(Baothanhhoa.vn) - Quần thể di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh là minh chứng sống động về một thời kỳ phát triển huy hoàng của lịch sử dân tộc. Di sản này đã trải qua nhiều lần hưng vong cùng vận nước, thậm chí đã trở thành phế tích suốt một thời gian dài. Chính vì lẽ đó, tôn vinh và bảo vệ các giá trị vô giá và không thể thay thế của Lam Kinh là yêu cầu bức thiết đặt ra cho hậu thế.

Những vấn đề đặt ra trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Lam Kinh

Quần thể di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh là minh chứng sống động về một thời kỳ phát triển huy hoàng của lịch sử dân tộc. Di sản này đã trải qua nhiều lần hưng vong cùng vận nước, thậm chí đã trở thành phế tích suốt một thời gian dài. Chính vì lẽ đó, tôn vinh và bảo vệ các giá trị vô giá và không thể thay thế của Lam Kinh là yêu cầu bức thiết đặt ra cho hậu thế.

Những vấn đề đặt ra trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Lam KinhSân Rồng, Nghi môn - một trong những công trình kiến trúc đặc biệt của Khu Di tích Lam Kinh.

Sau khi khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, năm 1428 Lê Lợi lên ngôi hoàng đế ở Đông Đô. Năm 1430, nhà vua cho đổi tên Lam Sơn thành Tây Kinh (hay còn gọi là Lam Kinh). Năm 1433, Lê Thái tổ băng hà và được đưa về an táng tại Lam Kinh. Kế nghiệp Vua Lê Thái tổ, Vua Lê Thái tông tiếp tục cho xây dựng điện Lam Kinh. Ban đầu, điện Lam Kinh được xây dựng với quy mô nhỏ, tính chất chủ yếu là “Sơn lăng” (nơi an táng, thờ cúng tổ tiên và các vua, hoàng hậu thời Lê sơ). Sau này, để phục vụ cho vua và hoàng tộc mỗi khi về bái yết Sơn lăng, Lam Kinh dần dần được mở rộng quy mô để trở nên bề thế.

Trải qua hơn 6 thế kỷ tồn tại với rất nhiều biến cố lịch sử, khu miếu điện Lam Kinh đã gần như biến mất. Năm 1962, Lam Kinh đã được xếp hạng là di tích cấp quốc gia. Đến ngày 27-9-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1419/QĐ-TTg xếp hạng Lam Kinh là di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt. Đồng thời, việc đầu tư tôn tạo và phát huy giá trị di sản này nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, tỉnh Thanh Hóa và giới khoa học.

Trong 10 năm kể từ khi Di tích lịch sử Lam Kinh được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt, trong kế hoạch quản lý, bảo vệ, khai thác tổng thể khu di tích đã được đặt ra, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của khu di tích luôn được các cấp, ngành nhận thức ở một tầm cao mới và triển khai mạnh mẽ các giải pháp hữu hiệu. Cụ thể, Ban Quản lý (BQL) Di tích Lam Kinh đã xây dựng đề cương Dự án “Đổi mới công tác quản lý, khai thác phát triển Khu Di tích Lam Kinh”, trên cơ sở xác định nhiệm vụ cụ thể cho từng công việc như: Chú trọng quản lý các di tích gốc, bảo dưỡng thường kỳ; quản lý môi trường sinh thái gần 200 ha, bảo vệ 98 ha rừng đặc dụng, 40 ha Hồ Tây và Hồ Như Áng, 5km sông Ngọc chảy qua trước khu Điện Miếu; quản lý cơ sở hạ tầng; hiện vật trong kho bảo quản, nhà trưng bày, bảo vật tại di tích; quản lý bảo tồn các nền móng kiến trúc nằm trong lòng đất; kho tư liệu, hồ sơ bản vẽ về các đợt khai quật khảo cổ học, bản vẽ thiết kế các công trình kiến trúc đã được tu bổ, tôn tạo; các công trình kiến trúc nghệ thuật điêu khắc thời Lê...

Ông Vũ Đình Sỹ, Trưởng BQL Di tích Lam Kinh, cho biết: Xuất phát từ mục tiêu xây dựng Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh là nơi lưu giữ những giá trị vô giá mà cha ông để lại, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích được đặc biệt chú trọng. Theo đó, BQL đã lập hồ sơ khoa học trình và đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận 5 bảo vật quốc gia (bia Vĩnh Lăng, bia Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao, bia Vua Lê Thánh tông, bia Vua Lê Hiến tông, bia Vua Lê Túc tông). Đồng thời, phân loại và vào sổ đăng ký 7 bộ sưu tập gồm: gốm, sành, gạch, ngói, vật liệu trang trí kiến trúc, kim loại; sưu tầm 1.031 hiện vật gốc có niên đại trong khoảng thế kỷ XV - XVII; sưu tầm 418 đầu sách liên quan về Anh hùng dân tộc Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Khu Di tích lịch sử Lam Kinh... Qua đó, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, nâng tầm giá trị của khu di tích.

Song, khách quan nhìn nhận, công tác bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích quốc gia đặc biệt vừa khó khăn, phức tạp, vừa cần nguồn lực lớn cả về kinh phí và nhân lực. Do đó, trong quá trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản không tránh khỏi những hạn chế, bất cập phát sinh.

Theo kiến trúc sư Lê Hồng Cẩm (nguyên Trưởng BQL các công trình văn hóa tỉnh Thanh Hóa), Lam Kinh độc đáo ở chỗ có không gian thiên tạo và nhân tạo hết sức hài hòa. Song, công trình kiến trúc gỗ ở Lam Kinh đều là công trình mái dốc, lợp ngói, cửa có ngạch và có nhiều chi tiết kết cấu tiếp xúc trực tiếp với bên ngoài. Tất cả chúng đều đặt trong tổng thể khu rừng Lam Sơn có mật độ khá dày. Do đó, mỗi khi mưa bão, kể cả mưa dầm dề hoặc những trận mưa lớn, kéo dài cũng sẽ làm cho trong lòng nhà (các tòa miếu điện) có độ ẩm rất lớn, kết cấu gỗ nhanh bị hư hỏng, xuống cấp. Ngoài ra, cần chú trọng đến công tác bảo vệ, phòng, chống cháy nổ, nhất là rừng Lam Sơn luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy mùa nắng nóng. Vụ cháy đền Trung Túc vương Lê Lai năm 2013 chính là bài học cảnh tỉnh chưa bao giờ cũ.

Trong nhiều thập kỷ bảo tồn, nhất là 10 năm kể từ khi Di tích lịch sử Lam Kinh được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt, đã có khoảng 20 hạng mục công trình (gồm các lăng mộ, nhà bia, Chính điện và các tòa Thái miếu, Nghi môn, sân Rồng, thềm Rồng, cầu Bạch, đền thờ Lê Lai và một số hạng mục như hồ Như Áng, giếng cổ, sông Ngọc, cảnh quan thiên nhiên...) đã được tu bổ, tôn tạo và bảo vệ, với kinh phí lên đến hàng trăm tỷ đồng, được huy động từ ngân sách và các nguồn xã hội. Nhờ đó, quần thể di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh hiện nay đã hồi sinh cả về diện mạo bề thế và sự trang nghiêm. Công trình kiến trúc nghệ thuật và cảnh quan thiên nhiên đặc sắc này đang trở thành điểm đến văn hóa - tâm linh hấp dẫn bậc nhất xứ Thanh.

Bài và ảnh: Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]