(Baothanhhoa.vn) - Rừng rộng, người thưa, điều kiện công tác khó khăn, tiềm ẩn nguy hiểm, mức thu nhập chưa hấp dẫn,... đã khiến nhiều cán bộ trong lực lượng kiểm lâm ngậm ngùi viết đơn xin ra khỏi ngành.

Bấp bênh nghề giữ rừng (Bài 2): Đành xa tiếng gọi rừng xanh

Rừng rộng, người thưa, điều kiện công tác khó khăn, tiềm ẩn nguy hiểm, mức thu nhập chưa hấp dẫn,... đã khiến nhiều cán bộ trong lực lượng kiểm lâm ngậm ngùi viết đơn xin ra khỏi ngành.

Bấp bênh nghề giữ rừng (Bài 2): Đành xa tiếng gọi rừng xanh

Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Thường Xuân Nguyễn Văn Lam (người đi đầu) cùng đồng nghiệp kiểm tra rừng trồng.

Vết thương chưa lành

Hơn 11 năm đã trôi qua, anh Nguyễn Văn Lam, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Thường Xuân vẫn nhớ như in ký ức đau thương về vụ tai nạn kinh hoàng khi đi làm nhiệm vụ đã cướp đi người đồng nghiệp yêu quý. Còn anh và hai đồng đội khác cũng chịu thương tật suối đời. Năm ấy, Nguyễn Văn Lam 30 tuổi, là kiểm lâm viên thuộc Đội Kiểm lâm Cơ động và Phòng cháy, chữa cháy rừng số 2. Tai nạn ập đến khi đứa con đầu lòng của anh mới được 3 tháng tuổi, điều kiện kinh tế gia đình còn gặp nhiều khó khăn. Vị Phó Hạt trưởng buồn rầu: “Hôm đó, ngày 6-4-2011, tôi cùng với 3 đồng nghiệp đang làm nhiệm vụ trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua địa bàn huyện Như Xuân thì nhận được điều động của cấp trên tức tốc trở về trụ sở của đội ở xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc để lên đường tham gia chữa cháy rừng tại huyện Hà Trung. Khi chúng tôi về đến xã Minh Sơn (Ngọc Lặc) thì bất ngờ gặp giông lốc, lái xe bị mất phương hướng đâm vào cột mốc ven đường, xe bị lật nhiều vòng. Sau vụ tai nạn, đồng nghiệp là anh Nguyễn Văn Năng đã vĩnh viễn ra đi”.

Ba kiểm lâm viên còn lại, là Nguyễn Văn Lam, Vũ Văn Thuận và Nguyễn Xuân Vịnh bị thương nặng, may mắn được người dân và đơn vị hỗ trợ kịp thời đưa đến bệnh viện. Riêng Nguyễn Văn Lam bị đa chấn thương, gãy xương ở chân, tay, bị kính xe găm vào cổ, phải ra Hà Nội điều trị, 6 tháng sau mới được xuất viện trở về quê nhà. Cũng từ ấy, sức khỏe anh giảm sút, phải gần 3 năm sau mới bình phục. Giờ đây tuy được Nhà nước cho hưởng chế độ như thương binh với mức thương tật trên 41%, nhưng nghĩ lại ngày tháng ấy, anh vẫn buồn thương cho người đồng nghiệp đã ra đi mãi mãi.

Trong số 8 cán bộ bị thương trong khi thực hiện nhiệm vụ được hưởng chính sách như thương binh thuộc Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa, thì Hạt Kiểm lâm huyện Thường Xuân có 4 người. Lê Văn Quyết (sinh năm 1986), Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Tân Thành là một trong số 3 người còn lại, với mức thương tật 22%, xác định từ ngày 6-4-2012, khi đang còn công tác tại Trạm Kiểm lâm Xuân Quỳ (Như Xuân). Anh kể: “Tối hôm ấy, lúc chuẩn bị đi nghỉ ở nhà trạm, nhận được thông tin phản ánh tình trạng mất an ninh rừng trên khu vực rừng quản lý, tôi cùng một đồng đội khác, nhanh chóng lên xe máy đến hiện trường. Trực tiếp chứng kiến 2 đối tượng đang vận chuyển trái phép gỗ rừng tự nhiên, tôi và đồng đội đã áp dụng biện pháp ngăn chặn, rồi khống chế đối tượng. Nhưng do trời tối, khó quan sát, tôi bị một đối tượng khác ở phía sau dùng dao tấn công”. Hậu quả là Quyết bị đa chấn thương, các đối tượng kia bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Như Xuân khởi tố, bắt tạm giam.

Cán bộ kiểm lâm đi làm nhiệm vụ bị thương được Nhà nước cho hưởng chính sách như thương binh là một quyết định đúng đắn và mang nhiều ý nghĩa nhân văn, phần nào đã động viên họ tiếp tục nỗ lực bám sát địa bàn để giữ bình yên cho những cánh rừng. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn tiếp tục công tác để nhận những ưu đãi ấy. Như trường hợp của kiểm lâm viên T.N.T. (sinh năm 1965) bị thương vào ngày 27-7-2015 trong một lần truy đuổi lâm tặc trên địa bàn huyện Lang Chánh. Được Nhà nước cho hưởng chính sách như thương binh không lâu sau, đến năm 2019, anh phát hiện mình mắc bệnh hiểm nghèo. Qua nhiều lần điều trị bệnh, đến cuối năm 2022, xét thấy sức khỏe không thể đáp ứng được công việc nên anh tự nguyện viết đơn xin thôi việc chờ hưu.

Nhiều năm gần đây, những sự việc nghiêm trọng kia đã không còn tiếp diễn, nhưng trên thực tế, cán bộ kiểm lâm vẫn thường xuyên gặp thương tích trong quá trình làm nhiệm vụ, vẫn có những cuộc chiến đấu với lâm tặc. Chỉ có điều, những thương tích ấy chưa đủ mức thương tật theo quy định để được hưởng chính sách như thương binh, để lại một “khoảng trống” về chính sách, khiến nhiều người trong số họ không dám mạnh tay, hay giáp lá cà trong “cuộc chiến” giữ rừng.

Những con số biết buồn

Nhắc về những gian truân vất vả mà những kiểm lâm viên đang hằng ngày nếm trải nơi rừng sâu núi thẳm, Trưởng Phòng Tổ chức, Tuyên truyền và Xây dựng lực lượng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Duy Vĩnh không khỏi chua xót. Bởi chính anh, chỉ khoảng 5 năm về trước cũng phải phát quang cây dại, mở lối trong những chuyến tuần tra an ninh rừng. Đi qua những ngày tháng ấy, giờ nhìn vào thực tế, anh ngậm ngùi buông một tiếng thở dài.

Bấp bênh nghề giữ rừng (Bài 2): Đành xa tiếng gọi rừng xanh

Cán bộ kiểm lâm và các lực lượng chức năng huyện Thường Xuân phối hợp tuần tra vùng rừng giáp biên với lực lượng chức năng huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào).

Giọng anh trầm xuống: “Từ năm 2018 đến đầu năm nay, đã có 58 công chức, viên chức kiểm lâm xin chuyển công tác, thôi việc. Trong đó có 50 người chuyển công tác, 8 người xin thôi việc. Hiện tại vẫn còn hồ sơ của kiểm lâm viên xin ra khỏi lực lượng chờ giải quyết”.

“Toàn lực lượng hiện thiếu 56 công chức và 62 viên chức so với định biên được giao. Tình trạng công chức, viên chức kiểm lâm tiếp tục xin ra khỏi ngành hoặc thôi việc đã khiến tình trạng thiếu hụt cán bộ càng trở nên trầm trọng hơn. Đây cũng là một phần lý do, khiến ở nhiều nơi, cán bộ kiểm lâm viên chỉ được nghỉ 4 - 6 ngày/tháng thay vì 8 ngày/tháng. Biết là việc này thì không đúng quy định, nhưng nếu bỏ địa bàn, xảy ra mất an ninh rừng thì sẽ khổ hơn nhiều”, vị Trưởng Phòng Tổ chức, Tuyên truyền và Xây dựng lực lượng - Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa bộc bạch.

Chưa cần dẫn những phân tích về tình trạng cán bộ kiểm lâm xin ra khỏi ngành, hoặc thôi việc ngày càng nhiều từ vị Trưởng Phòng Tổ chức, Tuyên truyền và Xây dựng lực lượng, xin dẫn lời tâm sự từ một người trong cuộc quen biết từ trước. Giống với nhiều cán bộ kiểm lâm xin ra khỏi ngành mà tôi đã gặp và trò chuyện, anh xin được giấu tên, bởi lẽ không muốn đồng nghiệp chạnh lòng. Học hành bài bản, tốt nghiệp Trường Đại học Lâm nghiệp, L.P.B. đã nhiều năm lăn lộn trên khắp nẻo đường tuần tra rừng, kinh qua những lần giáp lá cà với lâm tặc... chỉ vì tình yêu núi rừng và mong muốn đóng góp sức lực để giữ vững bình yên đại ngàn. Dẫu biết chuyện hợp tan, đi ở là lẽ thường, nhưng nghĩ lại L.P.B. vẫn cay cay sống mũi, vì dự định còn dang dở, hoài bão chưa thành, trong khi trong ngành kiểm lâm, anh được hưởng phụ cấp chức vụ ở mức 0,25.

L.P.B. bộc bạch: “Chuyển đến nơi công tác mới, thu nhập kém hơn 3 triệu đồng/tháng so với công việc cũ. Nhưng điều quan trọng là tôi được ở gần gia đình, cùng vợ giáo dục con cái khôn lớn. Thú thực, hơn một vài triệu đồng, nhưng mức chi tiêu, giá cả hàng hóa ở vùng sâu, vùng xa nơi tôi công tác cao hơn nhiều so với dưới xuôi. Đơn cử, từ cái thời dưới xuôi mua một gói dầu gội đầu 500 đồng, thì nơi tôi công tác đã 800 đồng; hay một chai xăng xe máy, cũng đắt hơn nhiều. Cuộc sống cứ lầm lũi mãi trong rừng sâu, tháng nào nhiều tôi cũng chỉ về nhà được 6 ngày, nhưng cách nhật. Có lần vừa về đến nhà, chuẩn bị ăn bữa cơm tối với vợ con lại có lệnh điều động, phải tức tốc lên đường”.

Cũng như nhiều cán bộ kiểm lâm, L.P.B. cho rằng, cái khó ở chỗ, cán bộ kiểm lâm lâu nay được xem là lực lượng nòng cốt thực hành pháp luật về lâm nghiệp, gắn với đồng bào dân tộc thiểu số, công tác chủ yếu ở vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Thế nhưng về chính sách được hưởng, họ không có nhiều khác biệt so với cán bộ ở các lĩnh vực cùng khu vực công tác. Ngoài lương, họ được hưởng phụ cấp vùng, phụ cấp thâm niên, chính sách thu hút cán bộ công tác ở vùng đặc biệt khó khăn... Khi các xã vùng III (xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) ngày càng giảm, điều kiện công tác chưa có nhiều thay đổi nên không nhiều người trong số họ được hưởng chính sách này (5 triệu đồng/tháng trong 5 năm đầu đến công tác ở xã vùng III). Đó còn chưa kể, phương tiện phục vụ quá trình thực thi nhiệm vụ họ phải tự túc, trong khi công tác phí được cấp không đáp ứng đủ nhu cầu công việc.

Tôi nhẩm nhớ câu nói của Nguyễn Ngoại Giao, cán bộ kiểm lâm viên phụ trách địa bàn, thuộc Trạm Kiểm lâm Na Mèo (Quan Sơn) khi nhìn cảnh núi rừng hùng vĩ khi cơn mưa chiều vừa tạnh: “Không yêu cảnh sắc núi rừng, chắc hẳn em sẽ không làm nghề kiểm lâm”. Rồi chạnh lòng, hướng mắt về phía rừng xanh.

Bài và ảnh: Đỗ Đức

Bài cuối: Khoảng trống mênh mông.

Tin liên quan:
  • Bấp bênh nghề giữ rừng (Bài 2): Đành xa tiếng gọi rừng xanh
    Bấp bênh nghề giữ rừng (Bài 1): Nốt trầm giữa rừng sâu

    Cán bộ kiểm lâm viên phụ trách địa bàn, đa phần phải làm việc ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Dẫu còn cháy trong tim ngọn lửa, tình yêu núi rừng, nhưng nhiều người trong số họ đã ngậm ngùi chuyển công tác...



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]