(Baothanhhoa.vn) - Chậm đầu tư hạ tầng, cũng như thu hút đầu tư sản xuất vào các cụm công nghiệp (CCN) đã hoàn thiện, gây lãng phí nguồn tài nguyên là nguyên nhân khiến cho người dân tại nhiều địa phương tỏ ra không hài lòng. Thậm chí đã có những CCN hoàn thiện hạ tầng đầu tư nhưng suốt thời gian dài không thu hút được doanh nghiệp, để lại nhiều bất cập...

Vì sao nhiều cụm công nghiệp chậm tiến độ thu hút đầu tư?

Chậm đầu tư hạ tầng, cũng như thu hút đầu tư sản xuất vào các cụm công nghiệp (CCN) đã hoàn thiện, gây lãng phí nguồn tài nguyên là nguyên nhân khiến cho người dân tại nhiều địa phương tỏ ra không hài lòng. Thậm chí đã có những CCN hoàn thiện hạ tầng đầu tư nhưng suốt thời gian dài không thu hút được doanh nghiệp, để lại nhiều bất cập...

Vì sao nhiều cụm công nghiệp chậm tiến độ thu hút đầu tư?CCN Hòa Lộc (xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc) có tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư sản xuất thấp.

Không như kỳ vọng!

Theo phương án phát triển CCN tại quy hoạch phát triển tỉnh Thanh Hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 phát triển 115 CCN, với tổng diện tích 5.267,25 ha. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 44 CCN, tổng diện tích 1.642,96 ha.

Về tiến độ đầu tư hạ tầng của 44 CCN, đến hết tháng 6-2023 đều chậm so với đăng ký ban đầu và phải điều chỉnh tiến độ dự án nhiều lần. Sau khi được điều chỉnh dự án và điều chỉnh tiến độ theo quy định, đến nay có 18 CCN đúng tiến độ (trong đó có 2 CCN đã hoàn thành toàn bộ hạ tầng CCN, đủ điều kiện thu hút dự án thứ cấp đầu tư là CCN Thái Thắng (Hoằng Hóa), CCN thị trấn Vạn Hà (Thiệu Hóa) và 26 CCN chậm tiến độ.

CCN Thái Thắng có tổng diện tích quy hoạch 30,7 ha, được thành lập tháng 4-2018, đến nay đã hoàn thành thủ tục đầu tư, được UBND tỉnh cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện đã đầu tư hoàn thiện hạ tầng CCN, được cấp giấy phép môi trường, phòng cháy, chữa cháy và được nghiệm thu hoàn thành dự án xây dựng.

Ngành nghề hoạt động CCN hướng đến là sản xuất thực phẩm, đồ uống chất lượng cao; sản xuất, chế biến nông, lâm sản, hàng thủ công mỹ nghệ; dệt lưới, dệt bạt, da giày; dịch vụ sửa chữa cơ khí, các dịch vụ phục vụ ngành nông nghiệp... Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh hạ tầng công nghiệp Đại Dương Xanh. Dự án có tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng, được khởi công xây dựng tháng 1-2019, bắt đầu đưa một phần dự án vào hoạt động, kêu gọi đầu tư và bàn giao cho các đơn vị thuê hạ tầng tháng 10-2019. Theo báo cáo của Sở Công Thương, đến hết tháng 6-2023, CCN này mới chỉ thu hút 1 dự án, với diện tích thuê lại đất 7,4 ha, nhưng tiến độ đầu tư xây dựng dự án thứ cấp rất chậm, mới chỉ xây dựng hạng mục tường rào...

Tương tự, tại dự án CCN thị trấn Vạn Hà có tổng diện tích quy hoạch 17,64 ha, được thành lập tháng 8-2018, đến nay đã hoàn thành thủ tục đầu tư, được UBND tỉnh cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cơ bản hoàn thành hạ tầng, được cấp giấy phép môi trường đủ điều kiện để thu hút dự án thứ cấp. Tuy nhiên, đến nay cũng mới chỉ dừng lại ở việc ký hợp đồng với nhà đầu tư Nice Elite International Limited để thực hiện dự án nhà máy sản xuất gia công giày dép xuất khẩu, diện tích thuê đất 12,16 ha, chưa đầu tư, hoạt động.

Đối với 3 CCN đã hoàn thành hạ tầng theo giai đoạn, đủ điều kiện thu hút dự án thứ cấp đầu tư gồm: CCN Bắc Hoằng Hóa, CCN Hòa Lộc và CCN thị trấn Quán Lào. Tuy nhiên, đến hết tháng 6-2023, tỷ lệ lấp đầy của các CCN này là rất thấp, chỉ thu hút được một vài doanh nghiệp vào đầu tư hoạt động. Đơn cử, CCN Hòa Lộc (Hậu Lộc) với tổng diện tích quy hoạch 19 ha, được thành lập tháng 6-2017 và chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, được UBND tỉnh quyết định cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, với diện tích 14,43 ha; đã cơ bản hoàn thành hạ tầng, đủ điều kiện thu hút đầu tư. Mặc dù hạ tầng đã đầu tư cơ bản, tuy nhiên CCN này cũng mới thu hút được 3 nhà đầu tư thứ cấp và một số hộ kinh doanh cá thể thuê đất. Trong khi, giai đoạn 2 với diện tích còn lại 4,57 ha, đến nay công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn chưa xong.

Theo lý giải của chủ đầu tư dự án CCN Hòa Lộc, việc chậm GPMB giai đoạn 2, do ban đầu đơn vị gặp khó khăn về tài chính và phải chờ cập nhật dự án vào kế hoạch sử dụng đất. Bên cạnh đó, còn một số hộ dân chưa chấp thuận về đơn giá bồi thường nên chưa hoàn tất GPMB để thực hiện dự án.

Ông Nguyễn Đình Ánh, Phó giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Hòa Lộc (xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc) cho rằng: “Dự án cụm công nghiệp Hòa Lộc hình thành kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển hậu cần nghề cá tại địa phương; thu hút tàu thuyền, nâng cao sản lượng hàng hóa bốc dỡ tại cảng. Tuy nhiên, thực tế không như kỳ vọng, đến nay cụm công nghiệp này mới chỉ thu hút được một vài doanh nghiệp hoạt động ở những lĩnh vực khác”.

Đâu là nguyên nhân?

Với 26 CCN chậm tiến độ theo báo cáo của Sở Công Thương được xác định bởi một số nhóm nguyên nhân như: Có 14 CCN chậm tiến độ do Nhà nước; 8 CCN chậm tiến độ do cả Nhà nước và nhà đầu tư; 4 CCN chậm tiến độ do nhà đầu tư không triển khai, đang đề nghị lập hồ sơ thu hồi dự án.

Việc triển khai các dự án đầu tư hạ tầng CCN còn chậm, hạ tầng một số CCN còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa có sẵn diện tích lớn và mặt bằng sạch để kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư. Một số nguyên nhân có thể kể đến như: việc lập, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 cũng như kế hoạch sử dụng đất còn chậm, dẫn đến các thủ tục khác của các CCN chậm.

Thời gian chuyển đổi mục đích sử dụng đất kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Công tác bồi thường, GPMB của hầu hết các CCN đều gặp khó khăn, làm kéo dài thời gian giao đất cho chủ đầu tư. Việc phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 còn chậm, một số CCN phải chờ quy hoạch xây dựng chung đô thị hoặc điều chỉnh quy hoạch phát triển đô thị mới phê duyệt được quy hoạch chi tiết. Việc tính giá đất cụ thể cho các dự án chậm.

Một số dự án không có trong kế hoạch chuyển đổi đất lúa nên không có cơ sở để chủ đầu tư triển khai dự án. Một số chủ đầu tư chưa tích cực triển khai dự án hoặc gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư, gây khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ bồi thường, GPMB. Một số chủ đầu tư chưa tích cực phối hợp với tư vấn và các cơ quan quản lý Nhà nước để triển khai các hồ sơ, thủ tục, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện phải điều chỉnh và gia hạn nhiều lần. Bên cạnh đó, từ cuối năm 2019 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng lớn năng lực tài chính của các chủ đầu tư cũng như việc thu hút đầu tư sản xuất vào các CCN cũng hạn chế.

Để sớm giải quyết những tồn tại nêu trên, theo đề nghị của Sở Công Thương, UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Báo cáo Chính phủ bổ sung chỉ tiêu diện tích đất lúa được chuyển đổi thành đất phi nông nghiệp giai đoạn 2021-2030 để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là các khu, CCN đã thành lập.

Bài và ảnh: Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]