(Baothanhhoa.vn) - Men dòng Mã Giang, chúng tôi tìm về làng cổ Vĩnh Trị, xã Hoằng Quang - nơi có trò diễn Tú Huần đã “sống đời” cùng đất và người nơi đây qua bao thăng trầm, biến động lịch sử.

Trò diễn Tú Huần bên dòng sông Mã

Men dòng Mã Giang, chúng tôi tìm về làng cổ Vĩnh Trị, xã Hoằng Quang - nơi có trò diễn Tú Huần đã “sống đời” cùng đất và người nơi đây qua bao thăng trầm, biến động lịch sử.

Trò diễn Tú Huần bên dòng sông MãTrò diễn Tú Huần do người dân làng Vĩnh Trị biểu diễn.

Theo điển tích về trò Tú Huần được lưu truyền tại đây, trò diễn gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của vua Lê Đại Hành. Khi nhà vua lãnh binh đi dẹp giặc phương Nam có đi qua làng Vĩnh Trị, đứng nghỉ chân ở khu đất cao bên bờ sông Mã, được thần linh phù trợ nên khi xông pha trận mạc đã toàn thắng trận đầu. Cùng năm đó, để tỏ lòng thành kính, biết ơn đến thần linh ban phước, che chở, vua cho lập đền thờ, ban sắc phong thành hoàng làng, giao cho làng Vĩnh Trị phụng thờ. Ngày 10/3 âm lịch hằng năm người dân làng Vĩnh Trị tổ chức giỗ thần hoàng, trong đó có hoạt động dâng lễ và cúng tế trang trọng.

Trong cuốn “Vĩnh Trị sự tích” nêu rằng: Từ xưa, làng tổ chức tế lễ, có “xướng ca một chầu”. Về sau, ngoài hình thức tế lễ thường niên, những năm làng được mùa hay có người đỗ đạt cao, làng mở hội tế, tổ chức các trò do người làng sáng tác, biểu diễn gắn liền với đời sống như trò đúc bụt, múa gà, Tú Huần...

Chủ tịch UBND xã Hoằng Quang (TP Thanh Hóa) Nguyễn Trọng Kiên cho biết: “Trò Tú Huần có ở làng Vĩnh Trị tự bao đời nay. Tuy có thời điểm bị mai một, nhưng đến nay trò diễn vẫn được trao truyền và tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác, trở thành biểu tượng đẹp trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người dân nơi đây. Sức sống của trò diễn Tú Huần nói riêng, các giá trị văn hóa truyền thống của xã Hoằng Quang nói chung là kết quả từ sự quan tâm, chú trọng của cấp ủy, chính quyền địa phương qua các thời kỳ và nỗ lực, cố gắng của các thế hệ người dân đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống”.

Nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có trò diễn Tú Huần và vẫn được các thế hệ trao truyền, tiếp nối đến hôm nay như: Xuân Phả (Thọ Xuân), Đông Anh (Đông Sơn), Thiên Linh (Quảng Xương)... Tuy nhiên, mỗi nơi lại có cách thức biểu diễn Tú Huần khác nhau, mang đậm sắc thái của làng quê ấy.

Ở Vĩnh Trị, trò Tú Huần thường được tổ chức với sự tham gia của 14 người, bao gồm bố, mẹ và 12 con. Ngay trong lực lượng tham gia Tú Huần cũng có ý nghĩa riêng, thể hiện sự phát triển, mở mang của làng, nước. Các thế hệ nối tiếp nhau, thế hệ sau đông hơn thế hệ trước. Thế hệ trước (bố mẹ) phải luôn là điểm tựa, là trung tâm quy tụ các thế hệ sau (con cái). Ngược lại, thế hệ sau (con cái) phải biết nhìn vào cội nguồn mà nỗ lực phấn đấu”. Trang phục được sử dụng trong trò Tú Huần là khăn, áo, xiêm như người Việt cổ. Âm nhạc của trò Tú Huần ở làng Vĩnh Trị tương đối đơn giản nhưng không kém phần độc đáo, đó là sự hòa quyện của tiếng trống (trống con, trống cơm, xênh...) và tiếng “hẹ, hẹ” lặp lại sau mỗi câu hát nghe rất vui tai.

Một trong những đặc sắc của trò diễn Tú Huần ở làng Vĩnh Trị là đàn ông sẽ là người trực tiếp đóng mẹ và tính tiếp nối thế hệ qua hình tượng người con do các em thiếu niên trong làng “vào vai”. Các động tác múa uyển chuyển, linh hoạt, kết hợp nhuần nhuyễn với âm nhạc tạo nên trò diễn đặc sắc, hấp dẫn.

Ông Vũ Đức Phú (82 tuổi, ở làng Vĩnh Trị) chia sẻ: “Điểm đặc biệt nhất là lực lượng tham gia trò diễn Tú Huần có tính kế thừa, có sự tham gia của đông đảo người trẻ. 12 người con được lựa chọn tham gia Tú Huần đều ở độ tuổi từ 10-14 tuổi. Nhiều người tham gia Tú Huần từ lúc đủ độ tuổi làm con đến khi được tin tưởng, lựa chọn đóng mẹ. Người già, người có kinh nghiệm truyền đạt kinh nghiệm, dạy cách diễn trò Tú Huần cho người trẻ. “Tre già măng mọc”, trò Tú Huần cứ thế bền bỉ sức sống”.

Là “con nhà nòi”, ông Vũ Đức Vận và nhiều người trong gia đình ông am hiểu sâu sắc về trò diễn Tú Huần làng Vĩnh Trị. Ngay từ nhỏ ông đã có niềm yêu thích, đam mê với những động tác múa, tiếng hát ngân nga khi biểu diễn Tú Huần. Những năm 13, 14 tuổi, ông đã được lựa chọn vào đội Tú Huần của làng đi biểu diễn phục vụ các sự kiện lớn của tỉnh. Ông Vận hào hứng kể: “Ngày đó, ai được chọn vào đội diễn là vui mừng, sung sướng lắm, tập luyện hết sức mình, chẳng biết mệt là gì. Những khi đi biểu diễn xa cũng toàn là đi bộ, cả đoàn “rồng rắn” nối đuôi nhưng ai cũng háo hức cả”. Hiện nay, khi đã ở vào độ tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn giữ được niềm đam mê, tích cực tham gia biểu diễn, truyền dạy trò Tú Huần cho các thế hệ cháu con trong làng. Trò diễn Tú Huần là một trong những điều quý giá mà ông Vận luôn gìn giữ, trân trọng.

Dòng Mã giang ôm ấp trong lòng biết bao giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, tâm linh. Trên thủy trình ấy, Mã giang mang theo sức sống, đặc sắc trò diễn Tú Huần cùng đất và người Vĩnh Trị vươn xa...

Bài và ảnh: Thảo Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]