(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, huyện Yên Định đã chú trọng đến công tác bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị các di tích. Từ đó, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

Yên Định quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị di tích

Thời gian qua, huyện Yên Định đã chú trọng đến công tác bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị các di tích. Từ đó, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

Yên Định quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị di tíchĐền Đồng Cổ thuộc Khu Di tích núi và đền Đồng Cổ, xã Yên Thọ.

Làng Đan Nê, xã Yên Thọ được biết đền là vùng đất thiêng, phong cảnh hữu tình. Nơi đây nổi danh với Khu Di tích núi và đền Đồng Cổ lâu đời, độc đáo. Quần thể di tích núi và đền Đồng Cổ bao gồm núi Tam Thai, đền Đồng Cổ, hồ Bán Nguyệt, nghi môn cổ kính, chùa Thanh Nguyên. Nơi đây gắn với những truyền thuyết, dã sử xoay quanh thần Đồng Cổ - vị thần có công lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước từ thời các vua Hùng.

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, đền Ðồng Cổ có kết cấu lối "tiền chữ nhất, hậu chữ đinh”, gồm các hạng mục: Tiền đường, chính tẩm, nhà cầu và thượng điện. Nghi môn mang phong cách kiến trúc thời Lê, gồm 3 tầng, 8 mái, cao 9m, rộng 3m, được ghép bằng những khối đá vuông vức. Trải qua bao thăng trầm lịch sử diện mạo, kiến trúc của ngôi đền không còn nguyên vẹn như xưa, song những câu chuyện thần tích gắn với ngôi đền vẫn còn được người dân truyền lại. Với những giá trị lịch sử - văn hóa, tâm linh to lớn, Khu Di tích núi và đền Đồng Cổ được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 2001. Năm 2019, Di tích núi và đền Đồng Cổ được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch, càng góp phần nâng cao trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị của di tích của Nhân dân cũng như chính quyền địa phương.

Năm 2007, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt dự án bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa núi và đền Đồng Cổ, nhờ đó diện mạo của di tích ngày càng khang trang. Đến nay dự án đã hoàn thành giai đoạn 2, dự kiến trong năm 2023 sẽ triển khai thực hiện giai đoạn 3 với hạng mục tôn tạo cảnh quan hồ bán nguyệt và đường đi vào khu di tích. Đồng thời, lễ hội đền Đồng Cổ được phục dựng và tổ chức vào ngày 14, 15-4 hàng năm nhằm tưởng nhớ công đức của Thần Đồng Cổ.

Cùng với Di tích núi và đền Đồng Cổ, thời gian qua huyện Yên Định đã quan tâm trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của nhiều di tích. Theo thống kê, trên địa bàn huyện có 49 di tích được xếp hạng, trong đó có 7 di tích cấp quốc gia và 42 di tích cấp tỉnh. Thực hiện nhiệm vụ tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích, từ năm 2017 đến năm 2022 huyện Yên Định đã hoàn thành trùng tu, tôn tạo 9 di tích quan trọng, gồm Di tích quốc gia Điện Thừa Hoa và Từ đường Phúc Quang (xã Định Hòa); di tích quốc gia Chùa Thanh Nguyên (thuộc Di tích núi và đền Đồng Cổ, xã Yên Thọ); Di tích Đình Trịnh Xá (xã Yên Ninh); Di tích Kiến trúc đá Bái Lăng (xã Yên Phú); Di tích đình Làng Là (xã Định Long)... Tổng kinh phí được đầu tư thực hiện là trên 240 tỷ đồng, trong đó kinh phí ngân sách tỉnh là hơn 27,9 tỷ đồng, ngân sách địa phương (xã, huyện) là 7,3 tỷ đồng, còn lại là nguồn xã hội hóa. Đồng thời, một số di tích đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và đang thực hiện dự án như di tích quốc gia đền thờ Lê Đình Kiên, di tích đền Hổ Bái.

Để công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích được triển khai hiệu quả, huyện đã thường xuyên kiểm tra, đánh giá thực trạng các di tích trên địa bàn; xây dựng kế hoạch, lộ trình tôn tạo và bảo vệ, phát triển di tích; chỉ đạo các địa phương thành lập các ban quản lý di tích. Xây dựng quy chế hoạt động của các di tích cũng như hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng theo đúng quy định của pháp luật và hương ước, quy ước của địa phương. Ban hành Đề án “Phát triển du lịch gắn với phát huy các giá trị lịch sử văn hóa huyện Yên Định, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Đồng thời, huyện đã đấu mối với các đơn vị chuyên môn mở lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về văn hóa, du lịch, quản lý di tích... cho cán bộ quản lý văn hóa và thông tin, công chức văn hóa xã, cán bộ quản lý, phục vụ tại các điểm di tích; liên kết mở các lớp tập huấn khôi phục lễ hội truyền thống; vận động các nghệ nhân truyền dạy cho các thế hệ sau.

Đặc biệt, để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, giá trị của các di tích nói riêng, di sản văn hóa nói chung trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, huyện Yên Định đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giá trị di sản, cũng như tiềm năng to lớn các di sản văn hóa trong việc thúc đẩy du lịch phát triển, nhằm khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm trong các tầng lớp Nhân dân. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá di sản trên trang thông tin điện tử của huyện, xã và các phương tiện truyền thông đại chúng, cổ động trực quan. Bên cạnh đó, giao ngành giáo dục và đào tạo thực hiện công tác giáo dục, bảo vệ di tích tại các địa phương cho các em học sinh để các em nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị di tích, nhớ về cội nguồn dân tộc.

Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Định Lưu Thị Hà cho biết: Xác định việc quan tâm giữ gìn, phát huy giá trị di tích là nhiệm vụ trọng tâm góp phần thực hiện nội dung của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Do đó, huyện đã kết hợp công tác trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích gắn với quảng bá và phát triển du lịch. Huyện đã phối hợp với các ngành chức năng tiến hành kiểm kê, đánh giá thực trạng của toàn bộ di tích từ đó lập kế hoạch tu bổ, tôn tạo dựa trên các nguồn vốn khác nhau. Công tác trùng tu, tôn tạo di tích được thực hiện nghiêm túc theo các quy định. Huyện và các địa phương đã thực hiện hiệu quả việc huy động tốt nguồn xã hội hóa vào công tác phục dựng, trùng tu, tôn tạo chống xuống cấp các di tích.

Bài và ảnh: Thùy Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]