(Baothanhhoa.vn) - Thời gian gần đây, thời tiết tại nhiều tỉnh thành diễn biến thất thường, là điều kiện thuận lợi cho nhiều mầm bệnh phát triển.

Triệu chứng, phương pháp điều trị và cách phòng tránh bệnh cúm A

Triệu chứng, phương pháp điều trị và cách phòng tránh bệnh cúm A Bệnh nhi điều trị cúm tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)

Thời gian gần đây, thời tiết tại nhiều tỉnh thành diễn biến thất thường, là điều kiện thuận lợi cho nhiều mầm bệnh phát triển.

Một số bệnh viện trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân đủ mọi lứa tuổi. Trong số trẻ em đến thăm khám có chỉ định làm xét nghiệm mỗi ngày, có khoảng 100-150 trường hợp có kết quả mắc cúm, chủ yếu là cúm A. Trong đó, 15% ca nặng phải nhập viện điều trị.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số ca mắc cúm A đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở trẻ nhỏ, trong đó có nhiều ca diễn biến suy hô hấp nặng, phải thở máy.

Cúm A là gì?

Cúm là một bệnh nhiễm virus cấp tính đường hô hấp. Virus cúm lây nhiễm ở người có thể được phân thành ba nhóm chính là A, B và C.

Cúm A là căn bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường lưu hành khi thời tiết chuyển mùa, do các chủng virus cúm phổ biến như A/H1N1, A/H3N2, A/H5N1, A/H7N9 gây nên.

Nhiễm cúm loại A có thể nghiêm trọng và gây ra đại dịch bệnh trên diện rộng, một số trường hợp nhẹ hơn, cúm có thể tự khỏi mà không có triệu chứng đáng kể, các trường hợp nghiêm trọng của cúm loại A có thể đe dọa đến tính mạng.

Cúm A thường xuất hiện nhiều hơn trong các dịch bệnh cúm mùa và gây ra các đại dịch vì virus cúm A có khả năng thay đổi và phân nhóm nhanh tạo ra các chủng mới từ mùa cúm này sang mùa cúm khác. Việc tiêm phòng cúm trong quá khứ sẽ không ngăn ngừa nhiễm trùng từ một chủng mới.

Cúm A lây lan qua đường nào?

Virus cúm A có thể lây truyền trực tiếp trong không khí thông qua đường hô hấp. Khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, các giọt bắn kèm theo virus thoát ra ngoài có thể tiếp cận người khác và lây truyền bệnh bằng việc hít phải hoặc chạm phải đồ vật có virus.

Ngoài ra, một người có thể bị nhiễm cúm A khi sử dụng chung vật dụng sinh hoạt với người bị nhiễm bệnh hoặc vô tình tiếp xúc với các đồ dùng trong nhà sau đó đưa lên mũi, miệng; tiếp xúc với các động vật có nhiễm cúm như lợn, ngựa, gia cầm; tập trung nơi đông người như trường học, công viên, nơi công sở,...

Cúm A có nguy hiểm không?

Theo các chuyên gia y tế, cúm A là một loại cúm mùa có biểu hiện giống với các loại cúm thông thường nhưng có biến chứng nguy hiểm hơn nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách.

Bệnh cúm A là căn bệnh phổ biến, nguy hiểm đối với người lớn và trẻ em, đặc biệt dễ lây lan. Các chủng virus cúm A có khả năng tồn tại lâu trong môi trường bên ngoài, có thể sống lên đến 48 giờ trên các bề mặt như tay nắm cửa, bản, ghế, tủ... Virus có khả năng tồn tại trong quần áo lên đến 12 giờ, duy trì 5 phút trong lòng bàn tay.

Bệnh cúm A ở người có triệu chứng từ nhẹ đến nặng, khác nhau tùy theo tình trạng sức khỏe của từng người. Các triệu chứng khi nhiễm virus cúm A có một số điểm tương đồng với khi nhiễm chủng virus cúm thường.

Nếu không được điều trị đúng cách, một số đối tượng như người già, trẻ em, người có hệ miễn dịch suy yếu sẽ dễ dàng mắc thêm các bệnh khác hoặc gặp các biến chứng nặng dẫn đến nguy cơ đe dọa tính mạng.

Biến chứng nặng nhất khi mắc bệnh cúm A là suy hô hấp, với triệu chứng khó thở, thở gấp, đờm có lẫn máu... dẫn đến viêm phổi, thiếu ôxy và thậm chí là tử vong.

Do đó ngay khi có dấu hiện bị sốt, viêm đường hô hấp, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế gần nhất để xét nghiệm và chẩn đoán có bị mắc cúm A hay không để có cách điều trị phù hợp.

Đối tượng dễ bị cúm A

Đối tượng nào cũng có thể mắc cúm A. Tuy nhiên, một số trường hợp sau cần chú ý có nguy cơ mắc cao và diễn tiến nặng hơn, gồm trẻ em dưới 5 tuổi, trong đó trẻ em dưới 2 tuổi có nguy cơ nhiễm cao nhất; người lớn trên 65 tuổi; những người có bệnh mãn tính như tiểu đường, tim phổi, suy thận, suy gan và suy giảm miễn dịch; phụ nữ mang thai, đặc biệt trong 3 tháng giữa hoặc cuối thai kỳ; bệnh nhân suy giảm khả năng nhận thức, rối loạn thần kinh, động kinh,...; những người làm việc ở môi trường đông người như trường học, bệnh viện, công sở có nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Triệu chứng cúm A

Các dấu hiệu của cúm A rất dễ nhận biết như ho, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, hắt hơi, đau họng, đau nhức cơ thể.

Những trường hợp cúm A kéo dài, bệnh diễn biến nghiêm trọng có thể gây tức ngực, khó chịu và ho khan.

Khi trẻ em bị nhiễm cúm A, triệu chứng sốt thường phổ biến với trẻ dưới 24 tháng tuổi. Khi cúm A ở thể nhẹ, trẻ có thể sốt từ 38 độ trở lên, kèm theo nhức đầu, mỏi cơ, lười vận động, ho. Trong một số trường hợp, trẻ có thể nôn trớ nhiều lần, háo nước...

Trẻ mắc cúm A nghiêm trọng có thể bỏ bú, bỏ ăn, lòng bàn tay, gan bàn chân lạnh, thở nhanh, li bì. Một số trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, trẻ có thể sốt cao kèm co giật.

Bệnh nhân cần nhập viện khẩn cấp khi có các triệu chứng như sốt trên 39 độ C, không đáp ứng thuốc hạ sốt hoặc co giật; khó thở, thở nhanh hoặc nhịp thở bất thường; đau ngực hoặc đau cơ nhiều; tím môi và đầu chi, tay chân lạnh.

Biến chứng bệnh cúm A

Cúm A thường tiến triển không quá nặng, tuy nhiên đối với những người mắc bệnh lý về tim mạch, hô hấp hoặc các trẻ nhỏ và người lớn tuổi thường sẽ trở nặng, có thể gây tử vong.

Biến chứng viêm phổi thường gặp ở đối tượng trẻ em, người trên 65 tuổi, người mắc bệnh mạn tính, bệnh mạch vành, suy tim, tiểu đường,...

Triệu chứng, phương pháp điều trị và cách phòng tránh bệnh cúm A Bệnh nhi cúm A tại Quảng Ninh. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngoài ra, bệnh còn gây viêm tai giữa, viêm xoang, nhiễm trùng đường tiết niệu và một số triệu chứng như sốt cao, khó thở, phủ phổi, tím tái.

Với phụ nữ mang thai, nếu mắc cúm A có thể gây biến chứng viêm phổi và sảy thai. Biến chứng nguy hiểm nhất của cúm A là phù não và tổn thương gan trầm trọng, tỷ lệ tử vong cao.

Phương pháp điều trị cúm A

Đa số các loại cúm A có thể khỏi sau 7-10 ngày nếu điều trị đúng cách. Đối với các trường hợp mắc cúm A, thông thường bác sỹ sẽ chỉ định điều trị tại chỗ, chỉ một số ít bệnh nhân chuyển biến nặng cần phải cấp cứu kịp thời.

Tùy theo mức độ bệnh, bác sỹ sẽ lựa chọn các phương pháp điều trị cúm A tại nhà hay cần tới cơ sở y tế.

Khi điều trị tại nhà, người bệnh cần nghỉ ngơi nhiều nhất có thể; uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sỹ; uống nhiều nước, ăn uống chế độ hợp lý, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, đồ ăn dễ tiêu hóa, hạn chế uống nước lạnh; tắm nước ấm, mặc quần áo nhẹ, thông thoáng để giảm nhiệt độ cơ thể.

Nếu trường hợp sau 7 ngày các triệu chứng vẫn chưa thuyên giảm, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.

Trong thời gian đó, người bệnh nên hạn chế ra ngoài những nơi công cộng hoặc tiếp xúc với nhiều người, nếu có thì phải mang khẩu trang y tế.

Đối với những trường hợp bệnh tiến triển nặng, người nhà cần đưa bệnh nhân đến các cơ sở khám chữa bệnh để kịp thời cấp cứu và điều trị để được theo dõi, xét nghiệm và chỉ định dùng thuốc kháng virus phù hợp.

Thuốc được chỉ định để điều trị cúm A không biến chứng cho trẻ trên 1 tuổi và người lớn là Tamiflu. Nếu thuốc được dùng trong 48 giờ, thời gian điều trị sẽ rút ngắn còn 1-3 ngày. Các trường hợp biến chứng nặng sẽ được bác sỹ chỉ định điều trị cùng các loại thuốc kháng sinh khác.

Lưu ý thuốc Tamiflu không phải là thuốc đặc trị chữa cúm A mà chỉ là thuốc hỗ trợ điều trị, do đó hiệu quả tối đa nhất khi sử dụng trong vòng 24 giờ.

Biện pháp phòng ngừa cúm A

Có rất nhiều biện pháp phòng ngừa cúm A cho trẻ em và người lớn, tuy nhiên Bộ Y tế khuyến cáo khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc cúm, người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra và chẩn đoán chính xác bệnh. Từ đó, có các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho những người xung quanh.

Thường xuyên rửa tay bằng dung dịch cồn hoặc xà bông tiệt trùng sau khi cầm nắm đồ vật hoặc đến nơi công cộng, hạn chế tiếp xúc người nghi mắc cúm, tránh tập trung nơi đông người trong mùa dịch.

Vệ sinh nơi ở, nơi làm việc với dung dịch sát khuẩn, mở cửa sổ thông thoáng.

Tăng cường sức đề kháng bằng việc tập luyện thể dục, chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh.

Tiêm vaccine cúm đầy đủ, đúng lịch, nhất là các đối tượng có nguy cơ nhiễm cúm cao cần được tiêm phòng trước mùa dịch./.

Theo TTXVN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]