(Baothanhhoa.vn) - 1.Bố tôi hy sinh khi đánh Pháp ở Điện Biên Phủ. Mẹ tôi mất khi sinh tôi, vì băng huyết. May mà trước đó hai tháng, thím Dậu sinh em Dương nên tôi không phải đi bú mày. Thím tốt sữa nên cả hai thằng chóng lớn. Bà tôi nói cho tôi biết như vậy, năm tôi cắp sách đến trường.

Về quê sau cuộc chiến

1.Bố tôi hy sinh khi đánh Pháp ở Điện Biên Phủ. Mẹ tôi mất khi sinh tôi, vì băng huyết. May mà trước đó hai tháng, thím Dậu sinh em Dương nên tôi không phải đi bú mày. Thím tốt sữa nên cả hai thằng chóng lớn. Bà tôi nói cho tôi biết như vậy, năm tôi cắp sách đến trường.

Về quê sau cuộc chiến

Minh họa: MD

Chú thím Dậu có hai người con trai, Dương là đầu, Thái thứ hai. Còn nhà tôi, thỉnh thoảng bà vẫn nói: “Nếu trời không lấy đi đốt thứ nhất thì giờ thằng Đại có chậy gái!”.

Thái kém chúng tôi một tuổi nhưng học cùng lớp. Khi ba anh em tôi học đến lớp năm thì ông nội qua đời. Năm sau bà cũng về với tiên tổ. Chú thím và em Dương, em Thái phải dọn lên nhà trên ở với tôi. Ba gian nhà bằng gỗ xoan và một cái bếp ông bà làm cho chú thím ra ở riêng giờ thành nhà để cày bừa, thúng mủng dần sàng. Chú bảo để đấy, sau thằng Dương, thằng Thái, đứa mô cưới trước thì xuống đó mà ở. Chỉ còn lo một cái nhà nữa cho thằng cưới sau. Có cây dừa già và mấy cây xoan quanh vườn rồi, yên tâm! Còn khi anh Đại cưới vợ thì ở trên này. Chú hoặc thím sẽ ở với vợ chồng anh Đại. Thím Dậu đang dưới bếp nghe đến đó chạy vội lên, cười cười nói nói: “Đến lúc đó, tôi ở với vợ chồng anh Đại, ở với ông toàn mùi mồ hôi dầu, mùi mạt cưa đủ các loại gỗ, hôi rình!...”. “Mùi mồ hôi dầu với mạt cưa mà làm nên cơm gạo đấy, bà ơi! Cứ chờ đấy mà biết nhá!”.

Chú thím hì hục kê lại mọi thứ ở nhà trên: Đưa cái tủ đứng sang đầu hồi bên kia, dịch cái bàn tọa đen như gỗ mun, ông nội thường nằm mát về phía trước một đoạn, làm giường ngủ cho tôi và thằng Dương. Chỗ kê bàn tọa giờ kê cái bàn dài cho chúng tôi ngồi học. Thím đã vạch dấu chia ra ba khoảng cho ba thằng. Bàn ở gần cửa sổ, mùa hè đón gió Đông vào mát rượi. Hàng ngày, khoảng bốn rưỡi, năm giờ chiều là chúng tôi được đi chơi. Thường là chúng tôi đá bóng ở sân kho hợp tác. Thằng Thái nhỏ thó mà chạy nhanh, tranh bóng có hôm ngã u đầu, hôm thì rách quần áo. Thằng Thiên, con chú Cò Phong, vì mất bóng nhiều lần với thằng Thái nên một hôm nó hung kềnh, túm cổ áo thằng Thái khi bị Thái lấy bóng. Bị Thái vặc ra. Thiên ngã, lồm cồm ngồi dậy, vừa chửi vừa thụi vào hông Thái làm tôi buộc phải xông đến đá vào mông Thiên. Thiên quay lại, chỉ thẳng tay vào mặt tôi, chửi tôi là thằng không bố mẹ. Thế là thằng Thái và thằng Dương hợp sức lại, cho thằng Thiên một trận. May mà đúng lúc chú tôi đi ngang qua, chú ra tay can ngăn. Chú bắt cả bốn thằng đứng thành một hàng, thằng nào cũng tranh nói với chú là mình phải, mình đúng. Chú chỉ cho mỗi thằng biết cái sai. Cuối cùng chú giao hẹn với chúng tôi nếu còn chửi bới, đánh nhau nữa chú cấm không cho đá bóng ở đây nữa. Từ đó, các buổi đá bóng có vẻ trật tự hơn.

Đúng 7 giờ tối, ba thằng phải ngồi vào bàn học. Tôi ngồi ô giữa, thằng Thái và thằng Dương ngồi hai bên. Hôm thì làm toán, hôm thì viết tập. Nếu là học thuộc lòng chỉ được nhẩm bài. Không được đọc to ảnh hưởng đến người khác. Thím dọn dẹp xong, thím ngồi vào cái ghế bên cạnh chúng tôi. Quạt mát, xua muỗi và quan sát chúng tôi học. Ai chưa hiểu chỗ nào thì hỏi thím, thím giảng cho hiểu. Thím xem thời khóa biểu và sách vở của chúng tôi. Gần 9 giờ, thím bảo chúng tôi gấp vở lại. Thím chỉ dẫn cho chúng tôi những ý của bài sẽ học vào ngày mai. Thím bảo biết trước để khỏi bỡ ngỡ khi thầy cô

giảng và sẽ thuộc được một phần bài ở lớp. Sau đó, ba anh em chơi với nhau một lúc rồi súc miệng nước muối trước khi đi ngủ. Ba anh em tôi lên giường thì thím bắt đầu lên khung dệt vải. Khuya lắm thím mới đi ngủ. Những hôm vội hàng cho kịp phiên chợ, thím thức một mạch cho đến khi đổ tấm(*) mới đi nằm.

Tiếng chày nện vải của chú làm thím bừng tỉnh. Thím nấu bữa sáng xong thì chú cũng nện vải xong. Thím gọi ba anh em dậy rửa mặt, ăn sáng. Thím đi chợ. Chú đi làm. Ba anh em tôi đi học. Bữa trưa, ba anh em đã có phần cơm thím để dành, ủ trong chăn. Thím dặn trưa về anh Đại hoặc anh Dương hâm lại canh cho nóng rồi hẵng ăn. Đừng để em Thái đụng đến củi lửa nhỡ bị bỏng hay cháy nhà thì nguy. Nhiều hôm ba anh em không đụng đến canh, chỉ ăn cơm với cá kho hoặc có hôm ăn cơm với cùi dừa kho lẫn với tôm, nhoàng cái đã xong. Bỏ giấc ngủ trưa, ba thằng chơi đánh khăng hoặc đánh cù...

Nhà nước có chủ trương cấp sợi cho các HTX gia công dệt vải khổ rộng. Thế là tổ thợ mộc của HTX do chú làm tổ trưởng lại tập trung vào đóng khung cửi cải tiến, đáp ứng việc gia công cho công ty vải sợi. Nhà nhà không còn tiếng cót két của con quạ trên khung cửi khổ hẹp nữa. Mới bước vào làng đã nghe tiếng lách cách thoi đưa của khung cửi khổ rộng vang lên như một bản hòa ca. Chú nhìn thím hai chân đạp, một tay giật, một tay đẩy cữ lên, dập cữ xuống cho tấm vải dài thêm, cười hả hê và nói như hét to át cả tiếng thoi, cố cho thím nghe: “Một cuộc thay đổi ngoạn mục!”. Thím dừng tay thoi: “Tha..ay đổi ngoạn mục! Bố mi giờ cũng văn vẻ ra phết nhờ!”.“Thế mẹ mi biểu không phải thay đổi ngoạn mục à? Này nhá, từ cái khung cửi nho nhỏ xa xưa ông cha để lại, chỉ dệt những tấm vải rộng ba mươi phân, giờ thay bằng khung cửi cải tiến dệt được vải rộng tám mươi phân; từ go bằng sợi vải chuyển sang go bằng sợi thép; từ cữ bằng tre chuyển sang cữ bằng sắt; từ dừng lại dùng tay để cuộn vải đã dệt được vào trục giờ không phải dừng tay thoi, chân đạp mà đoạn vải dệt được tự động quấn vào trục... Thay cái cũ bằng cái mới đẹp hơn, tốt hơn không phải thay đổi ngoạn mục à? Rồi còn tiếp tục thay đổi nữa. Sau này mẹ mi chỉ cần hai chân đạp thôi, các bộ phận của khung cửi cũng chuyển động cho ra vải như bây giờ. Đợi đó mà xem nhá!”. “Chịu bố mi rồi!", thím nguýt chú. Chú cười: “Không chịu mà được à!”.

2.Năm cuối lớp 10, có đợt khám tuyển bộ đội. Tôi và Dương trúng tuyển. Thái còn thiếu tuổi không được đi mặt buồn thiu. Sắp đến ngày lên đường tôi bị ông xã đội gặp truyền đạt lại ý kiến của xã là tôi không đi đợt này vì tôi là con liệt sĩ. Tôi không chịu. Tôi lên gặp hẳn ông Chủ tịch ủy ban hành chính xã. Tôi nói cái lý của tôi:

- Thưa ông chủ tịch! Bố tôi là liệt sĩ, mẹ tôi đã qua đời khi tôi vừa lọt lòng. Chú thím tôi đã nuôi tôi sống và ăn học, coi như tôi đã là con của chú thím rồi. Tại sao lại ngăn tôi nhập ngũ đợt này? Làm như vậy hóa ra công nuôi dưỡng của chú thím tôi nhiều năm nay là công cốc à?

- Nào có ai phủ nhận công của chú thím anh nuôi dưỡng anh trưởng thành đến ngày nay đâu. Nhưng đây là chính sách. Người ta xét về huyết thống. Ông chủ tịch nhẹ nhàng giải thích.

- Người Việt Nam ta cùng một dòng máu Lạc Hồng cả mà! Xin ông chủ tịch cứ để cho tôi đi. Hòa bình tôi về!

Tôi cứ chơi bài cù nhày mãi. Cuối cùng ông chủ tịch xã phải đồng ý cho tôi và Dương đi bộ đội cùng đợt.

Ngày chúng tôi nhập ngũ được chú thím và bà con ở Ngõ Đá đưa chân đến nơi tập trung của xã. Thái bịn rịn theo chân tôi và Dương ra tận Bút Sơn, nơi Huyện đội giao quân. Năm đó, mấy lớp cuối cấp của trường tôi vào bộ đội tới hơn hai chục học sinh và hai thầy giáo. Học sinh ở xã nào thuộc xã đội đó quản lý và giao quân nên khi tập trung ở Huyện đội gần như học sinh trường tôi đi tiễn chân đông nhất. Bọn con gái đứa nào chưa được chúng tôi viết lưu niệm giờ đến đây mới đưa cuốn carnet cho chúng tôi viết nguệch ngoạc mấy chữ hoặc ký tên làm lưu bút!

3. Chúng tôi hành quân lên vùng Thọ Xuân, đóng quân ở làng Tép, nơi có đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai. Ở đây huấn luyện cơ bản về bắn súng và kỹ chiến thuật đánh trận. Những đêm tập hành quân, đeo ba lô gạch đá nặng đến hàng yến. Đi đường bằng, leo lên đèo, lội qua khe suối. Chân mỏi. Vai rát. Tôi và Dương ở hai trung đội khác nhau. Cuối đợt, sát hạch kỹ chiến thuật, bắn đạn thật tôi và Dương đều đạt điểm cao.

Trăng đầu tháng từ làn sương mỏng mới chui ra thì còi báo động đã tuýt lên từng hồi. Trung đội trưởng lệnh cho mọi người mang toàn bộ súng đạn và quân trang, quân dụng đi ngay.

Thế là chúng tôi tạm biệt làng Tép lên đoàn xe nhà binh đang chờ sẵn. Rạng sáng hôm sau chúng tôi đến khu rừng có con suối nước xâm xấp không lút bàn chân. Hai bên bờ suối là hai dãy núi với những cây to hai, ba người ôm không xuể. Dưới những tán cây có nhiều lán nằm bằng tre, bằng nứa, lợp lá cọ. Những người lính cũ nói cho chúng tôi biết đây là làng Ho. Là trạm nghỉ chân, gửi quần áo, thư từ, giấy tờ cá nhân và lĩnh quần áo mới để vượt qua đèo Ngàn linh một tiến vào miền Nam hoặc sang giúp bạn Lào. Bây giờ chúng tôi mới cảm nhận chiến tranh gần... như sờ thấy! Ở lại đây một ngày, chúng tôi được phiên chế lại đơn vị. Lính mới xen lẫn với các chiến sĩ lâu năm. Các trung đội đều được lĩnh các loại súng đạn, lựu đạn, tăng, võng, quân phục mới. Tiểu đội của tôi, được gọi là tiểu đội trực thuộc, chưa được lĩnh thêm gì. Sáng sớm hôm sau cả đơn vị hành quân vượt qua đèo Ngàn linh một. Tiểu đội của tôi ở lại.

Thế là tôi và Dương chia tay nhau...

4.Tiểu đội trưởng của tiểu đội tôi ở lại. Mười thằng lính mới chúng tôi được hành quân bằng xe ô tô. Không vượt qua đèo Ngàn linh một mà hình như là quay trở lại. Núi cao, rừng sâu rất khó xác định hướng. Chiều muộn. Chúng tôi đến nơi tập kết mới. Đây là một khu rừng có nhiều núi đá. Doanh trại bằng tranh tre nhưng chắc chắn và nền nếp. Chúng tôi được hướng dẫn về từng nhà. Hôm sau, thủ trưởng đơn vị gặp gỡ và thông báo cho chúng tôi trong diện được chọn đi học ở nước ngoài. Lần lượt từng người sang các nước bạn theo yêu cầu học tập. Tôi bay sang thành phố Kharkov, thuộc Liên Xô, sau đó hai ngày. Suốt sáu tháng đầu chúng tôi chỉ tập trung học tiếng Nga để nắm bắt bài giảng. Sau đó, vừa học tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Thái vừa học sử dụng các loại máy để phục vụ cho hoạt động nội tuyến. Các môn huấn luyện ở đây ngoài sức khỏe dẻo dai, tinh thông võ thuật, tinh thần quả cảm, ý chí chiến đấu cao ra cần phải học xác định mục tiêu và học cách khai thác thông tin của đối phương. Nắm chắc ý đồ của người hoặc tổ chức cần những thông tin đó để tiến hành thu thập thông tin. Tập hợp các thông tin thu được để so sánh, đánh giá và đối chiếu rồi chuyển những thông tin đã xử lý cho người cần biết, kịp thời và chính xác...

Kết thúc khóa học, tôi về nước và được giao nhiệm vụ sang làm việc cho một hãng buôn lớn của một Việt kiều có văn phòng ở Bangkok. Bề ngoài tôi được ông chủ giao cho việc thảo các hợp đồng của hãng mua bán để cung cấp vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng và các loại thực phẩm đóng hộp cho quân đội Thái Lan, quân đội Sài Gòn. Bên trong là thu thập, xử lý mọi thông tin đảm bảo tin cậy rồi chuyển cho cấp trên. Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ được giao cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng chưa xảy ra sai sót.

Sau năm 1975, tình hình biên giới phía Nam có phức tạp nên chúng tôi còn phải ở lại “Hãng buôn” của tôi. Hãng buôn vẫn khởi sắc giữa thành phố Bangkok phồn hoa và náo động. Những năm ở Bangkok, tôi gặp Tuyết, nữ đồng chí cùng làm việc trong hãng. Chúng tôi yêu nhau và cấp trên cho phép chúng tôi được lập gia đình.

5. Tôi bảo lái xe đậu dẹp bên lề đường làng thường gọi là đường Đồng Bến. Vợ chồng tôi và hai con xuống xe. Gió chiều thổi nhẹ mang hương lúa đang phơi từ cánh đồng vào xóm. Hai con tôi ngơ ngác trước cảnh đồng quê mới lạ. Tôi bước lên những hòn đá vuông lát vừa mỗi bước chân đi mà những năm xa nhà nhiều khi làm tôi nhớ đến nao lòng. Đã là lúc đi làm đồng về, Ngõ Đá có mấy người nhận ra tôi. Họ la lên: "Ôi làng ơi! Anh Đại nhà bà Phó còn sống về đây này, ớ làng ơ...i! Lại còn cả vợ con nữa. Ới làng ơ..i ơi!". Tiếng la làm mấy nhà gần đó túa ra. Người thì đứng nhìn tôi, nhìn vợ con tôi và nói: Trời! Bà Phó khóc hết nước mắt rồi! Người thì bế thốc lấy con nhỏ của tôi, khen lấy khen để. Có ông già, tôi chưa kịp nhận ra tên ông, ông đã nắm lấy tay tôi, nắn từ bàn tay lên đến nách xem còn nguyên lành không và cười phô cả hai hàm lợi không còn răng, nói không tròn tiếng: “Còn lành lặn là mầng rồi! Về đi! Bà Phó khóc cạn nước mắt r..ồôi!”. Một bà già nắm lấy tay vợ tôi mà dắt đi. Mấy đứa trẻ con không hiểu con cái nhà ai mà như hòa nhập ngay được với thằng con lớn nhà tôi, đứa thì lôi, đứa thì dúi vào tay con tôi dùm trái cây, cười thoải mái phô hai hàm răng sún. Có một bà đã trung tuổi chạy lên phía trước la: “Bà Phó ơi..ơi.. Bác Đại nhà bà vẫn còn sống về đây này! Bà Phó ơi..ơ..i! Bác Đại nhà bà đ..ã v..ề..ề!..”.

Mọi người đưa vợ chồng con cái tôi về đến sân. Nhà vẫn lặng im. Mùi hương trầm tỏa ra thơm ngát. Tôi bước vào nhà, lạnh người đi khi thấy trên ban thờ sau làn khói hương là di ảnh của ông bà nội, bố mẹ tôi, chú Dậu và dưới cùng là di ảnh của tôi, của Dương và Thái. Tôi cố giữ bình tĩnh mà không sao giữ nổi. Tôi gập trước bàn thờ mà khóc. Tôi chưa hoàn hồn thì một bàn tay xương xẩu luồn qua ngực dìu tôi dậy. Thì ra là chú Thoàn! Chú đã bước theo tôi vào nhà. Chú nghẹn nào: “Bác Dậu trai chết 1967, đi đắp đê trên Quán Rách, bị máy bay ném bom. Đêm ấy làng ta mười bốn, mười lăm người chết. Mai là cả làng giỗ đây! Anh Dương hy sinh trong thành Quảng Trị. Anh Thái vào bộ đội khi đang ở trường đại học, hy sinh đúng ngày giải phóng Sài Gòn. Anh có giấy báo tử là hy sinh ở mặt trận phía Nam. Làm lễ truy điệu hồi tháng mười, năm sáu tám. Coi như Ngõ Đá ta có mười người đi bộ đội mà tám người là liệt sĩ! Hai người chưa về là anh Thiên và anh Hướng. Nay anh về, thế là Ngõ Đá ta bảy người là liệt sĩ, vẫn còn hai người chưa về! Chưa biết sống chết ra răng!”. Chú Thoàn ôm lấy tôi, bật khóc. Bà con Ngõ Đá kéo đến đông kín sân. “Thế thím Dậu đâu?”. Tôi hỏi chú Thoàn. “Mới gặp bác ấy lúc trưa ra chợ cóc ở đầu xóm mua hoa quả, hương vàng. Hay là bác ấy ra Cồn Me thắp hương mời ông bà, bác trai, anh Thái, anh Dương và anh về ăn giỗ bác trai!”. Tôi ra sân chắp hai bàn tay, giơ cao chào mọi người rồi chạy ra Cồn Me. Đến cồn Nít, tôi thấy một người đàn bà tóc bạc, gầy đét đang thập thững bước thấp, bước cao đi về làng. Thì ra là thím Dậu. Tôi ôm lấy thím và la to: “Thím! Con đã về đây nè! Thằng Đại của thím đã về đây nè. Thím!”. Thím sững người lại như một tượng gỗ, trừng mắt nhìn tôi. Thím nghẹn ngào, nước mắt cứ trào ra và thím từ từ ngã xuống. Tôi ôm chặt thím hơn. Thím nhìn trừng trừng vào mặt tôi. “Thằng Đại! Thằng Đại! Người hay là ma đây! Con sống khôn chết thiêng thì về ăn giỗ chú cho vui cửa vui nhà con nhá!”. “Trời! Con có chết đâu! Con vẫn còn sống đây nè! Thím!...”. Thím tôi như người mộng du, nửa tỉnh nửa mê. Người thím lạnh đi. Nhà tôi, hai con tôi, chú Thoàn và một số bà con cũng vừa kịp tới. Thím tôi khóc rồi lại lả đi trong tay tôi. Vợ tôi đỡ thím. Chú Thoàn la lên, ai đó gọi mấy cô trạm xá cho tôi với! Vợ tôi đặt thím xuống nơi mặt đất phẳng hà hơi thổi ngạt và xoa bóp ngực trước tim của thím... Thím từ từ mở mắt ra, ngơ ngác nhìn vợ tôi. Từ hai khóe mắt thím, những giọt nước mắt quánh đục từ từ chảy xuống thái dương và mang tai thím. Hai bàn tay thím run run đưa lên sờ mặt vợ tôi và tôi, giọng thím nghẹn ngào: “Đại! Con còn sống à? Thật chứ Đ..ại?”. “Vâng! Con còn sống! Vợ con đây nè! Các con của con đây nè!”. Tôi vừa nói vừa chỉ tay vào các con tôi. Vợ tôi đang rấm rức bỗng òa khóc lên thành tiếng, đưa thím vào tay tôi rồi khom lưng xuống bảo tôi đặt thím lên lưng để cõng thím về. Tôi đặt thím lên lưng nhà tôi, chúng tôi đưa thím về đến sân thì các cô bác sĩ ở trạm y tế cũng vừa đến kịp. Họ bảo đặt thím vào giường. Nhưng thím đã tỉnh lại và nói để thím ngồi ở bậc hè. Thím nghẹn ngào: “Ngày mai là giỗ chú con. Thím ra mời chú và gia tiên về. Chết hết rồi con ơi! May mà còn bay!”. Thím cố đứng lên, đưa tay sờ đầu hai đứa con tôi. Vợ chồng tôi dựa để thím bước qua ngưỡng cửa vào nhà, vừa đi thím vừa nói: “Thím đã vào Nam mấy bận rồi, đi khắp các nghĩa trang mà không thấy phần mộ của các con. Chết hết cả rồi, nhà ta từ đời ông, đời cha đều ăn ở hiền lành, sao ông trời lại nỡ đầy đọa nhà ta như rứa?”. “Chiến tranh mà thím!... Còn con, còn vợ con và các cháu của bà đây nè... Thím!”.

Nhà tôi vừa nấc vừa lau những giọt nước mắt cho thím. Phía sau, bà con lối xóm và hai con tôi cũng nức nở.

(*) Đổ tấm là dệt đến vuông vải cuối cùng, vuông thứ 40 của một tấm vải khổ rộng 30cm. Một vuông dài 30cm, bằng khổ rộng 30cm.

Truyện ngắn của NGUYỄN HUY SÚC



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]