(Baothanhhoa.vn) - Phát triển đảng viên là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều tổ chức cơ sở đảng trên địa bàn tỉnh, nhất là đảng bộ cơ sở đang gặp khó khăn trong công tác tạo nguồn phát triển đảng viên. Cùng với đó, tình trạng “già hóa” đảng viên cũng đang đặt ra nhiều mối quan tâm trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Bổ sung nguồn lực kế cận cho Đảng: Nhận thức đúng - hành động quyết liệt (Bài 1) - Nhận diện những “điểm nghẽn”

Phát triển đảng viên là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều tổ chức cơ sở đảng trên địa bàn tỉnh, nhất là đảng bộ cơ sở đang gặp khó khăn trong công tác tạo nguồn phát triển đảng viên. Cùng với đó, tình trạng “già hóa” đảng viên cũng đang đặt ra nhiều mối quan tâm trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Bổ sung nguồn lực kế cận cho Đảng: Nhận thức đúng - hành động quyết liệt (Bài 1) - Nhận diện những “điểm nghẽn”

Một buổi sinh hoạt theo chuyên đề của chi bộ thôn 3, xã Vân Sơn (Triệu Sơn) bàn giải pháp về tạo nguồn phát triển đảng viên mới.

Thiếu hụt nguồn kế cận

Mặc dù được xác định là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, song công tác phát triển đảng viên tại nhiều chi bộ thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh hiện đang “rất khó khăn”. Thậm chí, theo như chia sẻ của một số đồng chí bí thư chi bộ thì “những năm trước đã khó, bây giờ càng khó khăn hơn”. Một trong những “điểm nghẽn” lớn nhất chính là “bài toán” thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ, có chất lượng để kết nạp vào Đảng.

Ghi nhận thực tế tại Đảng bộ xã Xuân Sinh (Thọ Xuân) cho thấy, những năm gần đây nguồn kết nạp đảng viên của các chi bộ nông thôn đang cạn dần. Nguyên nhân chủ yếu là do lực lượng đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trong xã phần lớn đã “ly hương” để kiếm sống. Năm 2021, đảng bộ xã kết nạp được 5 đảng viên mới, đạt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, nguồn kết nạp đảng viên chủ yếu dựa vào các quần chúng ưu tú trong khối cơ quan, trường học. Đồng chí Nguyễn Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Xuân Sinh, chia sẻ: Việc tạo nguồn phát triển đảng viên đang thực sự là vấn đề nan giải bởi những “hạt nhân” ưu tú ở địa phương không có nhiều. Phần lớn ĐVTN sau khi học xong THPT, nếu đỗ vào các trường đại học, cao đẳng thì các em đã có hướng đi khác, còn nếu không đỗ thì các em rời quê đi làm ăn xa. Số ít ĐVTN ở lại địa phương không đủ tiêu chuẩn về trình độ văn hóa và cũng không có nguyện vọng vào Đảng nên việc theo dõi, tạo nguồn rất khó. Không chỉ có thế, năng lực của đội ngũ bí thư chi bộ nông thôn không đồng đều, một số đồng chí đã ngoài 70 tuổi, trong khi địa bàn mỗi thôn lại rất rộng nên việc sát sao, quan tâm tạo nguồn cũng hạn chế nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phát triển đảng viên.

Không nằm trong “nỗi lo chung” như một vài địa phương khác bởi nguồn quần chúng ở xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) khá dồi dào nhưng nghẹt nỗi ít người có nguyện vọng vào Đảng. Vì thế mà nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ xã Hoằng Phụ đã không hoàn thành chỉ tiêu kết nạp đảng viên. Khắc phục tình trạng này, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ xã Hoằng Phụ đã phải hạ thấp chỉ tiêu, kết nạp 20 đảng viên (giảm 5 đảng viên so với nhiệm kỳ trước). Chưa hết, thêm một thực trạng đáng buồn nữa ở Hoằng Phụ là có những quần chúng ưu tú sau khi đã học xong học lớp “cảm tình Đảng” lại xin rút khỏi danh sách kết nạp Đảng. Chị Trương Thị Ngân và anh Trương Tuấn Anh ở thôn Tháng Mười là một ví dụ.

Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện Ngọc Lặc chỉ kết nạp được 784 đảng viên, không đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra. Thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến công tác phát triển đảng viên của huyện Ngọc Lặc gặp khó và không đạt chỉ tiêu đề ra. Đáng chú ý là do thanh niên địa phương sau khi học xong phổ thông thường đi đến các thành phố lớn để học tập, lập thân, lập nghiệp hoặc đi làm ăn xa, thoát ly khỏi địa phương nên công tác tạo nguồn phát triển Đảng ở các chi bộ thôn trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Một bộ phận thanh niên gắn bó với quê hương lại chủ yếu chuyên tâm sản xuất nông nghiệp, ít tham gia các hoạt động phong trào, đoàn thể nên khó để tổ chức phát hiện, giới thiệu bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp Đảng. Ngoài ra, có những chi bộ trực thuộc tại địa phương chưa thật sự làm tốt công tác vận động, bồi dưỡng những quần chúng ưu tú để họ có động lực phấn đấu được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Ở một số chi bộ, việc hướng dẫn làm thủ tục kết nạp Đảng chưa được sát sao. Một số tổ chức đoàn thể ở các thôn cũng chưa tạo nhiều phong trào nhằm thu hút, tập hợp đoàn viên, hội viên vào hoạt động để rèn luyện, phấn đấu vào Đảng. Bên cạnh đó, công tác giáo dục chính trị tư tưởng của cấp ủy tại địa phương cho cán bộ đảng viên, hệ thống chính trị về công tác phát triển đảng viên chưa thường xuyên và đổi mới. Một số chi bộ chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kết nạp đảng viên, chưa quan tâm đúng mức công tác tạo nguồn, bồi dưỡng quần chúng ưu tú để giới thiệu, kết nạp vào Đảng.

Qua sơ kết việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 28-5-2021 về “Tăng cường công tác phát triển đảng viên của Đảng bộ tỉnh trong tình hình mới”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, đó là: Tỷ lệ đảng viên trên tổng dân số của tỉnh còn thấp (bình quân khoảng 6 đảng viên/100 người dân); nhiều tổ chức cơ sở đảng không đạt chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới hằng năm và cả nhiệm kỳ; công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên ở thôn, tổ dân phố còn gặp nhiều khó khăn, có chi bộ nhiều năm không kết nạp được đảng viên mới; số lượng đảng viên kết nạp trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước còn rất thấp so với tổng số lực lượng lao động; việc kết nạp Đảng đối với học sinh, sinh viên, ĐVTN chưa tương xứng với nguồn tiềm năng. Việc quản lý đảng viên đi làm ăn xa nơi cư trú còn nhiều tồn tại; số đảng viên bỏ sinh hoạt, đảng viên bị xóa tên, đảng viên xin ra khỏi Đảng có xu hướng gia tăng...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, song nguyên nhân chủ yếu là do một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa quan tâm đúng mức đến công tác phát triển đảng viên; chưa xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp cụ thể để tạo nguồn, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên. Phần lớn lực lượng lao động trong độ tuổi thanh niên đi làm việc ở các đô thị lớn, ít ở nơi cư trú; nhiều chủ doanh nghiệp chưa tích cực hợp tác, ủng hộ việc phát triển đảng viên, đoàn viên, thành lập tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp. Một bộ phận thanh niên, học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động chưa xác định đúng đắn động cơ, lý tưởng cách mạng, bàng quan, không thiết tha tham gia sinh hoạt đoàn thể, thiếu ý chí phấn đấu, rèn luyện để được đứng vào hàng ngũ vinh quang của Đảng.

Nỗi lo “già hóa” đảng viên

“Tre già” nhưng “măng” chưa “mọc” đang là nỗi niềm, trăn trở của không ít cấp ủy địa phương. Theo tìm hiểu tại nhiều địa phương trong tỉnh, tuổi đời bình quân của đội ngũ đảng viên đang sinh hoạt tại các chi bộ thôn, xóm hiện nay khoảng 50 - 70 tuổi. Đây là con số phản ánh thực trạng “già hóa” đảng viên nông thôn. Đơn cử như Đảng bộ phường Quảng Cư (TP Sầm Sơn), đảng viên trên 60 tuổi chiếm 21%, đảng viên dưới 30 tuổi chỉ chiếm 14%; Đảng bộ xã Hải Lộc (Hậu Lộc), đảng viên trên 50 tuổi chiếm gần 40%, đảng viên dưới 30 tuổi chiếm có 21,4%; Đảng bộ xã Hoằng Thanh (Hoằng Hóa), số đảng viên có tuổi đời dưới 30 chỉ chiếm 9,6% nhưng số đảng viên trên 50 tuổi chiếm đến 31%…

Qua các cuộc trao đổi với một số bí thư chi bộ thôn, bản, chúng tôi được các đồng chí thẳng thắn chia sẻ: Hiện tình trạng “già hóa” đội ngũ đảng viên ở các chi bộ cơ sở rất đáng báo động. Hầu hết ở các chi bộ khu dân cư, đảng viên đều có độ tuổi trung bình trên 50, thậm chí, nhiều chi bộ độ tuổi trung bình của đảng viên lên đến ngoài 60. Ở nhiều chi bộ, trong khi mỗi năm hoặc 2 năm mới kết nạp được 1 đảng viên, nhưng lại “vơi mất” 3 - 4 đảng viên do tuổi cao sức yếu, dẫn đến tình trạng “tre già“, mà "măng chậm mọc”. Nếu không khắc phục được tình trạng này thì tương lai không xa sẽ ảnh hưởng đến năng lực lãnh đạo của các chi bộ. Từ việc thiếu vắng đảng viên trẻ nên ở nhiều chi bộ đảng viên già vẫn phải gánh vác các nhiệm vụ của thôn, xóm. Nhiều đồng chí bí thư chi bộ đã lớn tuổi, muốn xin nghỉ nhưng chi bộ không tìm được người thay thế.

Ghi nhận thực tế ở xã Đồng Lợi (Triệu Sơn) được biết, đảng bộ xã hiện có trên 300 đảng viên, sinh hoạt tại 12 chi bộ trực thuộc. Trong đó có 6 chi bộ thôn số đảng viên cao tuổi chiếm phần đa, thậm chí nhiều đảng viên được miễn sinh hoạt vì già yếu. Những đảng viên trẻ kết nạp trong quân đội, xuất ngũ về địa phương lại có nhu cầu đi làm ăn xa nên sinh hoạt không đều đặn. Số ít ĐVTN ở lại địa phương thì không đủ tiêu chuẩn về trình độ văn hóa và không có nguyện vọng vào Đảng nên việc theo dõi, tạo nguồn rất khó khăn. Đồng chí Hoàng Xuân Ký, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đồng Lợi, chia sẻ: “Không phải các chi bộ thôn không quan tâm đến công tác phát triển đảng viên, kỳ sinh hoạt nào cũng đề cập tới vấn đề này, nhưng khó khăn là không tìm được nguồn kết nạp đảng. Tình trạng “già hóa” đảng viên đang khiến nhiều chi bộ lo lắng về đội ngũ kế cận. Nhiều đồng chí bí thư chi bộ tuổi cao sức yếu, muốn xin nghỉ nhưng chi bộ không tìm được ai thay thế. Từ đó, việc triển khai thực hiện các hoạt động, phong trào ở các chi bộ gặp nhiều hạn chế".

Thiếu đảng viên trẻ dẫn đến tình trạng, ở nhiều chi bộ đảng viên già vẫn phải tham gia cấp ủy, gánh vác các nhiệm vụ của xóm, thôn. Ví như đảng viên Hà Ngọc Tiến đã ngoài 70 tuổi, nhưng đã hơn 3 năm nay ông vẫn phải giữ chức Bí thư chi bộ thôn 8, xã Cán Khê (Như Thanh). Mặc dù chi bộ rất quan tâm đến công tác phát triển Đảng, nhưng do việc tập hợp ĐVTN ở thôn gặp rất nhiều khó khăn, nên việc tìm nguồn bồi dưỡng để kết nạp đảng viên là rất khó. Trong khi đó, số đảng viên có tuổi đời cao chiếm phần đông ở chi bộ đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiếp thu chỉ thị, nghị quyết của cấp trên cũng như khó khăn cho việc tổ chức sinh hoạt Đảng. Theo đảng viên Hà Ngọc Tiến thì việc phân công nhiệm vụ cho đảng viên cao tuổi không đơn giản. Đơn cử như việc yêu cầu đảng viên viết kiểm điểm cuối năm hay viết thu hoạch sau khi học tập, quán triệt các nghị quyết là rất khó triển khai với những “lão đảng viên” đã ngoài 60 hay 70 tuổi.

Theo quy luật tự nhiên, cây già thường cỗi, người già thì khả năng lao động, sáng tạo sẽ hạn chế. Vậy nên, một câu hỏi đặt ra đối với những chi bộ đang bị “già hóa” đảng viên là liệu sức mạnh, sức chiến đấu có bị suy giảm? Đồng thời, việc khan hiếm nguồn kế cận là một thực tế, song liệu rằng lớp trẻ có thật sự thờ ơ với việc gia nhập vào hàng ngũ Đảng? Thiết nghĩ, để trả lời cho những câu hỏi trên, cần có cái nhìn khách quan, toàn diện, trong đó không thể không nhấn mạnh đến vai trò “truyền lửa” của các cấp ủy nhằm khơi dậy niềm tin và chí hướng phấn đấu của thế hệ trẻ.

Bài 2: “Luồng gió mới” từ Chỉ thị 05.

Bài và ảnh: Quốc Hương


Bài và ảnh: Quốc Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]