(Baothanhhoa.vn) - Hơn 4 năm qua, Chương trình OCOP đã từng bước tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, để sản phẩm OCOP có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, đòi hỏi các chủ thể phải chú trọng nâng cao chất lượng, từng bước xây dựng sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu trong lòng người tiêu dùng và khẳng định vị thế ở thị trường trong, ngoài nước.

Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP Thanh Hóa

Hơn 4 năm qua, Chương trình OCOP đã từng bước tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, để sản phẩm OCOP có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, đòi hỏi các chủ thể phải chú trọng nâng cao chất lượng, từng bước xây dựng sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu trong lòng người tiêu dùng và khẳng định vị thế ở thị trường trong, ngoài nước.

Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP Thanh HóaSản phẩm OCOP 4 sao Đông trùng hạ thảo Ngọc Việt tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm.

Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ, xây dựng thương hiệu chính là cách giúp cho các sản phẩm nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng có sức cạnh tranh và tạo được chỗ đứng trên thị trường. Qua việc xây dựng thương hiệu, người sản xuất được nâng cao kiến thức về quy trình lựa chọn nguyên liệu, kỹ thuật sản xuất, bảo quản, tiếp thị sản phẩm. Đồng thời, tiến hành các công việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý để tránh bị xâm phạm... Đây cũng là cơ sở để bảo vệ, phát triển và quảng bá sản phẩm trên thị trường.

Trong khi những sản phẩm khác dù đã được “gắn sao” OCOP song vẫn loay hoay khẳng định chỗ đứng trên thị trường thì với nền tảng sẵn có, các sản phẩm OCOP tinh dầu quế Thường Xuân và Quế Thanh có sự phát triển vượt trội. Ông Nguyễn Văn Minh, chủ cơ sở sản xuất tinh dầu quế tại thị trấn Thường Xuân (Thường Xuân), cho biết: Từ năm 2016, khi Cục Sở hữu trí tuệ có Quyết định số 4090/QĐ-SHTT về công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cây Quế Ngọc, người dân địa phương được tập huấn, tìm hiểu kỹ thuật sản xuất theo quy trình chặt chẽ và bảo đảm chất lượng khi truy xuất nguồn gốc. Tiếp đó, các sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh, giá bán sản phẩm nguyên liệu được đăng ký và quản lý tăng từ 20 - 50%, giá bán tinh dầu quế Thường Xuân tăng lên khoảng 100 - 130% so với thời điểm chưa được bảo hộ thương hiệu. Bên cạnh đó, việc được cấp chỉ dẫn địa lý trở thành “tấm vé thông hành” để quế và các sản phẩm từ quế Thường Xuân có thể tiêu thụ ổn định tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hay với các sản phẩm từ cói của huyện Nga Sơn, sâm Báo của huyện Vĩnh Lộc, mắm, nước mắm của làng nghề Khúc Phụ (Hoằng Hóa)... là những sản phẩm có sức cạnh tranh lớn so với những sản phẩm OCOP cùng loại trên thị trường.

Đối với các sản phẩm OCOP, những câu chuyện sản phẩm chạm được đến người tiêu dùng cũng là một cách xây dựng thương hiệu tích cực, hiệu quả. Ông Đỗ Quang Dũng, chủ cơ sở rượu An Tâm - sản phẩm OCOP 3 sao của huyện Vĩnh Lộc, cho biết: “Tôi lấy ý tưởng cho sản phẩm rượu An Tâm từ câu chuyện gắn với nguồn gốc, lịch sử, giá trị của cây sâm Báo, như: vì sao cây sâm Báo lại hợp, phát triển và có giá trị tốt nhất ở đất Vĩnh Lộc? Vì sao được mệnh danh là “đệ nhất danh sâm”? Bên cạnh đó, là một người hoạt động trong lĩnh vực đông y, tôi càng hiểu hơn về công dụng, lợi ích của sâm Báo ngâm rượu. Đồng thời, tôi muốn khôi phục những sản phẩm đặc trưng tại địa phương, chuyển hóa, kết hợp để nó phát huy được giá trị trên thị trường. Với việc liên kết được với các hộ trồng sâm Báo để có nguồn nguyên liệu ổn định, sử dụng công nghệ trong sản xuất rượu ngâm củ sâm Báo và có câu chuyện sản phẩm ý nghĩa, sản phẩm rượu An Tâm đã được hội đồng đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, người tiêu dùng ghi nhận, đánh giá cao”.

Tính đến cuối tháng 7-2023, tỉnh Thanh Hóa đã có 357 sản phẩm OCOP, gồm 1 sản phẩm 5 sao, 54 sản phẩm được xếp hạng 4 sao và 298 sản phẩm xếp hạng 3 sao. Các chủ thể đã đổi mới tư duy, cách thức sản xuất, mạnh dạn đầu tư máy móc, ứng dụng khoa học - công nghệ để làm ra sản phẩm chất lượng, có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, hoàn thiện bao bì, nhãn mác, logo, tem truy xuất nguồn gốc... để sản phẩm dần xây dựng được thương hiệu trong lòng người tiêu dùng.

Để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP, ngành nông nghiệp đã phối hợp với những đơn vị liên quan tích cực hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhận diện và quảng bá thương hiệu (hỗ trợ quản lý nhãn hiệu, in tem, nhãn sản phẩm OCOP; duy trì hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR Code truy xuất nguồn gốc...). Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Bùi Công Anh, cho biết: Việc xây dựng thương hiệu là quá trình lâu dài, nhằm tạo lòng tin cho khách hàng và “định vị” trên thị trường. Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục kiểm tra, giám sát đối với chủ thể có sản phẩm đã được công nhận. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, tạo điều kiện cho các chủ thể xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng; nỗ lực xây dựng các thương hiệu mạnh cho sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa để đông đảo người dân trong và ngoài nước nhận diện, tiêu thụ.

Bài và ảnh: Thanh Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]