(Baothanhhoa.vn) - Nếu định nghĩa văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra bằng lao động và hoạt động thực tiễn, biểu hiện trình độ phát triển xã hội trong từng thời kỳ lịch sử nhất định thì các sản phẩm văn hóa truyền thống vô cùng đa dạng, phong phú. Trong đó, có những sản phẩm độc đáo, mang đậm sắc thái văn hóa bản địa, tiêu biểu cho vùng đất và con người sáng tạo nên.

Gọi “hồn vía” bản, làng qua các sản phẩm văn hóa truyền thống

Nếu định nghĩa văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra bằng lao động và hoạt động thực tiễn, biểu hiện trình độ phát triển xã hội trong từng thời kỳ lịch sử nhất định thì các sản phẩm văn hóa truyền thống vô cùng đa dạng, phong phú. Trong đó, có những sản phẩm độc đáo, mang đậm sắc thái văn hóa bản địa, tiêu biểu cho vùng đất và con người sáng tạo nên.

Gọi “hồn vía” bản, làng qua các sản phẩm văn hóa truyền thống

Người dân làng Roộc Răm (Như Thanh) hát múa ăn mừng dưới cây bông. Ảnh: H.L

Rực rỡ sắc màu thổ cẩm

Về với vùng đất Thạch Lâm (Thạch Thành) nơi thác Mây buông xõa dòng nước mát lạnh, sảng khoái, điểm xuyết trên nền cảnh sắc thiên nhiên núi rừng nên thơ cũng là hành trình về với không gian văn hóa Mường đặc sắc. Hiện diện trong những nếp nhà sàn, bên bếp lửa nồng ấm hay lao động sản xuất, sinh hoạt đời thường, bóng dáng người phụ nữ Mường trong trang phục truyền thống khiến lòng người xao xuyến, bâng khuâng. Những chiếc cạp váy, chăn, gối thổ cẩm... được dệt nên từ đôi bàn tay khéo léo, tinh tế, thẩm mỹ của người con gái Mường không chỉ đơn thuần là vật dụng sử dụng hằng ngày để sưởi ấm những đêm đông lạnh lẽo, ủ ấm giấc ngủ con trẻ và thắp lửa tình yêu lứa đôi, hạnh phúc gia đình mà thấm đẫm giá trị văn hóa.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và chiều sâu lịch sử - văn hóa ấy, trước đây, khắp các bản, làng xã Thạch Lâm, nhà nào cũng có khung dệt, nhà nào cũng có người biết nghề dệt. Trong bộ trang phục truyền thống, bên khung dệt, người con gái Mường như càng phô diễn được vẻ đẹp, nét quyến rũ của mình. Sinh ra và lớn lên, sau đó xây dựng tổ ấm hạnh phúc trên vùng đất Nội Thành, xã Thạch Lâm, mọi dấu mốc quan trọng trong cuộc đời chị Quách Thị Vui đều diễn ra ở nơi này. Cũng như biết bao người con gái Mường cùng trang lứa, ngay từ khi còn nhỏ, chị Vui đã được bà, mẹ truyền dạy cho cách dệt thổ cẩm. Phần vì trân trọng, gìn giữ nghề truyền thống của cha ông, phần vì muốn lo toan, vun vén hạnh phúc tương lai, chị Vui chăm chỉ, say mê học nghề bên khung dệt. Từ năm 12 tuổi, chị Vui đã có thể dệt nên những hoa văn, họa tiết đẹp. Chị Vui thật thà chia sẻ: “Biết dệt thổ cẩm cũng là một trong những tiêu chí chọn vợ của con trai Mường. Đặc biệt, trước đây, người con gái Mường phải chuẩn bị sắm sửa, dệt chăn, gối, váy... để mang theo về nhà chồng nhằm thể hiện sự khéo léo, siêng năng, biết gìn giữ truyền thống cha ông”. Vì lẽ đó, sản phẩm dệt thổ cẩm có ý nghĩa lớn lao, gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt, phong tục, tập quán, ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào Mường, là nét đẹp văn hóa, niềm tự hào của bản mường.

Trước đây, để có được sản phẩm dệt thổ cẩm phải trải qua quy trình rất công phu, tỉ mỉ với nhiều công đoạn, từ trồng bông, nuôi tằm cho đến khi ươm tơ, dệt vải. Bông được thu hái về sẽ được phân loại, phơi khô sau đó tiến hành bật bông, kéo sợi. Từng vòng quay của con xa được người phụ nữ Mường khéo léo điều chỉnh sao cho sợi được kéo ra thật đều, mịn, đẹp. Nếu sợi bị xơ, rối thì rất khó dệt và sản phẩm dệt ra thường bị lỗi. Để có được những sản phẩm dệt đa dạng hoa văn, rực rỡ sắc màu đòi hỏi trải qua nhiều công đoạn phức tạp, kỹ thuật cao, tay nghề thuần thục, ví như công đoạn nhuộm màu cho vải. Màu nhuộm trong các sản phẩm dệt truyền thống của người Mường đều được làm từ các loại hoa, cây, lá rừng, sau đó qua quá trình ngâm, ủ, pha trộn để có được màu sắc như ý muốn.

Nếu ví sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống chứa đựng “hồn vía” bản làng, tôn vinh tài năng, sức sáng tạo, khéo léo, thẩm mỹ của người dệt thì mỗi người phụ nữ Mường chính là một nghệ nhân dân gian. Trải qua nhiều công đoạn cho đến khi họ thả hồn vào khung cửi, sáng tạo nên từng hình nét hoa văn, sắp xếp nó theo quy luật nhất định, tương hỗ, hài hòa. Hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mường rất đa dạng, phong phú, gắn liền với tình yêu thiên nhiên và con người xứ Mường, gắn bó hài hòa với núi rừng, thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan về vạn vật, vũ trụ bao la, huyền bí như: hình mặt trời, cây hoa (hoa cà, hoa sen...), họa tiết hình học, con rồng, con rắn, con công... Điều đó lý giải vì sao, chỉ một dải cạp váy trên hông người phụ nữ Mường cũng đủ sức hấp dẫn, lôi cuốn, làm say đắm bao ánh nhìn, gợi thương gợi nhớ. Đó là tinh hoa núi rừng, mạch nguồn văn hóa truyền thống, sức sáng tạo của con người lắng đọng mà nên hình nên dạng.

Cây bông – biểu tượng, linh hồn của lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy

Cây bông là sản phẩm văn hóa đặc sắc gắn liền với lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của cộng đồng người Thái làng Roộc Răm (Như Thanh). Kin Chiêng Boọc Mạy (lễ hát múa ăn mừng dưới cây bông) là sinh hoạt văn hóa dân gian được cộng đồng người Thái sáng tạo từ lâu đời, được dung dưỡng, bảo tồn và phát huy trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển làng bản. Đến nay, lễ tục đã trở thành nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống, ăn sâu vào tiềm thức của các thế hệ đồng bào Thái, sâu sắc về ý nghĩa, khá hoàn chỉnh về nghệ thuật trình diễn. Ý nghĩa của lễ tục hướng đến là giữ gìn, đề cao các giá trị văn hóa - tín ngưỡng, là sợi dây gắn kết cộng đồng, bày tỏ ước nguyện về một cuộc sống bình yên, hạnh phúc, ấm no của người dân.

Trong không gian văn hóa truyền thống hòa quyện giữa tiếng nhạc vang vang, sôi nổi hoạt động, hình ảnh cây bông rực rỡ sắc màu được xem là linh hồn, biểu tượng của lễ tục. Đúng như tên gọi, sau khi nhân vật chủ chốt nhập thân thành ông Chương - nhân vật nhà trời giáng hạ xuống bản mường để bảo vệ, che chở cho dân bản chủ trì xong phần tế lễ thần linh thì cũng là lúc đông đảo người dân vui hội tổ chức hát múa ăn mừng dưới cây bông với một số trò chơi, trò diễn dân gian mô phỏng việc lao động sản xuất, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người xưa, trong xã hội Thái cổ truyền. Các tiết mục được diễn xướng quanh cây bông là: đánh thức chương, soi hoa, hái hoa, phi ngựa, dệt vải, ru con, dặn trâu, chương về trời...

Bởi “tính thiêng”, tính biểu tượng cho nét đẹp văn hóa truyền thống bản mường nên việc làm cây bông đòi hỏi công phu, tỉ mỉ. Những người được bản mường chọn lựa giao phó trọng trách này phải có kinh nghiệm, khéo léo, tâm huyết, trách nhiệm. Cây bông gồm hai phần chính: cột trụ và các cành hoa. Cột trụ được làm bằng tre, luồng..., dài khoảng 1,7 - 1,8m có đục lỗ; cành hoa, bông hoa thường được nhuộm màu sắc sặc sỡ. Mỗi cây có từ 100 đến 200 cành, mỗi cành có từ 50 đến 80 bông hoa, các bông hoa phần lớn những người đến tham gia tự làm và cắm vào cây. Các hình chim, thú, dụng cụ lao động sản xuất đan bằng tre nứa cũng được treo trên cây bông. Đặc biệt, các tầng cây bông đều có quy tắc riêng. Tùy thuộc vào thế hệ nhà Mo của làng, xã mà cây bông được làm 3, 5, 7, 9 hay 12 tầng.

Gọi “hồn vía” bản, làng qua các sản phẩm văn hóa truyền thống

Những nét hoa văn thổ cẩm trên trang phục truyền thống làm nên vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ Mường (xã Thạch Lâm, Thạch Thành). Ảnh: N.L

Bên cây bông rực rỡ sắc màu, thông qua phong phú, đa dạng các hoạt động với sự tổng hòa của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, tạo nên một hình thái văn hóa nghệ thuật độc đáo, thấm đẫm đặc trưng văn hóa bản địa. Thông qua lễ tục này, toàn bộ đời sống của bản mường từ xa xưa được tái hiện lại chân thực, sinh động. Vì lẽ đó, mặc dù lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy là nét đặc trưng văn hóa Thái nhưng qua thời gian, không gian lễ tục triển nở, lan tỏa, thu hút đông đảo cộng đồng dân cư cùng chung sống trong bản, mường và các vùng lân cận tham dự.

Dẫu trải qua biến thiên của thời gian, thăng trầm của lịch sử, nhiều giá trị văn hóa, trong đó có các sản phẩm văn hóa truyền thống đều phải đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền. Trong khi đó, những sản phẩm văn hóa truyền thống này không chỉ là niềm tự hào, trân trọng về cội nguồn mà còn là tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương. Vì vậy, cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện, hưởng ứng của các cấp, các ngành và toàn xã hội, việc bảo tồn, phát huy các sản phẩm văn hóa truyền thống là ý thức, trách nhiệm lớn lao đối với các thế hệ cháu con hôm nay và mai sau.

Hoàng Linh


Hoàng Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]