Bảo tồn và phát huy giá trị di tích hầm làm việc và chỉ huy của đồng chí Ngô Thuyền
Xã Tân Châu (Thiệu Hóa) được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai xã Thiệu Châu và Thiệu Tân. Nằm soi bóng bên hữu ngạn sông Chu, dọc theo núi Đọ, nơi đây vẫn lưu giữ được cảnh sắc tiêu biểu của làng quê Bắc Bộ, các giá trị lịch sử -văn hóa đặc sắc, thấm đẫm truyền thống cách mạng. Trên địa bàn xã hiện còn lưu lại nhiều di tích ghi dấu sự kiện quan trọng của xứ Thanh từ kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc. Trong đó, căn hầm làm việc và chỉ huy của đồng chí Ngô Thuyền gợi lên bao điều...
Đường xuống căn hầm làm việc và chỉ huy của đồng chí Ngô Thuyền.
Đồng chí Ngô Thuyền (1910-1994), tên thật là Ngô Văn Tuyển, sinh ra và lớn lên tại làng Tân Bình, xã Thiệu Ngọc. Ông mồ côi cha từ sớm, tuổi thơ là những tháng ngày thiếu khó cùng mẹ bươn chải nhiều công việc nặng nhọc. Truyền thống quê hương cùng gian khó đời thường đã bồi đắp, rèn luyện tính cách cương trực, bản lĩnh, dám nói dám làm. Ông là người sớm giác ngộ cách mạng, được tôi luyện trong phong trào đấu tranh quần chúng, trưởng thành từ cơ sở. Năm 1939, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, được giao nhiệm vụ xây dựng các tổ chức cơ sở Đảng, xây dựng phong trào cách mạng ở địa phương. Ông Ngô Thuyền có 2 lần làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, đều là những giai đoạn mà Đảng bộ, Nhân dân phải đối mặt với vô vàn khó khăn thách thức. Cuối năm 1963 đầu năm 1964, khi Trung ương điều ông trở lại Thanh Hóa làm Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh là thời điểm miền Bắc chuẩn bị bước vào cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ lần thứ nhất. Lúc bấy giờ, Thanh Hóa là một trọng điểm đánh phá, “tọa độ lửa”.
Căn hầm làm việc và chỉ huy của đồng chí Ngô Thuyền được xây dựng trong thời kỳ ông nhận lệnh của Trung ương đảm nhận trọng trách Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Thanh Hóa. Hầm được xây dựng trên núi Đồng Chài (Đồng Mồ), Thiệu Hóa. Theo khảo sát bước đầu, hầm có độ sâu 5m, bố trí 3 cửa dẫn vào vị trí trung tâm, đường hầm rộng 1m... Mặt bằng trên nắp hầm rộng khoảng 100m2. Trước đây, trên nắp hầm đắp đất trồng tre, luồng để ngụy trang.
Trải qua sự khắc nghiệt của thời gian cũng như mưa bom, bão đạn của quân thù nhưng căn hầm vẫn đứng vững, an toàn trong sự chở che, bảo vệ của bà con nơi đây. Hiện nay, toàn bộ di tích hầm làm việc và chỉ huy của đồng chí Ngô Thuyền đều nằm trong nhà dân; trong đó có 1 cửa thuộc địa bàn xã Tân Châu, 2 cửa nằm trên địa bàn thị trấn Thiệu Hóa.
Gia đình ông Nguyễn Hữu Chí, bà Hoàng Thị Thắm (69 tuổi, tiểu khu 2, thị trấn Thiệu Hóa) đã quá quen với việc khách lạ đến hỏi han, tìm hiểu, thu thập tư liệu, hình ảnh về 2 cửa hầm làm việc và chỉ huy của đồng chí Ngô Thuyền trong vườn nhà. Bà Thắm vui vẻ kể chuyện: “Gia đình nhà tôi đã 4 đời sinh sống trên mảnh đất này. Trước đây, đất nơi này vốn nằm trên địa bàn xã Thiệu Châu cũ, sau quá trình phân chia địa giới hành chính, nay thuộc thị trấn Thiệu Hóa”.
Vừa vui chuyện bà Thắm vừa dẫn chúng tôi đi vào vườn, nhiệt tình lấy cuốc dọn hết cây cỏ mọc phía ngoài miệng hầm. Bà Thắm cho biết: Trước đây, căn hầm được cải trang, che mắt quân địch bằng cách đắp mô đất cao, trồng tre xung quanh. Miệng hầm không mở như bây giờ mà có cửa gỗ làm bằng lim. Trong hầm có 1 chiếc bàn dài xây bằng gạch, tráng phẳng mặt. Ở vách hầm có chỗ để các đèn bão thắp sáng. Từ trong lòng hầm có thiết kế các ống thông hơi bằng sành. Nền hầm được lát bằng gạch, ở vị trí các góc có lát gạch đục các lỗ nhỏ như cách thoát nước đơn giản. Xung quanh hầm được xây dựng các hào”. Tiếp nối câu chuyện bên căn hầm, ông Nguyễn Hữu Chí nhớ lại: “Khi căn hầm được xây dựng tại đây thì tôi khoảng chừng 10 tuổi, nào có để tâm để ý gì. Chỉ thấy đông người tập hợp, làm lụng thì tôi cùng nhiều trẻ con trong làng háo hức, tò mò muốn đến xem. Tuy nhiên, lúc bấy giờ khu vực xây dựng được kiểm soát lắm, không phận sự miễn vào. Thế nên tranh thủ những buổi theo chân mẹ hái chè ngang qua khu vực ấy, tôi cũng chỉ biết ngó nghiêng từ xa”.
Những gì diễn ra ở căn hầm trong suốt thời kì ông Ngô Thuyền và một số cơ quan của tỉnh sơ tán về, ông Chí, bà Thắm hay nhiều thế hệ người dân trong làng, xã không hiểu biết tường tận. Những người trực tiếp tham gia đóng góp sức người, sức của xây dựng hầm thì đã “về với cát bụi”. Nhưng trong câu chuyện của hậu thế hôm nay đều dành lời ngợi ca, cảm phục, trân trọng, biết ơn sâu sắc đến ông Ngô Thuyền và biết bao con người thời ấy đã không quản ngại hiểm nguy, gian khó, cận kề sinh tử mà quyết liệt đấu tranh, sẵn sàng hy sinh để giành lấy độc lập, tự do cho dân tộc, Nhân dân.
Ký ức mỗi người dân nơi đây đều lưu lại những kỷ niệm cùng di tích Hầm làm việc và chỉ huy của đồng chí Ngô Thuyền. Ông Chí không đếm được bao nhiêu lần mình cùng trẻ con trong làng, xã kéo nhau xuống hầm tổ chức chơi trận giả, trốn tìm hoặc đơn giản khám phá xem hầm có gì. Thời điểm sinh con gái đầu, trời hè oi bức, nhà không có điện, bà Thắm vẫn thường mang con xuống hầm trải chiếu nằm ngủ, chơi cho mát. “Cách đây 5-7 năm trước”, trẻ con trong làng, xã vẫn thường xuyên sang vườn nhà ông nhà, mượn đèn pin rồi kéo nhau xuống hầm chơi. Thoảng hoặc cũng có khách lạ tìm đến hỏi chuyện, quay phim, chụp ảnh về căn hầm” - bà Thắm cho biết.
Hơn 50 năm sống cùng di tích, 2 vợ chồng ông Chí, bà Thắm xem đó vừa là niềm vinh dự, tự hào nhưng cũng không khỏi trăn trở: “Một di tích mang ý nghĩa lịch sử đặc biệt như vậy mà đến nay vẫn chưa được xếp hạng, chưa được đầu tư, quan tâm xứng tầm. Không chỉ riêng vợ chồng tôi mà rất nhiều người dân ở đây đều cảm thấy chạnh lòng, tiếc nuối. Chúng tôi mong lãnh đạo địa phương, các cấp các ngành có thẩm quyền sớm có hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích này”. Về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Quân - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Châu thẳng thắn chia sẻ: “Với mong muốn lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích; tôn vinh những công lao to lớn của thế hệ đi trước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xã Tân Châu đã lập tờ trình gửi Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thiệu Hóa, UBND huyện Thiệu Hóa xem xét, trình các cơ quan có thẩm quyền xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Hầm làm việc và chỉ huy của đồng chí Ngô Thuyền. Tuy nhiên, do di tích nằm trên địa bàn xã Tân Châu và thị trấn Thiệu Hóa nên khó khăn trong công tác quản lý, phát huy giá trị di tích”.
Trải qua thời gian và nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, cán bộ và Nhân dân trên địa bàn có di tích vẫn luôn chăm lo, bảo quản, giữ gìn căn hầm, coi đó như là một nét đẹp, minh chứng cho truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng. Đây là “địa chỉ đỏ”, lưu dấu ấn về chặng đường gian khó mà vẻ vang của tỉnh Thanh, của cả dân tộc. Để làm tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, xã Tân Châu và thị trấn Thiệu Hóa cần phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành có liên quan để tìm cách tháo gỡ vướng mắc, để ra phương hướng, giải pháp cụ thể, hiệu quả.
Bài và ảnh: Đăng Khoa
{name} - {time}
-
2025-01-15 09:31:00
Nhiều kênh truyền hình dừng phát sóng kể từ ngày hôm nay
-
2025-01-14 13:56:00
Báo chí chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại quan trọng năm 2025
-
2024-08-17 13:58:00
Điểm sáng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở
“Gia đình của em” khơi dậy tình yêu nghệ thuật và sự gắn kết gia đình
[Mega Story] - Gần rồi Sài Khao ơi!
[E-Magazine] – Bịn rịn vàng thơm
Siêu nhạc hội 8WONDER và lễ hội mùa thu quốc tế lần đầu tiên đến Hà Nội
Để cái “bắt tay” du lịch đi vào thực chất (Bài 2): Tránh “trùng” để đi cùng
Khách quốc tế đến Đà Nẵng tăng 35%: sức hút nằm ở đâu?
Bộ VHTTDL khởi động Giải thưởng Quảng cáo sáng tạo Việt Nam năm 2024
LAMORI dịu dàng sắc thu sang
Đến bản Mây trải nghiệm văn hóa Tây Bắc đặc sắc như trong phim “Đi giữa trời rực rỡ”