(THO) - Văn hóa Đa Bút mang tên di tích khảo cổ học Đa Bút thuộc thôn Đa Bút, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa - là một trong những nền văn hóa khảo cổ học tiêu biểu của xứ Thanh cũng như cả nước. Kể từ khi được tiến hành khai quật lần đầu vào năm 1926 đến nay, nền văn hóa này đã trải qua hơn chín thập kỷ phát hiện và nghiên cứu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Văn hóa Đa Bút - hơn 90 năm phát hiện và nghiên cứu

(THO) - Văn hóa Đa Bút mang tên di tích khảo cổ học Đa Bút thuộc thôn Đa Bút, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa - là một trong những nền văn hóa khảo cổ học tiêu biểu của xứ Thanh cũng như cả nước. Kể từ khi được tiến hành khai quật lần đầu vào năm 1926 đến nay, nền văn hóa này đã trải qua hơn chín thập kỷ phát hiện và nghiên cứu.

Văn hóa Đa Bút - hơn 90 năm phát hiện và nghiên cứu

Ngay từ đợt khai quật lần đầu, di chỉ Đa Bút dần được định danh, đó là dạng di tích Cồn vỏ nhuyễn thể - Cồn hến (Kjokkenmodings) như kiểu “đống rác bếp”. Hệ thống di vật: Rìu đá, cuốc đá, bàn nghiền, chày nghiến, đồ gốm đã cho biết di tích có niên đại Đá mới.

Khoảng 5 thập kỷ sau, thông qua một loạt cuộc khai quật khảo cổ học - bắt đầu bằng đợt khai quật vào năm 1977 tại di chỉ Gò Trũng, hiện vật gốm thu được tại đây cho thấy nhiều nét tương đồng với “gốm Đa Bút” - “một cây cầu nối Đa Bút với Gò Trũng đã được xác lập”. Hai năm sau (năm 1979) di chỉ Cồn Cổ Ngựa được tiến hành khai quật. Những kết quả thu được đủ để các nhà khảo cổ học hình dung về một văn hóa riêng biệt, khái niệm “Văn hóa Đa Bút” được đề xuất và nhanh chóng được chấp thuận.

Sau các phát hiện này, một loạt di chỉ khảo cổ học thuộc văn hóa Đa Bút đã được phát lộ qua các đợt khai quật khảo cổ học ở: Bản Thủy, Làng Còng (Thanh Hóa), Hang Sáo, Đồng Vươn (Ninh Bình). Gần đây nhất là cuộc khai quật di tích Cồn Cổ Ngựa (xã Hà Lĩnh, Hà Trung) năm 2013 do Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cùng một số nhà khoa học thuộc Đại học Quốc gia Australia tiến hành. Qua đó, tính chất, đặc trưng văn hóa và vị trí văn hóa Đa Bút trong lịch sử dân tộc đã tương đối sáng tỏ.

Văn hóa Đa Bút có nguồn gốc từ văn hóa Hòa Bình, bằng chứng là sự bảo lưu yếu tố Hòa Bình trong văn hóa Đa Bút qua tổ hợp công cụ đá, phương thức mai táng (chôn người nằm co, ngồi xổm bó gối) và thành phần chủng tộc kiểu Hòa Bình còn bảo lưu trong Đa Bút. Kể cả truyền thống khai thác nhuyễn thể từ ốc núi, ốc suối sang các loài hến trong sông, rồi nhuyễn thể biển. Tuy nhiên, văn hóa Đa Bút đã xuất hiện các yếu tố mới như: Rìu hình bầu dục, rìu tứ giác, mài lan thân, mài toàn thân, đặc biệt là đồ gốm. Tất cả những điểm nói trên cho thấy, văn hóa Đa Bút có nguồn gốc từ văn hóa Hòa Bình, song cách tân khác Hòa Bình và tiến bộ hơn Hòa Bình.

Quá trình chuyển biến từ văn hóa Hòa Bình đến văn hóa Đa Bút thực chất là một quá trình “đá mới hóa” một bộ phận cư dân văn hóa Hòa Bình cư trú ở vùng núi phía Tây Thanh Hóa - Ninh Bình, chính họ là chủ nhân tiên phong tách khỏi hang động, thung lũng tiến xuống chinh phục và khai phá đồng bằng kế cận.

Thời gian đầu, khi nhận thức chưa đầy đủ, các học giả phương Tây cho rằng Đa Bút là loại hình di tích ngoài trời thuộc văn hóa Bắc Sơn. Tuy nhiên, sau các phát hiện tại Cồn Cổ Ngựa, Gò Trũng, Bản Thủy, Làng Còng (Thanh Hóa) và Hang Sáo, Đồng Vươn (Ninh Bình), địa bàn cư trú và môi trường văn hóa của cư dân cổ Đa Bút đã được nhận thức lại và làm sáng tỏ, qua đó, văn hóa Đa Bút được phân bố trên địa bàn từ châu thổ sông Mã đến phía Nam sông Đáy và tiến ra biển, trên vùng đất thuộc hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình ngày nay.

Khi phát hiện ra văn hóa Đa Bút, các nhà học giả Phương Tây cho rằng, đây là di tích ngoài trời thuộc văn hóa Bắc Sơn. Thời kỳ đầu, người Đa Bút sống ổn định ở các gò đất vùng đồng bằng (tương đương vùng đất thuộc huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa ngày nay) rồi dịch dần ra đồng bằng ven biển mà vết tích còn lại chính là 2 di tích: Cồn Cổ Ngựa và Bản Thủy. Tại những di tích này, các nhà khoa học đã phát hiện được một số mẫu tảo nước mặn và nước lợ. Vào thời gian này, châu thổ Ninh Bình - Thanh Hóa ghi nhận đợt biển tiến Holocenee trung. Quá trình biển tiến diễn ra hàng trăm năm, theo các nhà nghiên cứu, đây là nguyên nhân cư dân Đa Bút phải di chuyển, dời địa bàn cư trú lên các địa điểm cao hơn. Dấu tích của sự thích nghi này chính là 2 di chỉ: Làng Còng (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) và Hang Sáo (vùng núi Tam Điệp, Ninh Bình). Tại đây, người Đa Bút quay trở lại truyền thống chế tác công cụ ghè đẽo kiểu văn hóa Hòa Bình.

Cách ngày nay khoảng 4.000 năm, người Đa Bút tại các di tích Làng Còng, Hang Sáo bắt đầu vươn ra biển mà minh chứng rõ nhất chính là những phát hiện tại các di chỉ Gò Trũng (Hậu Lộc - Thanh Hóa), Đồng Vườn (Yên Mô - Ninh Bình). Những tàn tích chứng tỏ công cuộc chinh phục đồng bằng ven biển của cư dân Đa Bút cổ là khối lượng vỏ nhuyễn thể, xương cá biển cùng rất nhiều chì lưới thu nhặt tại các di chỉ nói trên.

Sinh thời, Giáo sư Trần Quốc Vượng từng khẳng định: “Sự nảy sinh của đồ gốm đồng thời với sự hoàn thiện kỹ thuật mài là hai nét đặc trưng quan trọng nhất tạo nên bộ mặt của văn hóa Đa Bút”. Ngay từ những phát hiện đầu tiên về đồ gốm, E.Patte cho rằng: “Gốm Đa Bút” được tạo bởi khuôn đan. Về sau, Viện Khảo cổ học đã tiến hành thực nghiệm và cho biết đồ gốm Đa Bút được tạo bằng kỹ thuật nặn khối, sử dụng hòn kê, bàn đập. Càng về giai đoạn sau, gốm Đa Bút càng có sự phát triển về loại hình kỹ thuật, hoa văn, độ nung cũng cao hơn. Vào giai đoạn Gò Trũng xuất hiện gốm văn thừng se, văn ấn lõm quanh bò mép miệng, đồ đựng có miệng hơi bóp vào hoặc hơi loe. Sự phát triển của gốm Đa Bút còn biểu hiện ở sự xuất hiện các loại đồ gốm mỏng, hoa văn đa dạng, xương gốm mịn hơn. Bên cạnh việc chế tác gốm, cư dân Đa Bút cổ đã từng bước hoàn thiện kỹ thuật chế tác công cụ. Từ nguồn nguyên liệu tại chỗ, như: Đá cuội, đá phiến, người Đa Bút đã áp dụng các thao tác cưa, mài đá để tạo ra những công cụ có tính năng, công suất vượt trội mà điển hình là loại “rìu tứ giác”. Nhận thức về kỹ thuật mài cũng được nâng lên, từ chỗ chỉ “mài lưỡi”, công cụ của chủ nhân văn hóa Đa Bút đã được “mài toàn thân”. Loại hình công cụ cũng nhờ đó mà phong phú hơn. Bên cạnh “rìu tứ giác”, trong tầng văn hóa Đa Bút còn có một số lượng không nhỏ “rìu hình thang” được mài nhẵn.

Cư dân cổ Đa Bút đã thoát ly khỏi khu vực hang động đá vôi sống trong hệ sinh thái trước núi cận đồng bằng, ven sông nhiều đầm lầy rồi khai phá đồng bằng ven biển. Họ cư trú ở ngoài trời, trên các gò, đồi cao... Hoạt động kinh tế chủ yếu vẫn là săn bắt hái lượm, đối tượng khai thác chính là nhuyễn thể nước ngọt, ngoài ra còn thêm cua, cá và săn bắt một số loài thú nhỏ. Nguồn chất bột được cung cấp từ các loài cây có củ, quả như khoai nước (taro), củ ấu... Cư dân Đa Bút bên cạnh nông nghiệp sơ khai thì việc khai thác sản vật tự nhiên vẫn là chủ yếu, đi từ cuộc sống “bán định cư” đến định cư, từ kinh tế khai thác tự nhiên đến nông nghiệp.

Trước đây, khi văn hóa Đa Bút mới bước đầu được tiếp cận và giải mã, vấn đề nhân chủng Đa Bút chưa được làm sáng tỏ mà chỉ được “nêu ra như một thuyết về người Melanésien ở di chỉ Đa Bút”. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc khai quật tại các di chỉ thuộc văn hóa Đa Bút, đặc biệt là sự xuất hiện di cốt người tại di chỉ Cồn Cổ Ngựa, các nhà khoa học bước đầu đã chứng minh sự “gần gũi về nhân chủng” giữa chủ nhân văn hóa Đa Bút với chủ nhân các nền văn hóa khảo cổ: Hòa Bình, Đông Sơn. Đáng nói hơn, kết quả thu được từ cuộc khai quật năm 2013 đã bổ sung thêm những nhận thức mới. Từ những dấu vết còn lại, theo các nhà khảo cổ học, chủ nhân di chỉ Cồn Cổ Ngựa có hình thể lớn, to khỏe, đặc biệt là đàn ông. Căn cứ vào số lượng chì lưới khá lớn và vết tích dây thừng để lại trên đồ gốm, có thể những cư dân này đã biết ra khơi xa đánh bắt cá.

Tóm lại, những nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa Đa Bút trong hơn 90 năm qua đã góp phần tôn vinh những giá trị của lịch sử, đồng thời giúp cho thế hệ trẻ thêm hiểu biết và tự hào về nền văn hóa này.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]