(Baothanhhoa.vn) - Nga Sơn có vùng biển nông, trải dài khoảng 10km qua 8 xã vùng biển. Những năm qua, nhờ tập trung phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường đã tạo bước đột phá tăng trưởng kinh tế cho huyện, giúp người dân vươn khơi bám biển, thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững.

Vươn lên từ kinh tế biển

Nga Sơn có vùng biển nông, trải dài khoảng 10km qua 8 xã vùng biển. Những năm qua, nhờ tập trung phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường đã tạo bước đột phá tăng trưởng kinh tế cho huyện, giúp người dân vươn khơi bám biển, thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững.

Vươn lên từ kinh tế biểnSản xuất mắm tép tại cơ sở sản xuất mắm Bạch Câu, xã Nga Bạch (Nga Sơn).

Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vùng biển được huyện quan tâm chú trọng nhằm phát huy hơn nữa các lợi thế, tiềm năng từ biển. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ năm 2020 đến nay của huyện ước đạt trên 62 tỷ đồng. Huyện đã hoàn thành đồ án quy hoạch xây dựng huyện Nga Sơn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch sử dụng đất huyện Nga Sơn; quy hoạch chung đô thị; quy hoạch chung xây dựng xã.

Hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện được quan tâm đầu tư, nâng cấp đồng bộ, đảm bảo kết nối với các trục giao thông của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương, thu hút đầu tư. Một số dự án trọng điểm, như: Dự án đường từ Khu Công nghiệp Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển thuộc địa bàn huyện Nga Sơn có chiều dài hơn 18,8km, trong đó có hơn 2,3km trùng với tuyến đường bộ ven biển, tổng mức đầu tư 900 tỷ đồng; dự án nâng cấp tuyến đê tả sông Càn, xã Nga Điền; dự án tu bổ sửa chữa đê sông Hoạt; dự án nâng cấp, cải tạo đường giao thông Nga Tân, Nga Tiến, Nga Thái; dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước thải cụm công nghiệp liên xã thị trấn Nga Sơn; dự án công trình ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Lèn...

Đối với việc quy hoạch cảng cá, kết hợp khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền, tại Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 3/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ đã đưa khu vực hạ lưu cống T3 thuộc địa bàn xã Nga Tân quy hoạch cảng cá loại III kết hợp khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá giai đoạn 2021- 2030.

Toàn huyện có 215 tàu thuyền đã được đăng ký, đăng kiểm, cấp phép, nhập trên hệ thống nghề cá quốc gia. Trong đó 188 tàu có chiều dài từ 6 đến dưới 12m khai thác vùng ven bờ, 27 tàu có chiều dài từ 12 đến dưới 15m khai thác vùng lộng.

Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện 1.800,7ha. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác hằng năm đạt trên 13.000 tấn. Cơ sở hạ tầng vùng nuôi nước lợ được quan tâm, đầu tư nâng cấp, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà lưới theo hướng công nghệ cao được mở rộng, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Các đối tượng thủy sản mang lại giá trị kinh tế cao được sản xuất rộng rãi, như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao nước mặn, cá hồng Mỹ, cá đối nục, cá mú, cá vược... Đặc biệt, đối với vùng nuôi ngao nước mặn thuộc chương trình giám sát quốc gia về an toàn thực phẩm, 2 huyện Hậu Lộc, Nga Sơn với sản phẩm nhuyễn thể hai mảnh vỏ (ngao nuôi) được phép xuất khẩu vào thị trường EU.

Từ lợi thế kinh tế biển, người dân đẩy mạnh phát triển ngành nghề khai thác, chế biến thủy sản. Huyện có 17 cơ sở chế biến thủy sản, sản lượng hàng năm đạt trên 1.200 tấn, mặt hàng chủ yếu là nước mắm, mắm tôm, mắm tép​.

Ông Lê Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Nga Bạch, cho biết: “Xã có 26 tàu khai thác đánh bắt thủy sản, 17 cơ sở sản xuất, chế biến. 3 sản phẩm OCOP đã đưa ra thị trường là mắm tôm, mắm tép và nước mắm của cơ sở Bạch Câu. Chính quyền luôn tạo điều kiện, cơ chế hỗ trợ cho người dân khai thác, chế biến thủy sản. Xã đang chờ phê duyệt quy hoạch khu làng nghề chế biến thủy sản để các hộ có điều kiện sản xuất tập trung, phát triển ngành kinh tế này một cách toàn diện, bền vững”.

Trong phát triển kinh tế biển, Nga Sơn cũng xác định cây cói là một trong những cây trồng chủ lực, với trên 800ha đất ven biển trồng cây cói. Để duy trì vùng nguyên liệu cói, giữ vững nghề truyền thống ở các xã ven biển, huyện đã tiến hành quy hoạch lại vùng cói; xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi tập trung; tăng cường hướng dẫn kỹ thuật thâm canh để nâng cao năng suất, sản lượng; mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ cói.

Cùng với đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản, những năm gần đây, huyện tăng cường tiềm năng du lịch biển thông qua khai thác các giá trị lịch sử, văn hóa. Nhiều di tích lịch sử, các lễ hội, làng nghề truyền thống đã và đang được phát huy, từng bước trở thành những sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, hấp dẫn, thu hút ngày càng đông khách du lịch. Bình quân hàng năm toàn huyện đón khoảng 58.870 lượt khách, doanh thu đạt hơn 3,7 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn, Phạm Văn Thành cho biết: “Huyện đã có nhiều chủ trương, quyết sách phát triển kinh tế biển. Trong đó tập trung phát triển số lượng tàu cá để khai thác lợi thế từ biển, cùng với phát triển dịch vụ, hậu cần nghề cá cũng như các làng nghề chế biến thủy sản. Để phát triển bền vững kinh tế biển, huyện tiếp tục tập trung quy hoạch phát triển ngành nuôi trồng thủy sản dựa vào điều kiện tự nhiên sẵn có tại địa phương, ưu tiên phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản ven cửa sông, ven biển. Kêu gọi, thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp, khu công nghiệp đã được quy hoạch”.

Bài và ảnh: Anh Tuân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]