(Baothanhhoa.vn) - Văn hóa công sở, văn hóa trường đảng là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên văn hóa chính trị trong các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa thực hiện xây dựng văn hóa trường đảng

Văn hóa công sở, văn hóa trường đảng là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên văn hóa chính trị trong các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa thực hiện xây dựng văn hóa trường đảng

Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa

Đồng thời quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa công sở, văn hóa trường đảng, đặc biệt là những định hướng về đổi mới đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và nâng cao hiệu quả hoạt động của trường chính trị tỉnh được nêu trong Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về “trường chính trị chuẩn”, trong thời qua, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã luôn quan tâm xây dựng văn hóa trường đảng và đã đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng trong đảm bảo điều kiện để nhà trường được công nhận đạt chuẩn mức 1 năm 2023 và hướng tới đạt chuẩn mức 2 vào năm 2025.

Về xây dựng và hoàn thiện thể chế, trên cơ sở nhận thức việc xây dựng, hoàn thiện thể chế là cơ sở quan trọng cho phát triển của nhà trường, đồng thời cũng là một trong những nội dung quan trọng của xây dựng văn hóa trường đảng, chính vì vậy, trong thời gian qua, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế luôn được nhà trường đặc biệt quan tâm. Trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhà trường luôn bám sát vào các văn bản của Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và của Tỉnh ủy, UBDN tỉnh Thanh Hóa để kịp thời cụ thể hoá thành hệ thống các quy chế, quy định, các văn bản hướng dẫn và thông báo nội bộ đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ, hợp lý, khả thi, bám sát thực tiễn hoạt động của nhà trường, không trái với văn bản cấp trên. Từ đó, đã phát huy được nguồn lực, tinh thần làm việc dân chủ, khoa học, đảm bảo kỷ cương, nề nếp trong thực thi nhiệm vụ của đội ngũ viên chức, người lao động, học viên và nâng cao chất lượng các mặt hoạt động của nhà trường.

Đặc biệt, riêng về việc xây dựng văn hóa trường đảng, nhằm tiếp tục thực hiện tốt Quyết định số 5029-QĐ/HVCTQG về việc “Quy định về ứng xử văn hoá của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”; Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về “trường chính trị chuẩn”; Kết luận số 729-KL/TU ngày 14/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hóa về “xây dựng và phát triển Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, ngày 10/3/2023, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đã ký ban hành Quyết định số 70-QĐ/TrCT về việc ban hành Quy định văn hoá trường Đảng tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá. Đây là điểm nổi bật trong việc cụ thể hoá xây dựng văn hoá trường Đảng, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu, viên chức, người lao động và học viên của nhà trường để đáp ứng yêu cầu xây dựng Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đạt chuẩn.

Về xây dựng và thực hiện các giá trị chuẩn mực, được xác định là một trong những nội dung quan trọng trong xây dựng văn hóa trường đảng được các thế hệ viên chức, người lao động và học viên Nhà trường đặc biệt quan tâm. Trong đó, trên cơ sở nghiên cứu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đồng thời từ thực tiễn thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nhà trường, các thế hệ giảng viên, viên chức, người lao động và học viên đã xây dựng và không ngừng phát huy, phát triển các giá trị cốt lõi mang tính chuẩn mực để tạo nền tảng tư tưởng định hướng về nhận thức và chỉ dẫn về thực tiễn; điều chỉnh hành vi, ứng xử; nâng cao chất lượng và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ của mỗi viên chức, người lao động, học viên. Qua quá trình xây dựng và không ngừng bổ sung, phát triển cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu đặt ra, đến nay những giá trị chuẩn mực của viên chức, người lao động và học viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã được định hình cụ thể đó là: Kiên định, Kỷ cương, Dân chủ, Đoàn kết, Nêu gương, Sáng tạo.

Cùng với việc định hình, xây dựng được hệ giá trị chuẩn mực, Đảng ủy, Ban Giám hiệu đã thực hiện thể chế hóa thành quy chế, quy định và thường xuyên quán triệt viên chức, người lao động, học viên nghiêm túc thực hiện; chú trọng phát huy vai trò nêu gương của các đồng chí trong Ban Giám hiệu, lãnh đạo các khoa, phòng và đội ngũ giảng viên để không ngừng vun đắp, lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến đông đảo viên chức và học viên. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã chú trọng thực tiễn hóa các giá trị chuẩn mực thông qua các mô hình, các phong trào thi đua và nhiều hoạt động cụ thể; đồng thời, thường xuyên tổng kết thực tiễn để không ngừng bổ sung, phát triển và tiếp tục cụ thể hóa thành những phương châm, giá trị đặc trưng gắn với vị trí công tác của viên chức, người lao động như: Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý là: Kiên định về mục tiêu, quyết liệt trọng chỉ đạo, sáng tạo trong điều hành, hài lòng trong xử trí. Đối với giảng viên là: Nghiêm về giờ giấc, đẹp về trang phục, chuẩn về phát ngôn, đúng mực trong ứng xử, quyết liệt trong đổi mới phương pháp dạy – học. Đối với nhân viên phục vụ là: Đến tận chỗ, rõ tận việc, thường xuyên kiểm tra, kịp thời giải quyết. Còn đối với học viên, đó là thực hiện nguyên tắc 3 không (không vào lớp muộn, ra sớm; không cẩu thả; không làm việc riêng, sử dụng điện thoại trong giờ học), 3 có (có mục tiêu, động lực học tập tích cực; có tác phong, hình ảnh đẹp; có phương pháp học tập, rèn luyện khoa học).

Chính nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường với nhiều biện pháp mang tính toàn diện, đồng bộ, cho nên việc thực hiện các giá trị chuẩn mực của viên chức, người lao động và học viên đã đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng vào việc xây dựng văn hóa trường đảng tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa, tạo nên giá trị, sức mạnh và khẳng định thương hiệu, vị thế của nhà trường trong công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ của tỉnh và trong hệ thống các trường chính trị. Đồng thời, góp phần tạo ra sự lan tỏa, ảnh hưởng tích cực đến các trung tâm chính trị và hệ thống chính trị cấp cơ sở thông qua đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đã được đào tạo, bồi dưỡng tại nhà trường.

Về kiện toàn tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ viên chức, người lao động, học viên có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, nhà trường đã thực hiện kiện toàn tổ chức bộ máy theo quy định của Trung ương, của Tỉnh ủy, tinh giản biên chế, sắp xếp cán bộ, giảng viên phù hợp với năng lực, sở trường nhằm phát huy hết khả năng của từng viên chức, người lao động trong nhà trường. Đặc biệt, Ban Giám hiệu đã có nhiều biện pháp, cách làm hay, xây dựng môi trường làm việc tạo động lực, có định hướng tốt, cơ chế tốt, môi trường tốt để xây dựng đội ngũ giảng viên, học viên giỏi về chuyên môn, am hiểu về thực tiễn; đủ phẩm chất, năng lực và uy tín. Đồng thời, luôn quan tâm công tác quy hoạch, ưu tiên nguồn lực cho đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; khuyến khích đào tạo nghiên cứu sinh, chú trọng đào tạo, rèn luyện trong thực tiễn, phát triển tư duy, tầm nhìn, năng lực lãnh đạo, quản lý, nuôi dưỡng khát vọng, khuyến khích đổi mới, sáng tạo. Ngoài ra, để tiếp tục tạo động lực cho cán bộ, giảng viên, nhà trường tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào thi đua 5 tốt “nghiên cứu tốt, tham mưu tốt, dạy học tốt, quản trị tốt và tư vấn tốt”, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo ra sức lan tỏa sâu rộng trong toàn trường.

Đối với học viên, nhà trường tập trung xây dựng mô hình học tập “3 không, 3 có” nhằm góp phần xây dựng tác phong, hình ảnh của học viên trường Đảng; xây dựng mô hình “Ngày thứ bảy kết nối”, gắn với việc thực hiện 5 chương trình vì học viên; tổ chức bình chọn tập thể lớp kiểu mẫu, học viên gương mẫu gắn với tuyên dương trong Lễ chào cờ hằng tháng nhằm tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua ở các lớp, xây dựng môi trường giáo dục kỷ cương, thân thiện, giàu tính Đảng, góp phần nâng cao chất lượng toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Về xây dựng hệ thống cơ sở vật chất và bài trí nhà làm việc, phòng học, những năm qua, được sự quan tâm của Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng với việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư của nhà trường, cơ sở vật chất của nhà trường đã được quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tạo và xây dựng từng bước đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác giảng dạy và học tập, sinh hoạt, giải trí cho cán bộ giảng viên và học viên. Với các hạng mục công trình đã được đầu tư triển khai thực hiện, hệ thống cơ sở vật chất, các trang thiết bị của Trường Chính trị tỉnh cơ bản đồng bộ và hợp lý, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh. Qua đó, góp phần đổi mới mạnh mẽ và toàn diện các mặt hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Cùng với những kết quả trong xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, thì việc xây dựng cảnh quan, khuôn viên, bài trí nhà làm việc, phòng học sáng, xanh, sạch, đẹp và có những điểm nhấn về thẩm mỹ, kiến trúc của một cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Đảng và hệ thống chính trị, góp phần tạo nên những cảm xúc tích cực, sự tự hào đối với viên chức, giảng viên, học viên trong quá trình làm việc và học tập tại trường.

Từ thực tiễn xây dựng văn hóa trường đảng ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua có thể rút ra một số kinh nghiệm chủ yếu đó là:

Một là, phải chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của viên chức, người lao động và học viên trong toàn trường về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc thực hiện xây dựng văn hóa trường đảng. Đồng thời, trên cơ sở những quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa công sở, văn hóa trường đảng phải cụ thể hóa trong các nghị quyết, đề án, chương trình, kế hoạch của nhà trường, để từ đó quán triệt đến các khoa, phòng, đoàn thể triển khai thực hiện.

Hai là , phải thường xuyên bổ sung hoàn thiện thể chế và xây dựng môi trường tạo động lực cho sự phát triển. Theo đó, phải thường xuyên rà soát, bổ sung các quy chế, quy định nội bộ của nhà trường, đặc biệt là quy định về xây dựng văn hóa trường đảng, quy định thực hiện các giá trị chuẩn mực để làm căn cứ, cơ sở cho việc định hướng, điều chỉnh hành vi, ứng xử của viên chức, người lao động và học viên; định hướng các hoạt động của nhà trường đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, đúng pháp luật. Đồng thời, phải chú trọng xây dựng môi trường tạo động lực, ở đó trước hết là sự nêu gương của người đứng đầu, của tập thể lãnh đạo, quản lý, của giảng viên trong việc tiên phong làm trước, làm chuẩn mực và kiên trì vận động, thuyết phục học viên làm theo; xây dựng văn hóa tự phê bình và phê bình, để mỗi cán bộ, viên chức, người lao động và học viên biết bảo vệ cái đúng, cái tốt, phê bình cái sai, cái lạc hậu, để cùng nhau hoàn thiện, phát triển; thường xuyên phát động các phong trào thi đua và xây dựng, phát triển các mô hình, nhất là mô hình “Xây dựng tác phong, hình ảnh của cán bộ, viên chức, người lao động và học viên”; mô hình “Lớp học kiểu mẫu”, “học viên gương mẫu”; ... để tạo khí thế, quyết tâm trong toàn thể viên chức, người lao động và học viên thực hiện văn hóa công sở, xây dựng văn hóa trường đảng.

Ba là , thực hiện tốt công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện văn hóa trường đảng. Việc thực hiện kiểm tra, giám sát phải được làm thường xuyên, có hệ thống. Từ kết quả kiểm tra, đánh giá cần tổng kết, rút kinh nghiệm, phát hiện khoa, phòng tốt, việc làm tốt, mô hình thực hiện sáng tạo, hiệu quả để kịp thời biểu dương, nhân rộng và chấn chỉnh những nơi làm chưa tốt, hiệu quả chưa cao, chưa tạo thành phong trào trong cơ quan, đơn vị.

Tóm lại , trên cơ sở quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng văn hóa công sở, văn hóa trường đảng, trong thời gian qua, việc xây dựng văn hóa trường đảng luôn được Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Qua quá trình tổ chức thực hiện, đến nay, việc xây dựng văn hóa trường đảng của Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần rất lớn trong đảm bảo điều kiện để nhà trường được công nhận đạt chuẩn mức 1 năm 2023. Với những kết quả đạt được và cả những kinh nghiệm từ thực tiễn xây dựng văn hóa trường đảng trong thời gian qua cũng chính là những tiền đề quan trọng để trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển hơn nữa các giá trị văn hóa trường đảng ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa, góp phần xây dựng nhà trường đạt chuẩn mức 2 vào năm 2025, đồng thời, tạo ra sự lan tỏa, ảnh hưởng tích cực đến các trung tâm chính trị và hệ thống chính trị cấp cơ sở thông qua đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đã được đào tạo, bồi dưỡng tại nhà trường.

ThS.Lê Ái Bình ( Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa)


ThS.Lê Ái Bình (Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]