(Baothanhhoa.vn) - Nếu đã từng một lần đắm mình trong không gian thiêng của lễ hội đền Bà Triệu ở làng cổ Phú Điền, xã Triệu Lộc (Hậu Lộc) hẳn không ai có thể quên cái không khí nô nức mà vẫn trang nghiêm, linh thiêng của lễ hội truyền thống xứ Thanh. Trong không gian lễ hội, mỗi người tham gia bằng tất cả tâm thành, ngưỡng vọng nhớ ơn tiền nhân...

Đặc sắc lễ hội đền Bà Triệu

Nếu đã từng một lần đắm mình trong không gian thiêng của lễ hội đền Bà Triệu ở làng cổ Phú Điền, xã Triệu Lộc (Hậu Lộc) hẳn không ai có thể quên cái không khí nô nức mà vẫn trang nghiêm, linh thiêng của lễ hội truyền thống xứ Thanh. Trong không gian lễ hội, mỗi người tham gia bằng tất cả tâm thành, ngưỡng vọng nhớ ơn tiền nhân...

Đặc sắc lễ hội đền Bà Triệu

Người dân Phú Điền là chủ nhân cũng là chủ thể tổ chức lễ hội đền Bà Triệu. (Ảnh chụp lễ hội đền Bà Triệu trước khi xuất hiện đại dịch COVID-19). Ảnh: K.L

Vùng đất cổ Phú Điền (Bồ Điền) không phải quê hương của nữ tướng Triệu Trinh Nương. Nhưng đây lại là nơi nghĩa quân Bà Triệu có những trận quyết chiến với quân xâm lược. Từ quê nhà Quan Yên, nghĩa quân Bà Triệu tràn xuống đánh chiếm thành Tư Phố - nơi đặt bộ máy cai trị của giặc Ngô trên đất Cửu Chân. Rồi tiến ra phía Bắc đóng quân ở căn cứ Bồ Điền (Phú Điền) để thực hiện những mục tiêu lớn hơn nhằm giành lại độc lập. Tuy vậy, trước chênh lệch tương quan lực lượng, âm mưu và sự vây hãm của kẻ thù, trong một trận quyết chiến với giặc Ngô, Lệ Hải Vương Bà đã quyên sinh trên đỉnh núi Tùng ở căn cứ Bồ Điền. Nhằm tưởng nhớ công đức của nữ tướng xứ Thanh anh dũng trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm của dân tộc, hậu thế suy tôn gọi là vua Bà; người dân Phú Điền đã đắp mộ cho Bà ở đỉnh núi Tùng, xây đền thờ Bà Triệu ở dưới chân núi Gai và tôn thờ Bà là Thành hoàng làng Phú Điền.

Về làng Phú Điền hôm nay là những dấu tích của cuộc khởi nghĩa năm xưa và cả không gian văn hóa tưởng nhớ vị vua Bà. Từ bao đời nay, tại không gian thiêng nơi thờ Bà Triệu, người dân Phú Điền đã duy trì tổ chức sinh hoạt văn hóa tâm linh theo phong tục truyền thống tự ngàn xưa. Đặc biệt, lễ hội đền Bà Triệu diễn ra vào tháng 2 (âm lịch) hàng năm thu hút đông đảo người dân trong vùng cùng về dâng vương, chiêm bái, tỏ lòng ngưỡng vọng tiền nhân. Lễ hội đền Bà Triệu được xem là “sự kiện” văn hóa lịch sử, tín ngưỡng dân gian lớn của cả vùng.

Theo đó, lễ hội đền Bà Triệu đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân nơi đây, được ý thức như “nhiệm vụ” của cả làng. Trước ngày diễn ra lễ hội, người dân Phú Điền sẽ phân công nhau sửa sang, vệ sinh khu vực đền thờ, lăng mộ, mộ ba ông tướng họ Lý, đình Phú Điền, đền Đệ tứ và treo cờ hội (ngũ sắc). Làng sẽ cử một người làm “chủ tế”, hai “bồi tế”, một “đông xướng”, một “tây xướng” và những “chấp sự”. Xưa kia, những người trong hội tế thường phải là người trong hội “Tư văn” của làng; chủ tế phải là người có học, có chức tước, gia đình song toàn, có uy tín, được hội bô lão và hội đồng khánh tiết xét chọn, tiến cử; nhóm “đồng văn” tập đánh trống với ba điệu (trống rước, trống đổ hồn, trống tế); người khiêng kiệu (đô tùy) tập khiêng kiệu, đổi vai, quay kiệu; người cầm cờ rước tập đi ra, đi vào, khi tiến, khi thoái, khi sắp hàng vào lễ...

Trước khi lễ hội chính thức diễn ra, làng sẽ tổ chức lễ “Cáo yết” kính cáo thần linh. Sau đó, những người giúp việc sẽ xem xét lựa chọn vật tế thần. Chuẩn bị cho cuộc tế, làng sẽ chọn người viết chúc văn (gọi là Điển Văn). Chúc văn sau khi viết xong sẽ được rước ra đình làng Phú Điền và đền thờ Bà Triệu dán lên bảng chúc, phủ vải đỏ lên trên.

Hấp dẫn nhất của lễ hội đền Bà Triệu là nghi lễ rước kiệu và tế lễ. Lễ rước kiệu và tế lễ trong lễ hội đền Bà Triệu (còn gọi là rước bóng) khi xưa thường diễn ra vào giờ Hoàng đạo, thường là “nghênh Dần, tống Dậu” (tức rước vào giờ Dần, trở về vào giờ Dậu) và diễn ra theo hiệu lệnh. Khi hiệu lệnh nổi lên, cuộc rước bắt đầu. Dẫn đầu đoàn rước là người vác “cờ tiết, cờ mao”, tiếp đến là cờ ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) rồi cờ tứ linh (long, ly, quy, phượng); đi sau đoàn rước cờ là hai người vác tấm biển gỗ sơn son thếp vàng, bên trên khắc chữ “Hồi ty” (tránh đi) và “Tĩnh trúc” (yên lặng). Sau đó đến Ban Chinh cổ gồm 1 trống cái, 1 chiêng, vừa đi vừa đánh theo thứ tự “tiền trống hậu chiêng”. Tiếp theo Ban Chinh cổ là đoàn người xếp hàng đôi, vác chấp kích, đồ bát bửu... với trang phục quần trắng, áo lưng đen, đầu chít khăn đen...

Đi sau đoàn chấp kích, bát bửu là đoàn kiệu rước. Thứ tự kiệu rước phải tuân thủ theo quy định. Ông Đặng Văn Cường, người cao tuổi tại địa phương, đồng thời là thủ từ trông coi tại di tích đình làng Phú Điền cho biết: “Đi đầu là kiệu Hương Án (4 người khiêng). Sau kiệu Hương Án là kiệu Bát Cống rước vua Bà (8 người khiêng). Tiếp đến là kiệu Song Loan (kiệu quan võ), kiệu Long Đình (kiệu quan văn) và sau cùng là kiệu Võng (rước Mẫu)... Sau đoàn kiệu rước là quan viên, chức sắc, bậc cao niên và người dân Phú Điền cùng khách thập phương. Nếu trước đây lễ hội đền Bà Triệu được tổ chức quy mô lớn hàng năm thì giờ đây, theo hương ước của làng, cứ hai năm một lần (vào năm chẵn) sẽ tổ chức đại lễ với tế lễ, rước kiệu linh thiêng, đông vui và náo nhiệt”.

Cung đường rước kiệu bắt đầu từ đền Bà Triệu, tới đình Phú Điền nơi vua Bà được tôn thờ Thành hoàng làng, sau đó rước đến núi Tùng. Đến chân núi, vị chủ tế đội bát hương lên đỉnh núi, đi sau là người cầm cờ mao, cờ tiết, chấp kích, lọng che, quạt... Lên đến đỉnh núi - nơi có lăng mộ Bà Triệu, vị chủ tế thay mặt người dân khấn lạy vua Bà nhân ngày húy kỵ. Khi xuống núi, đoàn người đông vui tấp nập lại theo thứ tự về đình Phú Điền. Tại đây, diễn ra các cuộc tế với lễ vật dâng lên từ những dòng họ trong làng. Đến ngày hôm sau, đoàn rước lại theo thứ tự đã sắp đặt rước kiệu đến đền Đệ Tứ - nơi thờ vị thần linh Quang Đại Vương đã có công phù trợ vua Bà trong khởi nghĩa, sau đó theo con đường làng trở lại đình Phú Điền, đến đền Bà Triệu, bắt đầu cuộc đại tế. Vì là đền Quốc tế, nên đại tế ở lễ hội đền Bà Triệu khi xưa thường do quan đầu tỉnh làm chủ tế.

Một điều đặc biệt trong nghi lễ rước kiệu lễ hội đền Bà Triệu chính là hiện tượng “kiệu quay”. Các kiệu rước khi qua sân đình Phú Điền, cổng đền Bà Triệu, mộ ba ông tướng họ Lý, ngã ba ngã tư đường làng sẽ “rơi” vào trạng thái quay như bay nhưng không bao giờ đổ các đồ thờ đặt trên kiệu rước. Người dân địa phương tin rằng, đó chính là bởi sự “linh ứng” đã trở thành yếu tố “thiêng” của lễ hội...

Bên cạnh các nghi lễ tâm linh, vào dịp lễ hội đền Bà Triệu, Nhân dân địa phương cũng không quên dâng lên vị vua Bà những vật phẩm cúng lễ truyền thống do chính tay người dân trong làng cẩn thận làm ra: bánh chưng, bánh dày, bánh mật, bánh gai...

Sau phần lễ, người dân cùng khách thập phương lại hòa mình vào trong những trò chơi, trò diễn dân gian như: nấu cơm thi, đánh bài điếm, cờ người, trong đó đặc biệt là trò nhà Mạc. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khiến cho một số trò ngày càng ít được tổ chức, có những trò có chăng chỉ còn “sống” trong ký ức những bậc cao niên trong làng.

Dẫu vậy, nhiều năm qua, không thể phủ nhận những nỗ lực của các cấp, ngành và người dân địa phương trong việc bảo tồn, lưu giữ, phục dựng những giá trị - nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của lễ hội đền Bà Triệu. Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Thanh Hóa đánh giá: “Mỗi lễ hội truyền thống đều chứa đựng giá trị, ý nghĩa riêng. Với lễ hội đền Bà Triệu, ngoài ý nghĩa vốn có, điều đặc biệt chính là lễ hội vẫn giữ được những yếu tố văn hóa - lịch sử - dân gian gốc, chưa bị sân khấu hóa, hình thức hóa. Người dân địa phương vẫn giữ vai trò chủ nhân - chủ thể tổ chức lễ hội, chứ không phải đứng ngoài tham dự như “khách” giống ở nhiều nơi. Lễ hội do người dân lưu giữ, tổ chức và làm chủ... Với những giá trị vốn có, lễ hội đền Bà Triệu đã được làm hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Khánh Lộc


Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]