Nắng cuối hạ còng xuống như dáng hình bà cụ bên gốc thị cổ tích ngày nào. “Thị ơi thị rơi bị bà, bà để bà ngửi chứ bà không ăn” - tiếng bầy trẻ đồng thanh rủ nhau chìa vạt áo dưới vòm lá xanh đón những trái vàng thơm trên cành cao đang ú òa vẫy gọi. Thu náu mình trong quả thị chín, tôi náu mình vào ấu thơ để lần nữa hít hà mùi hương kỷ niệm. Mùi hương ngọt ngào bịn rịn gieo thương nhớ ở ai...
Chẳng rõ loài chim nào đã nhả hạt thị xuống bờ rào nhà tôi. Ngày tôi lên 8 lên 10 cây thị đã chắc nịch khoẻ khoắn cao bằng hai đầu người lớn. Mấy đứa chúng tôi quy ước rằng cả hai nhà sẽ chung nhau cây thị ấy mặc cho phần gốc trồi về bên này hay cành lá ngả sang bên kia thì mỗi lần quả chín sẽ chia đều cho nhau hết. Thế rồi bờ rào cũng thành lối đi, những mỏm đất dần nhẵn bóng, cả đám trẻ trong xóm nhận cây thị làm của chung rồi đùa vui rôm rả.
Một quả, hai quả, ba quả... Mặc những chấm nâu loang ra từ phía cuống, lớp vỏ ngoài của thị vẫn vàng tươi lấp ló như nụ cười mùa thu dấu sau vòm lá biếc. Thị chín dè mỗi ngày cho chúng tôi háo hức chia nhau. Đứa trèo lên hái, đứa đứng dưới xoè vạt áo đón đợi. Cả đám bắt chước nhau cùng tước dây chuối khô thành nhiều sợi để tết thành chiếc giỏ bé xíu đựng vừa quả thị đem đi chơi hay treo trong nhà cho mùi thơm thoang thoảng. Tôi thường ngắm nghía mấy lượt rồi áp quả thị vào hai cánh mũi, hít hà no nê mỗi tối rồi mới đi ngủ. Khi đám con trai chỉ muốn nhanh nhanh chóng nắn mềm quả thị ăn ngay rồi cười nắc nẻ, thì bọn con gái để dành chơi tới khi thị chín mềm vàng sẫm lại mới từ từ thưởng thức và kể cho nhau về giấc mơ được trở thành cô Tấm xinh đẹp ngoan hiền bước ra từ quả thị cổ tích.
Sau những giờ chơi ấy, đứa nào đứa nấy lại tản về nhà giặt giũ áo quần, thổi cơm đun nước phụ giúp cha mẹ. Rồi sách vở thơm tho từ cửa hàng bách hoá ngoài thị trấn theo mẹ về nhà khi mùa tựu trường vẫy gọi. Mẹ mua cả đùm thị chín vì biết anh em tôi vẫn thòm thèm trông ngóng từng quả nơi bờ rào kia. Rằm tháng bảy với xôi nếp, oản thơm, hoa mẫu đơn, trầu cau với tiền vàng bên nhang đèn rượu nước cùng đĩa thị vàng ươm được mẹ soạn sửa bày biện lên ban thờ. Khi mỗi loài hoa trái đều mang một sứ mệnh, thì quả thị là thứ mà bao đời vẫn lấy đó làm lễ vật, biểu tượng cầu mong cho gia đình có được tiếng thơm và muôn đời lưu giữ.
Tôi có khoảng thời gian sang nhà bác ruột chơi đúng vào mùa thị rộ chín. Cây thị nhà bác sừng sững chi chít quả. Hễ ai đến nhà, bác lại dúi vào tay họ mang về một vài quả. Ở quê là vậy, hoa trái trong vườn có nhiều thường gọi cho nhau đến tận cuối mùa vẫn gần xa í ới. Bác gái nhổ cỏ quanh gốc thị rồi trồng thêm mấy khóm hương nhu ở cạnh để đun cùng bồ kết thơm cho cả nhà gội đầu. Thật lạ khi đất đồi đá sỏi lại bền bỉ sức sống của những loài cây ngát hương hay bởi tấm lòng người chăm trồng đã cảm động cả xù xì cằn cỗi. Ngày bác gái mất, thị rụng vàng gốc, đám hương nhu tím xạm một góc chiều. Bác trai nén lại đau thương để chu toàn việc cửa nhà, con cái sớm hôm. Tôi mơ màng nghĩ về hình bóng bác gái như hình hài cô Tấm từ quả thị bước ra trở về thăm nhà, vẫn làm lụng tinh tươm mọi thứ. Sau này khu vườn nhà bác giải toả, cây thị không còn nữa nhưng cứ tới mùa tháng bảy các anh chị vẫn nhớ mua thị về làm quà, cảnh nhà lại quấn quyện vào mùi hương ngọt ngào thương nhớ.
Cây thị nơi góc vườn nhà tôi cũng không còn nữa, đám trẻ ngày xưa cũng sải cánh khắp phương trời. Nhìn những mẹt thị vàng rực hân hoan xuống chợ phố ngày đầu, tôi như gặp lại người quen cũ, như cá gặp nước như chim thấy cành, những trái thị ngày ấu thơ lại thức dậy thơm ngát. Những đốm nâu từ cuống vẫn loang khắp vỏ, mùi hương ngọt ngào ướp đượm giấc mơ cổ tích. Người mua sà vào gánh thị xuýt xoa nức nở. Dường như những câu chuyện buồn vui trong ký ức của ai đó lại thoảng về cùng mùi hương từ thứ quả quê thân thương gắn bó.
Nơi xóm nhỏ ngày xưa có đám trẻ hồn nhiên cùng nhau chơi đùa, có cây thị thảo thơm mùa quả chín. Có bà, có bác, có mẹ tôi dặn dò chính mình và con cháu điều hay lẽ phải như lời cổ tích trìu mến ân cần. Hương thị vỗ về lòng tôi, mùa thu đã ướp ngọt những thương yêu trong cuộc đời. Vàng thơm sẽ còn thơm mãi...