“Bản chất XDNTM nói chung là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, để nông thôn thật sự trở thành những làng quê đáng sống”
Vừa qua, Hội đồng Thẩm định Trung ương đã bỏ phiếu nhất trí đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Thọ Xuân đạt chuẩn huyện NTM nâng cao năm 2023. Với kết quả này, Thọ Xuân là huyện đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và khu vực Bắc Trung bộ nói chung đạt chuẩn các tiêu chí của huyện NTM nâng cao. Nhân dịp này, Báo Thanh Hóa đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đình Hải, Bí thư Huyện ủy Thọ Xuân xoay quanh những nỗ lực, quyết tâm cùng cách làm hay, sáng tạo của địa phương trên hành trình XDNTM nâng cao.
Ông Lê Đình Hải, Bí thư Huyện ủy Thọ Xuân.
Phóng viên (PV): Được xác định là một trong các trung tâm kinh tế động lực của tỉnh, những năm qua, Thọ Xuân luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện lớn từ tỉnh đến Trung ương. So với các địa phương khác đang tiến bước trên “xa lộ” XDNTM nâng cao, huyện Thọ Xuân có những lợi thế so sánh gì?
Ông Lê Đình Hải: Thọ Xuân là vùng đất có bề dày lịch sử, lắng đọng trầm tích văn hóa, truyền thống cách mạng. Nơi đây tự hào là quê hương các Anh hùng dân tộc Lê Hoàn, Lê Lợi và nhiều danh nhân, danh tướng tài cao, chí lớn đã làm rạng danh quê hương, đất nước; nơi phát tích của hai vương triều tiền Lê và hậu Lê. Toàn huyện có 57 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...
Huyện Thọ Xuân là vùng đất đai rộng lớn, màu mỡ, tương đối bằng phẳng; nằm ở trung tâm vùng động lực phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, vị trí cửa ngõ nối liền đồng bằng với trung du, miền núi của tỉnh; một trong những đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh và khu vực, với nhiều tuyến đường huyết mạch của quốc gia, của tỉnh chạy qua. Trên địa bàn huyện có nhiều công trình quan trọng về quốc phòng, kinh tế, văn hóa của quốc gia, của tỉnh, như: Sân bay quân sự Sao Vàng (là một trong những sân bay quân sự lớn cả nước), Cảng Hàng không Thọ Xuân (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thành cảng hàng không quốc tế), đập Bái Thượng,...
Với sự quan tâm của tỉnh, ngày 10/1/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về xây dựng và phát triển huyện Thọ Xuân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 299/2022/NQ-HĐND ngày 13/7/2022 về một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển huyện Thọ Xuân.
Những giá trị lịch sử - văn hóa tiêu biểu cùng sự quan tâm, tạo điều kiện của Trung ương, tỉnh qua các thời kỳ là tiền đề quan trọng, động lực lớn lao đối với huyện Thọ Xuân trên hành trình xây dựng và phát triển. Đặc biệt, Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 10/1/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển huyện Thọ Xuân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 299/2022/NQ-HĐND ngày 13/7/2022 của HĐND tỉnh về một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển huyện Thọ Xuân thực sự là những “tấm thẻ vàng” để địa phương tăng tốc, bứt phá hoàn thành XDNTM nâng cao trước năm 2024, phấn đấu đến năm 2025 Thọ Xuân trở thành một trong ba huyện dẫn đầu các phong trào của tỉnh, trở thành thị xã Thọ Xuân trước năm 2030.
PV: Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, huyện Thọ Xuân triển khai, thực hiện XDNTM nâng cao trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức. Khi thực tiễn đặt ra yêu cầu cấp thiết cũng chính là lúc vai trò lãnh đạo của Đảng được thể hiện rõ nét nhất. Huyện Thọ Xuân đã phát huy vai trò của các cấp ủy đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện NTM nâng cao như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Đình Hải: Bản chất XDNTM nói chung là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, để nông thôn thật sự trở thành những làng quê đáng sống. XDNTM là quá trình lâu dài, liên tục, “có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thọ Xuân lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu: Tập trung xây dựng huyện Thọ Xuân trở thành huyện NTM nâng cao trước năm 2024 theo hướng phát triển toàn diện và bền vững; đời sống vật chất và tinh thần Nhân dân được nâng cao, hướng đến xây dựng xã hội nông thôn yên bình, văn minh, giàu đẹp. Phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu gắn với tiêu chí phường để trở thành thị xã trước năm 2030.
Huyện ủy, UBND huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai cuộc vận động thực hiện phong trào thi đua; tổng kết, đánh giá các mô hình điểm, nhân rộng các điển hình, những kinh nghiệm hay và cách làm sáng tạo; thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận, thống nhất trong cán bộ, đảng viên và cộng đồng dân cư để huy động mọi nguồn lực XDNTM. Các cấp, các ngành, các đoàn thể đều có kế hoạch và triển khai tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện chương trình XDNTM.
Song song với việc ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, huyện Thọ Xuân ban hành cơ chế hỗ trợ; các cấp ủy đảng, chính quyền tổ chức, hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thực hiện theo phương châm “Cán bộ, đảng viên đi trước, Nhân dân theo sau”; “Cán bộ có tâm, có tầm, Nhân dân ủng hộ”... Hằng năm, HĐND huyện đã cụ thể hóa các nghị quyết của Huyện ủy, ban hành nhiều cơ chế khuyến khích phát triển sản xuất, hỗ trợ các chương trình mục tiêu kinh tế - xã hội và XDNTM. Những chính sách này đã khích lệ tinh thần của cán bộ, Nhân dân các thôn, xã trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, ban chỉ đạo tiếp tục rà soát, đánh giá cụ thể từng tiêu chí theo bộ tiêu chí quốc gia về xã, huyện XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn; xây dựng kế hoạch, lộ trình, huy động nguồn lực và phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện việc duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí ở các địa phương đã được công nhận và các địa phương đang hoàn thiện các tiêu chí XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
PV: Hành trình của năm 2024 đã bước vào chặng đua cuối cùng. Đến nay, Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM nâng cao của huyện Thọ Xuân đã đạt được những kết quả gì?
Ông Lê Đình Hải: Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện huyện NTM nâng cao, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, cùng với sự đồng thuận tích cực tham gia của các tầng lớp Nhân dân, chương trình XDNTM nâng cao của huyện Thọ Xuân đã có bước phát triển mạnh mẽ; cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ, diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; cơ cấu lao động chuyển dịch đúng hướng.
Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ; năng lực, quy mô sản xuất ngày càng tăng. Tốc độ tăng giá trị sản xuất năm 2023 đạt 6,3% (xếp thứ 2 toàn tỉnh). Quy mô giá trị sản xuất theo giá thực tế đạt 21.596 tỷ đồng (gấp 1,8 lần năm 2019). Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được quan tâm thực hiện, đến nay có 38 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 1 sản phẩm được xếp hạng 4 sao, đứng đầu toàn tỉnh về sản phẩm OCOP...
Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 63,86 triệu đồng (gấp 4,9 lần so với thời kỳ bắt đầu XDNTM năm 2011; gấp 1,5 lần so với khi huyện đạt chuẩn NTM năm 2019 và gấp 1,2 lần so với bình quân chung của tỉnh). Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao; văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ; an sinh xã hội được đảm bảo. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực, trong hơn 3 năm đã kết nạp được 1.253 đảng viên mới (vượt mục tiêu đại hội).
Huyện đã duy trì đạt chuẩn 9/9 tiêu chí huyện NTM và hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM nâng cao, 100% số xã duy trì đạt chuẩn NTM, trong đó có 53,85% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao và 7,69% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Vừa qua, trên cơ sở báo cáo kết quả rà soát hồ sơ đề nghị xét, công nhận huyện Thọ Xuân đạt chuẩn NTM nâng cao; báo cáo kết quả đánh giá sự hài lòng của người dân và các ý kiến phản biện tại hội nghị, 100% thành viên Hội đồng Thẩm định Trung ương nhất trí đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Thọ Xuân đạt chuẩn huyện NTM nâng cao năm 2023. Các thành viên hội đồng thẩm định cũng đóng góp thêm nhiều ý kiến để huyện Thọ Xuân tiếp tục XDNTM bền vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện NTM nâng cao.
PV: Trên hành trình “chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc” ấy, định hướng của huyện trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Đình Hải: Trước nhất, huyện Thọ Xuân xác định xây dựng huyện NTM nâng cao là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, quản lý điều hành của Nhà nước và công tác tuyên truyền, vận động của mặt trận, các đoàn thể từ huyện đến cơ sở, chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc.
XDNTM phải trên cơ sở lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ có mục tiêu, các chương trình, dự án khác đang triển khai ở nông thôn và có cơ chế chính sách khuyến khích mạnh mẽ đầu tư của các thành phần kinh tế; huy động đóng góp công sức của Nhân dân trên cơ sở tự nguyện, bàn bạc dân chủ, không gượng ép quá sức dân.
Phát huy những kết quả đã đạt được, duy trì và nâng cao chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí huyện NTM nâng cao, xây dựng Thọ Xuân trở thành huyện NTM điểm của tỉnh, gắn với xây dựng tiêu chí phường, phấn đấu trở thành thị xã trước năm 2030, tập trung xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp; phát triển sản xuất theo hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa gắn liên kết sản xuất theo chuỗi, gắn với phát triển dịch vụ du lịch sinh thái; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Mục tiêu chung của huyện trong thời gian tới là tiếp tục XDNTM bền vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện NTM nâng cao; phấn đấu hoàn thành 26/26 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 6 xã NTM kiểu mẫu gắn với tiêu chí phường. Tập trung xây dựng và phát triển huyện Thọ Xuân trở thành một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ của tỉnh Thanh Hóa; có nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ phát triển; kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; nền văn hóa đậm đà bản sắc; xã hội phát triển, đời sống Nhân dân được nâng cao; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng - an ninh được bảo đảm vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phấn đấu trở thành thị xã trước năm 2030, một trung tâm động lực quan trọng, góp phần đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.
PV: Cảm ơn ông đã chia sẻ!
Hương Thảo (thực hiện)
{name} - {time}
-
2024-11-22 10:04:00
Những người giữ hồn di sản
-
2024-11-22 09:59:00
“Bật đèn xanh” cho dạy thêm, học thêm (Bài 3): Nới lỏng và quản lý
-
2024-10-20 15:44:00
Điều còn mãi
Chuyện thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Đường Hồ Chí Minh trên biển: Không chỉ là huyền thoại!
“Bóng hồng” sau siêu bão (Bài 1): Hoa trong bão, lũ
“Bóng hồng” sau siêu bão (Bài 2): Những chuyến đi nghĩa tình
Những người phụ nữ tôi kính trọng
Phát huy nội lực, xây dựng nông thôn mới ở huyện vùng cao Quan Sơn
Lớn lên từ những mảnh vườn
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lam Sơn: Nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, giữ vững thương hiệu “cánh chim đầu đàn” của giáo dục tỉnh Thanh Hóa
Dấu chân người khổng lồ trên đất Thanh