(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, trẻ em ngày càng được quan tâm, chăm sóc, bảo vệ. Song môi trường sống của trẻ vẫn tồn tại nhiều nguy cơ mất an toàn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do sự chủ quan, lơ là, không thấu hiểu trẻ của người lớn, đặc biệt là người có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ.

Xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh: Cần sự “thức tỉnh” của cha mẹ

Những năm gần đây, trẻ em ngày càng được quan tâm, chăm sóc, bảo vệ. Song môi trường sống của trẻ vẫn tồn tại nhiều nguy cơ mất an toàn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do sự chủ quan, lơ là, không thấu hiểu trẻ của người lớn, đặc biệt là người có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ.

Xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh: Cần sự “thức tỉnh” của cha mẹ

Cha mẹ cần giám sát, đồng hành cùng trẻ trong các hoạt động để bảo đảm an toàn cho trẻ.

Cha mẹ ở đâu?

Những ngày hè, các bể bơi, công viên, khu vui chơi luôn là điểm thu hút nhiều trẻ em. Tưởng chừng đây là những nơi an toàn nên nhiều gia đình đã đưa trẻ đến chơi và để trẻ “tự bơi” tại đó.

Tại một khu vui chơi trên địa bàn TP Thanh Hóa, không khó để bắt gặp hình ảnh bố mẹ đưa con vào khu vui chơi rồi ngồi vào một góc lướt mạng để chờ con. Anh Trịnh Văn Tuấn (phường Đông Vệ) đang ngồi tập trung vào màn hình điện thoại thì bất ngờ nghe thấy tiếng la, khóc của con gái. Anh Tuấn chạy lại thì thấy con gái đã nằm dưới sàn ôm chân khóc. Anh Tuấn chia sẻ: “Do chủ quan, nghĩ khu vui chơi là an toàn nên tôi đã để con tự chơi. Nhưng trẻ con hiếu động, không cẩn thận nên khi leo trèo, nghịch ngợm lại không có sự giám sát của người lớn nên cháu đã bị trượt ngã”.

Cũng với tâm lý chủ quan để con tự chơi, chị Lê Khánh Ngọc (TP Thanh Hóa) đã đăng ký cho các con đi bơi mà không có sự quản lý của bố mẹ. Với mong muốn cho con tăng cường vận động, sáng nào chị cũng chở hai con trai (một bé 6 tuổi, một bé 9 tuổi) đến một bể bơi rồi tranh thủ về làm việc nhà. Khi được hỏi về những nguy hiểm hai con có thể gặp phải, chị Ngọc chia sẻ: "Ở bể bơi có nhiều người, nếu có rủi ro thì cũng có người giúp đỡ các cháu. Tôi đã dặn các con có chuyện gì gọi người gần đó giúp đỡ và nhờ người khác gọi điện thoại về cho mẹ. Cũng vài lần hai cháu gặp phải một số rủi ro nhẹ như ngã trong khu vui chơi, trượt chân trong bể bơi... nhưng các cháu vẫn được an toàn”.

Rèn tính tự lập cho trẻ đang là phương pháp giáo dục được nhiều phụ huynh lựa chọn. Tuy nhiên, việc để con trẻ rèn tính tự lập khác với để con tự chơi, tự khám phá mà không có sự giám sát, quản lý của gia đình. Việc lơ là, chủ quan của người lớn sẽ đẩy trẻ đứng trước nguy cơ rơi vào các nguy hiểm như tai nạn thương tích, đuối nước, xâm hại, bắt cóc...

Yêu thương - đồng hành cùng trẻ

Có người từng nói, có lẽ làm cha mẹ là công việc khó nhất trong cuộc đời mỗi người. Cùng với chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ, cha mẹ cũng cần yêu thương con trẻ đúng cách. Tưởng chừng yêu thương là điều dễ nhất, song thực tế yêu thương đúng cách lại không đơn giản chút nào.

Qua khảo sát về tâm lý con trẻ, đa số trẻ đều có mong muốn được cha mẹ lắng nghe và hiểu mình hơn. Khi mắc lỗi muốn được cha mẹ hướng dẫn, giải thích thay bằng mắng chửi, đòn roi. Em Nguyễn Hồng Vy, 11 tuổi (TP Thanh Hóa) chia sẻ: Càng lớn em càng cảm thấy có khoảng cách với bố mẹ. Bố mẹ bận suốt ngày, không dành thời gian đi chơi, nói chuyện cùng em như trước đây. Khi em mắc lỗi, bố mẹ chỉ biết quát mắng, thậm chí đòn roi. Đôi lúc em cũng không biết nên làm như thế nào mới vừa lòng bố mẹ. Cũng cảm thấy không được cha mẹ yêu thương đúng cách, em Lê Quang Hiếu (9 tuổi) cho hay, không chỉ chịu quát mắng, đòn roi, em còn chịu áp lực từ sự kỳ vọng quá lớn của bố mẹ. Bố mẹ đăng ký cho em đi học kín hết thời gian từ các môn văn hóa, tiếng Anh đến kỹ năng sống, học đàn, võ... Khi không đạt được mục tiêu cha mẹ đề ra, em thường bị quát mắng mà bố mẹ không nghe và hiểu năng lực của em đến đâu.

Có thể thấy, nhiều cha mẹ hiện nay yêu thương con nhưng không hiểu con, không thực sự lắng nghe tâm tư, suy nghĩ của con đã dẫn đến những áp lực cho trẻ. Thậm chí, với suy nghĩ chủ quan, đòn roi, quát mắng sẽ khiến con nghe lời, nhiều cha mẹ vẫn duy trì lối dạy “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Điều này, vô tình tạo nên một môi trường sống thiếu khoa học, an toàn cho trẻ. Không ít trường hợp trẻ mắc các sang chấn, rối loạn tâm lý do không được lắng nghe, thấu hiểu, chịu áp lực học tập, mắng chửi của bố mẹ trong thời gian dài.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 7 tháng năm 2022, toàn tỉnh đã xảy ra 33 vụ tai nạn thương tích, gây tử vong cho 46 trẻ. Còn tại Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa, trung bình mỗi tháng tiếp nhận và điều trị cho 15 đến 20 trẻ mắc các biểu hiện rối loạn tâm thần. Những con số này chưa nói lên tất cả những nguy hiểm trẻ đang đối mặt, bởi thực tế còn rất nhiều vụ việc trẻ gặp rủi ro và có nguy cơ gặp rủi ro mà không được thống kê.

Trẻ em là lứa tuổi hiếu động, ưa khám phá, muốn khẳng định mình. Đây là lứa tuổi mà sự an toàn của trẻ phụ thuộc phần lớn vào người lớn. Trẻ ở độ tuổi này cần được người lớn hướng dẫn và giám sát, đồng hành cùng mọi hoạt động trong cuộc sống. Việc hướng dẫn đồng hành giúp con nâng cao nhận thức, hiểu được đúng sai, nhận diện những nguy hiểm; hình thành, rèn luyện kỹ năng để chuẩn bị hành trang cho cuộc sống sau này. Việc giám sát sẽ giúp con tăng cường lớp bảo vệ trước những nguy hiểm, rủi ro có thể xảy ra. Do đó, mỗi người làm cha, làm mẹ cần “thức tỉnh” thay đổi nhận thức trong việc bảo vệ, giáo dục, chăm sóc và yêu thương trẻ. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của người làm cha, mẹ trong việc bảo vệ, giáo dục và chăm sóc; dành thời gian đồng hành cùng con, học cách lắng nghe, quan tâm và hiểu trẻ hơn. Từ đó, tạo dựng cho trẻ một môi trường sống an toàn, lành mạnh để phát triển toàn diện.

Bài và ảnh: Thùy Linh


Bài và ảnh: Thùy Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]