(Baothanhhoa.vn) - Trong những năm qua, cùng với công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị Di sản Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), việc nghiên cứu, hướng tới khôi phục các giá trị văn hóa phi vật thể tại đây được tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm. Trong đó, việc phục dựng lễ tế Nam Giao vương triều Hồ là nhiệm vụ cấp bách, góp phần phát huy giá trị của di sản, đồng thời tái hiện một phần truyền thống văn hóa cung đình đặc sắc từng chiếm vị thế đỉnh cao trong lịch sử Việt Nam.

Khôi phục và tái hiện nghi lễ tế Nam Giao vương triều Hồ

Trong những năm qua, cùng với công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị Di sản Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), việc nghiên cứu, hướng tới khôi phục các giá trị văn hóa phi vật thể tại đây được tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm. Trong đó, việc phục dựng lễ tế Nam Giao vương triều Hồ là nhiệm vụ cấp bách, góp phần phát huy giá trị của di sản, đồng thời tái hiện một phần truyền thống văn hóa cung đình đặc sắc từng chiếm vị thế đỉnh cao trong lịch sử Việt Nam.

Khôi phục và tái hiện nghi lễ tế Nam Giao vương triều HồHội thảo lễ tế Nam Giao vương triều Hồ - giá trị lịch sử, văn hóa và cơ sở khôi phục (tháng 12/2023) thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong cả nước.

Vương triều Hồ trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam là một vương triều tồn tại trong thời gian ngắn (1400-1407), nhưng dưới thời kỳ nhà Hồ đất nước ta đã có những thành tựu rất đáng tự hào. Đó là những công trình còn tồn tại cho đến ngày nay như: tòa thành xây bằng những khối đá lớn độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á; La thành bằng đất kết hợp trồng tre gai thể hiện thế phòng thủ quân sự độc đáo; Đàn tế Nam Giao với phần nền móng còn giữ được tương đối nguyên vẹn, được các nhà khoa học đánh giá cao về mặt lịch sử. Bên cạnh đó là những chính sách cải cách kinh tế - văn hóa - xã hội dưới thời Hồ đã góp phần xây dựng đất nước, chống lại giặc ngoại xâm và các chế độ phong kiến.

Theo các tài liệu lịch sử, lễ tế trời ở đàn Nam Giao là nghi lễ quan trọng bậc nhất, đặc biệt với một triều đại vừa lên ngôi như nhà Hồ. Đây là lễ tế có ý nghĩa đặc biệt nhằm khẳng định tính chính thống của vương triều đối với Nhân dân và các nước ngoại bang, thể hiện uy quyền của hoàng đế, của chế độ quân chủ đối với các tầng lớp phong kiến và quan lại trong triều đình. Sách Việt sử thông giám cương mục, chép: “Nhâm Ngọ (1402), Hán Thương năm Thiệu Thành thứ 2. Tháng 8 mùa Thu, Hán Thương cử hành lễ tế Giao... Theo phép cũ, nghi vệ lễ giáo tế Giao rất long trọng, chia ra ba hạng lễ là: Lễ lớn, lễ trung bình, lễ nhỏ... Lễ tế Giao này, suốt đời nhà Trần chưa cử hành lần nào, đến nay Hán Thương mới đắp đàn Giao ở Đốn Sơn, chọn ngày lành đi xe Vân Long ra cửa Nam thành trăm quan và cung tần mạng phụ theo thứ tự đi sau...”.

Nhằm khẳng định tầm quan trọng của lễ tế Nam Giao vương triều Hồ, tháng 12/2023, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã tổ chức Hội thảo khoa học Lễ tế Nam Giao vương triều Hồ - giá trị lịch sử, văn hóa và cơ sở khôi phục. Nhìn chung, ý kiến của các chuyên gia đều nhận định việc nghiên cứu, phục dựng lễ tế Nam Giao của vương triều Hồ tại núi Đốn Sơn là việc làm cần thiết, đáp ứng mong mỏi của Nhân dân và góp phần phát huy giá trị của Di sản Thành Nhà Hồ. Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa: “Thành Nhà Hồ đã được ghi vào danh mục Di sản văn hóa thế giới của UNESCO, đàn tế Nam Giao ở núi Đốn Sơn là một bộ phận cấu thành của Di sản văn hóa thế giới, vì vậy mọi hoạt động phục dựng phải đảm bảo nguyên tắc giữ gìn sự toàn vẹn và tính xác thực của di sản. Trong đó, cần ưu tiên nghiên cứu, phục dựng lễ tế Nam Giao trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm của các địa phương đã tổ chức để tạo nên lễ tế không thoát ly khỏi truyền thống. Mặt khác, việc phục dựng lễ tế nên theo tinh thần vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, hoàn thiện dần qua từng năm để tránh những tác động không tốt đến di sản văn hóa và tạo sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư địa phương”.

Bên cạnh đó, một số ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử cũng cho rằng, cần thận trọng trong việc đề xuất phục dựng lễ tế Nam Giao vương triều Hồ. Bởi, căn cứ vào các dữ liệu lịch sử, lễ tế Nam Giao vương triều Hồ trong lịch sử là một hoạt động chưa được tổ chức một cách hoàn thiện, trong điều kiện một nhà nước quân chủ chưa hoàn thiện về mặt thể chế chính trị. Quan điểm của ông Hồ Quang Sơn, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa và Cổ vật Thanh Hóa cho rằng: “Tuy mới chỉ thực hiện nghi lễ tế Giao một lần vào năm 1402, song những việc làm của vương triều Hồ đã được quốc sử chép biên, lưu truyền hậu thế. Việc vương triều Hồ không tiếp tục tiến hành nghi lễ tế Giao là do vương triều bị thất thủ chứ không phải tự làm gián đoạn nghi lễ này. Do vậy, cũng như các vương triều khác, nghi lễ tế Giao của vương triều Hồ cũng mang đầy đủ giá trị lịch sử đối với quá trình phát triển của lịch sử dân tộc. Theo đó, cùng với việc khôi phục các hạng mục công trình của Đàn tế Nam Giao, cần phải đồng thời khôi phục nghi lễ tế Giao, có như vậy mới góp phần phát huy giá trị Di sản Thành Nhà Hồ”.

Cho đến nay, lễ tế Nam Giao vương triều Hồ bước đầu đã được khẳng định về mặt giá trị lịch sử, văn hóa, tuy nhiên cơ sở khôi phục vẫn còn gặp phải một số ý kiến trái chiều. Dẫu vậy, tựu trung lại các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng, trong đời sống đương đại ngày nay, lễ tế Nam Giao được khôi phục sẽ vừa mang ý nghĩa tâm linh, vừa thể hiện truyền thống của dân tộc, đặc biệt là ý nghĩa về giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc với thế hệ trẻ. Mặt khác, việc phục dựng lễ tế phù hợp với định hướng và chủ trương chấn hưng và phát triển văn hóa dân tộc, góp phần đưa Di sản Thành Nhà Hồ trở thành điểm đến hấp dẫn của Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung.

Bài và ảnh: Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]