(Baothanhhoa.vn) - Với sự phát triển của công nghệ thông tin và viễn thông (CNTT-VT), các địa phương trên địa bàn tỉnh đã dần chuyển đổi từ hệ thống truyền thanh truyền thống sang hệ thống truyền thanh thông minh (TTTM) không dây. Bước đầu, mô hình mới này đã thay đổi cơ bản cách thức vận hành hệ thống truyền thanh, khắc phục được các nhược điểm về độ phủ sóng và đem lại hiệu quả tích cực trong công tác tuyên truyền.

Truyền thanh thông minh góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền tại cơ sở

Với sự phát triển của công nghệ thông tin và viễn thông (CNTT-VT), các địa phương trên địa bàn tỉnh đã dần chuyển đổi từ hệ thống truyền thanh truyền thống sang hệ thống truyền thanh thông minh (TTTM) không dây. Bước đầu, mô hình mới này đã thay đổi cơ bản cách thức vận hành hệ thống truyền thanh, khắc phục được các nhược điểm về độ phủ sóng và đem lại hiệu quả tích cực trong công tác tuyên truyền.

Truyền thanh thông minh góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền tại cơ sởÔng Trương Văn Quyền, công chức văn hóa, kiêm trưởng đài truyền thanh xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) vận hành hệ thống đài truyền thanh thông minh.

Từ tháng 10-2022, mô hình đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT hay còn gọi là đài TTTM chính thức được triển khai tại xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa). Đài sử dụng mạng Internet hoặc sóng 3G, 4G để truyền và nhận bản tin phát thanh. Từ đây, các bản tin phát thanh không còn tình trạng bị chèn sóng, lẫn sóng, chất lượng âm thanh kém hoặc có những khu vực ven biển không bắt được sóng như công nghệ sóng FM trước đây. Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo AI Text-to-speech được tích hợp trên phần mềm có thể tự động nhận dạng và đọc văn bản thành tin âm thanh để phát ra hệ thống loa mà không cần phát thanh viên thu âm.

Ông Trương Văn Quyền, công chức văn hóa, kiêm trưởng đài truyền thanh xã Hoằng Phụ, cho biết: “Với đặc thù là xã ven biển, do đó hệ thống truyền thanh trước đây ở một số thôn thường xuyên bị ảnh hưởng bởi khí hậu, thời tiết, nước mặn dễ gây đứt dây, chập cháy. Ngoài ra, với một số thôn xa trung tâm xã thi thoảng bị nhiễu sóng, ảnh hưởng đến chất lượng tuyên truyền. Kể từ khi ứng dụng đài TTTM không chỉ giúp cán bộ phụ trách giảm áp lực và xử lý công việc chuyên môn nhanh gọn hơn mà còn dễ khắc phục sự cố. Cùng với đó, nhờ phương thức truyền dẫn âm thanh qua Internet, việc quản lý, kiểm soát chất lượng tín hiệu tới từng cụm loa được cải thiện rõ rệt”.

Cho đến nay, hệ thống TTTM là giải pháp được nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm, tích cực triển khai thay thế hệ thống truyền thanh truyền thống. Đến nay, toàn tỉnh đã có 15 xã và 1 huyện chuyển sang sử dụng hệ thống TTTM. Một điểm quan trọng là hệ thống TTTM sử dụng phần mềm thống nhất từ cấp huyện đến cấp xã, theo đó các cấp có thẩm quyền có thể kiểm soát chặt chẽ thông tin, chương trình, lịch phát thanh với độ bảo mật cao. Bên cạnh đó, hệ thống TTTM được điều khiển hoàn toàn trên máy tính, thiết bị di động, giúp lưu trữ và quản lý tốt các nội dung phát sóng. Nhờ vậy, việc phát các bản tin trở nên linh hoạt, có thể lựa chọn phát tin tới từng cụm loa hoặc từng khu vực. Trong trường hợp khẩn cấp, đài truyền thanh cấp huyện hoàn toàn có thể lựa chọn trực tiếp phát tin tới từng cụm loa của khu dân cư, không phụ thuộc vào nhân viên ở cấp xã như trước.

Cùng với các địa phương trên địa bàn tỉnh, tại huyện Ngọc Lặc hiện có 4 xã gồm: Cao Ngọc, Đồng Thịnh, Phùng Minh và Ngọc Liên lắp đặt hệ thống đài TTTM. Tuy nhiên, hiện nay tại đài truyền thanh của huyện chưa áp dụng TTTM, do đó đài truyền thanh của 4 xã trên chưa tích hợp được với đài huyện. Để khắc phục tình trạng này, Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Ngọc Lặc đã phối hợp với Mobifone Thanh Hóa để sử dụng thiết bị tích hợp giữa phát thanh FM đấu nối với hệ thống TTTM để vận hành song song.

Không chỉ tại huyện Ngọc Lặc, đây là thực trạng chung của hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh. Ghi nhận tại một số địa phương cho thấy, khó khăn lớn nhất hiện nay là giá trị đầu tư lắp đặt cụm thu của đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT lớn hơn so với hệ thống truyền thanh tần số FM. Cùng với đó là các chi phí thuê bao dữ liệu điện thoại năm, bộ thu IP đặt tại các cột loa... Trong khi đó, nguồn kinh phí cho đài truyền thanh cấp xã rất hạn chế; hạ tầng viễn thông tại các xã vùng sâu, vùng xa còn yếu, một số thôn, bản chưa có sóng điện thoại hoặc chất lượng thấp, không đáp ứng yêu cầu triển khai hệ thống TTTM...

Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ Mobifone Thanh Hóa Hoàng Viết Phương cho biết: “Năm 2023, Mobifone phấn đấu cùng các địa phương hoàn thành lắp đặt cho 10 - 12 hệ thống TTTM cấp huyện và khoảng 200 hệ thống TTTM cấp xã. Đơn vị sẽ đồng hành hướng dẫn cán bộ sử dụng thành thạo phần mềm, nâng cấp tính năng của phần mềm, thường xuyên kiểm tra vận hành bảo dưỡng hệ thống để mang lại hiệu quả tốt nhất”.

Có thể nói, truyền thanh cơ sở từ lâu được xem là kênh thông tin quan trọng, có sức mạnh chuyển tải thông tin đến với người dân trên diện phủ sóng rộng rãi nhất, đưa thông tin trực tiếp và nhanh nhất. Đồng thời, đây còn là cầu nối phản ánh mọi ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân. Hoạt động của đài truyền thanh cơ sở luôn bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền kịp thời nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội... Theo đó, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2030, chuyển đổi 100% đài truyền thanh cấp xã sang hệ thống TTTM, ứng dụng CNTT-VT, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở, thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số của tỉnh Thanh Hóa.

Bài và ảnh: Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]