Bơm xi măng sinh học tạo hình thân đốt sống ngực cao bằng phương pháp ngoài cuống
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện thành công kỹ thuật bơm xi măng sinh học tạo hình thân đốt sống ngực cao bằng phương pháp ngoài cuống cho người bệnh già yếu, kèm nhiều bệnh lý nền phức tạp.
Bệnh nhân Lê Thị T., sau bơm xi măng tạo hình đốt sống ngực cao bằng phương pháp ngoài cuống.
Bệnh nhân là bà Lê Thị T., 74 tuổi, trú tại huyện Đông Sơn, nhập viện trong tình trạng đau tức ngực, đau lan từ lưng ra trước, khó thở, mức độ đau dữ dội (VAS 8 điểm), hạn chế vận động, không thể ngồi dậy và sinh hoạt cá nhân. Dựa trên kết quả thăm khám, xét nghiệm và chụp chiếu, bệnh nhân được chẩn đoán: Xẹp phù nề thân đốt sống ngực 7 có loãng xương kèm theo suy tim, tăng huyết áp. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định áp dụng phương pháp đổ xi măng vào thân đốt sống ngực để ổn định đốt sống bị tổn thương cho bệnh nhân.
Kỹ thuật bơm xi măng sinh học tạo thân đốt sống ở vùng cột sống thắt lưng được xem là không khó khăn và đã được triển khai thường quy tại nhiều cơ sở y tế trong cả nước. Tuy nhiên, đối với đốt sống ngực cao (từ đốt sống ngực 1 đến đốt sống ngực 9) có đặc điểm phức tạp về giải phẫu như: cuống cung nhỏ, thân đốt sống bé hơn so với vùng ngực thấp và thắt lưng. Các cấu trúc lân cận là động mạch chủ ngực, phổi và tủy sống đoạn ngực nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai biến xảy ra khi chọn phương pháp xuyên kim qua cuống. Vì vậy bơm xi măng sinh học tạo hình thân đốt sống ngực cao vẫn luôn là thách thức đối với các phẫu thuật viên chuyên ngành cột sống. Để đảm bảo an toàn cho người bệnh, các bác sĩ đã lựa chọn phương pháp tạo hình thân đốt sống ngực cao với đường vào ngoài cuống cho bệnh nhân T. Ca can thiệp được thực hiện trong khoảng 20 phút, người bệnh được gây tê tại chỗ vùng ngực lưng; không phải gây mê nên tránh được nhiều biến chứng có thể xảy ra.
Sau thực hiện kỹ thuật 30 phút, bệnh nhân đỡ đau ngực nhiều, không khó thở, có thể vận động nhẹ nhàng và tự ngồi dậy với sự hỗ trợ từ nhân viên y tế. Sau 1 ngày theo dõi và chăm sóc bệnh nhân đã tự đứng lên, đi lại nhẹ nhàng, sinh hoạt cá nhân bình thường, chỉ còn đau nhẹ (VAS 2 điểm).
BSCKII Trần Kim Hà, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật Thần kinh - Lồng ngực cho biết: Kỹ thuật bơm xi măng sinh học tạo hình thân đốt sống vùng cột sống ngực thấp và thắt lưng đã được triển khai thường quy tại khoa từ năm 2018. Xi măng sinh học được bơm vào thân đốt sống với mục đích giảm đau, nâng chiều cao thân đốt sống, tái khôi phục đường cong sinh lý và tăng độ vững cho cột sống. Xi măng sinh học có cấu tạo gần giống xương nên dễ dàng tạo cầu nối để hàn gắn xương gãy, biến đổi thành tổ chức xương, kích thích quá trình tạo xương giúp tăng độ vững và độ bền cho đốt sống. Đây là phương pháp ít xâm lấn, thời gian phẫu thuật ngắn, hiệu quả giảm đau nhanh chóng, phục hồi chiều cao thân đốt sống, hạn chế biến chứng nằm lâu, người bệnh có thể ăn uống và tập đi sau phẫu thuật, rút ngắn thời gian nằm viện.
Trường hợp của bệnh nhân T., là ca bệnh khó, xẹp phù nề đốt sống ngực 7 rất khó can thiệp, các bác sĩ thực hiện phải nắm vững kiến thức về giải phẫu, định hình không gian tốt, kinh nghiệm lâu năm. Nếu thực hiện thao tác không chính xác, có thể gây biến chứng nguy hiểm như tổn thương tủy sống đoạn ngực, tim, phổi, màng phổi và các mạch máu lớn. Trước đây, những trường hợp tổn thương đốt sống ngực cao thì phải chuyển tuyến trên điều trị, nhưng hiện tại, kỹ thuật này cũng đã thực hiện thành công tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, góp phần làm giảm chi phí điều trị, đi lại cho người bệnh.
Xẹp đốt sống (hay còn gọi là xẹp cột sống, lún đốt sống) là tình trạng một phần đốt sống bị đè nén, xẹp xuống, làm thân đốt sống bị giảm chiều cao so với bình thường. Tình trạng này không chỉ gây ra những cơn đau đớn dữ dội cho người bệnh mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt thẩm mỹ vì làm mất dáng đi đứng bình thường của cơ thể. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Bệnh được chia ra thành 4 giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất, xương sống mới mất đường cong sinh lý; giai đoạn thứ hai, phần đĩa đệm trượt ra khỏi vị trí thông thường; giai đoạn thứ ba, đĩa đệm xẹp rõ; giai đoạn cuối cùng, hai đốt xương dính lại với nhau. Xẹp đốt sống thường gặp ở người cao tuổi với biểu hiện chủ yếu là đau tại nơi tổn thương, hạn chế khi vận động. Ở mức độ nặng, xẹp đốt sống gây nhiều tổn thương cho người bệnh như không thể ngồi, đứng dậy và đi lại được, giảm chiều cao, biến dạng cột sống (gù, vẹo cột sống, trật đốt sống...), thậm chí tổn thương vào tủy sống, dẫn đến rối loạn hô hấp, liệt hoàn toàn. Đây không phải là một căn bệnh đe dọa tới tính mạng, nhưng nó có khả năng gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu người bệnh chủ quan, không điều trị kịp thời.
Để phòng ngừa tình trạng xẹp cột sống, cần chú ý chế độ ăn uống, sinh hoạt. Phương pháp quan trọng nhất là ngăn ngừa loãng xương. Các chuyên gia khuyến cáo cần có chế độ ăn uống lành mạnh, nên bổ sung thực phẩm giàu canxi, vitamin D...; tập thể dục thường xuyên (bao gồm tập thể dục giảm cân và rèn luyện sức khỏe) nhằm tăng sức mạnh của xương khớp, không nên lựa chọn các môn thể thao có khả năng cao gây chấn thương cột sống. Với những người có nguy cơ mắc bệnh loãng xương nên bổ sung canxi và vitamin D. Nếu đang điều trị thuốc có chứa steroid hàng ngày, nên thảo luận với các bác sĩ về việc giảm liều lượng steroid để giảm nguy cơ mắc bệnh loãng xương. Người bệnh nên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh kịp thời. Đặc biệt là khám xương khớp 6 tháng/lần...
Bài và ảnh: Tô Hà
{name} - {time}
-
2025-01-13 10:03:00
Nỗ lực bảo đảm nguồn máu cấp cứu người bệnh dịp cuối năm
-
2025-01-13 08:03:00
Vì sao virus HMPV không bùng phát thành đại dịch như COVID-19?
-
2024-09-17 09:45:00
Những việc người dân cần làm để bảo vệ sức khỏe mùa mưa lũ
Bộ Y tế: Ứng phó kịp thời dịch bệnh, vệ sinh môi trường trong và sau mưa lũ
Các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa thường mắc sau bão lụt và mưa lũ
Mở ra cơ hội điều trị ung thư tuyến tiền liệt
Phòng chống các dịch bệnh thường gặp sau bão lũ
Đa khoa Tâm Việt - Phòng khám nam khoa tại Thanh Hóa: Dịch vụ y tế chuyên nghiệp
Xây dựng hệ thống y tế đáp ứng mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển
Tin mới cho người nhiễm HPV: Cách đào thải HPV an toàn, kể cả người mang thai
Khám sàng lọc, tư vấn miễn phí các bệnh lý về mắt cho người cao tuổi
Bí kíp đơn giản giúp người phụ nữ U70 ổn định mỡ máu cao