Hội thảo khoa học Lễ tế Nam Giao vương triều Hồ - giá trị lịch sử, văn hóa và cơ sở khôi phục
Hội thảo một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của nghi thức tế giao trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam và Lễ tế Nam Giao của vương triều Hồ. Cùng với đó, thống nhất cơ sở khoa học và thực tiễn trong việc khôi phục Lễ tế Nam Giao vương triều Hồ.
Toàn cảnh hội thảo.
Sáng 10/12, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ tổ chức Hội thảo khoa học Lễ tế Nam Giao vương triều Hồ - giá trị lịch sử, văn hóa và cơ sở khôi phục. Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện Cục Di sản Văn hóa, Hội Khảo cổ học Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa; các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh.
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Đỗ Quang Trọng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: "Trong giai đoạn hiện nay, việc nghiên cứu, xây dựng để hướng tới phục hồi Lễ tế Nam Giao vương triều Hồ là nhiệm vụ thiết thực và cấp bách nhằm khôi phục, bảo tồn những giá trị văn hóa cha ông để lại, đồng thời đáp ứng nguyện vọng của quần chúng Nhân dân và du khách khi đến tham quan di sản. Hội thảo lần này còn là dịp để Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ quảng bá các giá trị đặc sắc đến cộng đồng, du khách trong nước và quốc tế. Qua đó góp phần đưa những giá trị nổi bật toàn cầu của di sản đến gần hơn với công chúng".
Đồng chí Đỗ Quang Trọng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu khai mạc hội thảo.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà quản lý văn hóa đã trình bày quan điểm về việc khôi phục lễ tế Nam Giao vương triều Hồ dưới nhiều góc độ tiếp cận như: Giá trị lịch sử văn hóa và khả năng khôi phục nguyên gốc; căn cứ, cơ sở khôi phục lễ tế; một số dạng thức, hình thức phục hồi hoặc tái hiện tế lễ;... Đồng thời kiến nghị, đề xuất một số vấn đề trong việc phục hồi và tái hiện tế lễ.
GS.TS Trương Quốc Bình, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa phát biểu tham luận tại hội thảo.
Theo GS.TS Trương Quốc Bình, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa khẳng định: Lễ tế Nam Giao là một trong những nghi thức quan trọng nhất của các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, hậu Lê, Nguyễn. Nghi thức này được định kỳ tổ chức và tuân thủ điển chế theo quy định của vương triều, đặc biệt dưới triều Nguyễn. Tuy nhiên, đáng chú ý là trong bối cảnh phải đương đầu với những thách thức không nhỏ cả về chủ quan lẫn khách quan, nhà Hồ vẫn tổ chức xây đàn Nam Giao tại kinh đô mới và tổ chức Lễ tế Nam Giao tại đây vào năm 1402.
Cũng theo GS.TS Trương Quốc Bình, trong bối cảnh hiện nay cần kết hợp việc tổ chức Lễ tế Nam Giao với Lễ hội Thành Nhà Hồ để vừa phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể trong mối quan hệ hữu cơ với di sản văn hóa vật thể, giữa di sản với cộng đồng. Qua đó góp phần tạo nên những sản phẩm du lịch đặc sắc phục vụ du khách trong nước và quốc tế.
PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia phát biểu tham luận tại hội thảo.
Còn theo PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cho rằng, Lễ tế Nam Giao cần được tiếp cận như là một bộ phận cấu thành giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ. Mặt khác, việc phục dựng nghi thức tế đàn Nam Giao phải dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học, các cứ liệu lịch sử nhằm góp phần gia tăng sức hấp dẫn cho di sản từ khía cạnh phát triển du lịch theo tinh thần Công ước 1972 của UNESCO. Theo đó, phương án kiến trúc phục dựng đàn tế Nam Giao Thành Nhà Hồ thế kỷ XV nên phỏng dựng trên cơ sở đối chiếu quy mô, hình thức của đàn Nam Giao thời Lê Sơ, nhưng phong cách, kiến trúc, trang trí mỹ thuật thuộc thời Trần - Hồ là phù hợp.
Nhìn chung, các ý kiến tham luận đều nhận định việc nghiên cứu phục dựng Lễ tế Nam Giao của vương triều Hồ tại núi Đốn Sơn là việc làm cần thiết, đáp ứng mong mỏi của quần chúng Nhân dân và khai thác trở thành sản phẩm du lịch của địa phương. Tuy nhiên, việc phục dựng cần phải có lộ trình chi tiết, bài bản và có sự quy chiếu với các lễ tế đã được tổ chức trước và sau lễ tế của nhà Hồ.
TS. Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ phát biểu bế mạc hội thảo.
Phát biểu bế mạc hội thảo, TS. Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ cảm ơn các ý kiến tham luận của các đại biểu dưới nhiều góc độ tiếp cận. Đây là cơ sở quan trọng để bổ sung cho việc nghiên cứu, hướng tới phục dựng Lễ tế Nam Giao vương triều Hồ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tại Di sản Thành Nhà Hồ. Đây cũng là nỗ lực của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung nhằm góp phần đưa du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Di sản Thành Nhà Hồ trở thành điểm đến hấp dẫn của Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung.
Hoài Anh
{name} - {time}
-
2024-11-24 16:13:00
Festival Ninh Bình 2024 - Dòng chảy di sản: Hành trình trải nghiệm hấp dẫn, độc đáo
-
2024-11-24 14:13:00
Phát huy và lan tỏa giá trị áo dài Huế trong cuộc sống đương đại
-
2023-12-09 19:00:00
[Podcast] Truyện ngắn: Bụi phấn còn vương
Diễn xướng cồng chiêng của đồng bào dân tộc Thái
[E-Magazine] - Rét ngọt mùa yêu
Âm hưởng nhộn nhịp từ bình minh đến chiều tà
Văn hóa doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay
Gìn giữ văn hóa truyền thống gắn với xây dựng nông thôn mới - cách làm của đồng bào Dao thôn Bình Sơn
[Podcast] - Tản văn: Nghe gió mùa gọi cửa
Cáp treo hay cách để phát triển du lịch bền vững?
Hà Nam được vinh danh là “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới”
Bolero trở thành Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại