Một chiều thu đưa tôi về ngồi trên chiếc cầu đá ao làng. Tĩnh lặng. Bao hoài niệm như thước phim quay chậm chợt ùa về. Bạn bè cùng trang lứa bây giờ mỗi đứa mỗi phương. Dẫu vậy, vẫn còn đây cây nhãn lá xanh chen lẫn chùm quả nâu vàng. Cây ổi đào thơm lừng bây giờ lên "cụ". Tôi soi mình xuống làn nước xanh trong, bỗng thấy lung linh trăng rằm của muôn mùa thu trước. Mặt nước lao xao ánh vàng, gió thoảng đưa lời hát như câu hỏi của người xa tự năm nảo năm nào: “Cầu ao óng vẩy mại cờ/ mùa trăng năm ấy bây giờ về đâu?”.

Trăng muôn đời vì thu mà tỏa sáng, khu vườn của mẹ cũng đang vì thu mà thay áo mới. Những vòm lá nhiều màu sắc báo hiệu thu đang những ngày trăng đẹp nhất. Khúc hát giao mùa trào dâng cất lên trong tâm hồn vạn vật: "Bờ ao đom đóm thắp đèn/ cuối vườn dế trũi thổi kèn sắc xô/quả na dụi mắt ngẩn ngơ/ hồng khoe áo thắm đợi chờ trăng lên..."

Những niềm vui không thể gọi thành tên, nhưng tôi và chắc hẳn tất cả những đứa trẻ quê ngày ấy dẫu ra chốn thị thành thì vẫn không thể nào quên được những mùa trung thu thơ ấu. Một ánh trăng, một làn hương cũng gợi về bao nhớ thương khiến con tim thổn thức rung ngân...

Tôi bỗng thèm được nghe lại câu thơ cũ của một người bạn cũ: "Này em, rằm đã quy y/ trăng xưa cũng đã từ bi ngồi thiền"...

Tôi bỗng thèm được bé lại một chiều bên hiên nhà làm đèn ông sao. Chiếc đèn làm bằng cật tre uốn lại và dán bằng giấy mầu xanh đỏ

Đó là những chiếc đèn được tạo ra từ nụ cười và bàn tay nhỏ bé của đám trẻ con tóc râu ngô. Có những chiếc đèn ông sao năm cánh không đều nhau, lớp giấy ở ngoài thì nhăn nhúm nhưng vẫn dễ thương làm sao.

Bởi cuộc sống ngày ấy quá khó khăn nên những thú vui cũng trở nên bình dị. Phong cảnh thiên nhiên như cũng đồng cảm háo hức cùng lũ trẻ vui tết trung thu: "Chuối ngự ngồi ngắm ốc sên/ thị khoe thơm thảo trên miền xanh nhung/ đầu làng trống ếch tùng tùng/ đèn ông sao rước thung dung hai hàng"...

Đường làng trăng tỏa sáng, tôi cùng bạn bè đi khắp các nẻo đường, ngõ xóm hát những câu đồng dao mà mẹ tôi từng dạy: "Thùng thình thùng thình/ trống gọi trăng lên/ gọi ông sao sáng /thắp đèn lung linh/ tùng dinh tùng dinh"...

Đi đầu là đội trống. Trống cái đặt trên chiếc xe đạp. Một người dắt xe, người kia tay giữ và đánh trống. Thằng bạn cạnh nhà được mẹ mua cho chiếc trống cơm vòng dây qua cổ vừa đi vừa đánh có vẻ hãnh diện lắm. Tôi chỉ có hạt bưởi khô xâu vào dây chuối làm vòng đeo cổ, chờ về phá cỗ mới được đốt. Cứ đi một đoạn chị phụ trách lại ra hiệu cả đoàn dừng lại và bắt nhịp cho chúng tôi hát vang những bài hát quen thuộc. Rồi chị đọc thơ của Bác Hồ gửi thiếu nhi: "Trung thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng".

Rước đèn vòng quanh hết các con đường trong xóm chúng tôi trở về sân hợp tác liên hoan. Mâm cỗ trung thu được đặt trong cái nia to do các nhà trong xóm góp lại. Chỉ là mấy túi kẹo trứng chim, kẹo lạc, quả na, hồng, bưởi. Đơn giản là vậy nhưng đứa nào cũng chờ các anh chị phụ trách phát đến lượt mình. Chúng tôi vừa liên hoan vừa hát vui vẻ. Vầng trăng tròn vạnh như chiếc đèn trời khổng lồ tỏa ánh sáng dịu mát xuống làng quê.

Trở về nhà, mẹ bảo tôi trải chiếc chiếu cói ra giữa sân và hạ lễ trên bàn thờ xuống. Gọi là lễ nhưng cũng rất đơn giản, một nải chuối tiêu và mấy quả hồng, quả bưởi, quả na. Đặc biệt nhất là đĩa xôi lạc thơm bùi. Cả nhà phá cỗ thật vui. Càng về khuya trăng càng sáng. Trăng dát vàng loang loáng trên những tàu lá chuối sau vườn, trăng ướt đẫm sương đêm. Tôi nằm vắt chân chữ ngũ, ngửa mặt lên trời mơ màng ngắm nhìn trăng rồi tưởng tượng vầng trăng trên cao kia là cung Hằng, ngôi nhà của một nàng tiên mang tên Hằng Nga. Những đêm trăng sáng nhất trong năm, nàng diện bộ xiêm y lộng lẫy, nhìn xuống trần gian mỉm cười để đáp lại nỗi mong chờ của lũ trẻ con.

Nhà tôi gần chùa, mỗi đêm rằm lũ trẻ con thường ra chơi rồi xin lộc. Có đôi anh chị hát chèo rất hay, bài dài lắm nhưng tôi chỉ thuộc hai câu: "Trăng hiêng hiếng mắt sân chùa/ Thị Mầu ăn dở của chua lên đồng"...

Vầng trăng có đôi mắt “hiêng hiếng” ấy cứ găm vào trí nhớ của tôi cho đến tận bây giờ

Cuộc sống ngày một đổi thay, nhưng mùa trăng thì luôn về đúng hẹn. Mỗi dịp trung thu đến, phố phường lại rực rỡ đèn ông sao, đèn kéo quân, đầu sư tử... Các cửa hàng trưng bầy nhiều loại bánh nướng bánh dẻo, mẫu mã vô cùng đa dạng. Trung thu không chỉ còn là tết của trẻ con, mà là tết đoàn viên của mỗi gia đình.

Trăng thu vẫn sáng, vẫn đẹp như kí ức của những mùa trăng xưa, dù nắng mưa chưa lỡ hẹn bao giờ.

Nội dung: Lê Phương Liên

Ảnh: Tư liệu Internet

Đồ họa: Mai Huyền