ha; tổ chức ký hợp đồng với các HTX dịch vụ để liên kết sản xuất gắn với đầu ra cho sản phẩm trên diện tích 311 ha, trong đó, trồng cây ngô làm thức ăn chăn nuôi 286 ha, ớt xuất khẩu 15 ha, khoai tây 5 ha, bí xanh 5 ha...
Cùng với việc chú trọng phát triển nông, lâm nghiệp, huyện Cẩm Thủy thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống, du nhập nghề mới, góp phần từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho lao động địa phương. Đến nay, ngành nghề phát triển khá đa dạng, như: chế biến nguyên vật liệu; chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí và sản xuất các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống người dân nông thôn..., tạo việc làm thường xuyên cho gần 20.000 lao động, với thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, có gần 7.000 cơ sở tham gia sản xuất, kinh doanh trong các ngành nghề nông thôn. Tổng doanh thu từ sản xuất, kinh doanh các ngành nghề hàng năm bình quân đạt hơn 1.600 tỷ đồng... Tính đến hết năm 2023, huyện đã có 12/16 xã đạt chuẩn NTM, 48 thôn đạt chuẩn NTM (trong đó có 8 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu); 11 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,96%...
Bằng những giải pháp chỉ đạo quyết liệt, điều hành có trọng tâm, trọng điểm, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Cẩm Thủy đã đạt được những kết quả tích cực. Đây chính là tiền đề quan trọng để huyện tăng tốc, bứt phá hoàn thành Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cẩm Thủy lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, với mục tiêu đến năm 2025 đạt chuẩn huyện NTM; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng/năm...
Bài và ảnh: Gia Bảo
{name} - {time}
-
2024-12-13 15:47:00
Tiếp tục định hướng phát triển năng lượng tái tạo
-
2024-12-13 14:00:00
Nội địa hoá công nghiệp ôtô: Doanh nghiệp Việt vẫn kém sức cạnh tranh
-
2024-04-01 11:02:00
Bản tin tài chính 1/4/2024: Thế giới bùng nổ cao chưa từng có
Sở Công Thương các địa phương phải báo cáo thực hiện quy định hóa đơn xăng dầu
Luật Đất đai 2024 tác động tích cực đến lĩnh vực nông nghiệp
Mở rộng địa bàn, nâng cao hiệu quả dẫn vốn cho người nghèo, thu nhập thấp
Hướng tới phát triển ngành thủy sản bền vững
Nuôi ốc nhồi cho lợi nhuận gần nửa tỷ đồng mỗi năm
Bà Rịa - Vũng Tàu đột phá, tiên phong vì mục tiêu, khát vọng phát triển thịnh vượng
Lan tỏa câu chuyện chuyển đổi số
Người duy nhất còn sản xuất giống tôm - cua ở Nga Sơn
Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi: Doanh nghiệp, HTX xây dựng sản phẩm đặc sản khu vực miền núi