{name} - {time}
Tôi từng đọc trong một cuốn sách nào đó, viết rằng: “Người ta chỉ ngắm hoàng hôn khi họ cảm thấy buồn”. Nhưng cho dù kết thúc có thể là một nỗi buồn, thì hãy biến nó thành nỗi buồn đẹp.
Từ ngày còn bé tôi đã thích ngắm mặt trời lặn. Khi ấy nắng không còn rát rạt, mặt trời đỏ tía như một quả cầu treo lơ lửng trên ngọn tre phía cuối bờ sông. Ở quê chẳng ai gọi đó là hoàng hôn. Chỉ sau này học hành đi xa mới cảm nhận được. Đối với những người sống xa quê, hoàng hôn đã trở thành biểu tượng của nỗi nhớ, gợi nhắc kí ức về một thời thơ ấu đã xa. Và đó cũng là một cách để ta trở về tìm lại sự bình yên.
Đôi khi hoàng hôn như một vòng tròn thời gian, không chỉ là biểu tượng cho năm tháng, mà còn là ẩn dụ cho dòng chảy ý thức của mỗi người. Dòng chảy ấy đưa tôi trở về làng khi mùa gặt đã vãn. Cả cánh đồng chìm trong ráng chiều. Nhìn xa, hoàng hôn chín như một giấc mơ đồng quê không rõ hình hài, nhưng đậm dư vị. Hoàng hôn là lời thì thầm của quê hương, là tiếng vọng của những mùa đã xa... Bất giác tôi nhớ hai câu thơ mình viết khi còn rất trẻ: “Ngày hoàng hôn xanh/ mùa bỏ quên em trên nhành hoa bưởi/ tháng ba năm ấy thật dài”... Đó là ngày mà tôi và người bạn thân nhất chia tay, ngày mai anh lên đường. Khi ánh hoàng hôn cuối cùng trổ lên trời những vì tinh tú, là khi những điều thầm kín nhất bừng dậy, đó là phần mà ban ngày không chạm tới. Và trong giây phút ấy, hoàng hôn bỗng thật là xanh... biếc xanh màu ước vọng. Hoàng hôn ở quê không chỉ là sự kết thúc của một ngày mà còn là sự bắt đầu của một đêm đầy huyền bí. Những phút giây đắm chìm trong hoàng hôn thường mang lại cảm xúc khó diễn đạt. Chút tiếc nuối về sự cách xa, hay trân trọng một hồi ức đẹp sẽ không bao giờ trở lại. Bởi hoàng hôn cũng như thanh xuân đời người, đẹp mà ngắn ngủi.
Ngắm những khoảnh khắc hoàng hôn trên cánh đồng, ta mới hiểu thiên nhiên thật sự là một nghệ sĩ tài ba. Phía xa là con sông xanh mát hiền hòa ôm trọn triền đê dài có hàng tre mềm mại đang dịu dàng soi bóng. Trong mênh mang ráng chiều rơi nhẹ, bầu trời bừng sáng với những gam màu đỏ, cam, vàng tím. Con đò chở khách ngại qua cầu vẫn vọng về lời ai hát năm xưa: “Đầu mùa nắng nói yêu em/ hoàng hôn thêu vội đóa sen lên chiều/ cuối mùa nắng bảo thôi yêu/ hoàng hôn vi vút những điều rổng rông”... Rổng rông là gì thì chỉ sông kia là biết.
Hoàng hôn ở làng quê luôn huyền ảo tuyệt vời như thế. Nó khác biệt hoàn toàn so với khung cảnh hoàng hôn nơi phố phường đầy xe cộ và khói bụi. Tôi yêu không khí của làng quê thanh bình. Yêu tiếng sáo diều vi vút du dương có đàn trâu ung dung gặm cỏ. Yêu những chú cò trắng đứng trên lưng đê, ngác ngơ nhìn những đứa trẻ nhảy múa trong ánh nắng cuối ngày. Yêu cả những câu thơ hồn nhiên viết cho em ngày cơm mới: “Đàn cò trắng ven đê/ mải ngắm đồng lúa chín/ hoàng hôn sắp tắt rồi/ chưa chịu về cò ơi!”
Không ai nhớ chính xác hoàng hôn xuất hiện vào lúc nào. Chỉ là vào cuối chiều, bất ngờ ta bắt gặp ánh sáng mặt trời dịu dàng. Bức tranh tuyệt vời hiện ra ngay trước mắt. Khoảnh khắc đẹp nhất của hoàng hôn là khi tia nắng vàng mong manh còn vương lại, nó làm cho không gian trở nên bình yên hơn. Khi ấy bà tôi thường bảo: “Tôm đi chạng vạng, cá đi rạng đông, cháu mang vó ra cho kịp nhé!” Trong ánh chiều tà những đứa trẻ của làng rang thính xong là hò nhau ra hồ để cất vó. Mùi cám thơm trộn với mùi mồ hôi, mùi cá kho của những căn bếp trong làng quyện vào nhau làm cho hoàng hôn cũng mang đầy dư vị. Đặc biệt, vào những ngày đông lạnh giá, chút nỗ lực cuối cùng của mặt trời như một món quà với màn trình diễn đầy màu sắc. Chúng tôi bỗng thấy ấm áp hơn, mặc dù đứa nào cũng chỉ phong phanh vài tấm áo vá mặc trùm lên nhau.
Và cũng chẳng biết tự bao giờ, tôi thích ngắm hoàng hôn một mình. Không có ai bên cạnh, nhưng không thấy cô đơn. Như thể ai đó vừa rời khỏi khu vườn còn để lại dấu chân trong cỏ và chút hương thầm trong gió. Mọi thứ đang trôi như một thước phim quay chậm. Không gian không có ranh giới. Màu sắc không cần thời gian. Tôi lặng chìm trong thế giới của hoài niệm, nhắm mắt lại để nhớ những hạt mưa màu lam in dấu trên ô cửa kính năm nào... Trong thế giới ấy, mọi bon chen đã lùi xa. Chỉ còn lại sự an yên đang tiếp tục, chậm rãi, dịu dàng, như một lời nhắc nhẹ: Hãy cứ sống như lá, như hoa, như thiên nhiên để yêu thương tất cả... Khi ấy hoàng hôn chính là ánh nhìn tỉnh thức. Như một nhân chứng giữa cuộc tuần hoàn, như chính ta đang quan sát đời mình trôi qua trong vô vàn vai diễn.
Nếu bình minh mang đến sự tinh khôi trong trẻo thì hoàng hôn lại đem về vẻ đẹp lộng lẫy khó tả.
Nhưng mỗi chúng ta, ai cũng đều hiểu rằng hoàng hôn không phải lúc nào cũng yên bình. Để có được một hoàng hôn đẹp, thiên nhiên đã phải trả bằng bao nhiêu cơn bão tàn khốc, bao trận lũ lụt kinh hoàng... và chúng ta cũng vậy. Để có một hoàng hôn đẹp, đôi khi phải trả bằng nhiều nghị lực và cả nước mắt. Đằng sau những điều đẹp đẽ thường được xây dựng trên nền của những thử thách khốc liệt.
Tôi từng đọc trong một cuốn sách nào đó, viết rằng: “Người ta chỉ ngắm hoàng hôn khi họ cảm thấy buồn”. Nhưng cho dù kết thúc có thể là một nỗi buồn thì hãy biến nó thành một nỗi buồn đẹp. Khi ấy, hoàng hôn dù trầm lặng cũng đẹp một vẻ đẹp riêng có, vì hoàng hôn chính là điểm nối giữa ngày và đêm, giữa bóng tối và ánh sáng.
Nội dung: Lê Phương Liên
Ảnh: Tư liệu Internet
Đồ họa: Mai Huyền
Xuất bản: 5:25:07:2025:19:00
{name} - {time}