“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi/ Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”, tôi đã may mắn được bước đi trên những vần thơ ấy.
Còn nhớ, hồi học lớp 12, từng câu, từng chữ trong bài thơ Tây Tiến chúng tôi đều thuộc làu làu. Hình ảnh hùng tráng và lãng mạn của các chiến sĩ đoàn quân Tây Tiến đã được nhà thơ Quang Dũng miêu tả hết sức sinh động, nó nhắc nhở hậu thế về một thời bi hùng của cuộc chiến tranh vệ quốc. Hình ảnh về “đoàn quân không mọc tóc” cứ thôi thúc tôi suốt những năm tuổi trẻ, thế mà tận hôm nay mới được ngược “sông Mã gầm lên khúc độc hành” để đến với “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”.
Trước khi xuất phát tại thị trấn Mường Lát, anh Vi Văn Hùng, nguyên Chánh văn phòng UBND huyện Mường Lát phải lấy kìm, mở nắp bình dầu nhờn của con “chiến mã” hai bánh để kiểm tra cẩn thận, sau đó mới yên tâm giao xe cho chúng tôi và không quên căn dặn đường khúc khủyu lắm.
Cung đường hơn 20km từ trung tâm thị trấn huyện lên Sài Khao chỉ còn chừng 5km chưa được đổ bê tông, ô tô đã thuận lợi vào tận bản. Nhưng, nằm ở độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển, đường lên Sài Khao khiến tôi hiểu thế nào là “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm", "Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống....”.
Sài Khao nhỏ xinh, yên bình trong một thung lũng. Tấm phù điêu bằng đá xanh đặc hữu xứ Thanh cao 2,2m, rộng 2,8m, nặng hơn 5 tấn nằm bên sườn đồi, cạnh đường liên xã, xung quanh có Trường Tiểu học Tây Tiến và Trường Mẫu giáo Sài Khao đã vẽ nên một Sài Khao đang chuyển mình cùng với “trầm tích” văn hóa đồng bào Mông vẫn được lưu giữ kể từ khi an cư lạc nghiệp.
Bản Sài Khao được hình thành vào những năm 90, với 100% là đồng bào Mông di cư từ tỉnh Sơn La đến. Hiện nay, Sài Khao có 95 hộ với 587 khẩu. Bản có 73ha đất canh tác, ngoài ngô và sắn, đồng bào Mông nơi đây còn trồng bí ngô, bí xanh. Từ khi điện và đường vươn tới bản, Sài Khao đã có bước chuyển mình đáng kể. Trong bản có 8 hộ dân đã thoát nghèo. Con em trong bản đi học các cấp ngày một đông. Trong đó, có 3 em đã tốt nghiệp đại học là Vàng A Giàng, Vàng A Mai và Vàng A Chua. Đặc biệt, bản có một em đi xuất khẩu lao động là Vàng A Cang. Tháng 7 vừa qua, những đồng ngoại hối đầu tiên đã về đến bản nghèo. “Bà con giờ đã biết quan tâm đến việc học của các con em. Các em học hết bậc Tiểu học là xuống huyện học tiếp lên bậc THSC. Hy vọng một ngày, những đứa trẻ học hành đỗ đạt sẽ quay về xây dựng quê hương” - Bí thư chi bộ, Trưởng bản Vàng A Lế chia sẻ.
Những nếp nhà tường trình vẫn yên lặng và thâm trầm, nhưng chỉ cần bước tới, là sẽ nghe thêm bao nhiêu câu chuyện giữ đất và mở đất của vùng đỉnh trời phía Tây tỉnh Thanh Hóa.
Trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc ta, mảnh đất vùng biên cương phía Tây Bắc Tổ quốc luôn được coi là vị trí chiến lược hết sức quan trọng, là mảnh đất “phên giậu của Tổ quốc”. Cuối tháng 2/1947, do yêu cầu cấp thiết của nhiệm vụ bảo vệ khu vực miền Tây chiến lược, Bộ Tổng Chỉ huy Quân đội quốc gia quyết định thành lập mặt trận miền Tây (Tây Tiến). Cùng thời gian này, Trung đoàn 52 Tây Tiến được thành lập với nòng cốt là các chiến sĩ Tây Tiến I. Họ phần đông là thanh niên Hà Nội, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên như nhà thơ Quang Dũng, nhạc sĩ Doãn Quang Khải...
Trung đoàn Tây Tiến đóng quân ở huyện Mường Lát và các vùng lân cận, nhưng ở lâu nhất là khu vực Sài Khao (trước thuộc xã Tam Chung, nay thuộc xã Mường Lý, huyện Mường Lát). Bởi, đây là nơi hẻo lánh, quân Pháp và tay sai thường chỉ tuần du dọc sông Mã, ít khi vào đến đây. Mặt khác, địa danh này là nơi trung chuyển muối, hàng hóa sang Lào và các bản vùng cao nguyên Mộc Châu rất gần. Từ Sài Khao, bộ đội có thể dễ dàng tiến đánh hoặc rút lui sang các bản Súng Mến, Mường Lúng... tỉnh Hủa Phăn (Lào).
Trong những hoàn cảnh rất gian khổ, vô cùng thiếu thốn, bệnh sốt rét hoành hành, nhưng bộ đội ta vẫn sống rất lạc quan và chiến đấu dũng cảm. Trung đoàn đã chặn đứng âm mưu nham hiểm của địch là muốn chiếm giữ vùng cao để khống chế, làm bàn đạp tấn công xuống đồng bằng. Năm 1954, Trung đoàn vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” để ghi danh các chiến công lừng lẫy ở mặt trận Tây Bắc.
Hơn 70 năm trôi qua, Sài Khao vẫn còn đó dòng suối Cát Trắng rì rào, đỉnh Pha Luông sừng sững giữa đất trời, minh chứng cho tinh thần vượt khó của những người lính Tây Tiến năm xưa. Và những cây bưởi do bộ đội Tây Tiến trồng năm xưa vào mùa vẫn đơm hoa kết trái, đổ bóng trong những khu vườn nhỏ của nhiều hộ gia đình đồng bào Mông ở bản Trung Thắng (sau khi tách Sài Khao thành 2 bản Sài Khao và Trung Thắng). Phía sau vườn bưởi là khu ruộng bậc thang bộ đội Tây Tiến khai phá rộng chừng gần 1ha. Do nằm dưới thung lũng, nép giữa hai quả đồi cao và bên cạnh là dòng suối Cát Trắng, khu ruộng này khá màu mỡ. Hàng chục năm qua đồng bào Mông vẫn duy trì trồng lúa bản địa. Đó còn là dấu tích bờ kè đá chặn dòng suối để bộ đội và người dân lấy nước sinh hoạt.
Theo chị Lò Thị Thiết, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mường Lát, những dấu tích của đoàn quân Tây Tiến còn sót lại ở Sài Khao có ý nghĩa rất quan trọng về mặt lịch sử. Nơi đây là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Vì thế, thời gian qua địa phương đã và đang hệ thống lại và có các biện pháp bảo tồn, lưu giữ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm, khai thác những câu chuyện gắn liền với Trung đoàn Tây Tiến, gắn với quảng bá để thu hút du khách đến với Sài Khao, góp phần tạo một điểm đến hấp dẫn ở non cao Mường Lát.
Được biết, Sài Khao đang được UBND huyện Mường Lát xây dựng là 1 trong 10 điểm du lịch cộng đồng theo Đề án “Phát triển du lịch huyện Mường Lát đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đây được xem là giải pháp quan trọng đánh thức tiềm năng, thế mạnh, tạo đà cho du lịch ở huyện vùng biên này phát triển, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế của địa phương, đưa huyện Mường Lát sớm thoát nghèo.