(Baothanhhoa.vn) - Năm 2022, Liên hoan Văn nghệ dân gian “Chuyện tình Pha Dua” - Phiên chợ vùng cao được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) phối hợp với huyện Quan Sơn tổ chức thành công tốt đẹp. Tiếp nối mạch nguồn đó, Liên hoan Văn nghệ dân gian - Phiên chợ vùng cao và Lễ hội “Hương sắc vùng cao” được tổ chức tại huyện Thường Xuân từ ngày 11-12/11/2023 đã để lại dấu ấn khó quên.

Đắm say với “Hương sắc vùng cao”

Năm 2022, Liên hoan Văn nghệ dân gian “Chuyện tình Pha Dua” - Phiên chợ vùng cao được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) phối hợp với huyện Quan Sơn tổ chức thành công tốt đẹp. Tiếp nối mạch nguồn đó, Liên hoan Văn nghệ dân gian - Phiên chợ vùng cao và Lễ hội “Hương sắc vùng cao” được tổ chức tại huyện Thường Xuân từ ngày 11-12/11/2023 đã để lại dấu ấn khó quên.

Đắm say với “Hương sắc vùng cao”Người dân và du khách tham gia hoạt động nhảy sạp tại Lễ hội “Hương sắc vùng cao” năm 2023.

Những ngày diễn ra liên hoan gắn với Lễ hội “Hương sắc vùng cao”, thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân sôi nổi với nhiều hoạt động có sự tham gia của hơn 1.000 nghệ nhân, diễn viên, đồng bào các dân tộc thiểu số đến từ các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh và sự góp mặt của các nghệ nhân, diễn viên đến từ Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh (Sở VH,TT&DL). Đó là Chương trình văn nghệ dân gian, trích nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống; văn hóa ẩm thực truyền thống; không gian phiên chợ vùng cao; trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số xứ Thanh...

Đến với liên hoan và Lễ hội “Hương sắc vùng cao”, Nhân dân và du khách được thưởng thức nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc, trong đó có chương trình nghệ thuật “Danh nhân Cầm Bá Thước - Rạng ngời đất Châu Thường”. Hoạt cảnh tái hiện thân thế và sự nghiệp Danh nhân Cầm Bá Thước - vị thủ lĩnh tài ba của đồng bào dân tộc Thái huyện Thường Xuân trong phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa. Chương trình nghệ thuật góp phần tuyên truyền, giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc của mỗi người con xứ Thanh.

Trong khuôn khổ chương trình, Nhân dân và du khách còn trải nghiệm không gian “Phiên chợ vùng cao” và văn hóa ẩm thực các dân tộc. Ở phiên chợ, các chàng trai, cô gái đến từ các dân tộc giới thiệu các món ăn, các sản vật đặc sản của địa phương; các trang phục truyền thống của dân tộc, nghề thủ công, thổ cẩm... đến du khách. Trong không gian liên hoan, âm thanh tiếng sáo, tiếng khèn, tiếng cồng, tiếng chiêng rộn rã cùng những điệu múa làm đắm say lòng người.

Liên hoan văn nghệ dân gian - Phiên chợ vùng cao được ví như một bức tranh đa sắc màu về đời sống văn hóa, xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số xứ Thanh. Đó không chỉ là nơi giao thương, trao đổi mua bán hàng hóa mà còn là nơi vui chơi, gặp gỡ, giao lưu, gắn kết tình cảm giữa người với người. Các hoạt động giàu bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số tại liên hoan đã tái hiện lại các giá trị văn hóa dân gian còn tiềm ẩn trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Khẳng định sức sống mãnh liệt của văn hóa các dân tộc qua thời gian và không gian, trong sự giao thoa và biến đổi. Trong xu thế hội nhập hiện nay, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số đang dần bị mai một bởi nhiều yếu tố, thì liên hoan chính là “sợi dây” gắn kết, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong lòng mỗi người dân, nhất là con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Thanh Hóa Vương Thị Hải Yến khẳng định: Liên hoan là một sự kiện văn hóa quan trọng, nhằm góp phần thực hiện đề án “Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030” của Bộ VH,TT&DL; Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX. Thông qua sự kiện góp phần từng bước nâng cao nhận thức, ý thức của cán bộ và Nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương; góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, đây cũng là dịp quảng bá hình ảnh về vùng đất và con người xứ Thanh; giới thiệu, kết nối các điểm đến, sản vật truyền thống của các địa phương nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại, phát triển du lịch cộng đồng tại các huyện miền núi của tỉnh.

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thường Xuân Lê Hữu Giáp cho biết: Là địa phương đăng cai tổ chức liên hoan, ngoài hoạt động chính tham gia liên hoan như các đơn vị khác, huyện Thường Xuân đã khai mạc Tuần lễ VH,TT&DL với nhiều hoạt động như tổ chức giải đua thuyền truyền thống lần thứ 5 thu hút 14 xã, thị trấn và 3 đơn vị khách mời với tổng số hơn 260 vận động viên tham gia; tổ chức thi đấu các môn thể thao truyền thống; lễ mừng cơm mới; tổ chức các trò chơi trò diễn dân gian như đẩy gậy, tung còn, kéo co, nhảy sạp... Các hoạt động này diễn ra tại khu du lịch bản Mạ, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Liên hoan góp phần giúp địa phương quảng bá mảnh đất, con người, các giá trị văn hóa truyền thống, sản phẩm tiêu biểu của Thường Xuân đến đông đảo Nhân dân, du khách, góp phần thực hiện đề án “Phát triển du lịch cộng đồng huyện Thường Xuân đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” nói riêng, thúc đẩy du lịch huyện Thường Xuân nói chung phát triển. Tuần lễ VH,TT&DL huyện Thường Xuân kết hợp với Chương trình Liên hoan Văn nghệ dân gian - Phiên chợ vùng cao và Lễ hội “Hương sắc vùng cao” của tỉnh được tổ chức trên địa bàn huyện đã thu hút trên 13.258 lượt khách về dự sự kiện, trong đó có 50 lượt khách quốc tế.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]