“Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” - từ chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng vào việc phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên hiện nay
Nêu gương chính là hành động của người đảng viên nhằm tạo ra những giá trị tốt đẹp cho xã hội, có tính thuyết phục, thuận lòng người và có vai trò dẫn dắt Nhân dân làm theo. Đây là một phương thức lãnh đạo khoa học, trí tuệ đầy giá trị nhân văn của Đảng.
Ông Nguyễn Huy Phong (người đứng giữa), bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Đồng Thanh, xã Vạn Hòa (Nông Cống) tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp.
Ý nghĩa lời chỉ dẫn:“Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài viết đăng trên báo Nhân dân với nhan đề “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Bài báo chỉ hơn 700 từ nhưng rất cô đọng, súc tích và nói nhiều về vấn đề nêu gương, đạo đức của cán bộ, đảng viên. Người viết: “Nhân dân ta từng nói đảng viên đi trước, làng nước theo sau”1, đó là lời khen chân thành của Nhân dân đối với cán bộ, đảng viên ta; là cách nói dân gian nhưng chứa đựng trong đó biết bao tình cảm, sự tin tưởng của Nhân dân đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên. Câu nói tuy ngắn gọn, nhưng rất có ý nghĩa.
Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát được bản chất vốn có, cần có của mỗi cán bộ, đảng viên đó là đã đứng trong hàng ngũ của Đảng, mỗi đảng viênphải là tấm gương, là mẫu mực để Nhân dân noi theo, những việc khó khi Đảng cần, Tổ quốc cần thì đảng viên phải xung phong đi đầu. Đồng thời, phải luôn thể hiện rõ sự nêu gương trong mọi mặt, đó là đạo đức lối sống và công tác, luôn trau dồi rèn luyện để thực sự là những hạt nhân gương mẫu đi đầu, làm trước cho Nhân dân noi theo.
Quan điểm của Đảng về thực hiện trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên và thực tiễn thực hiện của đội ngũ cán bộ, đảng viên
Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, Nghị quyết, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên như: Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII; Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012, Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016, Quy định số 08-QĐ/TW, ngày 25/10/2018 về trách nhiệm nêu gương; Kết luận 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Đại hội XIII của Đảng xác định: “Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Đảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiền phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các phong trào cách mạng. Coi trọng kiểm tra, giám sát trong Đảng kết hợp với phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, báo chí và Nhân dân đối với cán bộ, đảng viên thực hiện các quy định nêu gương”2. Đồng thời, khẳng định việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị “đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên”3.
Nhận thức đầy đủ giá trị, ý nghĩa to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; với mục tiêu nâng cao nhận thức, đồng thời dấy lên tinh thần trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong các mối quan hệ với mình, với người, với việc để đạt được mục tiêu đề ra; Ban thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá đã ban hành Quy định số 1089-QĐ/TU, ngày 19/8/2013 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp; Kế hoạch số 80-KH/TU, ngày 1/7/2022 về giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Quy định số 08-Qđi/TW của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị....
Sau khi các nghị quyết, quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên được ban hành, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đã quán triệt sâu sắc và nghiêm túc thực hiện. Theo đó, ý thức trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên đã được nâng lên rõ rệt. Cụ thể, cán bộ, đảng viên nêu gương về tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm túc nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị, tận tuỵ với công việc, tích cực học tập nâng cao trình độ, chuyên môn; nêu gương trong tiên phong đảm nhận những việc mới, việc khó, nguy hiểm; nêu gương trong đổi mới sáng tạo công tác lãnh đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ. Nhiều cán bộ, đảng viên sẵn sàng xả thân vì sức khoẻ, tính mạng của Nhân dân. Điển hình trong công tác phòng chống thiên tai năm 2020, tấm gương hy sinh của 13 chiến sĩ ở thuỷ điện Rào Trăng 3 và những cán bộ, đảng viên hy sinh khi giúp dân phòng chống lũ lụt. Rồi trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, với tinh thần chống dịch như chống giặc, đặt sức khoẻ, tính mạng của Nhân dân lên trên hết, nhiều cán bộ, đảng viên với trách nhiệm với đồng bào đã không quản ngại gian khổ sẵn sàng nhận nhiệm vụ trong môi trường làm việc nguy hiểm. Trong các phong trào như phong trào xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, nhiều cán bộ, đảng viên là hạt nhân đã nêu gương đi tiên phong trong hiến đất, đóng góp kinh phí, ngày công để xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn mới, tích cực tham gia đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế...
Tuy nhiên, bên cạnh những đảng viên mẫu mực luôn nỗ lực đi đầu, là tấm gương sáng để Nhân dân noi theo thì cũng cần nhìn nhận một cách thẳng thắn hiện nay vẫn còn những đảng viên, thậm chí có những người giữ vị trí lãnh đạo cấp cao, cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương quản lý vi phạm kỷ luật đảng, đặt mưu cầu lợi ích cá nhân lên trên, có động cơ không trong sáng, thiếu liêm chính, thiếu chí công vô tư, nhũng nhiễu Nhân dân và cấp dưới, còn bộ phận cán bộ đảng viên thờ ơ, vô cảm, thụ động thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, chính bộ phận này dẫn đến hệ luỵ tiêu cực đó là những người dũng cảm đấu tranh thấy mình không được bảo vệ, những người làm sai càng lộng hành, lạm quyền, đây là điều khiến đảng viên và Nhân dân lo lắng và bất an.
Yêu cầu đặt ra và giải pháp phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”4. Sự nêu gương đi trước của cán bộ, đảng viên giống như là "hữu xạ tự nhiên hương", không đòi hỏi điều gì thật lớn lao mà nó tự có sức thu hút mạnh mẽ, như Bác từng dạy rằng: Người đảng viên dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp ở đâu cũng phải gương mẫu cho quần chúng, sự nỗ lực tích cực đi trước của mỗi cán bộ, đảng viên làm tăng thêm niềm tin của Nhân dân đối với tổ chức đảng, chính quyền các cấp, qua đó tạo sự thống nhất, đoàn kết chung sức, chung lòng, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên đang đặt ra yêu cầu:
Phải nắm vững đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vì có nắm vững được thì mới thực hiện đúng được, để tránh những vi phạm. Bác từng dạy "Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống, từ dưới đất chui lên, nó do rèn luyện hằng ngày mà có". Yêu cầu đặt ra là phải củng cố đạo đức. Vì vậy, một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội XIII đã nói đến vấn đề xây dựng Đảng: “...Xây dựng Đảng về đạo đức phải tuân theo những nguyên tắc xây dựng và thực hành đạo đức, xây đi đôi với chống, nêu gương về đạo đức và phải tu dưỡng đạo đức suốt đời nhằm thực hiện lời dạy của Người “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”5.
Phải làm mực thước, nói phải đi đối với làm, phải xung phong làm gương cho Nhân dân noi theo. Bởi, muốn hướng dẫn Nhân dân, cán bộ, đảng viên phải nâng cao tinh thần nêu gương, phải “cần, kiệm, liêm, chính”, không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của Nhân dân; phải chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh là nguồn gốc sinh ra tham ô, lãng phí, đồng thời phải miệng nói tay làm và làm thật, làm có hiệu quả để làm gương cho Nhân dân.
Phải có tính đồng bộ, hệ thống trong quy định, tổ chức thực hiện các quy định nêu gương của Đảng, của Nhà nước hiện nay. Vì những quy định về nêu gương cũng nhiều nhưng tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu.
Nêu gương chính là hành động của người đảng viên nhằm tạo ra những giá trị tốt đẹp cho xã hội có tính thuyết phục, thuận lòng người và có vai trò dẫn dắt Nhân dân làm theo, đây là một phương thức lãnh đạo khoa học, trí tuệ đầy giá trị nhân văn của Đảng. Theo đó, để phát huy tốt vai trò nêu gương, mỗi đảng viên cần thực hiện các giải pháp cơ bản sau:
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về vai trò tiên phong gương mẫu của người cán bộ, đảng viên
Thực tiễn cho thấy, nơi nào cấp uỷ, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của việc nêu gương thì vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên sẽ được phát huy tốt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị. Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu trong tuyên truyền và thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Để tạo chuyển biến về trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc nêu gương, cần quan tâm công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức trong toàn hệ thống chính trị về ý nghĩa, mối quan hệ của việc nêu gương của cán bộ, đảng viên với công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng ta về nêu gương để trên cơ sở đó thực hành đạt hiệu quả.
Hai là, tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên là sự thể hiện sinh động việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI, XII, XIII) về những vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng; 27 biểu hiện của Nghị quyết Trung ương 4 và Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 (khoá XIII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) và Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII).
Do đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên cần đẩy mạnh giáo dục và rèn luyện đạo đức cách mạng; thực hiện sâu rộng, có hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Tích cực phát động các phong trào thi đua, xây dựng các mô hình đổi mới sáng tạo để đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm sâu vào từng hoạt động thông qua lời nói và việc làm cụ thể; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, để đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục, có hiệu quả.
Ba là, mỗi cán bộ, đảng viên phải chủ động, tự giác rèn luyện phẩm chất đạo đức “6 dám” và năng lực cần có.
Phẩm chất đạo đức là điều kiện cần thiết để đảm bảo mỗi cán bộ, đảng viên có định hướng đúng đắn. Để làm mực thước cho Nhân dân noi theo, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác rèn luyện phẩm chất đạo đức “7 dám”: “Dám nghĩ” thể hiện tư duy đổi mới, bứt phá, tháo gỡ điểm nghẽn nhằm khai thông mở lối phát triển để đạt hiệu quả tối ưu trong thực hiện nhiệm vụ. “Dám nói” thể hiện dũng khí, thẳng thắn, dám phản ánh với cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị về những vấn đề đang đặt ra đối với đơn vị, địa phương. “Dám làm” là thái độ và hành động quyết liệt, khẩn trương, chủ động xông pha, tiên phong dấn thân vào những việc khó, phức tạp, những việc chưa có tiền lệ... với tinh thần “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh” cùng với tác phong “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, miệng nói, chân đi, tay làm” thực sự tiên phong trong các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước trong Nhân dân. “Dám chịu trách nhiệm” không lùi bước và luôn sẵn sàng đón nhận cả thành công và chưa thành công, thậm chí đối mặt với những rủi ro ngoài ý muốn. “Dám đổi mới, sáng tạo” - cán bộ, đảng viên cần sáng tạo là đưa ra những ý tưởng, sáng kiến nhằm nâng cao hiệu quả công việc, đem lại giá trị cho sự phát triển của cơ quan, địa phương. “Dám đương đầu với khó khăn, thử thách” để hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, mỗi cán bộ, đảng viên phải có quyết tâm chính trị cao, biến khó khăn, thách thức thành động lực để vươn lên. “Dám hành động vì lợi ích chung” là tinh thần mạnh dạn dám làm, dám hành động để mang lại quyền và lợi ích chính đáng cho tập thể, cơ quan, địa phương mình theo hướng tích cực. Cao hơn hết là luôn đặt lợi ích của Nhân dân, của Tổ quốc, của đất nước lên trên hết, trước hết. Nếu mỗi cán bộ, đảng viên lấy đó làm hệ quy chiếu, để soi rọi trong nhận thức, tư duy và hành động sẽ tránh được sa vào chủ nghĩa cá nhân, lối sống ích kỷ. Đó cũng là định hướng quan trọng để tránh được những sai lầm, khuyết điểm khi thực hiện nhiệm vụ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, mỗi đảng viên là người thay mặt cho Đảng trước quần chúng để giải thích chính sách của Đảng, Chính phủ cho quần chúng biết rõ và vui lòng thi hành, mà muốn cho quần chúng hăng hái thi hành thì người đảng viên ắt phải xung phong làm gương mẫu để quần chúng làm theo. Lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ CHí Minh vẫn còn nguyên giá trị, để làm tròn trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, mỗi đảng viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện để thực sự là tấm gương sáng cho Nhân dân học tập và noi theo. Đảng viên phải luôn là người đi trước để làng nước theo sau.
ThS. Nguyễn Thị Kiều Trang (Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa)
-------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5,Sđd, tr.549.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, tr.183-184.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, tr.176-177.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.194.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021,tr.40.
{name} - {time}
-
2024-11-21 10:48:00
Chỗ dựa vững chắc cho người cao tuổi
-
2024-11-21 09:46:00
Sức mạnh từ “ý Đảng - lòng dân”
-
2024-02-01 22:00:00
[Video] Công bố và trao giải Búa Liềm vàng lần thứ VIII - năm 2023
Phường Phú Sơn dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân ngày thành lập Đảng
Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng
Quan tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp
Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên
Phát huy vai trò nêu gương ở Đảng bộ xã Phú Lộc
Thanh Hóa quan tâm phát triển đô thị
Nga Sơn: Nhiều cách làm hay trong công tác “Dân vận khéo”
“Cầu nối” đưa nghị quyết của Đảng đến với bà con vùng giáo Thọ Xuân
Phát huy trách nhiệm nêu gương của đảng viên nơi cư trú