Xây dựng trường THPT đạt chuẩn quốc gia - những thuận lợi và khó khăn
Cùng với bậc học mầm non, tiểu học và THCS, những năm gần đây, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (CQG) ở bậc THPT trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, ngành giáo dục và đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.
Khuôn viên sân trường Trường THPT Chu Văn An (TP Sầm Sơn) được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp, thân thiện.
Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, ngành giáo dục cùng sự nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường, năm 2021, Trường THPT Nông Cống 3 (Nông Cống) đã được công nhận trường đạt CQG. Thực tế quá trình xây dựng chuẩn, Trường THPT Nông Cống 3 gặp không ít khó khăn, trở ngại, nhất là trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học do trường đóng chân trên địa bàn vùng khó của huyện Nông Cống. Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của tỉnh, ngành giáo dục và chính quyền địa phương, những khó khăn, vướng mắc dần được tháo gỡ, diện mạo nhà trường từng bước được khởi sắc. Theo đó, nhiều hạng mục như: nhà đa năng, khuôn viên sân trường, trang thiết bị phòng học bộ môn... được đầu tư mua sắm, xây dựng kiên cố, hiện đại, bảo đảm tiêu chí của trường đạt CQG. Kết quả đạt được trong xây dựng trường chuẩn đã tạo động lực để mỗi cán bộ, giáo viên và học sinh phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
Tại Trường THPT Chu Văn An (TP Sầm Sơn), mục tiêu “cán đích” trường chuẩn cũng đang trên đường hiện thực hóa. Thầy giáo Nguyễn Đình Bảy, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trong quá trình xây dựng trường chuẩn, nhà trường đã huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học, không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, chất lượng giáo dục trong nhà trường. Thời gian qua, nhà trường đã đầu tư xây dựng nhiều hạng mục công trình như chỉnh trang khuôn viên sân trường theo hướng xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện... Dự kiến trong năm 2025, nhà trường sẽ được đầu tư thêm 10 phòng học bộ môn theo hướng kiên cố, hiện đại. Sau khi hạng mục này hoàn thiện và đưa vào sử dụng, nhà trường sẽ bảo đảm các tiêu chí trường đạt CQG theo yêu cầu.
Có thể thấy, từ khi thực hiện chương trình đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học giai đoạn 2021-2025 cho các trường THPT, THCS&THPT để đạt CQG đến năm 2025, không ít trường THPT trên địa bàn tỉnh đã đạt CQG và đang trong giai đoạn nước rút để “về đích”. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường THPT gặp khó khăn trong công tác xây dựng chuẩn. Theo quy định, để đạt CQG, một trường THPT phải đáp ứng 5 tiêu chí đó là: Tổ chức và quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; chất lượng giáo dục; tài chính, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Với 5 tiêu chí trên, theo nhiều lãnh đạo trường THPT, tiêu chí tài chính, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học là tiêu chí khó thực hiện đối với các nhà trường. Khó khăn trong tiêu chí này cũng đã được người đứng đầu ngành giáo dục Thanh Hóa Trần Văn Thức giải bày tại một số hội nghị quan trọng của tỉnh thời gian qua, gần đây nhất là tại Hội nghị lần thứ 30, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX. Người đứng đầu ngành giáo dục Thanh Hóa mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm từ phía tỉnh về những quyết sách mới trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục đáp ứng yêu cầu xây dựng CQG đối với các trường thuộc bậc học THPT.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, đến hết học kỳ I, năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 58/102 trường THPT, đạt tỷ lệ 56,86%, trong đó trường THCS&THPT mới chỉ có 1/12 trường đạt chuẩn. So với 5 năm về trước toàn tỉnh đã tăng hơn 20 trường THPT đạt chuẩn. Tuy nhiên, nếu so sánh kết quả này với các bậc học mầm non 575/676 trường đạt chuẩn (đạt tỷ lệ 85,06%); tiểu học 534/594 trường đạt chuẩn (đạt tỷ lệ 89,9%); THCS 519/609 trường đạt chuẩn (đạt tỷ lệ 85,22%) thì số lượng trường THPT trên địa bàn tỉnh đạt CQG đang còn khá khiêm tốn. Đáng chú ý, trong số 58 trường THPT đã đạt chuẩn hiện có 16 trường đã quá hạn nhưng chưa bảo đảm tiêu chí để được công nhận lại như Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, Trường THPT Đào Duy Từ (TP Thanh Hóa)...
Điều này đòi hỏi ngành giáo dục cũng như cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm hơn nữa, thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để các tầng lớp Nhân dân thấy rõ vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng trường đạt chuẩn từ đó ủng hộ, phối hợp với nhà trường trong việc thực hiện các tiêu chí của trường CQG. Đối với mỗi đơn vị trường cần tiếp tục làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, tranh thủ mọi nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất trường học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa cũng như xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên vững chuyên môn, tâm huyết với nghề nhằm bảo đảm các tiêu chí trường đạt CQG.
Bài và ảnh: PS
{name} - {time}
-
2025-01-13 13:39:00
Chú trọng chăm sóc sức khỏe tâm thần học đường
-
2025-01-13 11:17:00
Công bố danh sách cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng
-
2024-04-09 14:13:00
Bức bối chuyện vào lớp 10
Hệ thống Anh ngữ Quốc tế Ocean Edu chào mừng lễ kỷ niệm 17 năm - Hành trình giúp hàng triệu người Việt giỏi tiếng Anh
Ngày hội Tư vấn Tuyển sinh - Hướng nghiệp - Việc làm dành cho sinh viên báo chí
Gian nan sự học dưới những tán rừng già
Thanh Hóa có 4 học sinh được chọn vào các đội tuyển thi Olympic khu vực châu Á năm 2024
Bỏ phụ cấp thâm niên: Tâm tư của nhà giáo
Bộ GD-ĐT đề xuất đưa phổ cập giáo dục mầm non 3-5 tuổi từ thí điểm sang đại trà
Bật mí về chi phí và điều kiện khi du học Hà Lan
Định cư Mỹ diện EB5 - Cơ hội lấy thẻ xanh cho cả gia đình và những điều cần biết
Chi phí du học Singapore có đắt không? Cần bao nhiêu tiền?