Pháp và Đức kêu gọi tập trung hỗ trợ tăng trưởng cho EU
Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp đã thống nhất rằng châu Âu cần hỗ trợ nhiều hơn cho nền kinh tế và ngành công nghiệp để có thể bắt kịp sự cạnh tranh của Trung Quốc và Mỹ.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Nguồn: dpa)
Kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước ba ngày tới Đức, ngày 28/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz để hội đàm tại Lâu đài Meseberg, nhà khách chính phủ liên bang gần Berlin.
Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về một chương trình nghị sự hướng tới tăng trưởng và nâng cao khả năng cạnh tranh của Liên minh châu Âu (EU) trong đó việc thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) ở Châu Âu đóng một vai trò quan trọng.
Trong một bài bình luận chung dành cho khách mời của tờ Thời báo Tài chính Anh (Financial Times) được đăng ngày 28/5, Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp đã thống nhất rằng châu Âu cần hỗ trợ nhiều hơn cho nền kinh tế và ngành công nghiệp để có thể bắt kịp sự cạnh tranh của Trung Quốc và Mỹ.
Ngoài AI, công nghệ lượng tử, du hành vũ trụ và đổi mới công nghệ xanh cũng là trung tâm của “chính sách công nghiệp đầy tham vọng” ở châu Âu.
Các thỏa thuận hợp tác song phương được ký kết
Là một phần của chuyến thăm cấp nhà nước, Đức và Pháp đã ký một số thỏa thuận nhằm mở rộng hợp tác song phương trong các lĩnh vực công nghệ trong tương lai. Hiệp hội Fraunhofer, tổ chức gồm 76 viện nghiên cứu khắp nước Đức, mỗi viện tập trung vào một lĩnh vực khoa học ứng dụng cụ thể, và tổ chức nghiên cứu CEA của Pháp muốn bắt đầu các dự án chung trong lĩnh vực vi điện tử và công nghệ lượng tử, công nghệ hydro và pin.
Tại chi nhánh của Fraunhofer ở Dresden, Tổng thống Macron đã tham gia thảo luận với các doanh nhân về chủ đề AI. Ông kêu gọi châu Âu tăng cường năng lực sản xuất chip điện tử để giảm bớt sự phụ thuộc. EU cũng cần tập trung hơn vào ứng dụng AI trong các lĩnh vực như y tế hay giao thông.
Trong bài viết đăng trên tờ Financial Times, Thủ tướng Scholz và Tổng thống Macron cũng một lần nữa kêu gọi thành lập một liên minh thị trường vốn để có thêm dòng tiền tư nhân cho các dự án đầu tư vào chuyển đổi xanh và kỹ thuật số của nền kinh tế. Họ cũng lên tiếng ủng hộ việc tăng cường sức mạnh tài chính của EU.
Hai nhà lãnh đạo cho rằng ngân sách EU phải trở nên độc lập hơn với sự phân bổ quốc gia và cũng có thể được tài trợ một phần thông qua doanh thu thuế của chính mình.
Ngân sách và thương mại vẫn là điểm nghẽn
Khi đề cập đến những điểm vướng mắc giữa Đức và Pháp như việc gia tăng các khoản nợ chung mới ở EU, bài báo trên tờ Financial Times không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy mối quan hệ hợp tác đã được cải thiện.
Về chủ đề chính sách thương mại cũng gây tranh cãi, hai nhà lãnh đạo viết một cách mơ hồ về “các hiệp định thương mại tự do công bằng” sẽ “thúc đẩy lợi ích của EU.”
Đức muốn hoàn tất thỏa thuận Mercosur với Nam Mỹ nhưng Tổng thống Macron lại ngăn cản. Tổng thống Pháp cũng kêu gọi hành động cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, trong khi Thủ tướng Đức tỏ ra hoài nghi về các biện pháp như đánh thuế ô tô điện Trung Quốc nhập khẩu vào châu Âu.
Thủ tướng Scholz và Tổng thống Macron đã gặp nhau vào chiều ngày 28/5 để hội đàm song phương, sau đó là họp báo chung. Buổi tối sẽ diễn ra các cuộc đàm phán phạm vi rộng hơn về chính sách an ninh và quốc phòng cũng như Hội đồng Bộ trưởng Đức-Pháp.
Giới chức ở Berlin cho biết mục đích của cuộc họp là Pháp và Đức muốn “tham gia ở cấp độ Châu Âu trong việc chuẩn bị chương trình nghị sự cho nhiệm kỳ mới của Ủy ban châu Âu.”
Các cuộc thảo luận ở Meseberg nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác chặt chẽ giữa Đức và Pháp trước những thách thức lớn đối với tương lai ở châu Âu.
Trong bài phát biểu tại quảng trường trước Nhà thờ Đức bà - Frauenkirche ở Dresden ngày 27/5, Tổng thống Macron kêu gọi tăng gấp đôi đầu tư ở Châu Âu. Số tiền bổ sung phải đến từ cả vốn nhà nước và tư nhân. Ông nói: “Châu Âu của chúng ta phải tạo ra một mô hình tăng trưởng mới cho các thế hệ tương lai.”
Trong bài phát biểu, ông Macron cũng nói về mối đe dọa đối với châu Âu do cuộc xung đột Nga-Ukraine gây ra. Ông nói: “Chúng ta đang ở một thời điểm chưa từng có trong lịch sử khi chúng ta cần phải suy nghĩ về an ninh của mình với tư cách là người châu Âu.”
Văn phòng Tổng thống Pháp, Điện Élysée, nhấn mạnh rằng Đức và Pháp gần đây đã xích lại gần nhau hơn trong các vấn đề quốc phòng. Vào cuối tháng Tư, Bộ trưởng Quốc phòng Liên bang Boris Pistorius và người đồng cấp Pháp Sébastien Lecornu đã nhất trí tiếp tục hợp tác trong dự án xe tăng MGCS bị đình trệ từ lâu. Hệ thống chiến đấu trên không FCAS cũng đang có nhiều tiến bộ.
Và có thể còn có tiến triển hơn nữa: Berlin và Paris được cho là đang tiến lại gần nhau hơn trong các cuộc đàm phán về hệ thống phòng thủ tên lửa của châu Âu. Thủ tướng Scholz đã thúc đẩy “Sáng kiến Lá chắn Bầu trời Châu Âu” vào mùa Thu năm 2022, trong đó Pháp không tham gia. Paris đặc biệt không thích việc Berlin dựa vào công nghệ của Mỹ và Israel thay vì hệ thống của các công ty quốc phòng châu Âu./.
Theo TTXVN
- 2024-11-14 16:41:00
Trung Quốc sẽ đối mặt với nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump như thế nào?
- 2024-11-14 10:34:00
Hội nghị COP29: EU công bố kế hoạch hợp tác giảm phát thải methane
- 2024-05-27 17:25:00
Hội nghị thượng đỉnh ba bên Trung-Nhật-Hàn: Khi các nước vẫn rất cần nhau
Hội nghị Thượng đỉnh ba bên - “Khởi đầu mới” trong quan hệ Trung-Hàn-Nhật
Cuộc tập trận Armenia - Mỹ: Mối đe dọa với Nga ở Caucasus
Sức ép lớn từ Nga, Mỹ thúc đẩy châu Âu tự chủ chiến lược
Thấy gì từ những cam kết viện trợ quân sự khổng lồ của Mỹ và châu Âu cho Ukraine?
Nhận định về khả năng NATO đối đầu trực diện với Nga ở Ukraine
Thế giới mong muốn có cuộc chiến thay thế đồng USD
Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Putin tạo ra “xung lực” mới cho quan hệ chiến lược Nga-Trung
Phản ứng của truyền thông Mỹ về chuyến thăm Trung Quốc ngay sau khi tái đắc cử của Tổng thống Nga V. Putin
Những động lực chính thúc đẩy chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Vladimir Putin