Hội nghị thượng đỉnh ba bên Trung-Nhật-Hàn: Khi các nước vẫn rất cần nhau
Từ ngày 26-27/5/2024, Hội nghị thượng đỉnh ba bên Trung-Nhật-Hàn được tổ chức tại Hàn Quốc sau 4 năm trì hoãn. Đây là dịp để lãnh đạo các nước thu hẹp bất đồng, xung đột, tìm kiếm triển vọng hợp tác mới vì lợi ích của mỗi nước, cũng như hoà bình, ổn định ở khu vực.
Từ những bất đồng quan điểm, xung đột lợi ích
Hội nghị thượng đỉnh ba bên Trung-Nhật-Hàn diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị-an ninh trên Bán đảo Triều Tiên nói riêng, khu vực Đông Bắc Á nói chung diễn biến phức tạp, khó lường. Từ đầu năm 2024, Triều Tiên vẫn không ngừng duy trì tốc độ thử nghiệm vũ khí. Gần đây nhất, ngày 10/5/2024, Triều Tiên tiến hành vụ thử nghiệm nhằm xác nhận “ưu điểm và sức mạnh hủy diệt” của bệ phóng tên lửa đa năng 240 mm và đạn dẫn đường của nó. Các chuyên gia cho rằng, mục tiêu của Triều Tiên là nhằm đối phó với các hoạt động hợp tác quân sự giữa Mỹ-Hàn-Nhật mà nước này cho là mối đe dọa trực tiếp đến môi trường an ninh quốc gia; đồng thời, gây áp lực Mỹ phải chấp nhận ý tưởng coi Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân, từ đó ngồi vào bàn đàm phán và nhượng bộ về kinh tế và an ninh.
Bên cạnh đó, căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục leo thang do những tranh chấp trên biển Hoa Đông. Theo Đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo và truyền thông Nhật Bản ngày 28/4/2024 cho biết, Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã đối đầu với tàu chở các nhà lập pháp Nhật Bản tại vùng biển Senkaku/Điếu Ngư mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền ở biển Hoa Đông. Vụ việc là diễn biến mới nhất liên quan đến tranh chấp hàng hải giữa hai nước tại vùng biển này.
Theo giới phân tích chính trị, cục diện tại Đông Bắc Á đang có sự chuyển biến quan trọng, nhất là sau khi Nhật Bản và Hàn Quốc giải quyết các bất đồng, cùng thắt chặt hợp tác với Mỹ tạo nên một cơ chế hợp tác ba bên chặt chẽ tại khu vực. Trong thời gian tới, các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc dự kiến sẽ tới thăm Mỹ để dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Biden nhằm tái khẳng định lộ trình và việc thực hiện các biện pháp hợp tác quân sự thiết thực trong khu vực. Với Trung Quốc, việc hợp tác ba bên Mỹ-Nhật-Hàn không ngừng được tăng cường, thúc đẩy sẽ khiến nước này đặc biệt quan tâm, lo ngại về lợi ích, ảnh hưởng của mình tại khu vực bị tác động, ảnh hưởng. Trước đó, ngày 21/8/2023, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân lên tiếng phản đối tuyên bố của các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh trước đó vào ngày 18/8/2023 tại Trại David, rằng các nước đã “bôi nhọ” Bắc Kinh.
Tới việc nối lại đàm phán, tăng cường hợp tác
Tại Hội nghị thượng đỉnh, lãnh đạo các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã tập trung thảo luận về 6 lĩnh vực chính, bao gồm giao lưu nhân dân, khoa học và công nghệ, phát triển bền vững, y tế công cộng, hợp tác kinh tế-thương mại, hòa bình và an ninh. Với tinh thần thảo luận xây dựng, vì lợi ích của mỗi nước cũng như hòa bình, ổn định của khu vực, các bên đã thông qua Tuyên bố chung, trong đó có nội dung nhất trí chọn năm 2025 và năm 2026 là Năm Giao lưu văn hóa Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc. Lãnh đạo ba nước cam kết tiếp tục nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, bao gồm cả phi hạt nhân hóa thông qua biện pháp chính trị. Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc nhấn mạnh, việc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên Bán đảo Triều Tiên, cũng như khu vực Đông Bắc Á là trách nhiệm chung của các nước trong khu vực. Bên cạnh vấn đề Triều Tiên, Tuyên bố chung cũng nêu rõ cam kết thúc đẩy một thỏa thuận thương mại tự do ba bên và tìm cách đẩy nhanh các cuộc đàm phán.
Theo giới phân tích chính trị, mặc dù chưa tạo được bước đột phá nào đáng kể, song Tuyên bố chung giữa ba nhà lãnh đạo tương đối toàn diện, bao trùm lên nhiều lĩnh vực hợp tác chủ chốt giữa các nước, kể cả những vấn đề gai góc như vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên; đồng thời, tạo nền tảng vững chắc để ba nước từng bước thu hẹp bất đồng, thúc đẩy hợp tác vì lợi ích chiến lược của mỗi quốc gia, cũng như hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.
Hợp tác kinh tế-thương mại chiếm sóng chương trình nghị sự tại hội nghị lần này, và là động lực chính thúc đẩy ba nước nối lại đàm phán sau 4 năm gián đoạn. Đối với Hàn Quốc và Nhật Bản, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của hai nước này vào năm 2023, tuy nhiên mối quan hệ thương mại giữa các nước này đang suy yếu. Trong 2 năm liên tiếp, đầu tư mới của Nhật Bản vào Trung Quốc đã giảm và ít hơn tới 10 lần so với lượng đầu tư của Nhật Bản vào Mỹ. Tình hình tương tự với Hàn Quốc, quốc gia có mức đầu tư vào Trung Quốc năm 2023 ở mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Ngược lại, các công ty Hàn Quốc tăng cường đầu tư vào Mỹ, cố gắng tận dụng các ưu đãi đầu tư của Chính quyền Mỹ vào sản xuất công nghệ cao. Với Trung Quốc, đối mặt với một nền kinh tế đang có dấu hiệu trì trệ, Bắc Kinh đã thay đổi lập trường, mong muốn thúc đẩy hợp tác thương mại-đầu tư với các quốc gia láng giềng, một mặt, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước; mặt khác, tạo một đối trọng địa chính trị đối với sự ủng hộ của Mỹ dành cho các đồng minh trong khu vực.
Vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên cũng được lãnh đạo các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đặc biệt chú ý tại hội nghị lần này. Mặc dù đang xây dựng hợp tác ba bên chặt chẽ với Mỹ nhằm bảo đảm môi trường an ninh quốc gia, song cả Tokyo và Seoul đều không che giấu sự thật rằng, họ quan tâm đến ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng, và mong muốn Bắc Kinh đóng vai trò lớn hơn trong nỗ lực kiềm chế các chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Trong khi đó, Trung Quốc cũng mong muốn thúc đẩy hòa bình, ổn định ở khu vực; bởi lẽ, vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên leo thang, trong trường hợp xấu nhất có thể biến thành một cuộc xung đột, sẽ khiến Trung Quốc không thể đứng ngoài cuộc, hơn nữa khu vực an ninh biên giới của Trung Quốc cũng sẽ khó tránh khỏi bị tác động, ảnh hưởng.
Hiện nay, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang đứng trước những thử thách mới khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục rơi vào vòng xoáy tăng thuế và trả đũa lẫn nhau, gây ra lo ngại về những tác động không mong muốn đối với cả hai phía, cũng như đối với thương mại toàn cầu. Từ ngày 1/8/2024, Mỹ sẽ tăng thuế suất nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi Trung Quốc cũng cảnh báo sẽ có các biện pháp kiên quyết và đang có kế hoạch tăng thuế đối với ô tô nhập khẩu từ Mỹ và Liên minh châu Âu. Ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Trung Quốc cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Mỹ và các đồng minh. Ngày 12/3/2024, truyền thông quốc tế đưa tin Tổng thống Mỹ Biden đề xuất mức ngân sách quốc phòng kỷ lục lên đến 895,2 tỷ USD cho năm tài chính 2025. Yếu tố quan trọng để ông Biden đưa ra mức này chính là nhằm tăng cường năng lực răn đe Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trước sức ép ngày càng gia tăng từ Mỹ, Trung Quốc hiểu rằng, việc Mỹ thắt chặt hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc và lôi kéo các nước này tham gia vào các liên kết do Mỹ dẫn dắt ở khu vực, ví dụ như AUKUS, sẽ hoàn toàn bất lợi đối với Trung Quốc. Do đó, thay vì đổ lỗi cho Tokyo và Seoul, Bắc Kinh đang tích cực tạo cơ hội hợp tác cùng có lợi, sử dụng sức hấp dẫn của thị trường và bảo đảm môi trường an ninh khu vực là đòn bẩy.
Rõ ràng, Trung Quốc đang rất cần không gian hợp tác kinh tế, ngăn chặn các liên kết do Mỹ dẫn dắt gây bất lợi cho Trung Quốc ở khu vực; còn Nhật Bản và Hàn Quốc cần thêm tự chủ chiến lược và coi an ninh khu vực Đông Bắc Á luôn là ưu tiên quan trọng. Đây chính là những yếu tố cốt lõi để ba nước thu hẹp bất đồng, khoảng cách, để khởi động lại đàm phán, thúc đẩy quan hệ hợp tác.
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2025-01-21 08:11:00
“Thời đại hoàng kim” của nước Mỹ bắt đầu
-
2025-01-21 06:47:00
Ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng: Ổn định hay biến động?
-
2024-05-27 13:28:00
Hội nghị Thượng đỉnh ba bên - “Khởi đầu mới” trong quan hệ Trung-Hàn-Nhật
Cuộc tập trận Armenia - Mỹ: Mối đe dọa với Nga ở Caucasus
Sức ép lớn từ Nga, Mỹ thúc đẩy châu Âu tự chủ chiến lược
Thấy gì từ những cam kết viện trợ quân sự khổng lồ của Mỹ và châu Âu cho Ukraine?
Nhận định về khả năng NATO đối đầu trực diện với Nga ở Ukraine
Thế giới mong muốn có cuộc chiến thay thế đồng USD
Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Putin tạo ra “xung lực” mới cho quan hệ chiến lược Nga-Trung
Phản ứng của truyền thông Mỹ về chuyến thăm Trung Quốc ngay sau khi tái đắc cử của Tổng thống Nga V. Putin
Những động lực chính thúc đẩy chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Vladimir Putin
Sự mở rộng AUKUS: Có thể xuất hiện một liên minh quân sự mới?