(Baothanhhoa.vn) - Những ngày giáp Tết Nguyên đán, gia đình cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Doãn ở thôn Mậu Yên 2, xã Hà Lai (Hà Trung) lại bắt đầu thuê người thu hoạch bưởi đường cung ứng cho thị trường. Vườn bưởi trĩu quả giá trị nửa tỷ đồng nhưng phần lớn đều có thương lái đặt mua từ trước nhờ canh tác theo hướng hữu cơ, chất lượng tốt...

Vợ chồng cựu chiến binh cải tạo triền đá thành vườn kinh tế điển hình

Những ngày giáp Tết Nguyên đán, gia đình cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Doãn ở thôn Mậu Yên 2, xã Hà Lai (Hà Trung) lại bắt đầu thuê người thu hoạch bưởi đường cung ứng cho thị trường. Vườn bưởi trĩu quả giá trị nửa tỷ đồng nhưng phần lớn đều có thương lái đặt mua từ trước nhờ canh tác theo hướng hữu cơ, chất lượng tốt...

Vợ chồng cựu chiến binh cải tạo triền đá thành vườn kinh tế điển hìnhVườn bưởi đường trồng theo hướng hữu cơ của cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Doãn, xã Hà Lai (Hà Trung) cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng mỗi năm.

Từ khu vườn kinh tế hiệu quả...

Từ chái nhà ông Doãn, ngước nhìn lên triền đồi, sắc xanh của lá, sắc vàng của quả vẫn mơn mởn trong tiết đông giá rét. Đã khai thác tỉa một phần, nhưng trên những cành cây vẫn lúc lỉu những chùm quả. Đây là giống bưởi đường chín muộn, được chủ vườn mua giống về trồng từ gần chục năm trước.

Khác với nhiều mô hình trồng bưởi trong vùng, chủ vườn đã theo đuổi phương thức canh tác hữu cơ, theo hướng thực phẩm an toàn ngay từ đầu. Vừa làm vừa học hỏi và đúc kết kinh nghiệm, ông không lạm dụng phân hóa học, chủ yếu bón phân hữu cơ và các chất mùn cho cây trồng. Ngoài mua phân chuồng hoai mục, ông còn ủ cá tạp trong các thùng nhựa lớn để làm phân bón.

Với chưa đầy 1 ha đất vườn đồi, tương đương với 500 cây bưởi đường, nhưng được tưới khoa học và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng hữu cơ nên cây nào cũng sai quả. Từ nhiều năm nay, mỗi cây bưởi của gia đình ông Doãn đều cho thu nhập trên dưới 1 triệu đồng vào dịp cuối năm. Các thương lái cũng theo đó mà tự tìm đến đặt mua để cung ứng cho thị trường Hà Nội và nhiều nơi trong và ngoài tỉnh.

Để có thêm thu nhập, chủ vườn 66 tuổi này còn nuôi hàng chục đàn ong dưới tán vườn để thụ phấn hoa bưởi, cho khai thác mật ong quanh năm. Xung quanh khu vườn đồi và các đường đồng mức, từ 5 - 6 năm trước gia đình đã trồng hơn 1.000 cây gỗ sưa đỏ và một số cây lấy gỗ. Theo hạch toán của người chủ vườn năng động, năm 2021 tổng thu nhập từ khu vườn đồi khoảng 700 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư, phân bón và thuê nhân công, vẫn có lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng. Năm 2022, tổng thu nhập dự kiến tăng khoảng 30%, riêng cây bưởi gặp thời tiết thuận lợi nên dự kiến cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng.

Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại xã Hà Lai Mai Xuân Hưng cho biết: Khi tôi còn làm cán bộ xã đã chứng kiến vợ chồng ông Doãn vất vả cải tạo khu đồi hoang cằn cỗi mà trước đó giao không có người nhận. Đến nay, với những nỗ lực không ngừng nghỉ cùng sự năng động, ông đã biến khu đồi đá này thành vườn cây ăn quả hiệu quả bậc nhất ở địa phương. Xã Hà Lai cũng chọn vườn bưởi này để xây dựng thành vườn mẫu điển hình trong xây dựng nông thôn mới. Khu vườn cũng được nhiều đoàn của các xã trong và ngoài huyện đến tham quan, học tập về phương thức canh tác theo hướng hữu cơ.

... đến khâm phục ý chí người lính cụ Hồ

Uống chén trà cùng chúng tôi tại căn lều bát giác và tiểu cảnh hữu tình tự gây dựng, người cựu binh ở tuổi lục tuần kể về quãng đời binh nghiệp nhiều lần đối mặt cái chết giúp ông rèn giũa ý chí và trở nên chịu thương chịu khó. Năm 1975, ông lên đường tòng quân, hết chiến đấu tại các chiến trường biên giới phía Tây Nam, đến năm 1979 ông được điều động tham gia chiến đấu bảo vệ đất nước trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Những trận đánh ác liệt nhất tại chiến trường Vị Xuyên, Thanh Thủy vào năm 1985 khiến rất nhiều đồng đội hy sinh, nhưng ông vẫn may mắn. Mang trên mình thương tật chiến tranh, là bệnh binh hạng 2/3, cuối năm 1985 ông được phân về công tác ở Sư đoàn 390 đóng tại thị xã Bỉm Sơn và kết duyên với bà Trịnh Thị Nguyệt cùng quê, cũng là bộ đội xuất ngũ.

“Những năm gian khổ và nhiều lần đối mặt với sự hy sinh đã rèn cho tôi ý chí, tính kiên trì. Xuất ngũ về quê vào năm 1990, tôi muốn phát triển kinh tế nhưng loay hoay chưa có hướng đi hiệu quả. Đến năm 1996, vợ chồng tôi quyết tâm nhận thầu để cải tạo đồi cằn theo lời kêu gọi phủ xanh đất trống đồi trọc, làm kinh tế ở địa phương”, ông Doãn nói.

Để vườn cây không phải giống bản địa bén rễ trên triền đồi trơ, đá và quặng sắt nhiều hơn đất, vợ chồng ông đã phải trải qua nhiều năm cải tạo vất vả. Theo lời kể, từ năm 1996 chính quyền địa phương kêu gọi người dân nhận thầu để cải tạo đồi hoang theo chủ trương phủ xanh đất trống đồi trọc. Khu đồi vốn toàn đá lởm chởm, phần đất pha quặng ô xít sắt nên khó có thể canh tác. Theo bà Trịnh Thị Nguyệt, toàn bộ 9.000m2 đất thầu là cây gai, cây xấu hổ mọc kín, vợ chồng bà phải dùng liềm cắt tay từng khoảng trong nhiều ngày.

Đáng ngại nhất là nơi đây thuộc vùng đất trơ cứng, cây trồng khó có thể đâm rễ phát triển được. Trên thực địa, chúng tôi cũng ghi nhận cả vùng đồi rộng nhưng toàn những viên đá lớn nhỏ phân bổ kín từ trên mặt cũng như trong lòng đất. Màu đỏ quạch của dạng đất nhiễm ô xít sắt khiến đất cứng vô cùng. Ấy vậy mà trong nhiều năm, hết dùng cuốc chuyên dụng rồi xà beng, vợ chồng cựu chiến binh này đã đào hàng trăm hố sâu, rải phân chuồng rồi trộn đất màu mỡ mua về để cải tạo. Mỗi cây trồng một hố đất mới, cứ thế phát triển nhờ những bàn tay chuyên cần chăm bón và tưới nước hằng ngày. Những năm gần đây cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Doãn đã đầu tư hàng chục triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới phun mưa tự động, đẩy nước lên tận đồi cao khiến nhiều người phải khâm phục. Nhiều tiến bộ kỹ thuật hiện đại trong trồng cây ăn quả cũng được chủ vườn đầu tư áp dụng, trong đó đã khẳng định thành công của hướng canh tác hữu cơ.

Ăn múi bưởi căng mọng nước mà vợ chồng cựu chiến binh mời đoàn khách đến thăm là vị ngọt lịm và thanh mát đến khó quên. Thấu hiểu những nỗ lực cũng như lời kể khách quan của những người chứng kiến từ đầu hành trình gian nan cải tạo khu đồi, chúng tôi cảm nhận câu thành ngữ “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” càng trở nên ý nghĩa với vợ chồng chủ vườn năng động.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]