(Baothanhhoa.vn) - Bảo tàng là nơi lưu giữ nhiều tư liệu, hiện vật có giá trị của đất nước và địa phương. Phát huy giá trị của thiết chế văn hóa quan trọng này không chỉ góp phần bảo vệ, phát huy di sản văn hóa của dân tộc, mà còn thúc đẩy du lịch phát triển.

Phát huy giá trị của thiết chế văn hóa quan trọng

Bảo tàng là nơi lưu giữ nhiều tư liệu, hiện vật có giá trị của đất nước và địa phương. Phát huy giá trị của thiết chế văn hóa quan trọng này không chỉ góp phần bảo vệ, phát huy di sản văn hóa của dân tộc, mà còn thúc đẩy du lịch phát triển.

Phát huy giá trị của thiết chế văn hóa quan trọng

Trưng bày điêu khắc đá Thanh Hóa tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.

Một thời nhiều người làm nghề bảo tàng vẫn đùa với nhau rằng ở bảo tàng có hai mùa. Một mùa khiêng hiện vật từ tầng một lên tầng hai để trưng bày. Mùa còn lại là khiêng hiện vật từ tầng hai xuống từng một để bảo quản. Công việc nhàm chán, khách khứa cũng lưa thưa. Những khách chủ định vào bảo tàng rất ít. Chủ yếu là những khách đi ngang qua cổng bảo tàng thấy cái tên hay hay, ngồ ngộ thì vào xem sao. Còn có những khách chờ xe, chờ việc ở gần bảo tàng, để giết thời gian nên vào lượn lờ… Nhìn chung một thời gian dài bảo tàng không hấp dẫn được khách tham quan dù khách vào bảo tàng được miễn phí hoàn toàn.

Giờ thì rất nhiều bảo tàng đã bán vé. Mệnh giá vé theo quy định của Nhà nước, không hề rẻ, nhưng nhiều bảo tàng vẫn đông khách đến. Tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, giá vé vào cửa là 20.000 đồng/người/lượt. Theo Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa Trịnh Đình Dương, một tháng bảo tàng đón khoảng 2.000 khách. Với những đối tượng khách tham quan theo đoàn, bảo tàng có chính sách miễn giảm phí tham quan. Trong số khách tham quan có rất nhiều học sinh. Bảo tàng bây giờ đã trở thành một địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của tỉnh. Nhiều nhà trường và học sinh đã xem bảo tàng như một trường học, địa điểm học tập ngoại khóa.

Để kéo được khách đến, bảo tàng đã phải có sự thay đổi rất lớn về tư duy hành động. Thay cho quan niệm bảo tàng là không gian nặng tính hàn lâm, chỉ dành cho những nhà khoa học, người nghiên cứu, mà xa lạ với cộng đồng, những người làm bảo tàng hiện nay đã rất nhanh nhạy trong việc tiếp cận công nghệ để đưa hiện vật bảo tàng đến gần hơn với công chúng. Bên cạnh đổi mới cách trưng bầy, công nghệ thực tế ảo đã được bảo tàng khai thác để phục vụ nhu cầu của khách tham quan.

Phát huy giá trị của thiết chế văn hóa quan trọng

Trưng bày tái hiện không gian nông nghiệp xưa tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.

Tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa những năm gần đây, bên cạnh các trưng bày chuyên đề trong các phòng trưng bày, bảo tàng đã tổ chức được nhiều không gian hoài niệm tại khuôn viên bảo tàng. Từ không gian tái hiện một thời bao cấp có nhiều khó khăn, không gian nông nghiệp xưa đến không gian tết cũ; từ trưng bầy ngoài trời các hiện vật gắn liền với nhiều giai đoạn lịch sử của đất nước đến các hiện vật rất gần gũi với đời sống người dân một thời chưa xa.

Dịp Xuân Quý Mão 2023 không gian tết xưa được tái hiện tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa và đã trở thành một trong những điểm hút khách ở TP Thanh Hóa cùng với Công viên Hội An, Làng cổ Đông Sơn. Nhiều người đến bảo tàng tỏ ra rất bất ngờ, thích thú. Trong số những du khách đến bảo tàng dịp này có khá nhiều người làm ăn xa hoặc định cư ở địa phương khác về quê ăn tết. Trong thời gian ít ỏi của mình, nhiều người đã chọn đến bảo tàng, như một cách để hoài niệm quá khứ, hiểu thêm về lịch sử quê hương.

Đó là điều rất mừng cho bảo tàng, cũng phản ánh nhận thức về lịch sử, văn hóa của người dân đang tăng lên. Bảo tàng và nhiều thiết chế văn hóa khác đang thực sự trở thành điểm đến trong hành trình khám phá và giải trí của người dân, chứ không còn là nơi tiện thì vào và vào cốt chỉ để giết thời gian.

Hiện nay ở Thanh Hóa có 3 bảo tàng, trong đó có 1 bảo tàng Nhà nước, 2 bảo tàng tư nhân. Mục tiêu của ngành du lịch Thanh Hóa về số khách, nhất là khách quốc tế trong giai đoạn tới khá cao. Nếu khai thác tốt tiềm năng, giá trị của thiết chế văn hóa này sẽ tăng thêm sức hút cho du lịch của tỉnh. Vì thế mong rằng những nỗ lực đổi mới hoạt động trưng bày, tiếp cận khách tham quan ở Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa sẽ luôn được người có trách nhiệm “giữ lửa”, chứ không chỉ là “cơn ngẫu hứng” nhất thời.

Theo Giám đốc Bảo tàng tỉnh Trịnh Đình Dương, Chủ tịch UBND tỉnh vừa phê duyệt Đề án “Đổi mới hoạt động Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030” với tổng mức kinh phí triển khai thực hiện khoảng 22,6 tỷ đồng nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong quá trình tổ chức hoạt động để Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa bắt kịp với xu thế phát triển của xã hội, thực sự trở thành trung tâm giáo dục thường xuyên về truyền thống yêu nước, tinh thần dũng cảm kiên cường trong các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc; nâng cao ý thức gìn giữ, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc. Cùng với đó là tiếp tục giới thiệu, quảng bá giá trị các sưu tập hiện vật tiêu biểu đặc sắc về vùng đất, lịch sử - văn hóa, con người tỉnh Thanh Hóa đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước; đưa Bảo tàng tỉnh trở thành điểm đến hấp dẫn, xây dựng và nâng cao thương hiệu của bảo tàng. Từng bước bổ sung, hoàn thiện các bộ sưu tập hiện vật đáp ứng công tác chỉnh lý trưng bày và trưng bày; cung cấp các nội dung cho công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng bảo tàng mới của tỉnh.

Bài và ảnh: Lam Vũ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]