(Baothanhhoa.vn) - Tôi cứ hình dung về bản xa. Nơi ấy, những người phụ nữ sinh ra và lớn lên tựa như bông hoa nở trên đá. Rực rỡ và can trường. Cũng nơi ấy, có những giấc mơ mãi mãi gắn chặt với ruộng nương, không đủ sức vượt qua núi cao. Nhưng, thật lạ, nằm lưng chừng trên đỉnh núi Thắm Xén, những người phụ nữ ở bản Con Dao, xã Quang Chiểu (Mường Lát), lại cho tôi thấy một giấc mơ thật đẹp, thật bình dị...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giấc mơ từ bản Con Dao

Tôi cứ hình dung về bản xa. Nơi ấy, những người phụ nữ sinh ra và lớn lên tựa như bông hoa nở trên đá. Rực rỡ và can trường. Cũng nơi ấy, có những giấc mơ mãi mãi gắn chặt với ruộng nương, không đủ sức vượt qua núi cao. Nhưng, thật lạ, nằm lưng chừng trên đỉnh núi Thắm Xén, những người phụ nữ ở bản Con Dao, xã Quang Chiểu (Mường Lát), lại cho tôi thấy một giấc mơ thật đẹp, thật bình dị...

Khát khao hạnh phúc được làm chủ cuộc sống của mình là giấc mơ của biết bao cô gái dân tộc.

Mỗi ngày đi rừng, làm thuê, Triệu Văn Lộ, bản Con Dao kiếm được trung bình 150.000 đồng. Lộ tin tưởng và giao hết số tiền đó cho vợ. Ai hỏi anh cũng bảo vợ mới là “bà chủ” của gia đình. Phan Thị Náy – vợ anh hạch toán cẩn thận số tiền mà chồng kiếm được. Cô dùng 100.000 đồng để trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình trong 1 ngày. 50.000 đồng còn lại, tiết kiệm lo cho tương lai. Náy không biết với số tiền này, những bà vợ khác thấy thiếu, đủ hay thừa? Với cô, được chồng tin tưởng như thế là hạnh phúc rồi. Náy được làm chủ cuộc sống, được trân trọng và bình đẳng trong chính gia đình của mình. Hơn ai hết, cô hiểu, điều đó chính là khát khao của biết bao bà vợ vùng cao khác. Trong ký ức về mẹ, bà của mình, Náy thấm, cuộc đời của người phụ nữ vùng cao gắn liền với “con dốc cuộc đời”. Khi mặt càng gần đất thì tuổi đời càng nhiều thêm và sự nhọc nhằn gắn liền với tấm lưng gồng gánh. Trên đôi vai ấy, họ phải gánh tất cả. Họ gánh trên vai những đứa con bé nhỏ. Gánh hết thảy trách nhiệm với gia đình. Gánh cả những định kiến, thiệt thòi...

Náy sinh ra và lớn lên ở bản suối Tút, xã Quang Chiểu (Mường Lát). Nơi quanh năm người dân chỉ biết làm bạn với mây mù và sương giăng. Những con dốc cao ngất ngưởng, trơn trượt mưa lầy đã trở thành thử thách đầu đời của mọi đứa trẻ từ khi mới sinh ra. 18 tuổi, tốt nghiệp trường nội trú huyện, cô đã từng mơ tưởng được ra Hà Nội để nối dài thêm giấc mơ đại học. Đùng một cái, sau lần đi hái măng rừng gặp mưa, mẹ cô đổ bệnh nặng. Nhà nghèo lại càng thêm nghèo. Cô đành gác lại giấc mơ của mình, ở nhà phụ giúp cha mẹ, nhường cơ hội học hành cho các em. Rồi duyên số đến, cô đem lòng yêu tiếng sáo buồn của chàng trai nghèo Văn Lộ – chồng cô hiện tại. Những phiên chợ tình thứ 7 hàng tuần trở thành điểm hò hẹn của đôi lứa. “Tôi sẽ cho Náy một gia đình hạnh phúc. Nơi đó, Náy có thể làm chủ được hạnh phúc của mình. Những đứa con sẽ được sinh ra. Chúng mình cùng gửi ước mơ, hoài bão lên chúng” – Náy vẫn thẹn thùng mỗi khi nhớ lại lời tỏ tình ngày đó của chồng. Rồi cái kết đẹp cho duyên tình đầu đời của Náy cũng đến. Hai người lặng lẽ về ở với nhau. Mẹ Náy tiễn con gái về nhà chồng bằng lời khuyên như chắt từ tâm can: Nhà ta nghèo, nhà chồng con còn nghèo hơn. Về làm dâu nhà ấy, con phải vất vả nhiều. Nhưng thôi, thân con gái sinh ra đã khổ. Chỉ mong hai đứa thương yêu, đùm bọc nhau mà sống. Trời sinh voi ắt sinh cỏ, con à. Náy khẽ gật đầu. Cô đưa mắt đượm buồn nhìn theo con chim vành khuyên mỏi cánh tìm đàn. Giấc mơ của cô không thể bay cao hơn đỉnh núi Thắm Xén cuộn mù mây trắng. Hà Nội lấp lánh trong những trang văn cô đọc chìm dần. Nhưng, giờ đây, cô đã có cho mình một giấc mơ khác. Giấc mơ được viết lên từ chính cuộc hôn nhân này.

Văn Lộ không đẹp trai nhưng được cái nết hiền và siêng. Biết vợ thiệt thòi nhiều, anh đã cố gắng lao động cật lực để gánh trọn trách nhiệm của người chồng. Một ngày làm việc của Lộ thường bắt đầu từ lúc chưa nhìn rõ mặt đất và trở về nhà lúc không còn trông rõ mặt người. Những con dốc cao, những khu rừng sâu thăm thẳm, không nơi nào thiếu dấu chân, giọt mồ hôi thậm chí cả máu của anh. Cả bản gọi anh với cái tên “hòn đá” bởi tính có vẻ khô khan, ít nói. Họ bảo “hòn đá” đó chỉ biết làm việc, biết chịu đựng mọi nắng mưa trên đời. Có lần, Lộ rỉ vào tai Náy: “Tôi có một bí mật dành cho vợ”. Nói rồi anh nắm những ngón tay của cô kéo ra ngoài hiên. Treo dưới chiếc sào phơi quần áo là một lồng chim bằng gỗ. Con vẹt có bộ lông màu xanh rực rỡ thấy người đến cứ nhảy chồm chồm tỏ ra phấn khích. Lộ huýt gió một hơi, con vẹt lách chách nói lặp lại 3 lần: “Lộ yêu Náy! Lộ yêu Náy! Lộ yêu Náy!”. Giây phút đó cô chợt hiểu, hạnh phúc của cô không phải đi xa mới tìm thấy được. Nó hiện hữu ngay trong bình dị cuộc sống thường ngày.

Mọi công việc lớn nhỏ trong gia đình vợ chồng Náy đều ngồi lại bàn bạc với nhau. Ban ngày hai vợ chồng cùng nhau lao động. Ban đêm lại chong đèn lên, bên các con dạy chúng “ê” “a” con chữ. Những thanh âm trong trẻo vang lên như vẽ lên một tương lai sáng hơn... Rồi đây, hai đứa con Triệu Văn Ú, Triệu Thị Phan của Náy sẽ thay cô viết tiếp giấc mơ còn dang dở. Sẽ trở thành những thầy, cô giáo của bản.

Náy bảo hạnh phúc của mình đã thay đổi theo thời gian. Nếu như trước kia, khi chưa lập gia đình, hạnh phúc là được đi thật xa. Được ra Hà Nội khám phá những điều mới mẻ từ cuộc sống, thực hiện được những điều mình ấp ủ, ước mơ. Nhưng, hiện tại cô hạnh phúc là khi tự biết tìm ra và trân trọng những niềm vui, những giá trị giản dị từ cuộc sống. Cô nói giờ đây, cô chẳng mong muốn gì. Cô thấy cuộc sống của mình khá yên ấm, với người chồng thương vợ và cô đã quen với cuộc sống này đến nỗi cô chẳng nghĩ mình sẽ cần điều gì thêm nữa. Có chăng, cô muốn, cuộc sống mà cô đang có, mọi phụ nữ vùng cao cũng có.

Tôi hỏi Náy về cuộc sống của người phụ nữ bản Con Dao. Theo Náy, hiện tại, đại đa số phụ nữ bản Con Dao đều có thể tự tin về quyền bình đẳng của mình. Để đạt được điều đó là cả một quá trình gian nan”. Nói rồi cô kể cho tôi câu chuyện của Tăng Thị Phấy. Người con gái năm nay mới tròn 23 tuổi nhưng đã kịp có cho mình 2 đứa con tuổi lên 5 lên 6. Phấy lấy chồng khi đang học dở lớp 10 trường nội trú huyện. Chồng Phấy, sau khi đi nghĩa vụ quân sự đã từng học và tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Thanh Hóa nhưng không xin được việc làm, rồi ở nhà đi rẫy. Kinh tế khó khăn, đôi vợ chồng trẻ tối ngày ngập trong những trận cãi vã không hồi kết. Chán đời, chồng Phấy đắm chìm trong men rượu. Cuộc sống bế tắc tưởng chừng không có lối thoát. Nhiều lần Phấy nghĩ quẩn đã định kết thúc cuộc đời mình. Khoảng thời gian đó, ngày nào Náy cũng phải qua nhà để an ủi, động viên và cùng người dân trong bản tìm cách tháo gỡ tình thế. “Kết quả cuối cùng như thế nào?” - Tôi sốt sắng hỏi. “Cán bộ tự tìm câu trả lời nhé” – Náy lém lỉnh nói.

Vậy là, trước khi chia tay bản, tôi đã ngỏ ý cùng ông Tặng Văn Túc, trưởng bản Con Dao muốn thăm gia đình Phấy. Bữa cơm trưa được dọn ra với thịt gà và rau rừng. Có một điều tôi thấy lạ, không có rượu. Tôi tò mò: Anh đã cai rượu rồi à? Anh cười ngượng ngùng: “Buổi trưa không dám uống cán bộ à. Để sức chiều còn xuống trung tâm xã đi xách hồ nữa. Tối về, vợ cho uống một hai chén ăn cơm cho ngon miệng thôi. Giờ vợ là nhất mà!”. Tôi mừng thầm trong ý nghĩ, dù còn không ít khó khăn, nhưng ở cái nơi xa xôi này, giá trị của người phụ nữ không còn phải đo đếm bằng sức nặng của những gánh củi trên vai, sức chịu đựng, nhẫn nại nhìn chồng uống rượu mà đã được thể hiện qua cách họ làm chủ gia đình, giữ lửa hạnh phúc và thổi bùng lên khát khao về đổi thay.


Bài và ảnh: Nguyễn Trường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]